Người cha đạo gật sâu đầu xuống, dằn từng tiếng:
– Cha biết rồi.
Ma-ri chợt hiểu:
– À, thưa cha, ai tổ chức cứu tế ạ?
– Ai thì cha chưa biết. Nhưng chắc chắn là các quan.
– Quan Tây hay quan An-nam ạ?
– Cố nhiên là quan Tây mới biết thương xót người Tây. Nhưng muốn kín đáo, các quan Tây bảo các quan An-nam tổ chức.
– Chắc là hội Khai Trí Tiến Đức phải tổ chức, cha ạ.
Lão Hảo gật đầu:
– Có thể.
Ma-ri mừng rỡ:
– Thế thì may lắm. Chồng con có chân hội Khai Trí, chắc chắn được vào ban tổ chúc, tha hồ mà ăn bớt.
Người cha đạo cau mặt:
– Con có tính láu táu, nhiều câu con không nghĩ mà cứ nói bừa làm lắm lúc cha phiền lòng. Cha vẫn dạy con là khi muốn nói với cha hay với ai, con phải quay lưỡi bảy lần trước đã.
– Quay thế thì lâu lắm nhỉ.
– Nghĩa là nghĩ, nghĩ kỹ.
Ma-ri nhí nhảnh cười:
– Ồ, làm việc gì cũng phải nghĩ, thì mệt óc lắm. Thưa cha, thế ngộ nghĩ sai thì có làm không ạ? Con tưởng cứ bừa đi, rồi đâu sẽ vào đấy hết. Con mà hay suy nghĩ, thì có lẽ đến bây giờ con chưa có đứa con nào.
– Suỵt! Đương nói việc cứu tế. Thằng Thừa chín chắn hơn con. Nó là thằng làm được việc. Con về bảo nó đến hầu cha, để cha hỏi xem nó có thể giúp ban tổ chức việc gì, thì cha giới thiệu. Ban tổ chức phải là các quan, các bậc thượng lưu trong nước thì mới được tín nhiệm. Chồng con đã là thứ bậc gì mà vào ban tổ chức!
– Nếu ban tổ chức cần người có tín nhiệm, thì càng các quan càng không có tín nhiệm. Chồng con còn đáng tin cậy hơn các quan. Vì nó có ăn bớt, cũng không dám ăn bớt nhiều.
– Vào ban tổ chức không phải để ăn bớt, con không nên lầm thế. Nếu nó là hội viên hội Khai Trí Tiến Đức, thì cha dễ giới thiệu với ban tổ chức.
Ma-ri khoe:
– Vâng, nó mà mở sòng xóc đĩa cho chợ phiên, thì nó tranh hết khách của hội Khai Trí, cha ạ. Nó rủ bạn bè của nó ở các tỉnh về đánh rất to, tha hồ mà thu hồ.
– Được rồi. Con cứ bảo nó đến đây với cha, cố nhiên nó không ở ban tổ chức, nhưng nó có thể giúp ý cho ban tổ chức. Rồi ban tổ chức sẽ dùng nó. Nó kiếm lợi vào đó.
Ma-ri nũng nịu:
– Con có đạo thì cha không giúp. Cha lại chỉ nối giáo cho thằng giết người.
– Thế là cha giúp con. Cha dùng nó để giúp con. Cha làm như thi ân huệ cho nó để khuyên bảo nó theo đạo.
Ma-ri xua tay:
– Không ăn thua đâu, cha ạ. Nó bạc lắm.
– Với những người không biết tin ngay đạo lý, thì tôn giáo phải mua chuộc họ trước hết bằng danh lợi con nghe chưa? Thôi, con về nhé.
Thừa được thầu dựng những căn nhà cho chợ phiên. Chợ phiên tổ chức tại vườn Bách Thảo để lấy tiền cứu dân bị lụt bên nước Pháp. Mở ba ngày liền. Vì dịp này là dịp ngày lễ vào hôm thứ sáu trong tuần, nên các công sở được nghỉ luôn cả hôm thứ bảy. Quảng cáo là ngoài hàng bán, còn có nhiều cuộc vui. Trong nhiều cuộc vui, có xổ số lấy đồ đạc và những cuộc thi, hôm kết thúc có thi xe hoa, thi khiêu vũ, và thi sắc đẹp. Nhưng những cuộc thi chưa làm cho khách các tỉnh chờ đợi và mong mỏi bằng các sòng bạc, có đủ cả xóc đĩa, trạc-xếch, và đố chữ. Thừa nhờ ông Lăng gọi cho hắn xừ Tuynh, để xừ giúp mua vật liệu và thuê thợ.
