Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Cô Lễ thở dài:

– Ôi chà! Lắm lúc nhà con cứ thế nào ấy. Thật không ra thật, dối không ra dối, khôn không ra khôn, đần không ra đần, có học không ra có học, vô học không ra vô học.

– Ấy thầy nhà lúc làm văn làm thơ, lúc có chuyện gì phải nghĩ ngợi, cũng cứ như thế đấy. Có lẽ cái nghề làm văn làm báo nó sinh ra tính người ta như vậy hay sao. Nhưng mà thôi, cô nên nghe đẻ, đừng có bán tư trang mà mang tiếng. Mang tiếng cả thầy đẻ là làm gì đến nỗi con gái vừa đi lấy chồng đã phải bán tư trang, cần bao nhiêu, cứ nói thật với đẻ. Trong nhà có thì đẻ xếp cho, thiếu bao nhiêu, đẻ giật quanh họ hàng hộ, rồi giả sau.

– Vâng.

Cô Lễ đứng dậy:

– Con lên chợ đây, kẻo muộn.

– Ừ.

Cụ dặn lại:

– Nhất định tôi cấm cô bán tư trang đấy nhé.

– Vâng.

Cô Lễ chào cha mẹ, rồi ra cửa. Cụ bà nói thêm một câu:

– Đến chiều vợ chồng về nhà mà ăn cơm nhé.

Cô Lễ sung sướng:

– Vâng.

§13. Chồng chị, chồng tôi

Nhận bức văn tự sang tên nhà phố Hàng Vải thâm, có chữ ký của giám đốc sở Văn tự, cô Lễ đưa cho người tùy phái một đồng bạc, rồi thuê xe về tòa báo.

Lòng cô lúc này phơi phới vui. Vì cô đã làm xong một việc khó khăn để chiều ý chồng.

Ý chồng cô là muốn theo lời bà cụ khuyên bảo, dọn về ở một cái nhà của mình, cho rộng rãi, được tự do, khỏi phải nhờ cái buồng chật hẹp của tòa báo, thỉnh thoảng cụ có đến, không có chỗ mà ngồi, Nhưng anh lại khái, không muốn mang tiếng là ở nhờ nhà bố mẹ vợ. Cho nên, để chiều theo được ý mẹ, cô Lễ nghĩ chỉ có cách giải quyết, là xin hai cụ sang tên hẳn một cái nhà cho mình.

Cố nhiên, cụ bà bằng lòng. Nhưng cụ ông lưỡng lự. Và cậu Nghĩa thì phản đối kịch liệt.

Cô phải về tất cả bốn lần để thúc cụ bà thuyết cụ ông, thuyết bằng lý, bằng tình, bằng cả nước mắt. Cô lại nhờ cả mấy ông chú bà bác đến vận động hộ, cụ ông mới đồng ý.

Bây giờ văn tự ở trong tay cô rồi. Cô định chốc nữa, về nhà, còn giả vờ giả vịt mãi để trêu chồng lâu, cho đến lúc anh thất vọng, mới đưa anh xem văn tự, cho anh cười. Rồi chiều nay, hai vợ chồng lên Hàng Vải thâm, bảo người trương tìm nhà khác để dọn đi, cho ông chủ bà chủ đến ở. Nghĩ đến tiếng ông chủ bà chủ, cô sung sướng quá. Cái nhà ấy sẽ là cái tổ uyên ương, ủ ấp cho ái tình của đôi vợ chồng mới. Rồi đôi vợ chồng mới sẽ chọn xem chỗ nào ấm cúng nhất thì làm buồng ngủ, chỗ nào yên tĩnh thì làm nơi cho anh nghĩ văn, nghĩ thơ, để viết báo. Buồng ngủ, buồng làm việc, buồng tiếp khách, bày biện những gì, ông chủ bà chủ sẽ bàn bạc với nhau rồi sắm dần.

