Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Họ gọi Xuy-dan và xoa bóp cho cô. Xuy-dan lịm đi, đến mười phút mới tỉnh.

Đầu cô ê ẩm, làm cô phát sốt đến mười hôm.

Thừa rất thương Xuy-dan. Hắn xoa tay vào bụng cô:

– Thật là vì anh nên em bị tai nạn! Chắc thằng kẻ trộm biết là anh để tiền ở nhà.

Xuy-dan nói:

– Và nó cũng biết những đêm nào anh ngủ ở nhà, những đêm nào anh ngủ ở sở, nên nó mới dám vào.

Thừa lo lắng:

– Nó mà hại được em, thì cái thai này hỏng và cái két tiền của anh cũng không còn.

Hắn bảo Xuy-dan tìm nhà ở phố đông, và nuôi vú giờ giúp việc, để những đêm cô ngủ một mình, có người nọ người kia, nhà đỡ vắng.

Xuy-dan vâng theo.

Thừa đưa cho cô mười đồng:

– Mỗi tháng, anh đỡ cho em khoản chi tiêu này.

Nhưng Xuy-dan lắc đầu, cười:

– Để em dạy thêm mấy đứa nữa. Bao giờ em đẻ, không dạy học được, thì em xin anh, anh hãy cho.

Thừa cảm động:

– Em Xuy-dan, ai cấm nổi anh không được coi em như vợ chính thức của anh nhỉ!

Xuy-dan sung sướng, lòng thổn thức, trái tim đập rộn ràng.

§15. Vinh dự cái con rồng

Thừa được thưởng Nam long bội tinh. Có bút nào tả nổi nỗi sung sướng này?

Ta hãy tưởng tượng một người phu kíp, một người cu-li kéo quạt, một người đi chào khách cho hàng cơm, một người bán rong thuốc trên các xe các tàu, người ấy có bao giờ dám nghĩ rằng đời mình lại được đấng Thiên tử gắn cho bội tinh vào ngực?

Ta lại tưởng tượng một thằng sống toàn bằng gian ác, nó buôn thuốc lừa bịp, chữa bệnh lừa bịp, nó buôn nhựa lậu, mở sòng bạc lậu, nó bỏ vợ tấm cám, nó giết vợ lương thiện, nó phản bạn, phản ân nhân, nó hại dân, hại nước, thằng ấy có bao giờ dám nghĩ rằng đời nó được đức Thiếu quân anh minh của nước nghìn năm văn hiến thưởng cho nó ngôi sao rồng cao quý của triều đình?

Nhưng nếu ta có óc tôn quân, thường dùng thêm tiếng ngự để cặp vào những động từ chỉ hành động của cái người được gọi là Thánh thượng, mà ta lại tưởng lầm là những kẻ hèn hạ, những thằng gian ác không đời nào giàu có, danh giá, thì, nếu ta thấy trước kia, mụ vợ tên cố Hồng được phẩm hàm đường quan, con đĩ tây Bé Tý được Kim bội, chắc là ta không ngã ngửa người nữa, khi nghe tin Trần Đức Thừa bây giờ được bội tinh của Nam triều.

Ma-ri đã chẳng nhiếc móc Thừa là phải nhờ cái mồm thằng Tây và cái thử khoản của hắn là gì? Thật vậy, hai cái ấy tạo nên thế lực, tạo nên tiền tài, để đẻ ra cái sao rồng của tên vua bù nhìn cho hắn.

Cho nên Thừa sung sướng quá. Biết bao thì giờ, tâm trí và tiền bạc mới được hiển vinh như thế này. Hắn đương từ dưới đất đen nhảy tót lên mây xanh, tới chỗ số đỏ! Phen này thì phải khao ra khao!

Trước hết, Thừa bàn với Ma-ri về địa điểm để mời khách. Ở quê hắn? Hắn không có nhà cửa gì hết. Vả cố nhiên Ma-ri không bằng lòng cho hắn khao ở quê. Ở Hà Nội? Hắn chỉ có bốn chiếc nhà, tuy không xấu, nhưng ba chiếc cho thuê, chiếc đẹp nhất, rộng nhất, hắn giữ lại để ở, nhưng không thể chứa được mỗi lúc vài chục người khách. Ở Hải Dương? Nhà này chỉ là sở làm việc, nó tầm thường, không xứng đáng cho những vị khách quý bước chân tới.

Chợt hắn nghĩ ra. Mùa này là mùa thu. Có một nơi rất nhiều nhà đẹp mà không có người ở. Xung quanh, phong cảnh lại rất nên thơ. Ấy là những biệt thự ở các bờ biển. Thừa quyết định thuê ba biệt thự liền nhau ở Đồ Sơn. Bởi vì khách khứa gồm ba hạng khác nhau.

