Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Anh Thừa vùng ngồi dậy, lấy tấm bằng nhận chằng mở rộng ra trước mặt để ngắm. Anh đặt mồi thuốc lào vào điếu, châm lửa. Anh vừa hút, vừa chăm chắm nhìn ba chữ tên của anh. Anh nghĩ đến lời khuyên của người tự xưng là văn quan. Hắn nói đúng. Thời buổi này khó khăn thật. Anh không phải người ngu đần. Vậy anh có nên lợi dụng cái bằng vô giá trị này để xoay xở mà sống hay không?

Chợt ở buồng cạnh có tiếng hát véo von giọng sa mạc, làm anh đứt mối suy nghĩ.

Mấy lời moa xu-hết a-mua,
Xăng-tê thì cứ túa-dua phe-bồng.

Anh lắng tai. Rõ rằng là tiếng bà sếp phó:

Ác-dăng giàu cẩm Đờ-mông,
Hon-nơ mắm-xốt cái ông Bảy xồm.

Anh tủm tỉm cười một mình. Tiếng hát to hơn trước:

Đơ nu đơ phận phăm om,
Cu-xoong cái kiếp chồng Phăng-xe, vợ A-na-mít, xăng tăng tí ti vài tháng, mà ôm hận sầu!
[9]

(*[9] Xu-hết: chúc.
A-mua: tình yêu.
Xăng-tê: sức khỏe.
Túa-dua: luôn luôn.
Phe: làm.
Bồng: tốt.
Ác-dăng: tiền bạc.
Cẩm: như.
Đờ-mông: Đờ Mông-pơ-da (De Monpezat) tên một đại địa chủ Pháp.
Hon-nơ: vinh dự.
Mắm-xốt: như.
Bảy xồm: tên toàn quyền có râu xồm. Tuy toàn quyền không có lon như quan binh, nhưng chức này to hơn quan binh đóng sáu lon (tướng), nên ta gọi là quan Bảy (bảy lon).
Đơ-nu: đôi ta.
Phăm-om: đàn bà, đàn ông.
Cu-xoong: con lợn.
Phăng-xe: người Pháp.
A-na-mít: người An-nam.
Xăng-tăng: trăm năm.)

Tiếng kim như rót vào tai. Anh Thừa sực nhớ đến hình ảnh người đầm lai trẻ này, trắng nõn, phây phây, đã một lần nhìn anh bằng con mắt dịu dàng, và cười với anh bằng cái miệng tươi tắn. Người ấy không xuống bếp bao giờ. Bây giờ chồng đi vắng, lại đến bên anh để hát, là có ý gì? Cô Bé Ty còn thế nữa là! Vậy có nên bắt lời không? Anh cố moi óc để nhớ cho đủ hai câu mà bây giờ anh quên biến đi mất. Hai câu ấy như hệ cảnh của anh và người ôm hận sầu, có bốn tiếng kín cổng cao tường. Giá mà anh nhớ hết, anh quyết hát trả lời. Nhưng anh nghĩ trái lại. Chẳng rõ là con mụ biết có người ở bên này, nên hát trêu, hay vì không biết có người nghe thấy, mà hát chơi một mình? Anh tưởng tượng đến bà chủ anh, lúc vào bàn giấy của chồng, qua mặt anh thì nhìn thẳng, đáp tiếng chào của anh, thì khẽ gật, và nếu có nói với anh, thì chỉ trống không. Anh vẫn trông trộm. Lần nào cũng vậy. Thôi, chớ có vuốt râu hùm mà oan gia! Anh bèn đằng hắng. Anh cho cách đánh tiếng bâng quơ này là khôn ngoan. Vì nó có hai ý nghĩa. Một là có tôi nghe đây, cứ hát đi. Hai là có tôi nghe đấy, đừng hát nữa.

Ai muốn hiểu thế nào, tùy ý.

– Anh Thừa có nhà đấy à?

Người đầm lại hỏi thế, rồi cười khanh khách một mình.

– Thưa vâng ạ.

Anh vừa nói xong, bỗng anh sửng sốt. Ma-ri đã hiện ra trước cửa buồng anh, thoang thoảng mùi nước hoa và mùi phấn thơm phưng phức.

Từ thuở bé, chưa bao giờ mắt anh được trông thấy một thứ tươi đẹp và khêu gợi như thế này. Không khác ảnh Mê-li-a một tí nào, mà lại là người thật! Tấm mình cá trê ấy mặc bộ đồ ngủ bằng nhiễu tây, đen nhánh. Áo may chét vào lườn, hở cổ, hở cánh tay, trắng nõn. Quần may chét vào mông, không hở chỗ nào, nhưng hình như chả chỗ nào là không hở. Tóc không búi, lòa xòa rũ xuống hai vai. Trông y như người vừa mới nằm dậy, hoặc sắp đi nằm.

Anh Thừa như lạc trí, không biết hai tay nên làm cái cử chỉ gì cho đúng việc của nó lúc này. Giá phải là Múi hay Châu trên Đồng Đăng nhỉ! Nhưng đây là bà vợ ông chủ. Anh luống cuống, cuốn cái bằng lại. Nhưng Ma-ri xông đến, giật lấy, mở ra xem.

