Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Tòa gọi bị cáo lên đứng trước vành móng ngựa.

Sau khi chánh án hỏi tên tuổi, nghề nghiệp của Thừa, thì viên lục sự đọc tờ cáo trạng.

Hai bồi thẩm hỏi bị cáo thêm một vài câu. Rồi các chứng tá khai xong, viên biện lý đứng lên buộc tội.

Trước hết, người thay mặt cho nền Cộng hòa phác qua cái lai lịch của Thừa. Ma-ri tròn đôi mắt ngạc nhiên vì được nghe những điều mới lạ. Biện lý kể đến tội Thừa đánh vợ. Rõ ràng là những lời đanh thép, giọng gay gắt của một người đầy nhân đạo, không tiếc lời chửi mắng một phần tử hung bạo của một dân tộc hung bạo, không biết kính trọng người thuộc về phái yếu, phái đẹp. Hắn viện những lý do mà Thừa chịu ảnh hưởng sâu sắc truyền thống cổ hủ, nên quên mất tình nghĩa vợ chồng. Chính bị cáo cố ý giết vợ, chứ không phải ngộ sát. Hắn viện những điều luật, xin tòa xử hung thủ thật nặng.

Đến lượt trạng sư Rô-măng lên tiếng:

– Thưa các ngài. Tôi phải nói ngay rằng tôi rất hân hạnh được biện hộ cho khách hàng của tôi là ông Trần Đức Thừa, một người mà trong mấy năm nay tận tụy làm những việc rất có ích cho xã hội. Ông đã mở phòng thuốc, cứu sống cho biết bao bệnh nhân, rồi ông làm chủ bút báo, đem học vấn, tư tưởng, để thức tỉnh đồng bào của ông.

Ấy thế mà một người lương thiện, một bậc thượng lưu như ông, hôm nay bị đứng trước vành móng ngựa! Thật là một hiện tượng khá khôi hài. Vì sao? Thưa các ngài, người ta đổ cho ông đào mỏ! Người ta đổ cho ông đánh chết vợ!

Nói đến đây, trạng sư nhếch mép để tỏ ý nhạo, rồi tiếp:

– Thật là quá sức tưởng tượng, lời vu cáo này!

Bỗng trạng sư nghiêm nghị, cau mặt, nói:

– Nhưng, thưa các ngài, tôi là thầy cãi, lại là người Pháp, tôi có nhiệm vụ chứng minh cho ông Trần Đức Thừa là dù ông có những hành động liên quan đến cái chết của tên Phạm Thị Lễ, nhưng với những hành động ấy, ông đã có công với ai?

Phạm Thị Lễ là người thế nào? Hành tung của y ra sao? Để trả lời hai câu hỏi này, tôi được phép căn cứ vào tờ biên bản của Sở mật thám về y. Y là con một gia đình bị tình nghi về chính trị. Cha y là một người vô nghề nghiệp, sống bằng nguồn lợi nào, vì tôi không có bằng chứng, nên không muốn khẳng định. Ông già này, hồi bọn phiến loạn Đông Kinh nghĩa thục bị chúng ta trừng trị, đã bị Chính phủ bắt. Nhưng vì hồi ấy, chúng ta không muốn làm náo động nhân tâm, cho nên Chính phủ khoan hồng, cho ông ta được tự do, không bắt tù đày như những người đồng chí của ông ta. Nhưng ông ta không biết cải tà quy chính, mà vẫn hoạt động lén lút. Những quyển sách này…

Trạng sư giơ cao cho mọi người nhìn rõ cái chồng sách của nhà Thương vụ, bày sẵn ở trên bàn.

… Những quyển sách này là những sách ở đâu xuất bản? Có bán ở Hà Nội không? Người An-nam có quyền đọc không? Làm thế nào mà mua được? Thưa các ngài, bố của Thị Lễ đã bí mật giao thiệp với mấy người Hoa kiều. Ngày nào ông ta cũng giả vờ đi ăn ở hiệu, để nhờ những người ấy đem từ Thượng Hải về cho. Nhưng các ngài có thể tin được rằng một người có óc phiến loạn, lúc nào cũng nhớ tiếc vua Duy Tân, lại làm quen với những người Hoa kiều đi về nước họ luôn, thì người ấy có chỉ làm một việc đơn thuần là mua những sách triết học và chính trị không? Chúng ta đều biết rằng, Trung Quốc là nước vẫn chứa chấp một số người An-nam vô lại như Tăng Bạch Hổ, như Phan Bội Châu, như Nguyễn Thượng Hiền, vân vân. Thì chúng ta có thể ngây thơ mà tin rằng bố của Thị Lễ không có thư từ bí mật gì với những kẻ nay mai về nước An-nam, làm phiền cho quân lính của chúng ta hay không?