Biệt thự xoàng hơn cả, thì tiếp khách thường. Ấy là những người làng, người họ, những người làm công, những người mang ơn hắn.

Biệt thự đẹp vừa thì tiếp khách tỉnh thành, các công chức và bạn bè của hắn.

Biệt thự đẹp hơn cả thì tiếp các quan, các người được gọi bằng quan, các người có giá trị ngang với quan và các khách tây.

Ăn thì, cơm tàu, hắn thuê hầu sáng cao lâu ở Hải Phòng ra. Cơm tây, hắn thuê bếp ô-ten ở Hà Nội xuống. Cơm tàu có một người gọi là bếp chủ. Cơm tây có một người gọi là xếp. Hai người đầu bếp có nhiệm vụ mua các thứ để nấu nướng. Những người này kê thực đơn trong một tuần lễ, rồi đi Hà Nội, Hải Phòng sắm về. Một chiếc ô-tô con, thường trực để dùng vào việc vận tải. Nhưng khách muốn thứ gì mà hỏi đến, người đầu bếp có quyền đánh dây thép thẳng đến hiệu buôn, yêu cầu gửi ngay thứ ấy ra.

Khách được mời dự tiệc khao sẽ có ô-tô đến đón tận nhà. Họ ở chơi, hôm nào chán, muốn về, thì có xe tiễn tận nhà.

Các thứ chơi thì ngoài phong cảnh, ngoài việc gặp gỡ nhau để chuyện gẫu, có tổ tôm, có thuốc phiện, có cô đầu, có gái nhảy. Thừa đã chọn được năm cô đầu rượu vừa đẹp vừa trẻ, vừa nhí nhảnh, và năm cô đầu hát, nổi tiếng là danh ca. Tiệm Ô-đê-ông đăng-xinh tạm đóng cửa để cho mười hai cô gái nhảy về phục vụ.

Khách ở chơi, không cần có chủ tiếp. Họ sẽ tự làm chủ, coi như ở nhà họ. Bởi vì sẵn kẻ hầu người hạ, đeo chiếc băng đỏ ở cánh tay trái, thì ai muốn gì cứ bảo.

Dự định như vậy, Thừa rất tự hào. Hắn cho là chỉ thua có tiệc khao của ông nghị Lại Văn Trung ở Thái Bình thôi, ông Lại Văn Trung xuất thân là lái lợn, rồi sau có đến hơn nghìn mẫu ruộng, được thưởng đệ ngũ đẳng Bắc đẩu bội tinh. Chiếc mề đay này chỉ quan nào làm đến tổng đốc mới được, ông Lại Văn Trung ở cách tỉnh bốn cây số. Ông khao hẳn một tháng. Ông đưa điện từ thị xã về nhà để thắp đèn. Ông cấm người làng, trong một tháng, không bếp nhà nào được có lửa. Nghĩa là đến nhà ông mà ăn.

Ngày khao chính, ngày Thừa được công sứ Mát-xi-li nhận lời về dự tiệc, là ngày long trọng nhất.

Từ cổng biệt thự vào đến thềm, chiếu cạp điều mới được trải cái nọ liền cái kia. Ở sân, thiết lập hương án bái vọng Vua. Hương án cũng bày trên chiếu cạp điều, nhưng là chiếu hoa cho trịnh trọng. Bày chếch về hướng Nam. Trên hương án, có giá gương, có độc bình cắm hoa và có đèn nến ở hai bên, giữa là chiếc đỉnh đồng lớn để đốt trầm. Sau đỉnh trầm là cái hòm sắc phủ ngoài bằng mấy vuông nhiễu hoa, màu cánh sen. Hòm sơn son thiếp vàng, mới sắm, trong có đạo sắc bội tinh giấy vàng in rồng bằng ngân nhũ, và chiếc hộp đỏ lót xa-tanh trắng, đựng bội tinh.

Thừa đội khăn, mặc áo gấm lam, quần nhiễu tây trắng và lận bít tất tơ, giày ban da loáng đen nhoáng.

Hôm nay, hắn không cười. Lúc nào đối với khách, dù là khách hay cợt nhả, hắn cũng vâng, dạ, rất lễ phép. Rõ là cử chỉ một nhân vật thượng lưu.

Mười giờ sáng, ô-tô thượng tá Hải Dương tới. Đây là vị quan đại diện cho quan tổng đốc về gắn bội tinh cho Thừa.

Thừa vội vàng ra tận cổng vái chào.

Thượng tá xuống xe, bắt tay chủ nhân, rồi đi vào buồng khách giải khát.

Thừa thấy người lính mang theo hòm mũ áo thì hắn yên tâm. Người đại diện cho cụ thượng này, vì muốn giản dị, nên chỉ định mặc áo thụng, khi tuyên sắc mà thôi. Thừa đã phải khấn đủ một trăm, vị quan gắn bội tinh cho hắn mới bằng lòng đội mũ, mặc áo triều đình cho trọng thể.

