Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Trong một thời gian ngắn ngủi, bọn chó săn tìm ra được một danh sách khá dài những người có liên quan đến vụ án quan trọng này. Chúng chưa bắt ai. Chúng rình mò kín đáo, chất chứa cho thật nhiều người, cho thật nhiều tài liệu. Để đợi ngày nào đó thật chín muồi chúng mới cất một mẻ vó lớn, không trật một mống nào lọt ra ngoài. Trong danh sách này, quan lớn có quan bé có, quan tại chức có, quan hồi lưu có, quan bị cách có, quan nghỉ giả hạn có, quan mạn ngược có, quan vùng xuôi có. Ngoài các quan của chính phủ Nam triều, có các quan của chính phủ Bảo hộ, quan đốc, quan tham, quan phán, quan ký. Đến những quan chỉ có chức tước suông để làm cảnh, là quan hàn, quan nghị, quan hội. Đến những người không làm quan, nhưng không giàu kém quan, vì làm nghề tự do, là thầu khoán, điền chủ, nhà doanh nghiệp, nhà buôn. Đến cả những người không biết gọi là có nghề hay không, vì chỉ chuyên môn sống bằng nghề ăn bám và lừa bịp.

Cái dây xích, gồm cả đàn ông lẫn đàn bà, được lần ra từng mắt. Dần dần nó vươn đến nhà mấy quan phó đoan Tây lai.

Thằng Rô-banh trợn đôi mắt trắng dã sau đôi mắt kính cận thị không vành cặp vào cái mũi lõ của nó. Nó gầm lên như con hổ mắc cạm. Lập tức, cái thằng đã ra lệnh ném bom triệt hạ làng Cổ Am này, họp bàn với thằng chánh mật thám Bắc Kỳ và hai thằng thanh tra chính trị và hành chính. Cuối cùng, nó quyết định rút thằng Pu-lê Ô-di-ê ra khỏi Hội đồng đề hình mà thằng hung ác này sắp mở phiên tòa công khai để tuyên án tử hình hàng chục chính trị phạm. Thằng thanh tra chính trị và hành chính Pu-lê Ô-di-ê được đặc phái đi mở cuộc thẩm vấn bí mật trong tụi phó đoan phạm pháp.

Pu-lê Ô-di-ê lên Lao Cai. Nó bắt công sứ Rô-ma-nét-ti ra ngồi làm việc ở ngoài hiên, nhường cho nó buồng giấy.

Ngày nào văn phòng thằng Pu-lê Ô-di-ê cửa cũng đóng kín. Nhưng đứng xa đó, người ta vẫn nghe thấy tiếng nó thét, đập bàn, đập ghế, và tiếng đoàn thư ký đánh máy sầm sập như mưa rào.

Tụi phó đoan, tức là mấy thằng lai, mặt còn non choẹt như mặt học trò, thằng Giăng Út, thằng Lu-y Rô-manh, v.v… ngày thường khệnh khạng, hách dịch, bây giờ lần lượt bị thằng Pu-lê Ô-di-ê gọi lên tòa sứ. Sau một tuần lễ khai cung, mặt thằng nào thằng ấy phờ phạc vì mệt nhọc, bẽn lẽn vì xấu hổ, và hầm hầm vì tức giận. Nhưng khi xuống đến chân đồi, gặp ai ở đường phố, chúng cũng cố tươi tỉnh. Có đứa tủm tỉm cười một mình y như vừa mới đùa bỡn, vui tếu với quan thanh tra chính trị và hành chính vậy.

Sự thực, thằng phó đoan nào bị thanh tra gọi lên bàn giấy, cũng phải đứng, chứ không được ngồi. Phải đứng một buổi suốt từ chín giờ sáng đến bốn giờ chiều, và một buổi ngay từ bốn giờ rưỡi chiều đến tận mười một giờ đêm. Chỉ được nghỉ có nửa giờ ở quãng giữa để về ăn cơm. Đường từ tòa sứ đến nhà đoan phải lên dốc, xuống dốc, lại khá xa, nên đi mất ít ra là mười phút. Vậy chỉ còn có mười phút, để và vội vài lưng cơm – hẳn là chúng không có thìa dĩa và đĩa – Ăn xong, có ỉa đái thì làm quàng quàng lên, chứ đừng hòng giữa lúc bị thẩm vấn mà xin được phép ra chuồng xí. Chúng phải đến tòa sứ cho thật đúng giờ. Nhiều bận, chúng đã thấy thằng thực dân già ngồi trong buồng rồi. Nhưng cũng nhiều bận, buồng còn vắng. Chúng phải đứng đợi.

