Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Lên đến gác, tự nhiên ông Lăng đứng dừng lại, đập tay vào hai túi quần kêu loảng xoảng, ông lấy tất cả hào và xu ra, cúi xuống, nhét vào các kẽ nhỏ rải rác trên mặt sàn. Thấy hai vị khách trố mắt nhìn, ông nói:

– Đây là chỗ để ê-cô-nô-mi-dê[26] tiền của gia đình. Tôi, ma-phăm[27], mê-dăng-phăng[28], thỉnh thoảng ai có tiền lẻ, thì cất vào trong trần này. Ê-cô-nô-mi-dê mà bỏ ống, thì lúc túng tất bổ ống ra. Nhưng cho vào đây thì chịu phép, vả lại, trên sàn có nhiều kẽ, ai muốn bỏ vào kẽ nào thì bỏ, tức là chả ai biết chỗ nào có bao nhiêu tiền. Không có lẽ bổ cả sàn gác ra mà lấy tiền, sở dĩ tôi làm như vậy, là vì tôi trông xa. Sau này, nói đổ xuống sông xuống biển, ngộ chúng tôi sa sút, hoặc mê-dăng-phăng nghèo túng, thì cũng cứ phải giữ cái nhà này để ở. Bán đi thì mất món tiền trong trần, có thể là to rồi. Đến khi cái nhà mình hỏng, muốn rê-pa-rê[29], anh em chúng nó khỏi phải đùn nhau bỏ tiền, cứ việc phá cái trần nát mà lấy món để dành ra thôi. (*[26] Để dành. *[27] Vợ tôi. *[28] Các con tôi. *[29] Sửa chữa.)

Anh Thừa lắc đầu lè lưỡi, nhìn ông Hoài Tân Tử.

Ông Lăng mời hai người ngồi quanh cái bàn bằng gỗ tạp. Anh người nhà bưng cái khay bày ba chiếc cốc với một chai rượu bia. Ông Lăng khoe:

– Quý vật đãi quý nhân! Bia này là hạng ăng-xi-ăng[30], bây giờ làm gì có! Tôi bỏ quên trong gậm sập mười một chai từ mấy năm nay, hôm qua dọn dẹp mới lại thấy. Thật là buồn cười. (*[30] Cũ.)

Cả ba cùng cười cái việc không buồn cười.

Khi ông Lăng cho là chuyện vui đã nói đủ, ông mới bắt đầu vào công việc. Ông ngồi nghiêm trang lại, xoa hai bàn tay vào nhau:

– Thưa hai ngài, hôm nay chúng tôi mời hai ngài đến để bàn bạc việc mở báo, được hai ngài không quản bận bịu, hạ cố đến tệ xá, chúng tôi cảm động lắm. Chúng tôi cảm ơn ngài (ông nhìn ông Hoài Tân Tử) đã điều đình với ngài đây (ông trỏ vào anh Thừa) thôi việc mở báo của ngài để cộng tác với tôi. Hôm nay được tiếp hai ngài, tôi lấy làm hân hạnh lắm.

Cả hai vị đều lễ phép trả lời:

– Không dám.

– Chúng tôi là người biết retx-pếc-tê[31] nhà văn tự, các bậc đã lao tâm khổ tứ đem ngòi bút dìu dắt những người lao động như chúng tôi… (*[31] Kính trọng.)

Ông Hoài Tân Tử ngắt lời:

– Xin giao hẹn thế này. Chúng ta nhất kiến vi cựu, thì nên xưng hô thế nào cho thân. Xin rằng cụ nhiều tuổi, chúng tôi coi như đàn anh, thì cụ cho phép chúng tôi gọi cụ bằng cụ. Còn cụ gọi chúng tôi bằng ông.

Anh Thừa gật:

– Đúng. Xin cụ cứ gọi thế để dễ nói chuyện. Vả chúng ta là những người chuộng thực tế, thì xin bớt những xã giao, khách sáo thì hơn.

Ông Lăng đáp:

– Vâng, hay lắm.

Ông Tình muôn thuở cười:

– Thế thì tôi xin nói trước, cụ chủ đây muốn mở tờ báo hàng ngày, lấy tên là Chấn Hưng. Cụ nhờ tôi đi mời người đứng chủ bút để thành lập tòa soạn. Thì bây giờ, vị sáng lập đây, vị chủ bút đây, mời hai vị thương lượng với nhau.

Ông Lăng nói với anh Thừa:

– Vâng. Chắc ông Hoài đã nói rõ với ông về mục đích của tờ báo.

– Đã ạ. Mục đích là chấn hưng tất cả các mặt trong xã hội ta. Rất hay!

