Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Tiêu Lang hơi nhếch mép cười để tỏ ý kiêu ngạo mà nhận lời khen dĩ nhiên ấy. Rồi dặn:

– Mày xem, nếu bức thư có dài quá, thì ngắt ra làm hai, làm ba lần để gửi dần. Muốn ngắt chỗ nào cũng không thiếu nghĩa đâu.

Anh Thừa lắc đầu, nhìn quân sư, cười:

– Thôi. Văn chương thế này mà có năm đồng bạc là rẻ quá rồi. Chả lẽ đi mua ái tình của thiên kim tiểu thư, lại nỡ xử bần tiện, ngắt ra làm mấy lần, để mỗi lần tốn độ đồng rưỡi hay hai đồng thôi à!

– Tùy mày đấy.

Anh Thừa chép áng văn tuyệt bút. Bức thư ấy như sau:

Thưa quý nương
Gặp nhau duyên nợ ba sinh.
Đố ai ngoảnh mặt làm thinh cho đành!
Thư này gửi lại than mình,
Thử đưa cho khách hữu tình xem sao…

Lâu nay nghe nói, biết rằng hạt ngọc Lam Điền tiếc tài Đạo Uẩn, cành hoa lẻ bạn, thương số Văn Quân, nghĩ thục nữ mười phần tài điệu, càng thêm yêu kính. Ngàn thu sau trước, giống đa tình là khách văn nhân, thế mà hoa rơi im tiếng, lan khắp cành không, trăng sáng có soi vào cảnh mộng.

Lá thư này không dám đem lòng trêu ghẹo, thật là thương vì tài mà tiếc vì phận, xót cho người lại giận cho mình.

Đa tình ta lại gặp ta,
Một lời tri kỷ ấy là yêu nhau.

Cho nên,

Tương tư từ độ trăng tròn,
Tâm tình non nước giữ hồn khóc oan.

Lâu nay muốn mượn cánh hồng để ngỏ ý với quý nương, nhưng lại sợ mạch dừng tai vách, rồi nữa tiếng này biết để ai mang. Lửa tâm nung nấu, càng dập càng nồng, tơ nhện vấn vương, một dây một buộc. Thật là trong gang tấc mây quan san, nhẹ bước định lên thềm Quế, song vì chưa tiện đường mây, buông thuyền muốn đến non Bồng, song cũng còn trông chiều gió.

Mưa mới buồn tình, gió đông trêu khách, chiếc én lạc đàn, tâm thần đau khổ, nếm đủ mùi rát lưỡi, chịu đã nhiều nỗi chua cay, hay đâu, giữa bước phong trần, gặp người thục nữ, há không phải là sự may mắn cho thân này lắm sao?

Thưa quý nương, tuy rằng

Mắt xanh một liếc thoáng qua,
Biết nhau nửa mặt ấy là tri âm.

Nhưng than ôi! Biết lối tìm xuân, xuân đã muộn, tuy chưa sum họp nhưng đã trông thấy cái bước chia phôi. Tuy nhiên, lên dốc biết kìm cương ngựa, qua sông nhận khách chèo thuyền, nên già tay lái. Đã sinh ra kiếp… để trốn khỏi vòng… nếu quý nương không hiềm tiểu sinh này là cô lậu, thì những lúc đêm khuya canh vắng, tuyết đọng sương gieo, đôi ta sẽ lấy thư từ làm máy lưu thanh, trao đổi tâm tình cho nỗi lòng khuây khỏa.

Ái khanh ơi! Mộng hồn của kẻ thương tâm này như đã cùng với ngọn trào kia hôm mai lên xuống, rồi theo lạch nước ra biển khơi mà mênh mông bát ngát, nào có biết đâu là bến là bờ. Đang mộng du trên làn khói bạc, chợt thấy một cảnh chiều hôm thê lương thảm đạm, như trăm nghìn những bước khác sườn núi bóng chim, đầu non nhạn lạc, trông đóa hoa mà buồn, nhìn bức tranh mà cảm, tuy không biết đối với kẻ này, quý nương có để mắt xanh mà nhìn chăng tá!

Tự biết là kẻ si tình, nên muốn tìm cách lánh xa, cho tỏ lòng đoạn tuyệt, khỏi gây nên cái ác quả về sau. Không ngờ tuy xa cách quý nương hàng ngàn dặm, mà có khi mở mắt, cũng hình như phảng phất thấy quý nương đương tha thướt trên nội cỏ bồn hoa nọ.

Thương ôi!

Má đào từ lọt mắt xanh,
Đố ai gỡ mối tơ mành cho ra!

Bởi vì,

Héo gan nát ruột vì ai,
Ai ơi có tưởng đến người vô duyên?