Thằng Pu-lê Ô-di-ê coi hàng công sứ từ hạng nhì trở xuống như đàn em mới lớn lên. Cho nên nó khinh dân bản xứ như ruồi muỗi, kết án tử hình một mạng người không cần suy nghĩ, đắn đo. Đối với Tây lai, nó nhiếc là Con của xứ Đông Dương, nghĩa là có máu ăn cắp. Vì vậy, nó ghét tụi thằng Giăng Út, thằng Lu-y Rô-manh, v.v… Định hỏi thằng nào, nó cũng chửi phủ đầu, để uy hiếp tinh thần thằng ấy. Nó quát tháo, nó vặn vẹo. Nó chế nhạo là nói tiếng Pháp không nên thân. Có lúc nổi cơn điên, nó quăng cả miếng đá chặn giấy vào chúng, hoặc hầm hầm xô ghế đứng dậy, như dọa đánh. Từ hôm nó đến tòa sứ, đêm nào bác loong-toong Soạn cũng phải thức thêm nửa giờ để đánh xi lại cái mặt bàn cho nhẵn bóng. Vì mỗi ngày, nó đập bằng nắm tay, bằng bàn thấm, bằng hòn đá, đến trăm lần, làm sây sát, lỗ chỗ cả gỗ.

Thằng Pu-lê Ô-di-ê hành hạ bọn con của xứ Đông Dương bằng cương vị to tát, nhiệm vụ quan trọng của nó, lại bằng cả cái đầu óc thực dân cáo già của nó. Nó xoay lũ nhép không cứ là ở lời cung khai giấu giếm, mà cả ở cử chỉ, ở danh từ kém lễ độ của chúng. Chúng đứng mỏi, hơi cựa chân tay, là nó quắc mắt lên. Quên mở đầu là: thưa quan thanh tra chính trị và hành chính, nó để bàn tay vào vành tai, bắt nhắc lại câu nói. Luôn luôn miệng nó thốt ra những tiếng: Đồ khốn nạn! Dòng ăn cắp! Con lợn! Súc sinh nhơ bẩn! Nó vặn, nó quay, nó bắt chúng trả lời ngay, không được nghỉ. Nó cố làm cho đầu óc chúng rối mụ lên vì phải đứng lâu và đáp nhiều.

Bọn phó đoan ở Yên Bái, Phú Thọ, Việt Trì, Hà Nội bị cung khai ra, cũng lần lượt phải triệu lên Lao Cai cho thằng Pu-lê Ô-di-ê tra hỏi.

Thế là ra thằng Mác-tanh. Thoạt nghe cái tên này lần đầu tiên, thằng Pu-lê Ô-di-ê cho là Tây lai nói láo. Đến khi thấy nhiều đứa khai ra, nó mới thổi phù phù cho hơi nóng trong ngực thoát ra. Nó nghiến răng ken két. Nó không ngờ rằng trưởng ty thuế quan Yên Bái là người Pháp trăm phần trăm, mà lại sáng lập và giám đốc một công ty lớn, buôn thuốc phiện lậu.

Thằng Pu-lê Ô-di-ê cáu lắm. Nó đi sâu hơn nữa, thì lại lòi ra cái tên Rô-lăng-ti, chánh đoan Việt Trì, cũng cầm đầu một công ty buôn thuốc phiện lậu, vì vừa thành lập, nên nhỏ hơn, nhưng cố cạnh tranh với công ty Mác-tanh.

Thấy việc điều tra đã đến gốc, thằng Pu-lê Ô-di-ê vui sướng quá. Nó chắc mẩm phen này sẽ được thăng thống sứ trước thằng Brít, dù thằng thanh tra chính trị và hành chính này thâm niên hơn nó trong ngạch cai trị ở thuộc địa.

Nó tí tửng về ngay Hà Nội để báo cáo với thống sứ và bàn xem nên đèo hai cái gốc ô nhục này thế nào?

Thằng Rô-banh lấy việc này làm rất khó nghĩ, nó hẹn thằng Pu-lê Ô-di-ê vài hôm sẽ trả lời.

Rồi, có lẽ tự làm cuộc liên hệ kiêm thảo bản thân, thằng Rô-banh xét mình không sạch sẽ, thơm tho gì, cho nên nó suy bụng ta ra bụng người. Nó cho rằng nguồn vốn buôn lậu của công ty Mác-tanh không lẽ chỉ chảy từ những người An Nam, không làm việc với nhà nước, đến những người An Nam có làm việc với nhà nước. Hiển nhiên là nguồn vốn ấy đã trôi vào bọn người lai, rồi đến một người Tây. Vậy không lý gì nguồn ấy đến đấy thì tắc lại. Nguồn phải chảy xa nữa, thì nước mới thoát. Nếu không, nước bị tức nghẽn bờ phải vỡ đã lâu rồi. Thế thì nguồn ấy còn ngược nữa, ngược nữa, nhất định đến một chỗ cao xa nào cũng nên.

Nó sực nhớ lại việc năm nọ. Là chỉ ký có một chữ trong giấy phép cho tải chuyến thuốc phiện qua địa hạt Đông Dương, từ Lao Cai đến Hải Phòng, đường dài có 400 cây số, mà toàn quyền Méc-lanh đã ăn đủ một vạn bạc.

