Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Thừa vui sướng:

– Cụ lớn là bậc cha mẹ, lúc nào cũng thương dân như thương con. Nhưng con ngại là con không có công lao gì hơn năm nọ.

Công sứ lắc đầu:

– Khi tôi muốn bảo nhà vua thưởng cho ai, thưởng cái gì, thì tôi không cần viện cớ. Bởi vì tôi là quan cai trị người Pháp. Song, với cái lý lịch của ông mà sở Mật thám dùng để xin cho ông đi tri châu, thêm vào đó, tôi nói ông là người nhiệt thành với nền thể dục thể thao, lại là nhà doanh nghiệp, có công với nền thương mại bản xứ, thì ông thừa công lao để đáng nhận chiếc Nam long bội tinh rồi. Nhưng hai cái lý do chính, đáng kể nhất, là cái lòng ông đối với tôi khi ông lập sân vận động, khi tôi sắp rời Vĩnh Yên và sắp tới Hải Dương: và là cái lòng ông đối với nhà chung. Tôi đã tiếp thư cha Hảo nói là ông để lại đồn điền cho cha. Cha dặn tôi nên tri ân cho ông trong dịp vua ra Bắc, và khuyên tôi nên trọng dụng ông sau này. Vậy ông không quên ơn cha Hảo và tôi chứ?

Thừa run lên. Tên thực dân tiếp:

– Để tuân lời cha Hảo, tôi đợi đến khóa nghị viên sau, khi quan thống sứ sửa đổi lại tổ chức của Viện Dân biểu Bắc Kỳ, tôi sẽ cử ông làm nghị viên, ông bằng lòng chứ?

Thừa run hơn, không nói được.

– Vậy từ nay, tôi cho phép ông được vào gặp riêng tôi luôn luôn, để nói cho tôi biết cái trào lưu tư tưởng của dân chúng, có gì mới, có gì lạ. Tỉnh Hải Dương to hơn tỉnh Vĩnh Yên. Vả ông ở ngay gần tôi, tôi chắc ông giúp ích cho tôi được điều đó. Đành rằng Hải Dương có sở Mật thám. Nhưng người làm nghề mật thám có thể chỉ biết mặt này mà không biết được mặt khác ông giao thiệp với bạn bè. Ông tiếp xúc với hành khách. Tất ông lượm lặt được nhiều cái hay, cái lợi cho cuộc trị an.

– Lậy cụ lớn, cụ lớn giao việc ấy, con xin hết lòng.

– Phải, đó là việc ông tập sự để được cử làm nghị viên dân biểu Bắc Kỳ. Nhưng muốn kín đáo, ông nên tránh gặp tôi trong giờ làm việc, ông cứ đến nhà riêng, vào buổi tối, khi tôi ăn cơm xong.

Dặn xong, tên thực dân bảo:

– Thôi ông về, vui vẻ mà làm ăn, và đợi tin mừng.

Thừa đứng dậy. Công sứ nhắc:

– À, còn năm con chó ông dâng vua ông, thì ông đóng cũi cho cẩn thận, chở nó vào dinh tổng đốc. Người ta sẽ đưa vào Huế cho ông.

§13. Cuộc cạnh tranh

Hội Kiếp Bạc lại sắp tới, Thừa bàn với hai mại bản:

– Năm ngoái, trong dịp này chỉ có hai mươi ngày từ mồng một đến hai mươi tháng tám, mà hai chiếc tàu của ta thu bằng năm tháng ngày dưng, và bằng ba hội đền Tranh. Là vì cả chiếc Đại Pháp cũng giúp chiếc Bắc Kỳ mà đi đường Hải Dương – Kiếp Bạc. Là vì hai chiếc tàu được độc quyền chở khách. Nhưng nhất là vì hai con làm việc hết lòng hết sức. Cho nên, ngoài lương và hỏa hồng thường lệ, pa-pa đã thưởng thêm để đền bù sự khó nhọc của hai con. Nhưng pa-pa nhận thấy tuy ta chở khách bằng hai tàu, mà người phải đi ô-tô, đi xe, đi thuyền, và cả đi bộ nữa, còn vô khối. Vậy pa-pa thử hỏi các con xem năm nay, ta có thể cho chạy mỗi tàu hai chuyến đi, hai chuyến về một ngày được không?

Chưa để hai mại bản trả lời. Thừa nói ngay:

– Kể ra như vậy, thì ba-toong, tài xế khó nhọc hơn mại bản nhiều. Pa-pa định món tiền thưởng sẽ to hơn năm ngoái.

Thằng Pôn nói:

– Nếu đủ than, đủ dầu, đủ mỡ, và máy khỏe, thì con xin đi một ngày bốn chuyến. Có hai mươi ngày chứ mấy!

