Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Nhưng nghĩa trang này đã chôn thêm ai đâu? Từ Bảo Đại thập nhị niên tới nay, Cũng mới chỉ có thon lỏn có mỗi một ngôi trong khu vực mênh mông này.

Thế thì người trong gia đình ấy đâu? Không có ai, hay chưa có ai chết? Chưa có ai chết, hay đã có người chết mà chôn ở chỗ khác? Cái đó khó lòng mà đoán được. Lý do thế nào, chốc nữa ta sẽ rõ. Còn như trong gia đình có những ai thì ta có thể biết được một cách tương đối đúng. Tương đối thôi.

Ngày ông An-be Thừa chết không kể một nghìn cáo phó in giấy riêng, bay như bươm bướm ra khắp bốn phương trong nước, báo tin buồn cho các cụ, các quan, các ông, các bà, thân bằng cố hữu, còn có cáo phó thuê đăng trên tất cả các báo hằng ngày ở Hà thành. Thì những hôm cữu còn quàn trong nhà, ngày đầu tiên, lần lượt có ba người con trai, trạc mười lăm mười sáu tuổi trở lại, đến nhận là con ông và xin mũ gậy. Ngày hôm thứ hai, buổi sáng, một thiếu phụ, mặt mũi hiền lành, dắt đứa con độ lên hai tuổi đến, xin cho cả hai mẹ con được mặc đại tang. Vì bà ta nói cả bà lẫn con đều là con ông An-be. Không ai hiểu là tại làm sao. Lại đến buổi chiều, một bà độ ngót bốn mươi, vừa đến cổng, đã bù lu bù loa lên: “Ới anh ơi là anh ơi, anh đi đâu anh bỏ tôi!”. Rồi ngồi xổm bên quan tài, quệt nước mũi vào gót chân, bà ta tự giới thiệu: “Tôi là ma-đam An-be Thừa!”

Và vân vân.

Tất cả những nhân vật tự xưng là vợ, là con ông Thừa, hẳn là vợ con phi pháp, đều chưa một lần nào gặp những người gọi là vợ, là con hợp pháp của ông. Họ cũng chưa một lần nào gặp mặt nhau. Cho nên tất cả cùng làm cho nhau ngơ ngác. Và, sau khi họ cãi nhau không đến nỗi kịch liệt lắm, thì những người lạ mặt bị một thứ tiếng the thé dọa kiện đền danh giá, mắng chửi cho thêm vài câu, và bị đuổi đi hết.

Song, có một bà thân hình gầy đét đến, không làm ai ngơ ngác tí nào, còn làm cho nhiều người e ngại nữa. Bà này tóc đã hoa râm, chân đi tập tễnh. Đôi mắt đau có che bằng mảnh the thâm, rủ từ khăn xuống kín một nửa mặt. Bà mặc cái váy cũn cỡn và cái áo dài nâu bỏ xóng tràng. Bà đến nhà ông An-be vào lúc năm giờ sáng, trước lễ chuyển cữu hai giờ đồng hồ. Vừa đến cổng, bà đã nước mắt ròng ròng. Bà không chào hỏi ai, đi thẳng tuột vào chỗ thờ, vắt miếng the che mắt lên khăn để nhìn cho rõ, rồi ôm áo quan vật vã khóc: “Thầy thằng Mão ơi!”. Bà kể lể là giận nhưng vẫn thương. Đến khi thấy đông người đứng quanh, bà chuyển những lời tâm sự với người chết sang những lời xói móc người sống. Đứng cạnh bà là một người thanh niên lẹm cằm, tức là Mão, con bà. Tóc Mão để sù, bồng lên. Mặt Mão đầy nốt trứng cá. Tay Mão đút trong túi quần, hình như thủ một cái gì đó, hung hăng nhìn mọi người. Rõ rằng là Mão đứng đó để yểm hộ cho mẹ, sẵn sàng ứng chiến với ai dám gây sự với mẹ hoặc với mình.

Bà này là vợ cưới lần thứ nhất của ông Thừa. Và Mão là con thứ nhất còn sống của ông ta. Song, họ chỉ là vợ cái con cột trên lý luận thôi. Thực tế, họ đã bị ông Thừa ruồng bỏ từ lâu. Muốn dứt khoát với những người mà ông coi như chướng ngại vật, cản trở hạnh phúc của ông, ông nhờ pháp luật vịn vào cớ vợ hư, con đốn, để ly dị vợ và từ con. Không có chứng cớ rõ rằng, pháp luật đành chịu bất lực. Vì vậy, ông phải tự lực đuổi hai mẹ con Mão ra khỏi nhà.

