Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Thúy Lan cười lạt:

– Nếu có số thì cần gì phải làm, thưa cụ?

Ĩnh con tặc lưỡi:

– Ấy thế. Chỉ vẻn vẹn có mấy năm giời, mà gây được cơ nghiệp! Không có số giời cho và không làm ăn giỏi, thì cô bảo sao được thế?

Thấy Thúy Lan im, Ĩnh con cho là khoe Thừa đã đủ, nó khoe đến nó. Nó lại tặc lưỡi:

– Chả giấu gì cô. Trước kia, chính là quan Hàn nhờ tôi tìm việc hộ đấy.

– Việc gì ạ?

– Có việc gì sang trọng và lương thiện nhiều đâu. Làm phu kíp ở ga Đồng Đăng ấy mà.

Thúy Lan cau mặt, hỏi lại:

– Phu kíp ở ga nào ạ?

– Đồng Đăng. Rồi sau, cô ạ, quan Hàn lại chạy tôi lo cho về Hà Nội, cũng chỉ làm cu-li kéo quạt thôi. Rồi loanh quanh thế nào, mới thôi việc Nhà nước, ra mở hiệu thuốc.

Thuý Lan tái mét mặt, run bắn người lên, phải giơ cánh tay ra chống nẹ để ngồi cho vững. Một lát, mới hỏi được:

– Thưa, cụ là thế nào với ông Trần Đức Thừa ạ?

Ĩnh con lại được dịp:

– Tôi là dì họ quan Hàn. Vì ngài là người đầy đặn, ăn ở có thủy chung, cho nên suốt đời hàm ơn tôi. Tôi nghèo thế này mà cháu không nỡ khinh dì, bỏ dì. Quan Hàn vẫn cưu mang tôi đấy.

Bỗng bà mẹ Mão ở trong nhà, tay xách ấm nước sôi, tay sờ soạng lối đi. Thấy có tiếng người lạ, bà nói:

– Chào bà chơi.

Rồi bà hỏi:

– Cụ nói chuyện quan nào thế?

Ĩnh con với cầm ấm nước:

– Thôi, đi vào!

Bà mẹ Mão không còn việc gì, thì đứng dậy:

– Tôi chẻ nốt chỗ củi, cụ nhé. Cụ thức rồi mà.

Ĩnh con sẵng:

– Này! Không khiến!

– Không. Mắt khỏi rồi. Bây giờ tôi cũng có thể tháo băng ra được.

Ĩnh con gắt:

– Nhà thương người ta dặn mai tháo băng, thì cứ mai.

Bà mẹ Mão không nói, sờ soạng đi vào nhà trong.

Từ lúc Ĩnh con bận nói chuyện với bà mẹ Mão, Thúy Lan được dịp nghĩ về Thừa. Cô muốn rú lên một tiếng khóc. Cô không ngờ đời cô còn bị thêm cái cảnh đau đớn đến mức này.

Cô nghĩ đến mẹ cô. Cô nghĩ đến con cô, con bé Băng Tuyết.

Cô đứng dậy, nói với Ĩnh con:

– Thôi, tôi vô phép cụ.

Ĩnh con cố níu cô lại:

– Mời cô ngồi chơi. Chả mấy khi. Cô còn muốn hỏi gì về quan Hàn không ạ?

– Cảm ơn cụ, không ạ!

Ĩnh con chép miệng, ghé gần tai Thúy Lan rồi trỏ vào phía trong:

– Đấy, vừa rồi đấy, vợ cả quan Hàn đấy.

Thúy Lan trợn đôi mắt.

Ĩnh con lại chép miệng:

– Chỉ tại quê mùa quá, nên quan mới bỏ. Quan mê ở Đồng Đăng, bỏ cả một người nhân tình đã có mang với ngài, rồi mới làm bạn với bà Hàn bây giờ. Bà này vừa đẹp vừa thạo.

Thúy Lan như mê sảng, Ĩnh con tiếp:

– Bà Hàn bây giờ là người lai, cô ạ.

Thúy Lan không dám ngồi lại để nghe thêm nữa.

Bỗng cả Ĩnh con lẫn Thúy Lan cùng nghe thấy tiếng người quen léo nhéo nói chuyện với nhau ở ngoài hè phố. Tiếng quen của Ĩnh con là tiếng Ma-ri. Tiếng quen của Thúy Lan là tiếng An-na Phán.

Ma-ri dắt tay An-na Phán, vừa vào nhà, vừa khanh khách cười với nhau.

Thúy Lan thấy An-na Phán thì muốn biến ngay đi. Nhưng vì không có phép tàng hình, cô đành ngồi lại để chạm trán với con người kinh tởm này. Nhưng Thúy Lan ngại là bất nhã với người cũ, và bất nhã với người bạn đi với An-na Phán mà cô không biết là ai. Vả vừa nghe chuyện Thừa, lại gặp ngay mặt An-na Phán, cô như không đủ sức đứng dậy để đi được.

Ma-ri giới thiệu An-na Phán với Ĩnh con:

– Bà An-na Phán là bạn tôi, mới ở Hải Phòng lên chơi.

