Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Không những hương hỏa được huyết tính của cha mẹ, thằng Pôn và thằng Giăng còn được luôn luôn học những bài thực nghiệm mà mẹ chúng nó dạy bằng cách gián tiếp, khi trong nhà có khách đàn ông. Bởi thế, về mặt dâm dật, hai thằng không thua Mão. Chứng cớ là thằng Pôn đã hai lần làm cho Sen và Đào kêu rầm rĩ.

Hai thằng học lẫn với con Tây, lại ở Hà Nội, xa cha mẹ, nên không ai cai quản. Chiều nào chúng nó cũng mặc quần áo sang nhất, mỗi thằng có bạn riêng đến rủ đi chơi, đi chim gái, mà chúng gọi lóng là đi lơn đào.

Nhà ai ở phố nào có con gái choai choai, trạc tuổi chúng nó, chúng nó biết hết. Tên cô ở là gì, học lớp nào, trường nào, hay không đi học, bao nhiêu tuổi, có mấy anh chị em, tính hạnh thế nào, thói quen thế nào, họ hàng với những nhà nào, hay đi đâu vào giờ nào, chúng nó thuộc hơn những bài sử ký ở nhà trường. Chúng nó thách nhau chiếm trái tim cô nọ, chinh phục cô kia. Chúng nó kể với nhau những chuyện trai gái trước mặt các em gái chúng nó. Nói với em gái, chúng nó cũng văng tục văng rác. Chúng nó mê tiểu thuyết tình, truyện kiếm hiệp. Chúng nó còn hơn thằng Mão ở chỗ lắm tiền, cho nên không truyện trinh thám nào không mua, không phim trinh thám hoặc phim khiêu dâm nào chúng nó không chen lấy cho được vé. Vốn sinh trưởng trong gia đình dùng đồng tiền để có tất cả, chúng nó cũng sớm hiểu giá trị của đồng tiền. Giá trị của đồng tiền là cho người có tiền thêm giá trị. Chúng nó thả tiền ra để mua tất cả, nhất là mua tình yêu. Nhiều cô mê tít chúng nó, chỉ vì muốn sắm gì, mới hé răng bảo, là hôm sau chúng nó có ngay để tặng.

Nhưng hai thằng Pôn và Giăng bị mẹ chúng nó phân biệt đối xử. Nghề thế, hễ nhiều con thì thế nào cũng có con yêu con ghét. Ma-ri yêu thằng Giăng hơn thằng Pôn. Vì thằng Giăng trắng trẻo, đẹp đẽ hơn. Hồi Ma-ri bỏ Thừa đến thủ tiết tại nhà lão cha Hảo, thì Thừa gửi thằng Pôn về nhà quê, nhờ hai Điều nuôi. Hẳn là nó ăn chẳng đủ, mặc chẳng đủ, cho nên nó đen đủi, gầy gò. Vì xấu xí hơn em nó, nó bị Ma-ri ghét.

Bởi thế, tuy hai đứa đều được đầy đủ ngang nhau về vật chất, nhưng về tinh thần, thằng Pôn kém thằng Giăng. Thằng Pôn bị mẹ nghiệt ngã hơn, nó hay phải mắng, phải bẻ, phải hoạnh. Cùng phạm một tội, nhưng nếu thằng Giăng, thì Ma-ri không nói gì, có khi còn cười âu yếm. Còn nếu là thằng Pôn, thì Ma-ri quát, và nói dai, không những kể tội hiện tại, mà còn bới ra tất cả những tội cũ mà Ma-ri không bao giờ quên.

Vì vậy, trong hai thằng con trai, Pôn sợ cha mẹ, mà thằng Giăng thì nhờn. Thấy cha mẹ, Pôn len lét. Muốn gì, nó thường xui các em nó xin hộ. Ma-ri vẫn bảo Thừa:

– Dễ dãi với thằng Pôn, thì nó hư đấy.

Cả Thừa lẫn Ma-ri phải đặt cho nó những kỷ luật rất chặt chẽ, bắt nó phải theo đúng. Vì không theo đúng, nó phải nói dối. Và ngày nào có bố mẹ về Hà Nội, nó sợ sệt tất cả mọi người. Nó nịnh nọt từ người hèn kém nhất nhà để đừng mách tội nó.

Trong khi thằng Pôn bị kiềm thúc, thì thằng Giăng được tự do tung hoành. Thằng này chẳng e dè ai, coi trời bằng vung. Nó phạm một lỗi. Khi chưa đến tai mẹ nó, thì lỗi ấy nguyên là lỗi. Những khi mẹ nó biết, thì nó được bênh liền. Lỗi không còn là lỗi nữa, mà biến ngay thành ưu điểm. Kẻ làm ra lỗi ấy, lại là người khác.

