Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Cho là đãi bôi như vậy thì tháo thân dễ, bà cử tủm tỉm nhìn Ma-ri. Nhưng Ma-ri được dịp chôn chân bà sâu hơn:

– Thế thì mời bà lấy thêm thuốc đã uống cho thật khỏi, kẻo chữa dở chừng thì phí công, phí tiền.

Bà cử vâng khẽ, rồi im lặng. Ma-ri nói:

– Chúng tôi gọi là Phòng thuốc nhà giàu, tiếng rằng chỉ chữa cho nhà giàu, nhưng sự thực thì thuốc rẻ hơn các nơi khác nhiều. Đến nhà khác, bệnh nhân phải dùng năm thang mới chuyển, nhưng đến nhà này, chỉ uống một hai thang là khỏi ngay. Một thang của nhà này có cao hơn một thang của nhà thuốc khác thật, nhưng nó công hiệu gấp hai, gấp ba. Nếu so sánh món tiền phải trả cho nhà này với món tiền phải trả cho nhà khác, các ông các bà mới thấy chữa ở nhà này rẻ hơn. Chúng tôi thường làm thuốc hầu các quan. Nhiều quan hậu cũng đã nhận ra cái lợi ấy. Hẳn quan hậu nhà cũng thấy thế. Các ngài khoa mục bao giờ cũng tinh mắt hơn đời. Chúng tôi trông bà, nước da vẫn còn xanh lắm. Nếu bà không chữa cho thật khỏi bệnh, tôi e rằng nay mai nó phát nặng ra, chữa vừa khó, vừa tốn tiền.

Bà cử đương lúng búng miếng trầu, tìm mãi không thấy ống nhổ, cho nên không cãi được là mình khỏe, để tránh phải mua thuốc thêm. Nhưng bà nghĩ ngay ra rằng bà không thể cãi được, vì chính bà vừa khai láo là mới đến nhờ thăm bệnh, để lấy lý do bỏ quên ví. Tiến thoái lưỡng nan, bà đành cứ để nước quết trầu ở trong miệng để có cớ mà im. Còn Ma-ri được dịp tốt, lại tấn công:

– Thưa bà, độ này bà xơi cơm có bằng trước không ạ?

Bà cử trót nói là ốm, mới ngửa mặt cho quết trầu khỏi tràn ra ngoài môi, đáp:

– Vâng. Tôi còn ăn yếu lắm, cô ạ.

Ma-ri lấy tạm cái bô vẫn để sân cho khách trẻ con phóng uế, đưa bà cử nhổ. Bà vỗ tay vào bụng hai ba lượt:

– Lúc nào cũng đầy ành ạch. Vâng.

Ma-ri làm vẻ mặt ái ngại:

– Vâng, tôi nghe tiếng bồm bộp cũng đoán ra. Thế tối, bà ngủ có được không ạ?

– Ít thôi, thỉnh thoảng lại hay mơ. Vâng. Rồi người cứ bàng hoàng, trằn trọc đến hàng giờ mới lại chợp được. Vâng.

Nhưng bà chữa ngay:

– Thế mà từ hôm uống thuốc của nhà ta, thì tôi khá hơn trước nhiều, cô ạ. Vâng.

Ma-ri lại tóm được cái đuôi thò ra dài hơn. Rõ rằng là bà khách không biết Phòng thuốc nhà giàu mở cửa từ hôm nào. Hắn nói:

– Để tôi đưa thêm bà thuốc. Bà không nên tiếc tiền. Nhiều ông bà, nhất là các bà, chứ các ông thì ít ông hà tiện, nhiều ông bà cứ không muốn bỏ ra mấy đồng bạc để uống thuốc chặn bệnh; rồi bệnh phát ra, thành thử mất đến hàng chục, hàng trăm. Chúng tôi ở trong nghề lâu năm, nên chúng tôi có kinh nghiệm. Nhiều người tưởng mình khỏe mạnh, không có bệnh tật gì, nhưng kỳ thực là cơ thể suy nhược, phủ tạng kiệt quệ, chỉ ông thầy xem mới biết.

Muốn bà cử tin lời nói của mình, Ma-ri cầm cuốn Truyền thuốc bí truyền, quay bìa trước quyển sách lại phía bà, vờ phe phẩy quạt vào mặt.

Bà cử hỏi:

– Vâng. Cứ như tôi thì cô bảo bệnh tôi là bệnh gì?

– Nói về bệnh, là quyền của ông Trần, của Cụ tôi. Nhưng vì hai vị không có ở đây, tôi có thể mạn phép mà nói rằng bà tuy bề ngoài như vậy, mà trong mình còn nhiều bệnh tật lắm. Tôi mời bà chờ đến tám giờ, hai ông thầy xem mạch lại cho.

– Vâng. Tôi bận cô ạ. Xin để khi khác.

– Thế thì tôi cứ vị thuốc hôm nọ, lấy thêm cho bà dùng. Chả tốn mấy đâu, bà ạ.