– Cái gì thế này?

Anh toan giật lại, cho hai tay đụng chạm vào nhau, để tiến từ cái đụng chạm nhỏ và nhanh dần sang cái đụng chạm lớn và lâu hơn. Nhưng anh không dám.

– Thưa, cái bằng làm thuốc của tôi ạ.

Chưa dám tiến bằng cử chỉ, thì anh tiến bằng lời nói. Anh đã không dùng tiếng bẩm bà lớn và không xưng là con.

Lúc này, không phải lúc nên tự hạ. Biết đâu, cô đầm lai lại chẳng muốn nâng anh lên ngang hàng!

Ma-ri đứng yên mấy phút như để chờ đợi một cái gì. Anh cũng đứng yên để chờ đợi một dịp mà tiến. Ma-ri nhìn anh. Anh cũng nhìn Ma-ri. Tình trong như đã. Nhưng không ai khơi ngòi. Ma-ri mới hỏi thăm anh về gia đình. Thấy anh đáp là vợ anh về quê để đẻ, anh ở một mình, hắn cười:

– Thế thì buồn nhỉ!

Rồi hắn nói hết chuyện nọ đến chuyện kia. Anh cũng khoe những điều anh biết, để tỏ ra mình là thạo đời.

Sau hết, Ma-ri thở dài, chào anh, rồi đi ra. Nhưng đến cửa, bỗng hắn quay lại:

– À, anh Thừa! Tôi sực nhớ ra điều này. Phải thì anh nghe. Không phải thì anh bỏ ngoài tai nhé.

– Vâng.

Đôi mắt anh đắm đuối nhìn hắn.

– Chẳng giấu gì anh, tôi chơi một bát họ một nghìn. Mỗi tháng đóng bốn chục. Hôm nay là ngày nhà cái đến thu, nhưng hôm qua tôi quên khuấy đi mất, không bảo ông ấy để tiền ở nhà. Anh vừa mới có hai trăm, chắc chưa tiêu hết, anh cho tôi giật lửa bốn chục, vài hôm nữa ông ấy về, tôi sẽ trả anh, có được không?

Máu sĩ diện làm anh Thừa đáp nhanh nhẩu:

– Tưởng bao nhiêu, chứ bốn chục có là mấy. Bao giờ bà cho lại cũng được.

Anh mở hòm, đếm tiền.

Trong khi chờ, Ma-ri lại véo von khẽ:

Đơ nu đơ phận phăm om.
Cu-xoong cái kiếp chồng Phăng-xe, vợ A-na-mít, xăng-tăng tí ti vài tháng mà ôm hận sầu.

Hát xong, hắn cười ngặt nghẽo. Rồi thêm:

– Vợ mê-tít[10] mới đúng, anh nhỉ! (*[10] Mê-tít: người lai.)

Hắn nhắc đi nhắc lại:

– Mê-tít, mê-tít! Anh hiểu không?

Anh Thừa gật gật:

– Vâng, vâng tôi hiểu, tôi hiểu.

Nhưng hình như người đầm lai thấy anh chẳng hiểu gì cả. Hắn giơ tay:

– Thôi, cảm ơn anh nhé.

Anh nắm vào tay hắn. Nóng hôi hổi, hay mát rười rượi? Hắn cầm tay anh thật chặt, rung mấy cái, rồi buông ra, vừa tủm tỉm, vừa thong thả lắc đầu:

– Còn nhút nhát lắm!

Nói đoạn hắn đi.

Anh Thừa đứng một mình, bâng khuâng. Rõ rằng là người tiếc món ăn ngon kề đến tận miệng mà không biết ăn.

Một lúc, lại hồn, anh thở dài. Anh nằm sóng soài trên giường, ôn lại cái phút thần tiên vừa qua. Thật là đồng tiền của anh làm anh được hưởng cảnh sung sướng.

Bốn hôm sau, Tu-nô về. Anh Thừa lại đi làm việc. Đến gần cuối buổi, nó gọi anh, hất hàm hỏi:

– Thế nào, mày muốn lĩnh lương ba đồng hay sáu đồng?

Anh cười cười:

– Xin quan lớn sáu đồng.

– Được, sáu đồng, nhưng mà…

Nó im để nhìn anh, rồi cũng cười cười, nó nói nhỏ:

– Mày bảo vợ mày đến với tao.

Anh Thừa tức điên ruột. Anh không lẽ phép nữa:

– Tôi không làm thế.

Nó nhún vai, mắng:

– Dại như chó!

Anh im lặng. Nó cũng im lặng. Bỗng nó trừng trừng vào mặt anh:

– À, vợ mày về quê. Mày sống một mình ở đây. Thế thì mấy hôm tao đi vắng, thế nào mày cũng ngủ với vợ tao! Đồ khốn nạn!