Ông Lăng ngớ mặt:

– Còn cái mục đích chính, là tờ báo mở ra, tôi đứng tên sáng lập, để sang năm ứng cử nghị viên tư vấn Bắc kỳ. Xin ông nhớ kỹ cho.

Anh Thừa đáp:

– À vâng, tôi quên, không nói mục đích chính trước.

Ông Lăng hể hả:

– Tôi xin bỏ tất cả tiền ra, chỉ nhờ ông làm thế nào cho báo xuất bản sớm ngày nào hay ngày ấy, và làm sao lấy được nhiều ê-lếc-tơ[32], cho đến ngày bầu cử. Hai ông là những tay làm báo kỳ cựu, chắc là rất thạo nghề. Vậy tôi xin hai ông bàn cho kỹ, xem báo có những mục gì, cần mấy người trong tòa soạn, dự tính mỗi tháng phí tổn bao nhiêu, đến tháng thứ mấy thì tôi không phải bỏ vốn ra, tháng thứ mấy thì thu được lãi. Rồi hai ông cho tôi biết, để tôi trù tiền. Xin nói trước rằng tôi không là người chắt bóp. Khi phải cần tiền, tôi không dám tiếc. Tôi khoán tất cả các việc cho ông chủ bút. (*[32] Cử tri, Ông Lăng đã lầm với chữ lếc-tơ là độc giả. Vì ông muốn ra ứng cử nghị viên, nên đã lẫn lộn hai danh từ tiếng Pháp mà ông chưa quen nói.)

Anh Thừa nhắc lại cho ông Lăng nghe những điều mà ông Tình muôn thuở đã dạy anh. Anh nói rành rọt, biết nhấn mạnh vào những mục quan trọng, y như một tay báo lõi đời, đến nỗi ông văn sĩ vừa nghe, vừa gật gù, khen là đúng. Nhưng ông thầu khoán mỉm cười:

– Tôi thì cứ như vịt nghe sấm. Thôi, việc tòa soạn tôi cứ phó mặc ông. Chỉ mong sao báo ta có được nhiêu ê-lếc-tơ, ta có nên lấy ông Quỳnh, ông Vĩnh về báo ta không nhỉ?

Ông Hoài Tân Tử bật cười:

– Các ông ấy là chủ báo, lấy thế nào được?

– Ồ, thế sao bảo các ông ấy làm thuê cho chính phủ. Nếu không, thì có thể lấy những người viết báo Nam Phong về được không?

– Cũng không được. Sở dĩ tôi mời được ông Trần cộng tác với cụ, một là vì ông là bạn thân của tôi, hai là vì ông muốn mở báo riêng, chứ không định giúp báo Nam Phong lâu.

Anh Thừa đỡ lời:

– Đúng thế đấy ạ.

Ông Lăng nói:

– Tôi biết rồi. Nhưng tôi nghĩ thế này. Dù là viết báo Nam Phong, thì các ông ấy cũng phải ăn lương. Vậy ông Trần có thể lấy tình ca-ma-rát[33] mà lôi kéo các ông ấy về làm báo của ta không? Tôi tưởng việc này không khó, vì đáng các ông ấy ở báo Nam Phong ăn ca-răng[34], thì ta tăng lên xanh căng[35], ai lại chê đồng tiền bao giờ. (*[33] Bạn bè. *[34] Bốn chục. *[35] Năm chục.)

Anh Thừa lắc đầu:

– Các ông ấy không đi đâu.

Ông Hoài Tân Tử đỡ lời:

– Ông Trần nói đúng, bởi vì các ông ấy không quen làm báo hàng ngày, các ông ấy chỉ quen viết bài khảo cứu, nghị luận ở tạp chí. Tạp chí với báo hàng ngày khác nhau.

Ông Lăng hỏi:

– Thế ví dụ như trong nghề thầu khoán của tôi, thì cái gì là tạp chí, cái gì là báo hàng ngày?

Ông văn sĩ lắc đầu:

– Câu hỏi này khó đấy. Giá mà nằm quanh bàn đèn, tán róc với nhau một lúc, thì ra câu trả lời ngay. Bây giờ tôi chỉ có một mình, lại không ở trong nghề thầu khoán, nên không biết thế nào để ví dụ được.