Trời ơi, tháng bảy mưa Ngâu, ai ngờ chính độ ngày Ngâu mà nắng gắt. Nghĩ đến nỗi Ngưu lang Chức nữ chẳng còn giọt lệ thương nhau mà giật mình! Ví bằng quý nương cứ một niềm sắt đá, giá ngọc treo cao, thì chẳng hóa ra Chức nữ riêng để mặc Ngưu lang trên đường đời hiu quạnh?

Quý nương có đức hạnh. Cái đức hạnh vốn là của quý trong nữ lưu. Nhưng xin quý nương xét cho rằng không gì êm đềm cho bằng ái tình, cái ái tình không ra ngoài giới hạn. Vậy một mai, ắt quý nương cũng phải chọn một người ý trung nhân mà yêu, mà quý, mà làm bạn trăm năm. Chứ hẳn những người trong áng tân tư tưởng như quý nương, chẳng chịu để cho quyền trên ép uổng. Vậy xin quý nương đoái thương đến kẻ cô lậu này, chớ để vì thương vụng yêu thầm mà mang bệnh.

Đau lòng ai lắm ai ơi,
Muốn kêu một tiếng nhưng trời quá cao!

Vậy xin quý nương cho trước kẻ si tình này một đơn thuốc.

Cùng nhau nguyện ước chung tình,
Trên trời dưới đất có mình có ta.

Xin quý nương nghĩ đến tương lai của kẻ cô lậu, đừng để giữa tuổi thanh xuân, đương hăng hái tiến thủ, đã bị thất vọng vì tình, mà bao nhiêu nhuệ khí sẽ tiêu tan như mây như khói.

Non mấy trùng, Nước mấy trùng,
Mây non trăng nước ngẩn ngơ lòng.
Ai buồn, hoa biết không?
Người cũng trông
Hoa cũng trông,
Hồn xưa mộng cũ giấc mơ mòng.
Thẹn mình tu chửa xong.

TYL bái

§9. Bồi dưỡng tư tưởng

Để bồi dưỡng tư tưởng cho cô Lễ, anh Thừa nảy ra một sáng kiến. Anh nói với ông Hoài Tân Tử:

– Chúng ta đã tìm hết cách để làm cho báo mình chạy. Nhưng nó chỉ nhích được có một tí. Là bởi vì chỉ có mỗi một mình mày ngày nào cũng phải vắt óc ra để viết, thì có là thánh cũng không thể viết hay được. Nếu mày không muốn cứ gò lưng mà kéo cái xe bò nặng lên dốc, thì mày phải tìm cách cho người khác viết hộ mày như ngày nọ. Nhưng chẳng lẽ cứ phỏng vấn mãi, ta nên mở cuộc trưng cầu ý kiến, mày ạ.

Ông Hoài Tân Tử gật gù khen:

– À, té ra là mày tiến bộ trong nghề làm báo rồi. Phải. Chủ bút thì phải quan tâm sao cho báo có bài hay chứ! Cái lối đốt báo Trung Bắc và báo Thực Nghiệp của mày chỉ là lối cạnh tranh ti tiện, đểu cáng của bọn con buôn. Những người viết vẫn là những người cao thượng, không thèm làm. Sở dĩ ngày ấy tao tán thành là vì bí thế quá, mà tao chưa nghĩ được ra nên làm thế nào hơn. Bây giờ mày vào làng báo, mà nghĩ được như người viết báo, tao hoan nghênh.

Ông bắt tay anh Thừa, rồi tiếp:

– Cái lối trưng cầu ý kiến này, các báo Sài Gòn vẫn làm, nhưng báo giới Bắc Kỳ, thì thế là mới lắm đấy. Nhưng nên trưng cầu về vấn đề gì cho hợp thời nhỉ?

– Về nữ quyền, mày ạ. Mày không biết là đàn bà con gái nước ta đương như bị nhốt vào trong lồng, họ chỉ muốn đòi ra thôi à? Mình mà cổ động nữ quyền, họ được tháo khoán, tự do bay đi, thì chẳng những họ ơn mà nam giới mình cũng được hưởng nhiều cái lợi lắm.

Ông văn sĩ cười:

– Mày lại đương mồi chài đứa nào, nên mới nghĩ đến nữ quyền để kiếm lợi cho mày, chứ mặt mày mà nghĩ nổi đến lợi cho xã hội.

Anh Thừa đáp:

– Riêng đếch gì tao. Thế mày có muốn chúng nó được tung tẩy không nào?