Xe đến đầu phố Hàng Bồ. Cô chắc bây giờ đức anh chồng mong mình lắm đây. Hẳn là xe vừa đặt vào hè cô chưa xuống, chàng đã chạy ra đón, và hỏi:

– Đâu? Được chưa?

Cô sẽ làm mặt buồn rầu, không nói. Cho anh thất vọng. Cô Lễ mỉm cười một mình.

Xe gần đến tòa báo, cô vui sướng, lánh mặt sang phía gọng mui, nhìn cho rõ xem chồng cô đứng ở đâu, để trốn anh.

Nhưng cô không trông thấy anh Thừa.

Xe đỗ trước tòa báo. Trả tiền xong, bỗng cô thấy một người đàn bà, trạc tuổi cô, tay dắt một thằng con trai độ lên ba tuổi, đến gần cô. Người này đi đất, mặc váy vải, áo cộc nâu, nhưng không rách rưới. Chắc không phải kẻ đến ăn xin.

Người đàn bà hỏi cô:

– Tôi hỏi khí không phải, chị có phải là vợ anh Thừa không?

– Vâng.

Cô hơi ngạc nhiên. Nhưng nghĩ đến tiếng chị mà người ấy gọi cô, cô đoán là một người họ hàng của chồng ở nhà quê ra thăm. Cô mỉm cười, nhìn người ấy:

– Chị hỏi anh Thừa ạ?

– Vâng. Anh ấy có nhà không ạ?

– Mời chị vào chơi. Tôi mới đi về, chẳng biết nhà tôi có nhà không.

Rồi cô hỏi:

– Chị ở nhà quê mới ra ạ?

– Vâng.

Cô đưa người khách vào buồng riêng, mời ngồi, rồi rót hai chén nước:

– Mời chị. Chúng tôi ở đây cũng là chân nâng, cho nên phải chịu chật chội.

Người khách hỏi:

– Anh Thừa đi vắng ạ?

– Vâng, chắc là thế.

Người ấy uống chén nước, rồi nói:

– Tôi nghe anh chị mới lấy nhau.

Cô Lễ ửng đôi má:

– Vâng.

Rồi cô hỏi:

– Thưa, tôi mới về, mà nhà tôi thì bận, thành thử chưa đưa tôi đi được đến chỗ họ hàng. Thưa chị là thế nào với anh Thừa ạ?

Người khách cười. Cô Lễ lại hỏi:

– Để họ hàng biết nhau, đi lại cho thân mật. Kẻo lại đánh nhau vỡ đầu mới nhận họ!

Cô cười. Nhưng người khách không cười. Cô Lễ chưa được biết người này là ai, nên lại phải hỏi những câu đưa đẩy:

– Thưa, trong quê ta năm nay mùa màng thế nào ạ?

– Xấu hơn năm ngoái. Đến đói to mất. Năm nào cũng mất mùa.

– Chị cấy bao nhiêu ạ?

Người đàn bà lắc đầu:

– Chả có ruộng nương đâu mà cấy, chị ạ.

Rồi nói:

– Vợ chồng mới, ở thế này, vui nhỉ!

Cô Lễ thẹn, chỉ cười, không đáp.

Người khách đứng dậy:

– Tôi vô phép chị nhé. Tôi đợi ở ngoài cửa, lúc nào anh Thừa về thì tôi vào.

Cô Lễ níu cánh tay người ấy lại:

– Không. Đây là nhà chúng tôi. Mời chị cứ ngồi chờ. Tôi không bận gì cả.

Người đàn bà thở dài. Cô Lễ hỏi:

– Ban nãy tôi hỏi, chị chưa cho biết. Thưa chị là thế nào với nhà tôi ạ.

Người ấy cười:

– Xin nói thật thế này. Tôi với chị, chả có điều tiếng gì với nhau, cho nên tôi sợ nói ra thì chị tưởng tôi xấu bụng, chị lại buồn.