Thằng Giăng thêm:

– Con cũng vậy. Nhưng con sợ một nỗi là tàu của ta là tàu cũ, thì máy yếu. Lần trước, lục lộ khám, tàu Bắc Kỳ đã phải nghỉ mất mấy ngày để chữa. Vừa đây, tàu Đại Pháp bị khám, may con Rô-da-lin với con Ma-gơ-rít khéo tán cho anh Tây lục lộ trẻ híp mắt lại, nó mới ngơ đi cho. Cho nên, tháng này, pa-pa phải bảo hai đứa làm thế nào cho họ đừng khám. Chứ khám vào ngày hội, lỡ phải bỏ khách mà đi chữa, thì thiệt hại lắm đấy.

Thừa cho là phải:

– Được, về việc ngoại giao, pa-pa bắt bọn em chúng con phải chu đáo. Hai con lại ra tay một phen nữa, để hội đền này, thu nổi lấy nghìn bạc. Pa-pa sẽ thuê thêm tàu cho chạy đường Hải Dương – Hải Phòng.

Cả thằng Giăng lẫn thằng Pôn được khuyến khích, được động viên, nên đều phấn khởi. Cuối cùng, Thừa nói:

– Pa-pa nhắc lại, mỗi chiếc tàu là của một con, vậy các con phải tập làm ông chủ. Chủ thì phải chiều khách, trọng khách. Đừng làm như kiểu ông hai Sơ, em ông ký Bưởi ngày xưa. Các con có hiểu không?

Cả hai mại bản đều gật đầu. Chúng nó hiểu. Vì làm nghề này, chúng nó vẫn được nghe chuyện về những bậc tiền bối và bạn đồng nghiệp của chúng nó. Chúng nó biết là ông hai Sơ có buồng ngủ riêng trên tàu Phi Phượng. Tính ông đĩ, nên ve được cô hành khách nào, ông dắt vào buồng, cho ngủ chung. Nhiều bận, ông lại hiếp cả hành khách. Hành khách đem nhiều tiền đi tàu sợ mất cắp, nên có quyền gửi mại bản giữ hộ. Ông hai Sơ lợi dụng khách đàn bà con gái nhờ giữ tiền, ông bảo vào buồng ông để đưa tiền và lấy giấy biên lai. Ai đứng đắn, thì ông không dám sàm sỡ. Nhưng ai có vẻ nhí nhảnh, là ông chòng ghẹo ngay. Có người không bằng lòng, ông cũng cứ đóng ập cửa lại, và khóa tách lại.

Ma-ri đã tả tỉ mỉ những mánh khóe của ông hai Sơ khi đã nhốt được khách đàn bà con gái vào buồng mại bản. Hắn khuyên hai con đừng bắt chước ông ta mà mất khách.

Chúng ta đã biết thằng Pôn và thằng Giăng không đứng đắn gì hơn ông hai Sơ. Bây giờ, được mẹ cho nhìn tấm gương sáng, nên từ đó, gặp cơ hội thuận tiện, hai đứa không ngần ngại mà không thực hiện bài học của thầy hai Sơ.

* * *

Bỗng ở bờ sông Hải Dương, có một bọn người đem cuốc xẻng đến miếng đất ngay bên cạnh bến tàu của hãng Trần Đức Thừa. Họ rẫy cỏ, san đất cho bằng, và nện cho phẳng.

Thừa hỏi, thì bọn người đáp:

– Làm bến tàu cho hãng Phúc Lai Thành chở khách trảy hội Kiếp Bạc.

Thừa tái mét mặt. Thế này thì mất độc quyền.

Tối hôm ấy, gọi hai mại bản đến, hắn cho chúng nó biết cái tin mới, và bảo:

– Nhưng ta không nên nao núng. Ta không mất khách đâu mà sợ. Người Nam mình tốt, tất chỉ tìm tàu Nam để đi. Ông ký Bưởi ngày trước cũng nhờ vào tình đồng bào đồng chủng, nên mới nổi nghiệp. Người ta kể chuyện là hồi mới buôn tàu, ông ta chỉ trông vào lòng tốt của đồng bào không đi tàu của chủ nước ngoài. Mỗi chiếc tàu, ông ta để một hòm quyên. Ngày nào, ngoài tiền bán vé, ông ta cũng thu thêm được chút ít của đồng bào cúng. Một hôm, mở hòm quyên, ông ta cảm động quá. Lẫn với hào, với xu lẻ, có một tờ giấy hai chục. Cho nên nhất định ta không sợ tàu hiệu tranh khách của ta. Chỉ cần hai con hết sức tử tế, nhã nhặn để chiều khách. Pa-pa cho già lắm là năm hôm ế khách, hãng Phúc Lai Thành không chịu nổi, phải rút tàu về Hải Phòng.