An-na Phán đã nhận ra Thúy Lan:

– Kìa! Em!

Thúy Lan có làm mặt vui vẻ, chào hai người:

– Chào chị. Chào bà!

Đáng lẽ Ĩnh con phải giới thiệu Thúy Lan cho Ma-ri và An-na Phán, nhưng nó không biết nói thế nào. Thấy bà khách Hải Phòng quen cô con gái mới đến, nó đùn việc giới thiệu cho bà ấy. An-na Phán nói với Ma-ri:

– Xuy-dan, em tôi.

Ma-ri mỉm cười, cúi chào Thúy Lan. An-na Phán lại giới thiệu Ma-ri với Thúy Lan:

– Bà Ma-ri, tức là bà hàn An-be Thừa.

Thúy Lan như nghe tiếng sét đánh ngang tai. Cô loạng choạng đứng dậy. Thấy cử chỉ lúng túng của Thúy Lan, An-na Phán hiểu, Ĩnh con hơi hiểu. Nhưng Ma-ri không hiểu tí gì. An-na Phán vốn ác, nó cau mặt trách Thúy Lan:

– Em không thèm nói chuyện với chị à?

Thúy Lan cố cười:

– Thưa chị không ạ. Em ngồi đây sợ ngăn trở câu chuyện của các bà với cụ.

An-na Phán trừng trừng đôi mắt màu tro, nói dở đùa dở thật:

– Chị vẫn còn quyền bắt em ngồi lại!

Thúy Lan hiểu. Nhưng Ma-ri và Ĩnh con không hiểu. Ma-ri trách An-na Phán:

– Cái gì? Thôi! Mày ngãng cả câu chuyện!

Rồi nói với Ĩnh con:

– Tính con mẹ vẫn đồng bóng thế đấy, bà ạ. Lắm lúc nó hách như bà lớn.

An-na Phán cười sằng sặc. Thúy Lan ù tai, mắt hoa lên.

Bỗng bà mẹ Mão ở nhà trong, tập tễnh sờ soạng đi ra.

Ma-ri chợt nhìn thấy, vội vàng im bặt, mặt tái mét. Nhưng để trả thù cho đỡ căm hờn, nó đứng phắt dậy, ra nhìn đường để quay đít lại bà mẹ Mão.

Thấy cử chỉ đột ngột của Ma-ri, Ĩnh con hiểu. Thúy Lan hiểu. Nhưng An-na Phán không hiểu.

Bà mẹ Mão thì chẳng hiểu tí gì cả. Bà chào khách:

– Chào các bà chơi!

Rồi bà hỏi:

– Cụ gọi gì tôi phải không?

Ĩnh con lo lắng, vội vàng xua tay:

– Ai gọi gì nhà mày đâu. Thôi, vào nhà trong.

Bà mẹ Mão thấy mình lầm thì nhăn răng ra cười. Bà ghé ngồi lên phản, tay với với như để tìm cái gì. Ĩnh con hỏi:

– Gì?

– Cháu xin cụ miếng trầu. Nhạt cả mồm.

Ĩnh con đưa trầu cho bà, rồi giục:

– Thôi, xuống nhà, để người ta nói chuyện.

Thúy Lan nhìn Ma-ri, nhìn bà mẹ Mão, rồi nghĩ đến mình. Cô không thể nào ngồi nán được nữa. Mặc cho An-na Phán muốn giận là cô khinh người, làm gì cô thì làm, cô nhất định đứng dậy:

– Chào cụ, chào hai bà.

Cô đến gần bà mẹ Mão, nắm tay bà, rồi chào:

– Chào bà.

An-na Phán thấy Thúy Lan ban nãy hốt hoảng và lãnh đạm, bây giờ lại chào mình là bà, thì nó nhìn theo, mát mẻ nói:

– Này cô! Tôi bảo. Mấy năm nay tôi không được tin cô, tôi cứ tưởng cô làm gì, ở đâu. Không ngờ lại gặp cô ở đây!

Nó gọi Thúy Lan là cô để xói móc xa xôi. Vì nó tưởng Thúy Lan cũng biết như nó, là Ĩnh con làm nghề ma-cô.

Nhưng Thúy Lan không hiểu. Cô mỉm cười với nó, rồi ra cửa.

Thúy Lan đi khỏi. Bà mẹ Mão cũng vào nhà trong. Ma-ri quay lại, ngồi trên phản, định nói chuyện.

Nhưng An-na Phán vẫn tức Thúy Lan. Nó nói theo:

– A, con ranh con gớm thật. Chưa khỏi vòng đâu mà đã vội cong đuôi nhé!

Nó hỏi Ĩnh con:

– Nó đến đây làm gì thế, hở cụ?

An-an Phán muốn điều tra về hiện tại của Thúy Lan.

Nhưng nó lại muốn giấu Ma-ri việc Thúy Lan với Thừa, vì sợ Ma-ri nhìn thấy mặt nạ của nó.

Nhưng Ma-ri không muốn nghe những việc không có ích gì cho hắn, nên gạt đi:

– Thôi! Can bà lớn!