Uống nước xong, thượng tá vào buồng riêng để bận phẩm phục. Buồng này là buồng đặc biệt, nên bày lọ hoa, tủ gương, lại có chậu thau, xà-phòng và khăn tay mới. Sau khi rửa mặt bằng nước ngũ vị sực mùi hồi và mùi quế, tên quan thay thường phục để mặc phẩm phục.

Bởi vì y là chức tri phủ hạng nhất, hàng chánh ngũ phẩm, thì là thuộc quan thôi, nhưng giữ nhiệm vụ thượng tá, thì lớn nhỏ cũng là quan tỉnh, nghĩa là đường quan. Cho nên mũ áo của y nửa là chánh ngũ, nửa là tòng tứ. Vì chưa làm bố chánh, y chưa sắm áo mới, màu khác, vì đắt tiền nên vẫn mặc áo thêu, màu lá cây, nhưng trên mũ y gắn đôi giao long bằng bạc ở phía dưới cầu.

Sắm sửa xong, y cầm chiếc hốt ở hai tay, đi nhẹ nhàng bằng đôi hia vải, trên nền gạch có trải chiếu.

Nếu các bạn độc giả thanh niên đọc đến đây, chê là tác giả tả một thằng phong kiến ăn vận phong kiến mà nói sơ sài quá, các bạn chưa thể hình dung ra được, thì tác giả xin mời hôm nào các rạp hát diễn tuồng, thì các bạn vào xem. Ở đây, có những vai đóng vua, có những vai đóng quan. Các bạn muốn biết thượng tá Hải Dương lúc này thế nào, thì các bạn cứ nhìn một vai quan, nhưng điều cốt yếu, là các bạn phải tự thí dụ là vai tuồng ấy không đeo râu bằng lông đuôi ngựa. Đúng thế, mồm thượng tá nhẵn thin thín. Vì y vừa cạo râu. Y lại đeo kính trắng, gọng giả đồi mồi.

Người thay vua bù nhìn xuống thềm.

Hàng trăm khách của Thừa đã đứng đợi ở sân. Một tràng pháo tay nổi lên vang dậy để chào.

Đây là cách hoan nghênh kiểu văn minh.

Quan vẫn nghiêm trang. Mắt nghiêm trang. Mặt nghiêm trang. Dù trước mặt ngài có vô khối má hồng, vô khối môi son, vô khối mắt huyền, và vô khối áo màu như luống hoa sặc sỡ, ngài vẫn nhìn thẳng, tiến từng bước thong thả. Nhưng không hiểu vì sao, ngài không đến hương án bái vọng bày cách thềm không xa. Ngài vẫn nhìn thẳng, và đi chếch ra phía cổng. Mọi người nhìn theo, thấy ngài đi xa hương án quá, đều ngơ ngác. Thì ra thế này: tới chỗ nên quành đúng giữa hương án, ngài mới quay ngoắt lại, đi thẳng vào. Mọi người trầm trồ:

– À ra thế. Ngài không dùng tà đạo, mà theo chính đạo.

Thừa đã chờ từ lâu, nhưng đứng ngoài chiếu. Hắn cũng mặc như khi nãy, nhưng thêm ra ngoài chiếc áo thụng lam mới may.

Bỗng hai bên chiếu, trước hương án, hai người thông phán ty tổng đốc, cũng mặc áo tấc, khuỳnh hai tay chắp, và giơ ngang miệng. Họ làm cái việc gọi là xướng tế. Tức như trong bộ đội, người chỉ huy hô các động tác. Nhưng khác người chỉ huy bộ đội, họ không hô bằng tiếng ngắn cho mạnh, cho hùng, mà họ xướng. Tức là nói to, nhưng thong thả, ê a như hát. Họ đọc từng động tác cho người vào tế làm theo. Họ xướng bằng chữ nho, ví dụ tựu vịvào chỗ, bình thânđứng thẳng, báilạy, hưngdậy, vân vân. Nhưng vì mấy ông thông phán không biết chữ nho, và không thuộc trật tự các động tác, nên phải biên sẵn bằng quốc ngữ vào tờ giấy nhỏ, để khi khuỳnh tay trước mặt, các ông nhìn vào để đọc.

Thừa cũng vậy. Hắn đã học nghĩa từng tiếng hô, và thuộc lòng trật tự các động tác. Cho nên, dù mấy ông thông phán xuống lấy giọng cho dõng dạc, đến nỗi từng tiếng chỉ phát âm lơ lớ, ví dụ Bình thân thì Bì thơơơ ơ ơơ, Hưng thì Hơơơ ơ ơơ, Thừa cũng nghe hiểu và làm không sai.