Quả nhiên như Thừa đoán. Năm hôm đầu, tàu hãng Phúc Lai Thành ế khách thật. Nhưng hãng ấy không chịu rút tàu về Hải Phòng. Hãng ấy chỉ rút tiền vé, hạ mỗi vé hai hào xuống hào rưỡi.

Thấy việc cạnh tranh bắt đầu ra mặt, Thừa không chịu. Hắn cũng hạ mỗi vé xuống năm xu. Khách vẫn đổ xô đến hai chiếc Đại Pháp và Bắc Kỳ.

Pôn và Giăng bán vé sướng tay. Khách đi tàu không những đổ xô quanh chiếu vợ chồng anh hát xẩm, quanh chiếu ông Hai Tây làm trò xiếc, và quanh chiếu anh lùn đóng hề hát chèo, họ còn xúm đông xúm đỏ quanh một vài con công đệ tử, ngay từ nhà, đã mặc áo đỏ, đội khăn xanh, vừa xuống tàu, vừa múa đôi kiếm gỗ một mình như người điên, rồi hò hét, bắt tà, và xiên lình ngay ở trên boong. Tàu hiệu không có những trò giải trí ấy.

Nhưng hai hôm sau, tàu hiệu hạ vé xuống còn có hào hai.

Thừa bảo hai mại bản:

– Không cần. Ta cũng theo. Nếu mỗi chuyến chở được trên hai trăm khách thì vẫn còn lãi.

Thằng Giăng nói:

– Hãng Phúc Lai Thành cậy có trường vốn, nên cho là ta không theo đuổi được.

Thừa bảo:

– Đã đâm lao thì phải theo lao. Dù có lỗ, ta cứ giữ lấy khách. Giữ được nhiều khách thì lỗ ít. Để phen này, chủ An Nam thắng, hay chủ Trung Hoa thắng.

Giá vé lại xuống đến một hào. Thừa bảo:

– Đến mức này là cùng, cho ăn kẹo hãng Phúc Lai Thành cũng không dám hạ nữa.

Nhưng hãng Phúc Lai Thành hạ hai nấc nữa. Hôm trước vé xuống tám xu. Hôm sau, giá vé còn có năm xu.

Thừa đau đớn lắm. Hắn cũng phải hạ.

Chỉ sung sướng cho hành khách. Họ không đi ô-tô, không đi thuyền, không đi bộ, phải bỏ ra hơn năm xu, mà không được nghe chèo, nghe xẩm, xem xiếc, xem con công đệ tử bắt tà xiên lình ngay dưới tàu.

Gần đến ngày hội đền chính, có lẽ không lý gì lại chở khách cung phụng, hãng Phúc Lai Thành vẫn giữ giá vé năm xu, nhưng biếu thêm mỗi người một gói chè Sinh Thái, giá cũng đến một xu.

Thừa không chịu. Hắn không biếu khách bằng chè gói lẻ, mà cứ để nguyên cả gói nửa lạng lấy ở hiệu. Hắn biếu hai mươi người chung nhau một gói. Như vậy lợi cho khách là mỗi người được một gói to hơn gói của tàu hiệu. Mà họ còn hy vọng nếu trúng ảnh Lưu Bị, Quan Công hay Trương Phi, thì được thêm gói chè thưởng nữa.

Thừa còn khiêu khích tàu Phúc Lai Thành. Bao giờ hắn cũng cho chiếc Đại Pháp đi trước tàu hiệu mười phút, rồi khi chiếc tàu hiệu nhổ neo, thì chiếc Bắc Kỳ theo sát liền ngay sau. Thành thử chiếc đi giữa bị chèn. Thế là chiếc này dù to, máy khỏe, nhưng không thể vọt hẳn lên trước, hay lùi hẳn lại sau để lấy khách dọc đường được. Nó phải đi đúng luồng. Chệch luồng thì mắc cạn. Mà chiếc Đại Pháp thì nghênh ngang, lúc lái bên phải, lúc lái bên trái, cốt làm cho tàu hiệu không lách được lối mà nhoi lên.

Rồi gần tới bến, đến chỗ luồng rộng, chiếc Bắc Kỳ nhẹ nhàng vượt chiếc tàu hiệu. Thằng Giăng giục khách đứng ở mạn vỗ tay và reo để chế nhạo chiếc tàu cồng kềnh và vắng khách, làm cho những người làm tàu bên ấy tức và xấu hổ.

Thừa chờ hãng Phúc Lai Thành điều đình với hắn để lên giá như cũ. Nhưng thấy hãng Phúc Lai Thành găng, nên hắn sốt ruột, phải xuống Hải Phòng, điều đình với hãng Phúc Lai Thành vậy. Hắn nói xa xôi là ông chủ quay quắt, xử tệ với người vừa mua lại tàu của ông. Hắn giảng là chủ tàu phải đồng lòng nhau để làm lợi cho nhau, không nên làm hại nhau để lại cho khách họ chẳng ơn gì, mà còn cười mình.