– Thế thì khó hiểu lắm nhỉ. Này nhé, nhà nước muốn đắp một con đường, gọi chúng tôi đến bỏ thầu. Thì trước hết chúng tôi phải biết con đường ấy ở đâu, dài ngắn bao nhiêu, quanh đấy, đất cát hợp lệ gần hay xa, có tiếp giáp với hồ ao nhiều không, giá cả cu-li[36], tre pheo, thế nào, nhà nước đặt giá bao nhiêu một thước, có thể làm được không, hay bỏ thêm, bớt bao nhiêu, thì tranh được bạn đồng nghiệp. Và khi mình được thầu, phải làm thế nào mới có lãi. Đến lúc nhúng tay vào việc, mình phải mặc cả với ta-sơ-rông[37] thế nào, hàng ngày phải xem xét cu-li và đất cát có đúng như minh định hay không. Rồi lĩnh tiền thế nào, chi tiền thế nào. Ngày mưa, nắng, cho làm thế nào, bớt xén bao nhiêu tiền công. Vân vân. Đấy, như vậy thì thế nào là tạp chí, thế nào là báo hàng ngày, xin ông cho biết? (*[36] Phu phen. *[37] Cai thầu.)

Ông Hoài Tân Tử cười:

– Ví dụ làm báo với việc thầu không đúng lắm. Nhưng đại khái như thế này. Bây giờ nhà nước cho mình thầu đường. Thì tất nhiên muốn làm, cụ phải đem sự lịch duyệt trong nghề của cụ và của các ông đồng nghiệp ra để tính toán, xem làm thế nào thì được và có lãi. Tức là cụ đã làm việc khảo cứu, nghị luận của tạp chí đấy. Khi nhúng tay vào thầu, hàng ngày cụ phải đến phần đường để nhìn công việc tận mắt, xem có đúng với ý định hay không. Thế là cụ làm việc của báo hàng ngày đấy.

Ông Lăng ngẩn mặt ra nghĩ, rồi hỏi:

– Ừ, thế sao làm việc nhìn tận mắt lại có nhàn đàm hài đàm, với thơ?

Thấy câu ngớ ngẩn và đột ngột, ông Tình muôn thuở nín cười. Bỗng ông đập vào đùi, nói:

– À, thế này. Viết tạp chí chẳng khác gì làm cô đầu hát, chả già cũng đứng đắn, mà viết báo hàng ngày thì là cô đầu rượu, trẻ và nhí nhảnh.

Ông Lăng cười hà hà:

– Thế thì tôi hiểu rồi. Nhưng tôi tưởng làm tạp chí với làm báo hàng ngày, tuy hai việc, nhưng một người có thể kiêm được cả. Vì như trong nghề ăng-trơ-prơ-nơ, tôi tính toán, rồi chính tôi đi xem xét công việc.

– Nhưng làm báo khác ở chỗ tính toán là một người, còn xem xét công việc là một người khác. Người nào làm chuyên việc của người ấy. Nếu làm việc của người kia thì bỡ ngỡ, vụng về, có khi lại hỏng nữa. Bắt cô đầu hát mời rượu thì khách chán, bắt cô đầu rượu hát, thì như chọc vào lỗ tai quan viên.

Anh Thừa giảng thêm:

– Thế này là khác nhau nhé. Báo Nam Phong là quyển sách, mỗi tháng ra một kỳ, có bài dài ba bốn chục trang. Báo Trung Bắc là hai tờ giấy bốn trang rộng, ngày nào cũng ra một số, có bài chỉ ngắn mươi dòng.

Ông Lăng trố mắt:

– À, phải nhỉ. Tôi cứ tưởng người đã thạo làm báo, thì làm báo nào cũng được.

Anh Thừa thêm:

– Cho nên Nam Phong gọi là tạp chí, Trung Bắc gọi là nhật báo.

Ông Lăng gật gật:

– Vâng, vâng, tôi không lẫn lộn nữa.

Ông Tình muôn thuở nói:

– Ngay như chúng tôi cũng vậy, quốc dân cũng hay lẫn lộn cái tên gọi. Hễ thấy chúng tôi đăng thơ hay tiểu thuyết lên báo, thì người ta gọi ngay chúng tôi là nhà báo. Thế là không đúng. Vì có nhà báo không làm thơ, viết tiểu thuyết được, cũng như có người viết tiểu thuyết và làm thơ, mà chỉ in thành sách, chứ không viết báo bao giờ.

– Vâng, cũng như trong nghề chúng tôi, có ngươi thầu đường sá, có người thầu nhà cửa, có người thầu mua bán cho nhà nước, lại có người làm cai thầu nhận việc với các chủ thầu, nhưng người ta cứ gọi chung một tên là ăng-trơ-prơ-nơ. Tôi xin lỗi các ông, đã trót làm các ông mất nhiều thì giờ để giảng cho tôi nghe, vì tôi tưởng ta có thể lấy những người viết báo Nam Phong về làm với ta. Tôi lầm các ông nhà báo như bọn ta-sơ-rông, chủ nào tốt, rộng rãi, thì làm với chủ ấy.