Nói đoạn, Ma-ri đứng phắt dậy, nhanh nhẹn vào nhà trong, lấy một lọ thuốc bổ thường, đưa cho bà cử:

– Thuốc này tốt lắm, chỉ bán đặc biệt cho khách quen. Cụ Tuần bà Sơn Tây đòi mua, tôi có dám bán đâu, vì gần hết rồi. Phải để dành cho những người đang uống nó.

Ma-ri ấn thuốc vào tay bà cử. Bà ngần ngừ. Muốn bà không thể từ chối, hắn lấy ngòi bút cậy ngay cái nút ra, rồi rót thuốc vào cốc, ngọt ngào nói:

– Mời bà chị xơi ngay. Bà chị lười thế là không được.

Không thể đừng được, bà cử cầm cốc thuốc, nhắp một hụm, rồi nghe. Ma-ri cười:

– Có phải lứa thuốc này thơm hơn và dịu hơn lứa thuốc trước không?

Bà cử không biết trả lời thế nào, chỉ nói bằng tiếng quen miệng:

– Vâng, vâng.

Ma-ri đậy nút lọ thuốc, lấy vạt áo lau cẩn thận bên ngoài, rồi dặn:

– Bà cứ xơi vào lúc đói. Một ngày ba lượt, trước bữa cơm. Mỗi lượt một thìa xúp.

Bả cử tìm được cớ để chối từ:

– Vâng, nhà tôi lại không có thìa xúp, chỉ có thìa cà-phê. Vâng.

Ma-ri vừa ấn lọ thuốc vào tay bà, vừa nói:

– Thưa bà, ba thìa cà-phê là một thìa xúp ạ.

Bà cử không thể nói thêm:

– Vâng. Bao nhiêu tiền nhỉ? Vâng.

– Thưa vẫn giá như cũ ạ.

– Bao nhiêu nhỉ? Tôi ít lâu nay tâm thần bất định. Hay quên lắm.

Ma-ri cười:

– Thế mà bà chị cứ lười uống thuốc, không trách ông anh tôi hay gắt là phải. Thưa lứa thuốc này tốt hơn trước, nhưng rẻ hơn trước. Giá chỉ có mười đồng thôi ạ.

Bà cử đau điếng người, móc túi lấy tiền đưa Ma-ri, rồi thở dài, cầm lọ thuốc ra về.

Ma-ri sung sướng, vào buồng ghi sổ, rồi cất món tiền mở hàng vào ngăn kéo, khóa lại.

* * *

Ba bà khác định đến nhận chằng ví, cũng được Ma-ri trả lời là ví đã có người lấy trước rồi. Và cũng bị Ma-ri lừa giật vào tròng.

Người khỏe mạnh mấy mà nói chuyện với thầy thuốc một lúc, thì thế nào cũng thấy mình ốm. Huống hồ đây là các bà yếu tinh thần, vô phúc chui đầu vào Phòng thuốc đương đói khách. Nhưng khác với bà cử Dần, ba bà này đến trước sau nhau không mấy, lại vào lúc gần đến tám giờ. Bởi thế Ma-ri không cần phải lòe nhiều. Chính ba bà lại khủng bố lẫn nhau, rồi phải nhờ y sĩ Trần giải quyết hộ – nói nhã là xem mạch lại – mới thấy là mình ốm đến nơi mà không biết. Rồi bà thì uống thuốc bột, bà thì uống thuốc nước, bà thì mang thuốc sống về nhà sắc.

Bốn bà nói ở trên, sở dĩ biến thành bệnh nhân, là do tài của nhân vật phụ trong Phòng thuốc nhà giàu, là cô y tá Ma-ri khéo dọa dẫm. Vậy thì vai trò của anh Thừa và cụ điều Hai thế nào?

Hai vai chính này, cũng sáng hôm nay, được trổ tài ngay. Vào khoảng chín giờ, khi người đàn bà thứ ba vừa ra khỏi Nhà vàng, để anh Thừa và Ma-ri ở lại, rúc rích cười với nhau, khen lẫn nhau, thì một lúc sau, anh Thừa trả lại cho buồng đợi cái không khí nghiêm trang của một phòng thuốc. Anh vào buồng thăm bệnh, ngồi tựa lưng vào ghế, ghếch hai cẳng lên bàn, lấy nhíp nhổ râu.

Bỗng anh nghe thấy có tiếng đàn ông khanh khách cười với Ma-ri ở buồng ngoài. Anh lắng tai:

– Mình đọc báo mới biết bây giờ cô nàng không bán kem nữa, lại làm y tá ở đây. Giết chết mấy nhân mạng rồi?

Ma-ri đùa lại:

– Phải, chỉ làm y tá để giết bớt những thằng làm thơ thối thôi.

– Thế cô y tá tiêm cho thằng làm thơ thối, hay thích cho thằng làm thơ thối tiêm cho cô y tá?

Hai nhịp cười giòn tan. Ma-ri nói:

– Đứa nào muốn tiêm cho cô, cô cũng cứ để cho mà tiêm. Như thường! Như thường!

Thấy hai người đùa nhau nhả nhớt, anh Thừa hơi khó chịu.

