Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

§13. Vợ con

Thừa bị tòa án Hà Nội bắt nộp sáu chục bạc phạt cho mẹ Mão.

Hắn nhất định không nhận.

Hắn trả lời rằng người đàn bà ấy không phải là vợ của hắn.

Nhưng tòa không nghe, lại viết công văn đòi lần thứ hai. Ma-ri thấy việc lôi thôi, thì nghiến răng chửi rủa con mẹ nhà thổ dám mạo nhận là vợ của chồng hắn, để làm mang tiếng hắn.

Hắn thúc Thừa phải kiện mẹ Mão và xin tòa cho ly dị dứt khoát.

Thừa đi Hà Nội vấn kế trạng sư Rô-măng là thầy cãi riêng của hắn. Sau vụ giết cô Lễ, Rô-măng cãi cho hắn được trắng án, thì hắn phục Rô-măng là giỏi. Hắn rất hàm ơn. Cho nên, từ ngày phất lên giàu có, Thừa thuê hẳn Rô-măng làm trạng sư cho mình. Tháng nào, dù có việc hay không, Thừa cũng trả cho trạng sư của mình một món tiền nhất định. Rô-măng là cố vấn của Thừa về pháp luật và là đại diện cho hắn trong những việc kiện tụng. Thừa không phải trả thêm tiền. Thừa làm đơn đưa Rô-măng nộp tòa. Trong đơn, hắn kể mẹ Mão phạm rất nhiều tội, trong đó tội chính và to nhất, cái tội rất ô nhục, bôi nhọ tiếng tốt của hắn, là tội buôn thuốc phiện lậu.

Song, vì Thừa không biết địa chỉ của mẹ Mão, nên hắn không giúp tòa gọi bị cáo đến để thẩm vấn. Đến khi hắn đi dò, biết mẹ Mão ở nhà quê, thì hắn khai rõ vào trong đơn. Nhưng tòa xét trường hợp hai người, chỉ xử bằng cách muôn thuở, là hòa giải.

Thừa lại làm đơn khác. Xong, tòa vẫn hòa giải.

Đã không được kiện. Thừa còn bị thúc nã phải trả món tiền sáu chục phạt thuốc phiện lậu.

Ma-ri ức quá.

Thừa cũng bực quá.

Ức bực về mẹ Mão chưa nguôi, thì Thừa và Ma-ri buồn bã về con.

Thằng Mão thi hỏng kỳ tiểu học Pháp Việt. Thôi thì nó hay nó dở, mặc mẹ con nó. Nhưng con Rô-da-lin hỏng kỳ thi tiểu học Pháp. Tuy cả mẹ Mão lẫn Ma-ri không ai vui sướng hơn ai, và không ai ghen tị với ai, thì Thừa đỡ bị mè nheo. Nhưng đến hôm nhận được thư của nhà trường về việc học của thằng Pôn, vợ chồng không khỏi không buồn bã về tương lai của lũ con.

Vậy muốn biết về thằng Pôn và lũ em nó, ta không nên bỏ qua thằng Mão.

Mão năm ấy đã 17 tuổi, quá tuổi theo học lớp nhất cấp tiểu học Pháp Việt một năm rồi. Từ ngày thằng bé không thụ đạo bác Hoài để được bá truyền nghề tiêm thuốc phiện, và cho vãn những cảnh khiêu dâm, trụy lạc, thì mẹ nó nuôi nó, cho đi học chữ tại một trường tư.

Khốn nạn thằng bé! Nó thông minh, nhưng chỉ vì mẹ nó bận suốt ngày về sinh sống, không có thì giờ để mắt đến con, cho nên nó chỉ phát triển cái sở đắc đã hấp thụ từ ngày nó làm đồ đệ bác Hoài. Nó lười biếng, lêu lổng, bạt mạng. Nó thích chơi với bọn trẻ giống tính nó. Nó hay đánh nhau, chửi nhau với bạn. Nó gọi thầy giáo bằng lão. Thầy nào nghiệt nó, nó gọi bằng thằng. Tối tới, nó nói với mẹ là lại nhà bạn để học, nhưng sự thật, nó trốn đến chầu tĩnh bác Hoài, có bận khuya mới về. Sách mà nó đọc toàn là những tiểu thuyết tình và tiểu thuyết kiếm hiệp. Không hiểu nó mượn ở đâu được, để chép vào sách riêng của nó, những bài đại khiêu dâm của Pháp đã dịch ra tiếng ta. Thấy nó cặm cụi vót cái kiếm bằng gỗ, và loay hoay bịt nhọn đầu kiếm bằng sắt tây, mẹ nó có giục học, thì nó mở sách, miệng gào liến thoắng những câu tiếng tây mà mẹ nó chẳng hiểu. Song, không phải nó học bài, mà là đọc những khúc hát tình ái mà nó đã thuộc lòng như: Giơ-te-mơ pho-lơ-măng, ma sê-ri, hoặc Gia-đo-rơ te giu rô-đơ, tê đi-ơ blơ, ê tê sơ-vơ blông, mông na-mua…[89]. Nó lại rình biết những hôm nào Thừa về Hà Nội, để đến bắt bố cho tiền. Mẹ nó thấy nó ăn quà như mỏ khoét, nhưng không thấy tiền của mình suy suyển, thì hỏi nó lấy ở đâu. Nó giấu và nói dối quanh. Nó cũng biết là mẹ nó giận bố nó, dù có biết tiền ấy là tiền nó bắt bố nó cho, chứ không phải xin, thì mẹ nó cũng mắng nó. Mẹ nó thường dạy nó phải khinh và thù bố nó. Mẹ nó vẫn bảo:

– Tao chưa làm cho nó khuynh gia bại sản, phải dắt con Tây lai và lũ con nó đi ăn mày, tao còn ức lắm.

(*[89] Anh yêu em như điên, em yêu quý ạ. Và anh thờ đôi má hồng, đôi mắt xanh, và bộ tóc hung của em, người yêu của anh ạ.)

Tiếng nó mà mẹ Mão nói, Mão hiểu là bố mình. Cho nên, mỗi khi muốn nói về bố mình với mẹ, Mão cũng dùng tiếng nó cho mẹ dễ hiểu. Ví dụ, đi học về, Mão mách:

– Con vừa gặp nó.

Thì mẹ Mão không cần hỏi Mão nó là ai.

Mão đã biết chim gái từ hai năm nay. Những cô nữ sinh lớp nhì, lớp nhất trường Hàng Cót, bị Mão trêu ghẹo, hoặc theo lẽo đẽo đến chỗ vắng để ném thư, đều khiếp Mão. Các cô không biết tên Mão là gì, đều gọi là thằng lẹm cằm. Song, tựu trung cũng có cô liếc Mão, và nhoẻn cười. Trong hơn một năm trời, Mão đã yêu và đã bỏ ba cô. Muốn có một biệt hiệu như các nhà văn sĩ, để ký vào các thư tình, Mão nhờ bác Hoài đặt cho. Bác Hoài nói đùa là Sơ-ca chữ tắt của tên Sở Khanh. Nhưng Mão thích lắm, nhận ngay cái biệt hiệu rất đúng với mình, mặc cho ai lầm hiểu bằng cái nghĩa đứng đắn của hai chữ ấy.

Mỗi lần Thừa thấy Mão đến, thì biết ngay thằng bé chỉ có mỗi mục đích là vòi tiền. Lần đầu tiên, Thừa mắng chửi nó, toan đánh và đuổi nó. Nhưng khi thấy nó nói dối là mẹ nó sai đến xin tiền, thì Thừa phải cho ngay. Hắn cần xoa dịu cho con người tai ngược khỏi lôi thôi với hắn. Cho nên những lần sau, thấy đầy tớ nói rằng Mão đến, Thừa đưa người ấy tiền, bảo cầm ra cho nó. Được hối lộ, nó không cần gặp Thừa, Thừa cũng không muốn cho nó dàn mặt. Một ông hàn, điền chủ, giàu có ức vạn, mà để thằng bé con mặt mũi nhem nhuốc, thân hình khẳng khiu, quần áo rách rưới như kia, đến nhận là bố, thì thật là một điều bêu riếu, đáng sỉ nhục. Mão đã khéo hóa trang cho mình như vậy để xoay tiền bố. Chứ đã biết chim gái, không phải nó không biết diện. Nhưng nó muốn Thừa quan tâm đến nó. Song, Thừa không quan tâm đến nó.

Những đứa con mà Thừa quan tâm, hoặc bắt buộc phải quan tâm, hoặc nữa là làm ra vẻ quan tâm, là từ thằng Pôn cho đến con Ca-mê-li-a. Trừ con bé út này mới lên chín tuổi, học một cô giáo đến tận nhà để dạy, còn bốn đứa kia đều đi trường tây, trường đầm. Cố nhiên, chúng nó mặc tây và mặc đầm. Thằng Pôn và thằng Giăng đến lớp bằng xe đạp hiệu Pơ-giô, hạng sang nhất, khung sơn đen nhánh, có cái che xích bịt kín mít. Con Rô-da-lin và con Ma-gơ-rít thì ngồi xe nhà màu cánh gián, có cái chắn bùn dài xuống tận càng. Ở sau xe, có lỗ mắc lò-xo ấn chuông hơi lòi lên trên. Người kéo xe không phải ấn chuông, nhưng người ngồi xe giậm chân vào lò-xo, thì cái chuông vặn bằng đinh ốc ở phía dưới, kêu những tiếng giòn giã: Tính toong! Tính toong!

Mấy đứa này rất lắm quần áo và giày mũ. Các bạn học không ai sang trọng bằng chúng nó. Trong túi đứa nào, lúc nào cũng có vài đồng bạc. Chúng nó mua quà. Nhưng nếu không thấy ngon, thì ăn một miếng, rồi vứt đi ngay. Bởi muốn chúng nó chóng biết tiếng Pháp, cho nên ngay từ khi chúng nó bập bẹ học nói, Ma-ri đã dạy chúng nó những tiếng thông thường, để phát âm. Đến nỗi, nói một câu, chúng nó dùng cả tiếng nước ông nội lẫn tiếng nước ông ngoại mà chúng nó không biết. Ví dụ, khát nước, đòi uống, chúng nó nói:

– Ma-măng cho con boa đi.