Ông Hoài Tân Tử nghĩ một lát, rồi nói:

– Nhưng tao chỉ sợ độc giả chửi cho chết. Bởi vì cổ động nữ quyền là nên, nhưng cần cho họ biết cả nhiệm vụ. Chỉ tính đến quyền lợi mà không làm nhiệm vụ, thì rất nguy hiểm, xã hội sẽ tan nát. Rồi độc giả đổ cho mình cái trách nhiệm làm nữ giới hư hỏng, họ tẩy chay báo mình, thì đến phải đình bản mất.

– Sợ đếch gì! Mình cứ cổ động cho vợ con người khác tự do, miễn là mình nghiêm cấm vợ con mình đọc báo mình là được chứ gì?

– Nhưng thế nào nó chẳng chịu ảnh hưởng của xã hội?

– Vợ con mình mà đòi tự do, thì mình đánh cho chết!

Ông Hoài Tân Tử bật cười:

– Được, tao cứ nghe mày, mở cuộc trưng cầu ý kiến về nữ quyền. Tội giết báo mày phải chịu nhé.

Anh Thừa gật.

– Là giuốc-na-lít mà chỉ âm mưu giết báo người, rồi lại tự tay giết báo mình, không là đặc biệt à?

Hôm sau, báo Chấn Hưng đề ra ba câu hỏi như sau:

1. Ta có nên chấn hưng nữ quyền không?

2. Việc người con gái lấy chồng có ở trong phạm vi nữ quyền không?

3. Về hôn nhân, người con gái nên giữ những quyền gì và nhường cho cha mẹ những quyền gì?

Ông Hoài Tân Tử cho xếp mấy dòng này bằng con chữ đậm, đóng trong cái khung, đặt giữa trang nhất, ông đắc ý, bảo anh Thừa:

– Rồi mai, thư trả lời như bươm bướm cho mà xem.

Nhưng báo ra ba số rồi, mà chưa có độc giả nào đáp những câu về nữ quyền, ông Hoài Tân Tử an ủi anh Thừa:

– Họ còn phải nghĩ chứ? Vấn đề này quan trọng, đặt bút viết ngay thế nào được?

Rồi ba số nữa. Vẫn chưa có thư trả lời. Ông Hoài Tân Tử nói:

– Tao có kinh nghiệm, cho nên tao biết. Chúng mày đừng sốt ruột. Mai mà tòa soạn không nhận được bài, chúng mày cứ vật tao ra, ghè cho ba dọc tẩu vào đầu.

Nhưng không ai nỡ đánh cái người duy nhất biết viết bài của tòa báo, dù ngày hôm sau, vẫn chưa có bài gửi đến. Và cả ngày hôm sau nữa, cũng vậy. Ông Hoài Tân Tử cáu lắm:

– Tiên sư chúng nó, câm hết cả rồi à? Có lẽ phen này ông phải mở cuộc thi mới câu được chúng nó chắc?

Thế là hôm sau, báo Chấn Hưng đăng một bài như sau:

MỘT CUỘC THI ĐỂ TRƯNG CẦU Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Từ hôm bản quán trưng cầu ý kiến độc giả về nữ quyền, mỗi ngày tòa soạn nhận được đến hàng chục lá thư trả lời, bài nào ý kiến cũng xác đáng và văn chương cũng trau chuốt. Không kể bạn gái chú trọng đến nữ quyền, nhiều bạn trai, kể cả một vài bậc tai mắt trong xã hội, cũng không thờ ơ với vấn đề quan trọng vào bậc nhất ở nước ta hiện nay. Xin trân trọng tất cả các vị đã có lòng yêu bản quán.

Song, vì bài mỗi ngày gửi đến một nhiều mà người của tòa soạn bản quán chỉ có hạn, cho nên đọc không xuể để lựa chọn bài hay nhất. Thế mà có nhiều thư viết về khuyên bản quán nên đổi cuộc trưng cầu này thành cuộc thi. Bản quán xin lĩnh cái ý rất hay này.

Vậy kể từ nay, ba câu hỏi để trưng cầu ý kiến về nữ quyền đăng trong các kỳ báo trước là một cuộc thi.

Cách chấm giải và giải thưởng thế nào, số báo ngày mai sẽ tuyên bố rõ.

Bản quán mong rằng tất cả nữ giới hay nam giới, ai đã là người có nhiệt tâm với việc chấn hưng xã hội, hãy mạnh dạn hơn nữa đề đạt ý kiến của mình về vấn đề nữ quyền.

Lời dặn: Thư viết một mặt. Không phải dán tem. Bài không trúng giải hay không đăng báo không phải trả lại bản thảo. Ký tên bằng biệt hiệu, nhưng tên thật và chỗ ở viết vào tờ giấy riêng, để trong một phong bì dán kín. Phong bì gửi bài dự thi, đề ở ngoài bốn chữ: Dự thi nữ quyền.