– Đây muốn tiêm cho cô! Nào! Nào! Ông tiêm đây! Ông tiêm đây!

Ma-ri cười sằng sặc:

– Khỉ! Không trẻ con! Bệnh nhân đếch gì lại thế! Liệu hồn!

Tiếng người đàn ông:

– À? Chạy à?

Anh Thừa nổi cơn ghen, toan ra phá đám. Nhưng anh cố bình tĩnh. Ma-ri vẫn vừa cười vừa nói:

– Vào Phòng thuốc để nhờ xem bệnh, chứ để giở bài bây à? Ốm bệnh gì? Nói đi. Đây chữa cho!

– Phải, đây có bệnh. Đây ốm. Bệnh Tề Tuyên! Ốm tương tư! Có chữa nổi không?

Anh Thừa không đừng được, mở của, tiến ra buồng đợi. Anh vẫn giữ nét mặt thản nhiên, mỉm cười, cúi chào người đàn ông mà anh ngờ ngợ, hình như đã gặp ở đâu một lần rồi. Người này cũng lễ phép chào lại anh. Thấy dáng ẻo lả, có vẻ làm điệu, anh sực nhớ ra cái người vừa đen vừa cao này rồi. Ma-ri giới thiệu người bạn với anh:

– Thưa tiên sinh, đây là ông Hoài Tân Tử, nhà văn sĩ trứ danh, tác giả cuốn thơ Tình muôn thuở.

Rồi giới thiệu với nhà văn sĩ:

– Ông Trần, y sĩ Trung Hoa dân quốc.

Anh Thừa long lanh đôi kính, cúi đầu một lần nữa, giơ tay bắt:

– Hân hạnh được biết ngài. Cô đốc Ma-ri đã nói chuyện nhiều lần với tôi về ngài. Tôi vẫn khát khao được gặp tác giả cuốn Tình muôn thuở rất có giá trị, mà tôi rất say mê. Tình cờ hôm nay, tôi được cái may mắn ấy. Nếu ngài không có việc vội vàng, tôi mời ngài cho tôi được hầu chuyện.

Muốn chừng ông khách biết ngượng về lời ăn tiếng nói quá lễ độ của ông chủ, vả lại chuồn ngay thì mang tiếng là làng văn đa tình, ông đành ở lại.

Hai người kéo ghế ngồi ở bàn tiếp khách của Ma-ri. Anh Thừa kiểm lại từng chiếc khuy của cái áo cổ đứng màu tro nhạt, rồi khẽ nghiêng mình sang phía Ma-ri, nói nhỏ:

– Nhờ cô làm ơn bảo anh Xi cho tôi cái điếu. Tôi còn hầu chuyện ngài lâu.

Ma-ri nhanh nhẹn vào nhà trong, rồi ra, cùng ngồi ở bàn. Ông văn sĩ đáp lại sự nhã nhặn của ông y sĩ:

– Chúng tôi đọc quảng cáo, được biết ngài mới ở bên Tàu về.

– Thưa vâng, cũng may mà còn nhớ đủ tiếng ta để tiếp khách. Hà! hà! hà!

Anh Xi đặt trên bàn cái điếu ống thuốc lào bằng đồng đánh sáng nhoáng. Anh Thừa dặt thuốc vào nõ, thổi phụt phụt cái cuộn giấy dính than đỏ ở đầu. Ngọn lửa bùng cháy. Anh châm hút, thở xong lần khói thơm nhẹ, anh ấp hai bàn tay quanh cái điếu, ôm đặt vào lòng, chậm rãi dằn từng tiếng:

– Vừa đây, đệ nghe ngài nói với cô đốc đến ba tiếng ốm tương tư. Hề! hề! Thưa ngài, quả tương tư làm cho con người ốm thật. Nó là một bệnh. Trong luận án của đệ gửi sang Bắc Kinh để lấy bằng bác sĩ y khoa, đệ đã nghiên cứu tỉ mỉ cái bệnh mà y giới đông tây cổ kim ít chú ý, là cái bệnh mà ngài vừa mới nói, cái bệnh tương tư.

Ông văn sĩ lắng tai nghe. Ma-ri nhìn anh Thừa, mắt chớp chớp.

– Thưa ngài, tương tư, xét cho cùng, là một bệnh khá nguy hiểm. Do là phủ tạng con người ta, tâm thần con người ta suy nhược. Nếu kẻ thư sinh này phân tách sinh lý, tâm lý để nói kỹ, e rằng dài quá, mất thì giờ của ngài. Xin lấy ngay những ví dụ trước mắt. Như nhân huynh và đệ là nam giới, và như quý tiểu thư đây là nữ giới, hẳn chúng ta không giấu giếm nổi nhau rằng, trong đời ta, đã không có ít ra là một lần tương tư. Ta gặp một người đẹp, có duyên, ta yêu. Xa người ấy, ta nhớ. Gần người ấy, ta vui. Ấy là ta tương tư đấy. Người mắc bệnh tương tư thường hay đãng trí, thờ thẫn, lắm lúc như dại, như ngây.