Mẹ của Thị Lễ cũng là một người rất đáng để ý. Hắn khai là họ Nguyễn để che mắt nhà chức trách là hắn không có họ với tên Lương Văn Can, một trong những yếu nhân của Đông Kinh nghĩa thục đương bị an trí ở Cao-mên, và không có họ với con trai của Can là tên giặc Lương Ngọc Quyến, một thủ phạm trong vụ phiến loạn mấy năm trước ở Thái Nguyên mà chúng ta đã phải tốn nhiều xương máu mới dẹp nổi. Trong một cuốn sổ mà người đàn bà này nhận là sổ hàng, lại biên tên rất nhiều người bằng bí danh, nếu không phải là hội kín?

Em trai của Thị Lễ, tuy còn là một học sinh, nhưng đã bị đầu độc bằng những văn chương bài Pháp. Trong một cuốn vở, hắn đã chép những bài thơ cách mạng của Phan Bội Châu, của Đông Kinh nghĩa thục, của Vô danh thị, nhưng lại ngụy trang giữa những bài thơ trứ danh của các thi hào Pháp. Người thanh niên này đã tập dượt hành động bài Pháp bằng hành động tẩy chay hàng Tàu. Hắn đã viết truyền đơn, in truyền đơn, phát truyền đơn, và cùng bạn bè làm huyên náo thành phố một dạo, bằng những cuộc tụ họp đông người ở giữa đường, để diễn thuyết cổ động dùng hàng An-nam. Thưa các ngài, cổ động dùng hàng An-nam chỉ có nghĩa là không dùng hàng Tàu thôi hay không? Câu này, tôi để phần những ông chủ hãng Gô-đa, chủ hãng Đơ-ni, v.v… trả lời hộ. Cái óc chống thượng cấp của tên học sinh mới nứt mắt này, vừa mới rồi được biểu hiện trong trường Bảo hộ, là trường hắn đương học. Thưa các ngài, hắn là một trong bọn học sinh bãi khóa, và đã bị nhà trường quyết định kỷ luật khá nặng, là đuổi có thời hạn. Con vợ của hắn cũng chịu ảnh hưởng của hắn. Người thiếu phụ này đã dám mạnh dạn nhận chữ của người khác, có lẽ chữ của Thị Lễ, là chữ của mình, trong cuốn vở chép những văn chương đầu độc của chồng. Và hôm các nhà chức trách của Sở mật thám đến khám nhà hắn, hắn còn khiêu khích bằng một câu hỏi có ý nhạo báng cả pháp luật.

Nhưng, thưa các ngài, tôi chỉ nói qua về bố mẹ, và các em của Thị Lễ, hẳn các ngài cũng thừa đoán được Thị Lễ, sinh trưởng trong gia đình này thì tư tưởng bẩn thỉu ra sao?

Thưa các ngài, trong vụ tẩy chay vừa rồi, các ngài có thấy một người con gái nào dám mạnh dạn đi làm việc ấy không? Và nếu các ngài có thấy, thì các ngài nghĩ về người con gái ấy thế nào? Hẳn các ngài phải nói rằng: Ghê gớm lắm! Sau này có thể như vợ Ba Đề Thám! Thưa các ngài, thế mà Thị Lễ là một tay kiện tướng tẩy chay đấy. Chính y đã cùng em trai y viết và in truyền đơn cùng với những bạn trai khác của y.

Bây giờ tôi xin nói về cuộc tình duyên của Thị Lễ với ông Trần Đức Thừa.

Thị Lễ đến năm hai mươi sáu tuổi, mới lấy chồng. Hiện tượng này, đối với người An-nam có tục tảo hôn, khá gọi là hiếm có. Vì sao mà một cô con gái Hàng Đào lại có thể muộn chồng như thế được? Về việc này thị Lễ có nói với ông Trần Đức Thừa là y chỉ muốn kén một người chồng là đồng chí về chính trị. Ngày còn ít tuổi, y đã đính hôn với một thanh niên, nhưng vì người này có chân trong Đông Kinh nghĩa thục, nên bị bắt và bị giết. Vì vậy, Thị Lễ thương nhớ, không muốn lấy ai nữa. Ngày nay, sở dĩ y kết hôn với ông Trần Đức Thừa, vì y tưởng lầm rằng ông Trần Đức Thừa cũng là dòng dõi cách mạng.

Song, không may cho Thị Lễ, ông Trần Đức Thừa không phải là dòng dõi cách mạng, trái lại, ông là người rất trung thành với nhà nước Bảo hộ. Chính vì thế, mà gia đình ông mới xảy ra tấn bi kịch như chúng ta đã thấy.