Từ hơn hai chục năm nay, ông Thừa ở với người vợ khác. Người này là Tây lai – chứ không phải đầm lai, vì không mặc đầm – tên là Ma-ri. Ma-ri đã lần lượt đẻ ở nhà ông tám lần, nhưng còn lại hai trai và ba gái, năm nay con út đã mười lăm tuổi. Cả năm cô cậu đều đặt tên Tây hết. Hai trai là Pôn Thừa, và Giăng Thừa. Ba gái là Rô-da-lin Thừa, Ma-gơ-rít Thừa và Ca-mê-li-a Thừa. Cả năm cô cậu đều học trường Tây, trường Lít-xê. Đến năm ba tiểu thư choai choai, thu hút được nhiều bạn trai, thì bọn bạn gái của Pôn và Giăng xui các cô đặt biệt hiệu Việt Nam. Rô-da-lin lấy tên là Bạch Hường, Ma-gơ-rít là Kim Cúc, Ca-mê-li-a là Trà Mi. Người ngoài, những kẻ hiếu sự, thường đem việc ông Thừa đặt tên Tây cho con, có dính tiếng Thừa vào sau tên tiếng Tây, để đánh năm cái dấu hỏi khá lớn. Họ thì thầm rằng tại sao không có đứa nào lấy họ Trần, và đứa nào cũng “thừa”. Ý họ tán rằng những đứa con này đều là con thừa, do Tây đúc cốt. Ông Thừa chỉ làm việc tráng men thôi. Rất hả hê về dư luận này, bà mẹ Mão thêm một ý kiến đanh thép. Bà vin vào tiêu chuẩn cụ thể là máu mủ ông Thừa thì phải lẹm cằm. Bà tựa vào cái thứ kinh nghiệm chủ nghĩa ấy để gây chiến tranh lạnh với bà Ma-ri. Cho đến năm bọn con của người Tây lai lớn lộc ngộc, đứa nào cũng ngỗ nghịch, hung hăng, thì bà đâm hoảng, đành ngậm miệng mà vĩnh viễn chịu cái tai nạn xâm lăng. Bây giờ, nghe tin ông Thừa chết, bà mới đến nhà ông, để khóc ông một tiếng. Thôi thì nghĩa tử là nghĩa tận. Dù sao cũng ăn ở cho phải đạo làm vợ.

Mão là con trai, nên cứng hơn mẹ. Hắn không chịu nước ức. Thỉnh thoảng hắn đón đường, gặp bố, để vòi tiền. Nhưng thấy hắn lêu lổng, hư đốn quá, không bao giờ ông Thừa thí cho một xu. Hắn dọa giết Ma-ri, giết lũ con riêng của ông và giết ông. Ông sợ quá, phải đi trình cẩm.

Không hiểu vì sao lần này ông Thừa ốm, Mão lại biết tin. Hắn nhân lúc nhà vắng người, lọt vào được với ông. Hắn bắt ông chia của. Nhưng ông còn đủ sức để chửi hắn và đuổi hắn ra khỏi ngoài, ông ra lệnh cho gia nhân từ nay phải cấm cửa hắn. Nếu hắn cứ xồng xộc vào, thì lập tức phải đi báo đội sếp. Ông lại bắt Pôn và Giăng luôn luôn ở cạnh ông để canh cho ông.

Từ hôm Mão đến, ông Thừa bực mình, đâm ra ốm nặng thêm. Bà Ma-ri không dám dùng đơn của đốc-tờ Pi-ca là bác sĩ của gia đình nữa, mà mời ông thầy Cắm-xềnh ở Quảng Đông mới sang, để xem mạch bốc thuốc cho ông. Rồi cả bác sĩ Tây, bác sĩ Ta, lẫn ông lang Tàu, ông lang Ta, đều cam đoan rằng bệnh ông không can gì, chỉ vì ông nghĩ ngại phiền uất, nên có vẻ nặng mà thôi. Bà Ma-ri đến cả điện ở nhà cô Bé Tý Hàng Bạc để cầu và xin thẻ. Ngài dạy bản mệnh vững. Bà càng yên lòng.

Song, ông Thừa chết, chết một cách đột ngột. Hôm ấy bà Ma-ri đi lễ, Pôn và Giăng đã không nghe lời bố mà canh cho bố, lại nghe lời bạn gái nó rủ đi đánh cá ngựa. Thế là Mão lọt được vào trong nhà. Hắn vào buồng ông Thừa, khóa trái cửa lại. Hắn ở đấy độ mười phút rồi ra. Nhưng vừa mới đến cổng, bất thình lình, hắn gặp bà Ma-ri về. Biết là có sự chẳng lành, bà hô hoán lên, sai người bắt Mão lại, nhốt hắn vào nhà ô tô.

Lúc bấy giờ, trên giường bệnh, ông An-be đang phì phò thở rốc. Chân tay ông co quắp, mặt mũi ông nhăn nhó. Trông y như người đương dùng hết sức lực để đánh nhau. Bà Ma-ri lay gọi, nhưng ông bất tỉnh. Bà bật đèn lên, thấy chăn đệm xô lệch và miệng ông méo xệch, môi dưới lại rơm rớm máu. Ông không cựa được và cũng không nói được. Rồi độ năm phút sau, chân tay vẫn co quắp, mặt vẫn nhăn nhó, miệng vẫn méo xệch, ông lịm dần. Bà Ma-ri bật ra tiếng khóc. Từ giờ phút này, ông là người thiên cổ, là bạn trăm năm của bà có một phần năm thời gian.