Mãi đến năm tiếp xúc với xung quanh nhiều, chúng nó mới không lẫn lộn tiếng Việt với tiếng Pháp. Và, khi sống trong xã hội mà mọi người chỉ giao thiệp với nhau bằng tiếng Việt, chúng nó quen nghe và quen nói, thì tự nhiên chúng nó phải học tiếng Pháp một cách chật vật, không khác gì những người Việt Nam thông thường.

Muốn chữa cho các con bắt lại thói quen cũ, Ma-ri treo giải thưởng để khuyến khích chúng nó nói tiếng Pháp. Đứa nào nói hay, nói nhanh, và phát âm giống người Pháp thì được tiền.

Năm này, thằng Pôn đã 15 tuổi, học lớp năm, và thằng Giăng, 14, ở trường lít-xê, tức là trường trung học, mang tên thằng toàn quyền cũ, là An-be Xa-rô. Cố nhiên chúng nó ăn mặc thì sang nhất lớp, nhưng học thì dốt nhất lớp. Chúng nó đòi bố sắm ô-tô; thuê sốp-phơ cho chúng nó đi nhà trường. Bởi vì chúng nó thấy con lão đổng lý văn phòng phủ Thống sứ, cũng ngày bốn buổi đi về trường bằng xe ô-tô, hòm kính của công, trông rất oai. Kém thằng bạn ấy, chúng nó xấu hổ lắm. Muốn bố mẹ không tìm được lý do để trái ý, chúng nó có cạo cho xe đạp lở sơn, rồi bày ghế lổng chổng ở trong buồng, hai thằng thi nhau đạp nhanh, xe đụng chạm lung tung, quật cả bánh vào tường, cho được ngã sầy da sứt thịt. Để chúng nó nói dối là bị nạn.

Thừa hứa là nếu chúng nó được lên lớp, thì sẽ mua cho cả bốn anh em chiếc xe hiệu Rơ-nôn bốn chỗ ngồi. Ma-ri cũng khuyên Thừa nên bán chiếc Béc-li-ê vẫn dùng, vì nó cổ và xấu rồi, mui lại bằng vải. Hắn ước ao chiếc Pho của Mỹ. Nhưng Thừa không thích xe Pho cao lênh khênh bằng xe Voa-danh, chạy êm như ru. Vả ở Đông Dương, trừ hai chiếc Voa-danh của hai người Pháp ở Sài Gòn, còn ở Bắc Kỳ, mà lại là An Nam, thì chỉ mới có cụ thượng Hoánh, tổng đốc tòa Thượng thẩm, có một cái nữa là thứ ba thôi. Thừa muốn có hẳn cái Voa-danh để dùng cho ngông. Đã gọi là chơi xe không nên tiếc tiền.

Thừa muốn khuyến khích các con học hành có kết quả. Nhưng kết quả, rút cục, trái hẳn lại ý muốn của hắn. Như ta đã biết, con Rô-da-lin thi trượt. Năm nay nó lên 12, hết tuổi học lớp bảy rồi. Còn thằng Pôn thì vừa rồi nhà trường gửi giấy về gia đình báo trước nếu nghỉ hè ra, nó thi lại mà không lên nổi lớp bốn, thì không được học lớp năm đến khóa thứ ba nữa.

Không cần phải lý luận dài, ta đều biết rằng thằng Pôn và thằng Giăng đều lười học. Chúng nó còn hư nữa. Cái hư được nảy nở dễ dàng, là do chúng nó giữ được truyền thống của cha mẹ. Không rõ cha chúng nó có phải là Thừa hay không? Nhưng nếu không phải cái con người gian ác, lừa đảo này thì cũng phải là một tay chuyên môn ăn cắp ái tình lén lút khác, và cũng không kém gian dối, bội bạc, bất nhân. Còn Ma-ri thì đúng là mẹ chúng nó rồi. Từ ngày được ông hai Sơ cho biết mùi đời ở trên tàu Ký Bưởi đến nay, trải qua hơn hai mươi năm trời, Ma-ri chỉ còn mỗi một nguyện vọng thôi. Là trắng, vàng, đen hắn trải khắp rồi. Hắn muốn có cái đo đỏ. Hắn chỉ mong đức Bảo Đại du học bên Pháp chóng thành tài, để về nước mà chấp chính. Khi ấy thì ông chủ báo Nam Phong Phạm Quỳnh sẽ được về kinh làm quan to. Ông họ Phạm lại là thư ký hội Khai Trí Tiến Đức mà Thừa có chân, cho nên hắn cũng quen ông ta. Thế nào hắn cũng chạy cho được cái kim bội bằng vàng đỏ mới tắm, đeo ở đầu dây kim tòng, màu cánh trấu.