Từ ngày Thị Lễ ăn ở với ông Trần Đức Thừa, thì y không vì lẽ có chồng mà chịu sự giáo dục của chồng. Xuất giá mà không tòng phu, là phạm một tội lớn đối với nền luân lý tốt đẹp của nước An-nam, là đạo tam tòng. Thị Lễ vẫn giao thiệp với những bạn cũ của y, là những người có óc bài Pháp. Vì vậy, ông Trần Đức Thừa đã lấy lời lẽ ôn tồn mà khuyên can y. Song, y không những không nghe, còn mạt sát là ông hèn nhát, là phản động.

Tôi rất khen ông Trần Đức Thừa là người kiên tâm có một. Thấy Thị Lễ không đoạn tuyệt với những người bị tình nghi, ông vẫn ôn tồn khuyên can, và vẫn chịu Thị Lễ mạt sát là hèn nhát, là phản động. Nhiều lần, y còn dùng danh từ nặng hơn để nói ông, là bán nước nữa.

Nhưng sức chịu đựng của con người ta có hạn thôi. Vì dạy dỗ bằng lời không nổi, ông Trần Đức Thừa phải thay đổi thái độ và phương pháp hành động, ông bắt đầu nghiêm cấm y, và theo dõi sự giao thiệp của y. Thế là trong gia đình bắt đầu xảy ra sự xích mích. Thì một vài lần, sau những lúc vợ chồng to tiếng, Thị Lễ muốn khuyến khích chồng nên có óc phản đối như mình, đã ngọt ngào trò chuyện và để lộ ra rằng thuở bé, y vẫn là người giúp việc đưa thư liên lạc cho bọn yếu nhân của Đông Kinh nghĩa thục, y được Phan Chu Trinh xoa đầu, khen là yêu nước, vân vân. Thế mà y không bị tình nghi, y nhạo sở Mật thám là mù mắt! Y nói với ông Trần Đức Thừa rằng người An-nam mà chịu làm trâu ngựa thì thật là nhục nhã.

Thưa các ngài, Thị Lễ quan niệm việc người An-nam được chúng ta đem đuốc văn minh đến soi đường cho đi, là làm trâu ngựa! Thật là ngu xuẩn! Thật là bội bạc! Thật là đáng tội!

Để nhấn mạnh mỗi tiếng “Thật là”, trạng sư chau mày, nắm tay, đập xuống mặt bàn một cái.

– Nói đến đây, tôi rất lấy làm phàn nàn cho ông khách hàng của tôi có người vợ hư đến mức ấy. Vì ông là người biết ơn nước Bảo hộ – tôi xin thêm rằng cha của ông đã theo tiếng gọi của Mẫu quốc, mà tòng chinh sang Pháp hồi Âu chiến – vì ông là người biết rằng, không có người Pháp dìu dắt, thì một nghìn năm nữa, người An-nam vẫn ngu dốt, tối tăm. Cho nên ông cực lực phản đối vợ ông. Sụ xung đột giữa hai tư tưởng đưa đến sự xung đột giữa hai thân thể. Thật là đáng tiếc và cũng đáng trách ông Trần Đức Thừa! Vì quá yêu nước Pháp, ông sinh lòng ghét vợ. Một đôi khi, ông dùng bạo lực để trị vợ. Chính vì vậy mà gia đình ông xảy ra tấn bi kịch, và hôm nay, ông đứng ở trước mặt các vị đại diện Thần công lý. Vậy thì vụ án này không phải vụ án thường, mà chính là vụ án chính trị.

Nhưng, thưa các ngài, Thần công lý bao giờ cũng sáng suốt. Thần công lý có nhiều tai mắt ở khắp nơi. Không ai che giấu được Thần công lý một mảy may.

Người ta đổ cho ông Trần Đức Thừa là đào mỏ, nên đánh chết vợ. Nếu ông Trần Đức Thừa phạm tội ấy thật, thì dù tôi là trạng sư biện hộ ông, tôi quyết không ngập ngừng mà không xin tòa kết ông vào tội tử hình.

Nhưng, thưa các ngài, bảo rằng ông Trần Đức Thừa đào mỏ, thì ông đã đào mỏ nào của Thị Lễ? Thị Lễ được cha chia cho hai cái nhà gạch, một cái đã sang tên cho y. Nhưng dù nhà đã sang tên, mà đến ngày Thị Lễ chết, ông Trần Đức Thừa vẫn không hề đến ở nhà của Thị Lễ. Ông vẫn chịu thuê một căn gác nhỏ hẹp, trong đó, đồ đạc chỉ có để đủ dùng. Vậy nếu bảo ông Trần Đức Thừa đào mỏ, thì tại sao ông đã sống thanh bạch như vậy? Thế thì sự thật là thế nào? Thưa các ngài, sự thật là Thị Lễ cậy của, muốn dùng cái nhà này mua chuộc chồng, để chồng ngơ cho mình vẫn được giao thiệp với những kẻ có đầu óc phiến loạn. Ôi! Thủ đoạn nhục nhã!