Nghi là Mão giết ông An-be, song bà Ma-ri vẫn giữ được nghị lực. Tuy một mặt bà lo tang lễ sao cho xứng đáng, tuy một mặt bà định trình tòa khám nghiệm tử thi của chồng, nhưng bà không quên sai các con bà lục soát nhiều lần rất kỹ trong buồng, để tìm chùm chìa khóa két. Song, cuộc khám nghiệm không tìm ra dấu vết khả nghi. Trên da thịt không có một thương tích. Trong máu không có một chất gì có thể ngờ là thuốc độc. Không có hiện tượng để kết luận rằng đây là vụ giết người, tự sát hay bức tử. “Sở dĩ ở môi dưới của người chết có tí máu, là vì trước khi thở hơi cuối cùng, trong một trường hợp nào đó, và vì một lý do nào đó, ví dụ vì lý do tắt thở bất ngờ và trong trường hợp người ốm đã mê man loạn óc, thì có thể là tự mình mím miệng để chính răng cửa của mình cắn vào thịt. Chỗ sây sát của môi là do răng gây nên. Bề ngang bề dọc của vết thương và bề ngang bề dọc của răng đã được đo và khớp với nhau rất đúng”.

Vì vậy, việc ông An-be Thừa chết, theo biên bản của tòa, không phải là một vụ án bí mật có thể viết thành truyện trinh thám ly kỳ. Vả lại, bà Ma-ri cũng mong nó như thế thôi. Để khỏi gây ra dư luận, để khỏi mấy ông nhà báo đến điều tra, phỏng vấn, và dọa phóng đại để làm tiền. Lôi thôi và phiền phức lắm.

Nhưng khi tìm khắp buồng, thì bà vẫn không thấy chùm chìa khóa. Việc mất trộm này mới là hệ trọng! Bà đoán chắc rằng Mão đã cố cướp chùm chìa khóa ở trong túi áo ông An-be. Mà ông thì nhất định chống giữ. Cho nên môi ông mới mím chặt, mặt ông mới nhăn nhó và chân tay ông mới co quắp. Chùm chìa khóa ấy, ông vẫn bảo với bà là phải để ông giữ. Ông sợ giao cho bà thì, chiều nuông lũ con, bà mở két, lấy tiền cho chúng nó tiêu xài, vung phí hết.

Mất chùm chìa khóa là mất cả. Tiền ở trong két, chúc thư, văn tự cũng ở trong két. Không thể nào những thứ này lại lọt vào tay Mão. Nhưng, trong lúc ông An-be vừa nằm xuống, tang gia bối rối, thì bà là chủ nhà, càng phải bình tĩnh. Bà đã giam Mão lại một nơi rồi. Thế là yên trí. Người còn ở trong nhà, thì chìa khóa chưa thể ra ngoài. Mai kia, đòn hội chợ của nhà săng-tan sẽ giúp bà lấy lại được. Bây giờ, bà phải để hết tâm lo lắng ma chay cho ông. Kẻo thiên hạ người ta trông vào.

Nhưng bà Ma-ri có được để hết tâm trí vào việc lo lắng ma chay cho ông An-be đâu. Chốc chốc lại một vợ, chốc chốc lại một con của ông đến khóc lóc, xin khăn áo, xin mũ gậy. Bà đã cương quyết được với bọn này, thì thình lình bà mẹ của Mão tới. Và cũng không hiểu là làm thế nào, cũng lúc này, Mão ra thoát nhà xe, chạy đến chỗ thờ, đứng cạnh mẹ hắn.

Nhìn thấy Mão, bà Ma-ri không lo hắn sinh sự, đánh hay giết người, bằng lo hắn mang chùm chìa khóa ra khỏi nhà. Bà sai Pôn và Giăng phải cởi áo sô, bỏ mũ nùn rơm ra, cố sống cố chết, lấy lại cho kỳ được. Pôn và Giăng rình khởi thế công. Mão cũng ngầm giữ thế thủ. Lúc nào tay hắn cũng thu thu trong túi quần, hình như sẵn sàng rút khí giới ra để nghênh chiến.

Từ lúc bà mẹ Mão thấy có con đứng cạnh, thì bà được vững tâm. Bà không kể lể, nói cạnh nói khóe bà Ma-ri nữa. Bà có thể để không cần làm chiến tranh lạnh. Và bà Ma-ri cũng muốn gây ra chiến tranh nóng, để trong lúc loạn xạ, hai con bà có dịp xông vào Mão, cố cướp lại chùm chìa khóa. Bà bỏ mũ mấn, cởi áo sô bằng vải màn, và tụt cái quần chúc bâu xổ gấu. Bà búi tóc ngược lên, gài cho thật chặt.