Ngoài những dãy nhà dài chia ra từng ngăn nhỏ để bày hàng, đựng rải rác ở cạnh đường đi, trên đỉnh Khán Sơn, có nổi lên một căn nhà lớn, rộng. Đó là sòng bạc. Thừa được phép dựng riêng một quán giải khát cho Ma-ri ngay ở lối lên núi. Quán này có hai ngăn. Ngăn ngoài hẹp, để bày cốc tách cho Ma-ri bán kem, rượu, bia, nước chanh, v.v… Ngăn trong rộng chia bằng liếp thành ba buồng nhỏ, kê vừa một cái giường khổ hẹp. Vì liếp có phết giấy, nên buồng nào cũng kín đáo. Thừa bảo buồng ấy dùng cho khách đánh bạc thức đêm có mệt thì ngả lưng tạm. Nhưng thực tế, khách đánh bạc chẳng ai biết mình được săn sóc chu đáo như thế. Biết có thứ buồng cho thuê ấy, chỉ có những cặp trai gái muốn tình tự chốc lát với nhau thôi.
Thừa được trưng sòng bạc, mỗi ngày hai mươi bốn giờ, hắn phải nộp tròn cho ban tổ chức ba trăm bạc thuế.
Vì chợ phiên được cổ động mạnh bằng những câu ca dao đăng trên khắp các báo hàng ngày, lại vì các quan ở mấy tỉnh lân cận Hà Nội sức cho tổng lý phải làm việc nghĩa, cho nên hôm khai mạc, khách có nhiệm vụ phải có mặt, khách bắt buộc phải có mặt, và cả khách tự ý đi tìm vui thú, đến chợ phiên rất đông.
Để được trọng thể, ban tổ chức mời bà thống sứ cắt băng tam tài chăng ngang ở cổng. Một ông áo gấm, thẻ ngà, mề đay đọc đít-cua. Ba chục thiếu nữ, cả Pháp lẫn Nam, những cô có tiếng là đẹp ở Hà Nội, mặc những bộ quần áo sang trọng nhất, cứ hai cô một, một cô đưa mấy ngón tay búp măng, miệng nhoẻn cười, gắn huy hiệu từ thiện vào ngực cho quan khách, một cô giơ cái hộp gỗ phát giấy ba màu xanh, trắng, đỏ, để nhà từ thiện đút tiền vào. Có những cô khéo léo đã làm cho khách vui lòng cúng cả tờ giấy bạc hai chục. Giấy các màu cắt nhỏ lăn tăn, gọi tên là công-phét-ti được ném vào nhau như mưa hoa. Hôm nay là ngày vui, cho nên bất cứ ai ném công-phét-ti vào ai, cũng không bị mắng, còn được cười và ném lại là khác. Các cậu công tử An-nam ném vào các cô đầm non. Các bà vợ Tây già ném vào các bậc trai tơ tài hoa son trẻ. Cánh hoa giấy lăn tăn mắc vào tóc, nằm trên vai, bám vào lưng, vào ngực áo của nhau, là những vết kỷ niệm cho tình Pháp – Nam thân thiện. Chiều đến, khách tới tấp đến càng đông. Ánh điện sáng rực một góc trời. Máy phóng thanh mở những bài nhạc du dương. Làn gió hiu hiu đưa thoang thoảng mùi nước hoa của những món tóc bóng nhẫy và làm bay bay những tà áo tuyết trắng, cá vàng, bạch yến, hồ thúy, nhắt gừng, cặn vang, huyết dụ, lam mây của những cặp má phớt hồng, làm nổi bật ý nghĩa của bốn tiếng mới đặt là Hà thành hoa lệ.
Ma-ri đâm ghen với các thiếu nữ. Hắn không được đi rong chơi để diện với trai, vì hắn phải làm việc. Hắn mặc bộ nhiễu đen, tuy không được ra ngoài, phải đứng trong quán giải khát, nhưng hắn cũng rắc trên tóc và trên vai một ít công-phét-ti tím, hồng, xanh, trắng… Vì đã quen nghề bán kem ở Bờ Hồ, nên hắn nhanh mồm nhanh miệng đon đả với khách. Khách qua hàng hắn, cứng lắm mới thản nhiên được trước khóe mắt thôi miên của hắn.
Nhưng không gian hàng nào tấp nập bằng sòng bạc. Suốt từ chín giờ sáng cho đến gần tang tảng, lúc nào con bạc cũng đông nghìn nghịt. Thừa thuê được mấy cô gái non là con em của bà Ĩnh con, làm hồ lì và hàng sáo. Cô nào cũng mặc quần áo mỏng tang để luôn luôn vô ý mà quệt ngực vào tay khách, làm cho khách hãm tài.