Cô Lễ nhã nhặn:

– Có điều gì, xin chị cứ bảo. Để gọi nhau cho đúng. Việc gì mà buồn ạ?

Người khách ngồi nghiêm lại, nói:

– Chị ạ, tôi là vợ cả của anh Thừa. Thằng Mão, con anh ấy đấy. Chị xem nó có giống bố nó không?

Cô Lễ trợn tròn đôi mắt, lạnh toát như người bị cảm suýt ngã.

Mẹ Mão vội vàng đứng dậy, đỡ cô ngồi xuống giường:

– Phải. Tôi biết là chị nghe thì buồn mà! Nhưng vì chị cứ gặng hỏi, nên tôi phải nói. Vả tôi thấy chị cũng như tôi, đều bị nó lừa, cho nên không nỡ giấu chị.

Cô Lễ chăm chắm nhìn mẹ Mão. Mẹ Mão vẫn dịu dàng:

– Chị ạ, tôi xem chị không phải như hạng con cô đốc, thì chị có biết bố thằng này thế nào không, mà lại lấy nó?

Cô Lễ run run:

– Cô đốc nào? Cô đốc ở Phòng thuốc nhà giàu ấy à?

– Phải, con Tây lai đĩ rạc đĩ rày chứ đốc đếch gì nó!

– Thế sao, hở chị?

– Nó bỏ tôi, lấy con cô đốc, đã có đứa con trai. Bây giờ chắc lại bỏ con cô đốc, mới lấy đến chị.

Cô Lễ hu hu khóc.

Mẹ Mão chép miệng, lắc đầu, an ủi:

– Thôi, chị ạ. Chẳng qua cái số tôi với số chị nó sa vào vũng bùn, cho nên khổ.

Cô Lễ lau nước mắt:

– Tôi không ngờ!

– Phải, ở đời nào ai học đến chữ ngờ. Ấy là tôi chỉ nói những người vợ nó có cưới xin hẳn hoi. Còn những người tằng tịu tạm bợ, rồi đẻ hoang với nó, thì vô khối ra đấy. Tôi chả biết đám cưới chị có linh đình không, chứ mà mắt tôi trông thấy đám cưới nó lấy con đĩ Tây lai có mang sẵn với ai ấy, mà nào quả phù trang, nào lọng xanh, đi mười xe song mã, mà chả biết nó thuê đâu được những người rước dâu, toàn áo gấm với áo nhung. Rồi tế tơ hồng, lễ hợp cẩn, rồi tiệc tùng, hát xướng linh đình suốt đêm trong cái nhà thuê ở phố Hàng Tiện.

Cô Lễ rên ra tiếng:

– Ôi trời ơơơi! Nhục nhã thân tôi!

Mẹ Mão khuyên giải:

– Nó đi lừa thì nó nhục, chứ việc gì mình nhục. Chị có biết tại sao nó làm thuốc không?

Cô Lễ thổn thức:

– Tôi nghe nói anh ấy du học ở bên Tàu.

Mẹ Mão cười:

– Thế chị có biết nó làm những nghề gì không?

– Tôi nào có biết!

Mẹ Mão nhìn cô Lễ bằng đôi mắt ái ngại:

– Nguyên do thế này, chị ạ. Ngày thuở bé, nó học ở trường làng. Đâu vì cái tính ăn cắp thế nào ấy, thầy giáo mới đuổi. Ngày ấy, tôi chưa về làm dâu ông bà Bếp, nên không biết đích.

Cô Lễ hỏi:

– Ông bà Bếp nào?

– Là ông bà đẻ ra thằng Thừa chứ ông bà nào!

Cô Lễ ối lên một tiếng, rồi hỏi:

– Sao bảo…

– Sao bảo gì? Ông ấy đi lính khố đỏ được đóng lon bếp. Cho nên năm bên Tây đánh nhau, ông ấy thấy nó học không hay, cày không biết, cứ lêu lổng, mới bắt nó đăng lính mộ chào mào. Ông Bếp hỏi tôi cho nó, tôi có bằng lòng đâu, nhưng ông bà tôi cứ ép, thành thử tôi phải lấy nó, để tôi khổ suốt đời.