Nó không có tính nói dối như anh nó. Trái lại, nó nói toạc tất cả những cái không đáng nói. Ví dụ, trên thân thể của mẹ nó có những gì, khác với thân thể của con Rô-da-lin, con Ma-gơ-rít và con Ca-mê-li-a ra sao.

Bởi chịu sự giáo dục thiên lệch như vậy, thằng Pôn với thằng Giăng là hai thằng kình địch nhau nhất. Chúng nó cãi nhau, đánh nhau, chửi nhau, như hai kẻ thù. Bị mắng, bị nhiếc thằng Pôn càng thù thằng Giăng sâu. Thấy Ma-ri bất công, Thừa bênh thằng Pôn, thì Ma-ri càng tự ái, nên càng ghét nó, và hục hặc cả với người mà Ma-ri cho là nống thêm cho nó hư.

Thường Thừa khuyên Ma-ri:

– Một thằng bị mẹ nghiệt ngã quá, lúc nào cũng lấm lét như con chuột trước con mèo, một thằng được mẹ nuông chiều quá, tha hồ như ông tướng, chẳng biết kiêng nể gì. Cái lối dạy con như thế, chỉ tổ làm cho cả hai đứa cùng hỏng sớm.

Đôi khi Thừa có nghĩ đến Mão, thằng con không được trông nom, mà thả lỏng như loài ác thú sống trong rừng. Thừa biết là rồi Mão cũng hỏng nốt.

Con Rô-da-lin mới 12 tuổi, nhưng đôi vú trên ngực nó đã nhu nhú như hai quả cau.

Nghỉ hè này, cũng như nghỉ hè trước, chẳng biết nó mến chú đội Tuynh thế nào, mà cứ đòi ngủ với chú, không được nằm lâu cạnh chú, thì nó cũng kè kè bên chú một lúc, rồi mới đi ngủ.

Chắc rằng nó biết việc này là bất hợp pháp, nên con ranh con hợp pháp hóa ngay bằng cách rủ cả con Ma-gơ-rít nằm với chú đội. Nhưng khi em nó nghe nó dỗ dành, thì nó bắt em nó nằm một bên, để nó độc quyền nằm giữa, thì nó nhất định bắt chú quay mặt lại nó. Em nó có phản đối, thì lập tức nó dùng quyền chị, cấu véo con bé đến khóc lên.

Nghỉ hè này, nó biết làm dáng rồi. Chiều nào nó cũng lấy phấn của mẹ xoa nhẹ vào má, và lấy son của mẹ phiết phiết vào môi. Nó còn bôi cả nước hoa nữa. Khi soi gương, thấy đẹp, nó xuống buồng chú đội chơi. Nó lấy cả nước hoa của mẹ cho chú vuốt lên đầu chú.

Năm trước, sau cái buổi trưa hôm thằng chánh cẩm Gôn ở nhà nó, nó thấy nhảy đầm, cho là hay hay. Hôm cha mẹ nó đi vắng, nó đòi chú đội dạy nhảy. Con bé tinh thế đấy. Cha mẹ ở nhà thì nó không dám học. Muốn thử nó, Huệ bảo:

– Cô muốn biết nhảy thì bảo bà dạy cho, hay bảo chúng tôi cầm tay cho. Chú đội cao thế, cô thấp thế, thì ôm nhau khó.

Nó uốn mình, nghẹo cổ, giơ tay làm bộ điệu,và hát theo điệu vọng cổ để trả lời:

– Nhảy với đàn ông mới thích chứ!

Năm nay, con Rô-da-lin hỏng thi. Là vì nó không làm nổi bài toán và không thuộc sách vở để đáp những câu hỏi. Nó đã giải quyết nhiều bài toán khó hơn, tỷ dụ như làm thế nào để được nằm với chú đội một cách hợp pháp. Nhưng đến bài người ta ra cho nó bằng những con số thì nó cắn bút, không biết lần mò ra sao. Nó đã thuộc lòng những bức thư dài của bạn trai lớp trên giúi vào cặp sách nó. Nhưng những dòng toát yếu sử ký, địa lý, tạp vật học, dù ngắn, mà nhai mãi, nó không sao nhập tâm được. Âu cũng là thiên tư. Nó nghiền những truyện của các anh nó mua về, nghiền hàng giờ không mỏi. Có khi thức đến mười hai giờ đêm, mà đầu óc vẫn minh mẫn. Nhưng sờ đến quyển giáo khoa, mới ề à được vài dòng, đôi mi mắt nó đã díu chặt lại. Thế là nó ngủ.

Việc học hành của con Ma-gơ-rít năm nay không có vấn đề gì. Nhưng con oắt Ca-mê-li-a thì nằng nặc đòi học trường đầm với các chị. Nó muốn được mặc đầm, nhưng lại viện cớ là cô giáo dốt, không đủ chữ dạy nó.

