Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Thừa sực nhớ ra:

– Tên này là tác giả cuốn Dân quê SOS, đã bị nhà nước cấm.

– Ông quen nó?

– Không ạ. Con chỉ đọc sách nó viết. Nó nói hỗn nói láo không chừa một ai.

Tên công sứ gật đầu:

– Tôi nghe nói nội dung cuốn sách này giống y như nội dung những tờ truyền đơn cộng sản viết ngày ấy. Có phải không?

– Trình cụ lớn, con không đọc truyền đơn, nên không biết.

Thằng thực dân mỉm cười:

– Nguyễn Thiện là một thanh niên đã du học ở bên Pháp, nhưng bị đuổi về nước, vì tư cách xấu.

– Bẩm tư cách xấu thì chẳng ai bầu cho.

– Xấu là xấu thế này. Nó học ở Mông-pe-li-e, nhưng không chịu chăm chỉ, lại thích làm chính trị, đã cầm đầu sinh viên An Nam ở đó cùng dân Pháp biểu tình, chống lại nhà chức sự.

– Dạ. Thế thì không thể tha thứ được.

– Cho nên nó đã bị giam, và đuổi về nước.

Thừa lắc đầu:

– Nhà nước thật khoan hồng.

– Bên Pháp không có luật bỏ tù người biểu tình như ở các thuộc địa. Nhưng hễ xét thấy người sinh viên thuộc địa nào muốn làm bậy, thì lập tức không cho họ gần gũi để đầu độc người cùng nước của họ. Vừa rồi, mười một sinh viên phải đuổi về Đông Dương.

– Chúng con tính luật nước Pháp thì người Pháp được hưởng, còn dân thuộc địa, dù học bên Pháp, cũng phải theo luật xứ mình. Nhà nước không bỏ tù họ cho họ chừa, còn chỉ đuổi về nước, thì họ đã đi tàu không mất tiền, mà về nước, họ còn chứng nào vẫn giữ tật ấy.

– Không. Nhà nước không phải trả tiền tàu cho họ. Tiền ấy là tiền của họ. Người An Nam muốn sang Pháp học phải theo đúng thể lệ, nộp cả hai suất tàu khứ hồi trước. Thôi, ta hãy nói việc ứng cử nghị viên. Ông Thừa ạ, tôi muốn khóa này, ông ra tranh cử với tên Thiện, nếu tên này ra ứng cử. Ông không sợ bại. Tôi sẽ giúp, các quan địa phương sẽ giúp.

– Cụ lớn tác thành, không bao giờ chúng con dám quên ơn.

Tên công sứ gật đầu:

– Được. Tôi nhắc lại. Tôi bảo ông ra dân biểu, là muốn làm lợi cho ông nhiều. Tôi cần ông thắng đối phương của ông, tuy không giàu bằng ông, nhưng được tin yêu hơn ông. Cho nên tôi cho phép ông tất cả. Dù có chịu tốn kém ít nhiều, ông cũng không nên kể như món tiền vốn bỏ ra để buôn. Tôi sẽ đền ông bằng nhiều món lợi khác sau này. Ông đừng phàn nàn, đừng tiếc.

– Trình cụ lớn, chúng con không dám tiếc, không dám phàn nàn. Được cụ lớn thương mà chỉ cho đường đi, chúng con xin cố sức.

Mát-xi-li gật đầu:

– Ông nên biết rằng sở dĩ tôi giao cho ông việc này, mà không giao cho người khác, vì tôi tin cậy ông. Dù Nguyễn Thiện có được cử tri tín phục mấy, thì cuối cùng cũng phải bó tay trước người có nhiều tiền tài và lắm mưu trí như ông.

Thừa sung sướng, tủm tỉm.

§6. Cuộc giao tranh

Tin ở lời hứa của tên thực dân chủ tỉnh Vĩnh Yên là giúp, Thừa yên trí, quan thầy sẽ dùng quyền lực, ép Nguyễn Thiện rút đơn xin ứng cử ra. Ngờ đâu, chỉ là lời hứa suông. Đáo sự, Thừa mới biết là hắn phải đương đầu với một đối phương khá cứng rắn.

Cho nên cuộc giao tranh mỗi ngày một trở nên gay go. Đã đâm lao, Thừa phải theo lao.