Cô Lễ thở dài. Mẹ Mão tiếp:

– Sau ông bà tôi mới biết hối hận. Tôi chắc rằng hai cụ bên nhà cũng cả nghe mối lái thế nào, mới gả chị cho nó. Chứ tôi tính, dù con ế chồng, chết già thì chết, chứ không ai hoài người mà gả cho cái quân bịp bợm, bạc tình ấy.

Cô Lễ như bị một nhát búa, lại rú lên:

– Trơơời!

– Thôi, than vãn làm gì? Bố mẹ trót lầm, thì mình nên chịu, chứ oán ai?

Cô Lễ vật vã chân tay:

– Nhục nhã thân tôi!

– Thôi, chị ạ. Chẳng qua là Trời định cái số mình phải thế, thì mình tránh cũng chẳng được, chị để tôi nói nốt. Nó không đăng lính mộ, mới định đi kéo xe cho con dì nó, là con vợ Tây, tên là cái Ĩnh con. Nhưng bố nó không cho. Nó lễ lạt con vợ Tây, nên được làm phu kíp ở ga Đồng Đăng.

Cô Lễ choáng người:

– Phu kíp?

– Phải, phu kíp. Ở Đồng Đăng, thỉnh thoảng được hôm ông sếp ga đi bắn, nó phát vé thay, thôi thì ăn cắp ăn nảy của hành khách từng xu một, bị người ta kêu ca, chửi bới, rác cả tai.

Cô Lễ thở mạnh:

– Nhục ơi là nhục!

– Có tiền, nó vào sòng bạc, nó uống rượu, rồi về hành hạ vợ con. Nó bắt nhân tình nhân ngãi lung tung, Tôi ngăn không được, còn bị nó đánh sưng cả mặt mũi. Một lần nó dọa tôi, bóp cả cổ con bé dại nhà tôi suýt chết. Nó tàn nhẫn đến thế là cùng!

Ngừng một lát, mẹ Mão tiếp:

– Một hôm, ông sếp ga đi bắn vào rừng, cứu được ông quan Tàu khỏi bị thổ phỉ bắt. Ông này về nước được ít lâu, thì ông sếp ốm. Ông sếp phải xuống Hà Nội để chữa, nhưng vì bệnh nặng, nên ông ấy chết. Thế là bố thằng này được tạm quyền sếp. Thôi, từ đó nó lại làm tướng ở ga Đồng Đăng. Lại ăn cắp. Lại đánh bạc. Lại chim gái. Lại uống rượu. Lại đánh vợ. Cứ năm ngày ba trận, tôi thâm tím cả mặt mũi, mình mẩy không mấy lúc không lằn những vết roi, gậy. Tôi tính đời tôi chưa đận nào khổ hơn đận ấy.

Cô Lễ xoa đầu thằng Mão.

– Cái ông quan Tàu về nước, thì đền ơn ông sếp. Ông ta gửi biếu ông sếp cái bằng làm thuốc. Nhưng vì không biết tên ông sếp là gì, nên để trống chỗ tên, cho ông sếp điền vào. Nhưng vì ngày ấy ông sếp ốm, về Hà Nội, nên bố thằng này nhận hộ. Rồi khi nghe tin ông sếp chết, nó mới điền tên nó vào cái bằng làm thuốc ấy, để nhận chằng là của mình.

Cô Lễ quật mạnh tay xuống chiếu.

– Ông sếp ga mới đổi lên thay ông sếp cũ, thì bố thằng này không được hoành hành, nên hục hặc với ông ta. Ông ta tức mình mới tư đuổi. Nó sợ quá, bảo tôi về nói lót với con vợ Tây, xin cho nó đổi về Hà Nội. Nó được về Hà Nội. Chị có biết nó làm gì không?