Rồi điều tra ngầm, nó thấy cả hai thủ phạm này đều có những chỗ dựa có thế lực rất to lớn. Thằng Mác-tanh thả cho vợ đi ngủ với tên đại địa chủ Đơ Mông-pơ-da, nổi tiếng là bướng bỉnh và vẫn còn tự xưng là bá tước, trước kia, vì xích mích với toàn quyền An-be Xa-rô, đã thách tên thủ hiến một cuộc đọ kiếm để một sống một mái. Còn thằng Rô-lăng-ti thì trái lại, vì trẻ, khỏe và đẹp, nên nó là một trang nhân tình quý báu của vợ tên tổng giám đốc nha thương chính Đông Dương.

Vài hôm sau, Rô-banh và Pu-lê Ô-di-ê gặp nhau. Thằng thống sứ khuyên thằng thanh tra nên lấy tình đồng bào đồng loại mà đừng vạch áo cho người xem lung, kẻo xấu chàng thì hổ ai. Thằng Pu-lê Ô-di-ê không nghe, cỗ bưng đến miệng, nhất định nó phải hưởng. Bất đắc dĩ thằng thống sứ phải cho thằng thanh tra biết những ẩn tình nhơ bẩn của hai thằng Mác-tanh và Rô-lăng-ti mà nó đã lượm lặt được. Thằng Pu-lê Ô-di-ê càng tức:

– Nếu thế, thì càng nên trị chúng nó.

Rô-banh thở dài:

– Tôi sợ đụng vào họ, thì chính chúng ta hứng lấy những hậu quả không hay.

– Ông sợ tôi bị đổi sang Lào, sang châu Phi? Ông sợ tôi mất chức? Nhưng tôi không sợ. Vì tôi làm việc theo lương tâm. Tôi cứu danh dự cho người Pháp ở đây. Tôi cương quyết.

– Ý kiến tôi là ta nên chấm dứt cuộc điều tra ở đây. Còn ý kiến ông thế nào là tùy ông. Nhưng xin nói trước là tôi không chịu trách nhiệm về việc ông làm. Là bạn thân của ông, tôi chỉ khuyên ông nên suy nghĩ kỹ.

Thằng Pu-lê Ô-di-ê mặt đỏ bừng bừng. Nó đứng phắt dậy, rồi ra khỏi buồng, đóng sầm cửa lại.

Hẳn là nó về để suy nghĩ, suy nghĩ thật kỹ để cương quyết.

Cho nên sáng hôm sau, nó lên ngay Lao Cai.

Xe lửa bảy giờ tối thì tới ga. Xe ô-tô của công sứ ra đón. Nhưng ngay sáng hôm sau, trước sáu giờ, xe ô-tô của công sứ lại tiễn nó ra ga. Nó lên xe lửa, vào toa hạng nhất, nhét cái va-li quần áo lọt trên cái giá ở phía trên chỗ ngồi, rồi đặt phịch tấm thân phì nộn lên tấm nệm lò-xo.

Nó cương quyết xuôi Hà Nội.

Thế là cái án buôn lậu đầu voi đuôi chuột phải để thối, cho tiếng thơm của các quan Bảo hộ chóp bu được an toàn.

Mấy anh đội đoan tí hon, ngơ ngác ra khỏi nhà giam, không hiểu tại sao mình không phải tù.

Mấy tờ báo hàng ngày, kể cả báo Tây lẫn báo ta, đương viết những bài chửi bới bọn buôn lậu, với những đầu đề làm giật gân độc giả, bỗng một loạt im bặt hết. Sở Kiểm duyệt đã được lệnh không cho quyền ngôn luận được hé răng nói nửa lời. Ở những cột dành riêng đăng những bài dài lê thê và mãi chưa hết: Về vụ đầu độc cho đồng bào chết dần: Một hành động đáng sỉ nhục; Vụ án thuốc phiện v.v… bây giờ thay bằng những tin mất chó, mất ví da, cụt thun lủn, hoặc những truyện ngắn trai gái chim nhau, những bài thơ tình khóc mếu.

Nhưng may thay cho những nhà phóng viên. Họ đương đi lượn khắp phố để lượm tin, thì phủ Thống sứ gởi đến các báo tập giấy sao nghị định thuyên chuyển trong các ngạch. Những tờ đầu là tin quan lại: quan tuần phủ nọ hồi hưu, quan án sát kia về phủ Thống sứ, quan tri phủ này bổ đi thương tá, quan tri huyện khác đổi lên thượng du, vân vân. Còn mấy quan tri châu, quan thì được trả về ngạch cũ, làm thư ký tòa sứ, quan thì bị huyền chức. Cuối cùng là năm quan bang tá bị cách tuột chức, lý do là sơ khoáng chức vụ.