Nói xong nó hầm hầm cầm cái thước kẻ cạnh đồng, vụt túi bụi vào mặt anh:

– Bước! Bước! Mày không được ở trong sở này một phút!

Anh Thừa vừa giơ hai tay ra đỡ đòn, vừa chạy. Nó đuổi theo anh đến tận hành lang, rồi vào, đóng sầm cửa lại.

Bị đòn oan, anh tức quá. Anh biết không thể làm với cái thằng có máu điên này mãi được. Phải bỏ việc thôi, về chỗ ở, anh dọn dẹp đồ đạc vào hòm. Anh nhớ đến món tiền con mụ vay anh. Phải lên gác để đòi. Nhưng suy đi tính lại, anh không dám đến với vợ nó, trong lúc vắng nó. Máu ghen nó lại nổi lên, thì nó bắn anh chứ không tha. Vả lại, dù là đòi nợ thì việc ấy cũng đủ làm tang chứng rằng anh đã gặp riêng vợ nó. Anh nghĩ lại. Không biết thật vợ nó vay anh, hay chính nó xui vợ nó làm thế, để rồi sinh sự đuổi anh, quỵt nợ. Anh muốn sự thực là nó lừa anh, để được đổ cho nó là thằng ăn cắp. Nó bảo anh là ăn cắp. Nhưng chính nó mới là thằng ăn cắp. Đã vậy, anh không thèm đòi nợ, để khắc sâu vào trong lòng, tin rằng lũ Tây là đồ ăn cắp.

Ngay tối hôm đó, anh khênh hòm, rời khỏi bếp nhà thằng Tu-nô.

Anh không thèm cầu cứu dì anh. Anh biết những hạng làm đĩ với Tây chỉ bẻo lẻo cái mồm, chứ không giúp đáp được gì. Nói với chúng, chỉ tổ phí lời, còn làm cho chúng lên mặt được.

* * *

Muốn giữ kín tiếng bị đuổi, anh Thừa vẫn ở lại Hà Nội đến trọ ở một quán cơm trước cửa ga, tên là Đông Phương khách sạn. Vì thấy nhà Đông Phương ế hàng, anh mặc cả với chủ là nếu anh giới thiệu được khách, thì chủ trả cho anh mười phần trăm hoa hồng. Việc này kiếm ăn được. Vì tất cả các chuyến xe lửa từ Na Sầm, Lao Cai, Hải Phòng, Vinh tới ga, hoặc các chuyến tàu thủy từ Tuyên Quang, Chợ Bờ, Nam Định, Hải Phòng… tới bến, anh đều có mặt và mời được người đến đây để trọ.

Cũng vì làm nghề chào khách cho hàng cơm, mà một hôm anh gặp Múi trên chuyến xe lửa Na Sầm về. Anh không thể tránh mặt người mà anh muốn phụ. Trái lại, Múi rất mừng rỡ, nói rằng định xuôi tìm anh, đương chưa biết hỏi thăm thế nào, thì trời dun dủi anh đi đón.

Anh đưa Múi về Đông Phương, nói dối chủ nhà là vợ. Múi kể rằng bây giờ bụng to rồi, mà ở Đồng Đăng dư luận xôn xao đã đến tai ông bà đội. Cha mẹ Múi dỗ dành Múi xem Múi đã trót dại với ai. Múi phải thú thật, ông bà mới cho Múi xuống Hà Nội tìm anh, để khuyên anh nên cưới xin tử tế, che mắt thế gian. Không những ông bà cho không người, mà tốn kém bao nhiêu tiền, nếu anh không lo nổi, ông bà cũng cho hết.

Anh Thừa rất khó nghĩ. Anh chưa biết nói với Múi thế nào cho ổn thỏa. Vợ anh mới đẻ con trai. Chắc ít lâu nữa, chị sẽ bế con ra ở với anh. Nếu anh lấy Múi nữa, thì tất là không thể được. Đành rằng anh không phải nuôi Múi, mà chắc chắn là Múi có của, còn bù đắp cho anh nhiều, nhưng mà…

– Được, mợ đừng lo.

Múi lau nước mắt:

– Sao cậu lại bảo em đừng lo. Em không lo sao được? Cậu ở Đồng Đăng đổi về Hà Nội, cậu có chào hỏi, dặn dò em một nửa lời nào không? Rõ rằng là cậu trốn em. Rồi từ ngày ấy đến giờ, cậu có thư từ giấy má lên hỏi thăm em sống chết thế nào không? Bây giờ em bàn với cậu tính toán cho em, cậu nghe thầy mẹ em làm cái cách giữ cho vuông tròn tiếng tăm, thì cậu im, mãi mới nói: “Được, mợ đừng lo”. Đấy, xem thế, thì cậu bảo em không lo sao được. Nếu thật cậu định bụng bỏ em, thì em nhờ cậu kiếm cho em một chỗ ở Hà Nội. Để tạm lánh Đồng Đăng, cho đến ngày đẻ xong, em sẽ liệu. Chứ em không có chồng mà chửa hoang, ai chịu cái nhục ấy cho em?

Múi lại rưng rức khóc.