Ngay từ hôm quyết định ra nghị viên, Thừa đã tìm đến ông bạn cố tri Hoài Tân Tử, nhờ ông tổ chức một đội tham mưu, đi cổ động cho hắn. Ông Hoài Tân Tử nhận lời, nhưng bàn thêm:

– Có đội tham mưu thì đành rằng tốt, nhưng muốn thắng thằng Nguyễn Thiện là một tay có chính kiến, có nhiệt huyết, có văn tự, lại được dân Vĩnh Yên tín nhiệm, thì một đội tham mưu không đủ. Không lẽ khoe với dân An Nam là mày đã có công trừ cho nhà nước những thằng làm quốc sự, mà người ta bầu cho mày thay mặt người ta. Người ta sẽ chửi mày là phản quốc. Không lẽ kể cái công mày giúp thành phố Sa-vi-nhông. Người ta sẽ bảo là mày đợi đấy, bao giờ Sa-vi-nhông thiếu nghị viên hãy ra ứng cử, dân Sa-vi-nhông sẽ vui lòng dồn phiếu cho mày. Chỉ còn mỗi việc là mày có ba thuyền thóc cứu tế dân bị lụt. Nhưng ở ngay Hà Nội, tao còn biết tỏng là mày chở thóc đi, định nạo xương tủy dân lụt, chẳng may bị bắt, thì mày theo đít con mẹ Tư Hồng, nói dối là định phát chẩn. Huống hồ mày định lòe dân Vĩnh Yên là từ thiện, thì thật là mày ỉa vào lỗ tai người ta không bằng. Vả lại, dân chúng bây giờ khôn rồi, bỏ phiếu cho ai, người ta đắn đo từng li từng tí. Người ta tìm hiểu lý lịch, tư tưởng hành động của người thay mặt ở nghị trường. Mày đã không có chính kiến, nhiệt huyết, không có văn tự, lại không được tín nhiệm như thằng Nguyễn Thiện, trái lại, mày còn là thằng đểu, hại nước, dối dân, phản bạn, thì chó nó bầu cho mày à?

Đút điếu thuốc và tiêm vào lỗ nhĩ, ông giơ dọc tẩu mời Thừa hút. Thừa không từ chối, vừa kéo sè sè, vừa nghĩ, ông Hoài Tân Tử tiêm một điếu mới:

– Cho nên không thể tránh được vết xe của người trước đã đi, là mở báo, mày ạ.

Thừa cau mặt:

– Mở báo ấy à?

Ông Hoài Tân Tử cười:

– Mày nghĩ đến tờ Chấn Hưng ngày trước à? Thằng Nguyễn Thúc Lăng nó dại, thì nó chết. Mấy khóa này không dám mở báo nữa, cho nên nó đeo mãi cái tên là nghị hụt. Còn như mày, mày không cỏ rả như nó, thì thế nào mày cũng phải ra báo. Không những mày cần cho quốc dân thuộc tên mày, vì mày đứng tên sáng lập, hay chủ nhiệm, tùy mày, nhưng mày cốt để cho độc giả biết chính kiến của mày, người ta sẽ quên những tội cũ của mày đi.

– Thế thì tao phải viết bài à?

– Không cần. Miễn là có tên mày ký dưới những bài trình bày ý kiến về chính trị, về xã hội. Còn bài vở thế nào, mặc tao. Tao sẽ làm chủ bút, thành lập cho mày một tòa soạn ra tòa soạn.

– Nhưng lâu lắm mày có viết lách gì nữa đâu?

– Tao không viết, vì tao đủ tiêu rồi, tao không thèm viết, chứ không phải tao không viết. Vả lại, như cái báo Chấn Hưng ngày trước, mày làm chủ bút, mày có viết bài nào không?

– Việc mày bảo mở báo là đúng, nhưng tao sợ lại mắc thêm một tiếng xấu nữa, là đã dốt lại hiếu danh, ông Nguyễn Huy Hợi, từ ngày làm hội trưởng Bắc Kỳ Công thương đồng nghiệp ái hữu hội, và ra tạp chí Hữu Thanh để được chức chủ nhiệm, chả bị người đời cười thối óc là cái máy nói à?

– À, bởi vì ông ta sính đọc đít-cua[96] viếng hội viên chết, nên phải mua điếu văn, và thích ký tên dưới những bài người khác viết. Còn mày, không phải là sính, là thích, mà chỉ là cần làm thế. (*[96] Điếu văn.)