Đến hôm thi sắc đẹp, Ma-ri quyết dự thi. Hắn không mặc quần đùi, không mặc yếm, không mặc áo ngắn. Hắn mặc quần voan trắng, áo dài voan trắng, thứ hàng mỏng nhất. Nhưng Thừa bảo:
– Em dự thế nào được. Đây là cuộc thi sắc đẹp cho các bà các cô khuê các kia mà?
Hắn cãi:
– Tây lai không là khuê các à?
Hắn hỏi ý kiến ban giám khảo. Ban này phân tách hồi lâu. Gần cả ban căn cứ vào nguồn gốc, để nhất định rằng con lai không do dòng dõi tử tế đẻ ra, thì không phải là khuê các. Chỉ có một người căn cứ vào ảnh hưởng của nhà trường, ảnh hưởng của xã hội, có thể thay đổi được tính nết con người, thì người lai vẫn có thể trở nên khuê các. Nhưng người này tìm thêm một lý rất cứng:
– Thế các ngài cho người Pháp là thế nào, mà bảo con của người ấy không phải là khuê các. Tôi không có óc bài Pháp, nên tôi nhất định bênh người lai.
Thế là tất cả mọi người như bị tắc họng. Cho nên Ma-ri được dự thi. Và trong bảy người lần lượt diễu trên cầu bạc để công chúng ngắm nghía và ban giám khảo định giải, thì Ma-ri là người được vỗ tay lâu nhất, và được mời đi lần thứ hai nữa, cho mọi người thưởng thức. Bởi vì phía bên kia chiếc cầu bạc, là hai ngọn đèn pha hát ánh sáng trắng lên, ánh sáng trắng chói, thắng cả màu trắng mờ của bộ quần áo voan mỏng mà Ma-ri mặc. Cho nên chẳng lẽ bắt Ma-ri đi lại đến lần thứ ba, không những ban giám khảo, mà cả dư luận nữa, đều rất có cảm tình với những nét cong trong thân thể Ma-ri. Ai nấy đồng thanh quyết định Ma-ri được giải nhất.
Một tràng pháo tay dài đến năm phút mừng hoa khôi của chợ phiên. Công-phét-ti ném vào nàng như mưa rào. Những con mắt tít lên, nhìn theo, những mùi soa phần phật vẫy theo, cho đến lúc tà áo của nàng khuất vào đám đông.
* * *
Trong số những người đến chợ phiên để quăng tiền đi, mà họ yên trí là làm việc thiện, ta phải kể tên lão hàn Xương, người em rể bà huyện Dần, có cái nhà mã bán cho Thừa hồi trước.
Ta còn nhớ rằng hàn Xương bán cái nhà ấy, nói rằng để giúp người chú lo đi tri phủ Kiến Xương. Thật ra với món tiền bán nhà, hắn đã mua rẻ được cái đồn điền của người chú ấy, gồm ba nếp nhà gạch lớn, với ngót một trăm mẫu ruộng ở Cẩu Rồng, thuộc hạt Vĩnh Yên. Ta lại nhớ rằng hồi này, hàn Xương đã mê tít Ma-ri nên bán cái nhà toàn lim với xi măng cốt sắt làm trên miếng đất rộng hơn hai trăm thước vuông, hắn chỉ cậy nổi của người yêu được có một nghìn năm chục.
Tậu được đồn điền, anh chàng đĩ tính đem vợ về Cẩu Rồng để hưởng an nhàn. Nhưng được vài tháng thì vợ hắn chết.
Đời hắn thiếu một người đàn bà.
Hắn phải luôn luôn tìm đàn bà để giải buồn.
Vì vậy, tuy ở tận Vĩnh Yên, nhưng chẳng tuần lễ nào anh chàng dại gái này không về Hà Nội vài ngày, vui thú với những người đàn bà dưới xóm cô đầu hoặc ở trong tiệm nhảy. Và cũng vì quá được tự do để trác táng, hàn Xương vốn đã gầy, bây giờ hắn càng gầy và càng khô.
Thừa trông thấy hàn Xương vào sòng bạc, thì hắn nhận ra ngay, vì phải chiều khách, hắn niềm nở bắt tay hàn Xương và hỏi thăm về gia đình. Khi hàn Xương cho hắn biết là góa vợ, thì tự nhiên Thừa mừng lắm. Hắn nghĩ ngay rằng thằng cha này nhất định phải là người hứng lấy cái nợ Ma-ri thay cho hắn.
Cố nhiên hàn Xương hỏi thăm lại Thừa về gia đình, tuy lúc lên sòng bạc, hắn đã nhìn thấy cố nhân đương tíu tít phục vụ khách.
Thừa đưa hàn Xương xuống hàng giải khát của Ma-ri. Hai người gặp nhau.
Hàn Xương thấy nhan sắc Ma-ri không kém trước thì ngây ngất cả người.