Hắn hỏi Ĩnh con:

– Ban nãy con sen nhà tôi đã gặp bà chưa?

– Chưa, thưa bà bảo gì ạ?

– Tôi bảo bà đi thửa cho con lợn sữa quay mà?

– Vâng. Chú Dếnh làm món này thì tuyệt lắm.

– Phải, để tôi thết con mẹ này. Nó là bạn cố tri của tôi đấy, bà ạ. Bà bảo chú ấy kiếm con nhỏ, độ ba đồng thôi. Mà quay khéo hơn bận trước ấy nhé.

– Vâng.

– Tôi đã đưa tiền cho con Sen. Chắc thế nào chốc nữa nó cũng đến đây.

– Vâng. Bà còn bảo gì nữa không ạ.

– Thôi!

An-na Phán hất hàm, nhắc Ma-ri. Ma-ri nói:

– À, quên, rồi bà tìm mấy chân, bảy giờ tối đến tôi đánh chắn nhé. Bà An-na thích chắn lắm.

– Dạ.

An-na Phán hỏi:

– Cụ tìm hộ những tay hay đánh to, chứ đánh nhỏ thì buồn chết.

– Hay các bà đánh mạt chược thì dễ tìm người hơn?

An-na Phán lắc đầu:

– Không thích.

Ĩnh con hỏi:

– Thưa còn gì nữa không ạ?

Ma-ri gật đầu:

– Còn.

Hắn trỏ tay vào trong:

– Bà lập tức phải tống con trời đánh đi ngay. Tôi không bằng lòng cho bà chứa nó.

An-na Phán hỏi:

– Sao vậy?

Ma-ri không đáp. Ĩnh con sợ hãi:

– Xin vâng ạ. Cũng mai thì nó đi thôi.

Ma-ri quắc mắt:

– Không được để đến mai! Phải tống ngay!

– Dạ.

An-na Phán nói đùa:

– Mày vừa chửi tao là bà lớn, nhưng mày bà lớn quá tao!

Ma-ri cười gượng. An-na Phán nhìn Ĩnh con:

– Tôi trông cụ, hình như quen quen.

Ĩnh con cũng nhìn An-na Phán. Ma-ri đùa:

– Đồng nghiệp từ bao giờ ấy mà lại chả quen.

An-na Phán vẫn nói đứng đắn:

– Ngày trước, cụ có ở ngoài ga không nhỉ?

Ĩnh con gật:

– Thưa có, một dạo tôi có trăm năm với ông sếp Chánh Phi-lô-mát ạ.

An-na Phán sực nghĩ ra:

– À, đúng rồi.

Nó trỏ Ma-ri:

– Con bà cô này cứ nói tên cụ là cụ Ĩnh con, thành thử tôi chả biết là ai. Thì ra là bạn cũ cả.

Ĩnh con vẫn ngạc nhiên:

– Bà cũng biết tôi ạ?

An-na Phán đáp:

– Vâng. Ngày ấy, con bà cô này được thằng Tu-nô bao, còn tôi thì là bà Phê-li-mông, cụ có nhớ không nào?

– À, à! Thế thì cố tri cả. Ngày ấy bà làm bạn với ông Phê-li-mông bao nhiêu lâu ạ?

– Kể ra thì nó tốt, biết chiều vợ, nhưng bây giờ ăn cơm mới, nói chuyện cũ, tôi gặp cụ đây, thì nhất định phải trách cụ mới được. Chính là cụ chia uyên rẽ thúy.

Ĩnh con ngớ mặt:

– Sao bà lại trách thế ạ?

– Nói chuyện cũ nghe chơi thôi, chứ việc hàng hai chục năm rồi, có trách cụ cũng chẳng bắt đền cụ được nữa.

Ĩnh con ngơ ngác:

– Quái nhỉ?

– Thế cụ có nhớ ngày ấy cụ tìm được con bé nào ấy, cụ nhốt ở nhà bồi, rồi cụ cho ông Phi-lô-mát hiếp không?

Ĩnh con giật nảy mình, vội vàng xua xua tay và trỏ vào trong nhà:

– Bà nói khẽ chứ.

An-na Phán nói tiếp:

– Rồi ông Phi-lô-mát thấy con mẹ nhà quê chơi tốt quá, mới gọi bạn cho cùng hưởng. Thế là cả thằng Tu-nô nhà con mẹ này, thằng Phê-li-mông nhà tôi, thằng Max, và thằng Bốc-phi-ca nữa, xúm vào quần con mẹ mấy đêm liên. Giá thằng Phê-li-mông được ăn, cứ câm họng đi, thì tôi cũng chẳng biết. Nó về, còn khoe với tôi. Thế là tôi không chịu. Có phải như vậy, là nó khinh tôi không nào? Cụ nhỉ. Nó lấy mình hẳn hoi, thế mà đi chơi gái nó không thèm giấu mình, có phải nó coi mình đúng là con vật, nó bắt gì cũng phải chịu không? Cho nên tôi mới đánh nhau với nó một trận.