Nhận được giấy cảnh cáo của nhà trường, Thừa và Ma-ri mắng thằng Pôn. Thằng này đổ tội cho cô giáo dạy toán ghét nó. Nó nói rằng cô Săng-đrê này năm nay gần năm mươi tuổi mà chưa chồng. Một lần, cô bị nó bắt quả tang để cho thầy Xi-cô-mông hôn môi ở trong lớp, lúc giờ học trò ra sân chơi. Từ đó, cô thù nó. Biết nó nhút nhát, hay sợ sệt, cho nên động gọi nó lên bảng, là cô gầm thét, đập bàn đập ghế ầm ầm. Cả năm học, cứ đến giờ cô dạy, là nó mụ cả người. Nó không hiểu cô giảng gì cả. Vì vậy, luôn luôn nó bị phạt.

Thừa bàn với Ma-ri về việc học cho thằng Pôn, con Rô-da-lin và con Ca-mê-li-a.

Vốn quen giãy bằng tiền, hắn định đút cho người thư ký trường lít-xê tẩy điểm thấp để chữa lên điểm cao vào các bài thi của thằng Pôn, cho nó có đủ số điểm lên lớp. Chắc rằng lão đốc trường không nhớ đâu mà phải ngại. Nếu người thư ký không dám làm liều, thì hắn đút hẳn tiền cho lão đốc và mấy lão giáo. Nhưng nếu mấy anh chàng gàn dở này quen thói thanh liêm, không chịu ăn của đút, thì hắn sẽ đến chơi thăm người giáo sư văn học và người giáo sư khoa học dạy ở lớp tư. Chắc rằng hai người này sẽ chấm kỳ thi lên lớp hồi đầu năm học sắp tới. Hắn định xin hai người ấy cho thằng Pôn đến học tư trong kỳ nghỉ hè này, độ một tháng rưỡi, mỗi tuần sáu giờ. Mỗi giờ trả từ năm đồng trở lên, hay bao nhiêu cũng được, để lấy cảm tình thày trò với nhau.

Còn con Rô-da-lin thì quá tuổi, chắc không được lưu ban. Hắn sẽ xin cho nó và con Ca-mê-li-a vào trường tư dạy đầm con của bà Măng-đông. Con Ca-mê-li-a vừa tuổi học lớp chín.

§14. Khi gương đã soi

Đương bực mình về việc học hành của thằng Pôn và con Rô-da-lin, thì hôm sau Thừa lại nhận được thư của trạng sư Rô-măng báo tin là tòa bác cái đơn xin ly dị mới đây của hắn.

Hắn bực bội như muốn phát điên.

Cho nên, ăn cơm sáng xong, Thừa và Ma-ri, cùng con Ca-mê-li-a xuôi Hà Nội. Hắn định giải quyết lần cuối cùng việc mẹ Mão, đồng thời vận động việc học cho con.

Không rõ là ai bảo, mà cả xừ Tuynh cũng ra xe. Xừ ăn vận rất đình huỳnh.

Ô-tô có bốn chỗ ngồi.

Đáng lẽ nếu xừ Tuynh cầm lái, ngồi đằng trước, thì ông bà hàn cùng cô tiểu thư ngồi đằng sau.

Nhưng Ma-ri cứ bắt Thừa cầm lái, nói rằng chú đội hay cho chạy nhanh, hắn chóng cả mặt.

Thừa chiều ý vợ.

Vậy đáng lẽ Thừa cầm lái, thì xừ Tuynh phải ngồi cho đúng địa vị, tức là bên cạnh chủ, để giúp chủ. Ma-ri và con Ca-mê-li-a ngồi đằng sau.

Nhưng Ma-ri lại bắt con bé là yêu pa-pa thì ngồi với pa-pa. Lại được xem phong cảnh. Con Ca-mê-li-a ngây thơ, biết gì, nhảy lên ngồi ngang với bố. Thế là Ma-ri với xừ Tuynh cùng ngồi với nhau ở đệm phía sau.

Ai không biết, nhìn lên xe, thấy ba người lớn ăn mặc khác nhau, chắc phải cho kẻ cầm lái là bác tài, vặn ô-tô cho ông chủ bà chủ.

Chiếc Béc-li-ê chạy ì ạch. Hai cánh tay Thừa đặt trên bánh lái, mắt nhìn thẳng phía trước, đầu không nhúc nhích. Con Ca-mê-li-a mải mê trông các đồi sim, hoa đỏ như mâm xôi màu đào.

Lợi dụng cơ hội tốt, thấy mỗi lần xe chồm lên, xừ Tuynh lại nhích gần một tí vào Ma-ri. Rồi xừ quàng cánh tay quanh lưng Ma-ri. Ma-ri không những để yên, còn liếc nhìn xừ, miệng tủm tỉm. Và cũng dịch lại gần xừ.

Bốn người, mỗi người một việc, không ai nói chuyện với ai.