Thừa bật cười:

– Khác đếch gì nhau. Cho nên tao không muốn mở báo. Tao không có chính kiến, tao không được tín nhiệm, tao vô học. Mày nói đúng. Nhưng tao hỏi mày nhé. Trong nghị viện nước ta, những đứa nào có chính kiến, được tín nhiệm và có học? Mày có chính kiến, được tín nhiệm, thì thằng Tây đếch thích. Chúng nó chỉ cần những thằng làm bù nhìn giỏi. Ngoài tiếng uẩy me-xừ, nó không cần anh phải nói gì. Thế thì muốn ra nghị viên, anh chỉ cần có mỗi một điều, là có tiền. Có tiền khắc có tín nhiệm. Mày còn lạ gì?

Ông Hoài Tân Tử ngồi nhổm dậy:

– Đành vậy. Nhưng mày phải nhớ là mày đương đầu với một địch thủ không vừa.

– Sao tao không nhớ? Nhưng tao có tiền. Cử tri không cần anh có chính kiến, mà chỉ cần anh có tiền, cho họ ăn, cho họ hút, cho họ chơi, rồi trả tiền phiếu cho họ sòng phẳng. Chứ mày chẳng thấy khối thằng, lúc chưa ra nghị viên, thì nói thánh, nói tướng, đến lúc vào nghị viên, chỉ có mỗi việc gật đầu thôi à? Mấy lị Tây nó có cho mình nói gì đâu, làm gì đâu mà hòng ích quốc lợi dân?

– Thế nhưng ít ra bề ngoài mày cũng phải hứa nọ hứa kia, thì ban tham mưu chúng tao mới có cớ tán người ta bỏ phiếu cho mày chứ? Mày đừng khinh cử tri ai cũng tham tiền nhé. Qua vụ biến động Yên Bái, đến những vụ khám nhà, bắt người vì treo cờ, rải truyền đơn, và những vụ hội kín, mà các báo gọi là những vụ bắt bớ quan trọng ở các tỉnh, tức là cộng sản đấy, thì chẳng nói những người có học như chúng tao, đến dân quê bây giờ họ cũng hiểu hết rồi. Cộng sản gọi là giác ngộ quyền lợi giai cấp đấy. Thằng Xi nhà mày là một tấm gương. Mày không thấy à? Cho nên mày cần phải đi một vài nơi để diễn thuyết, gọi là ra mắt cử tri. Thế mới được.

– Tao không khinh cử tri, nhưng tao biết là chính cử tri khinh nghị viện, cho nên ai muốn ra thì ra, họ bầu tuốt. Mở báo phí tiền, đi diễn thuyết phí công. Tao không làm. Vả lỡ ra, nghe diễn thuyết xong, có đứa nào bẻ lại, hoặc hỏi thêm điều gì khó khăn, làm mình bí, thì ê mặt.

Ông Tình muôn thuở nhăn nhó:

– Thế thì tao phải cổ động cho mày bằng cách in lý lịch, rồi phát đi các nơi vậy. Nhưng viết lý lịch thế nào đây!

Ông gãi tai, rồi ngẩn mặt để vừa đánh xái vừa nghĩ. Bỗng ông đặt cối xái, vỗ đùi đánh đét, mắt sáng ngời:

– À, thế này, tao nghĩ ra rồi.

Ông cười:

– Thiên hạ cứ chửi thằng nghiện, chứ tao tính không có thuốc phiện, đố ai nghiền ngẫm ra mưu mô gì. Thừa! Đối phương của mày là một thằng có chính kiến, thế tất mày cũng phải đương đầu với nó bằng chính kiến, chứ bằng tiền, không đủ đâu. Mày có biết mấy năm nay, giới người quan tâm đến thời cục bàn tán nhiều về hai thuyết Lập hiến và Trực trị không?

Thừa lắc đầu. Ông Hoài Tân Tử cười:

– Khốn nạn cho cái viện dân biểu Bắc Kỳ rồi có những thằng như mày làm nghị viên! Khốn nạn cho dân An Nam có những thằng đại biểu như mày được bầu ra làm việc chính trị! Con khỉ ạ, thuyết Lập hiến là thuyết của Phạm Quỳnh đề ra. Thuyết Trực trị là thuyết của Nguyễn Văn Vĩnh chống lại. Phạm Quỳnh chủ trương là nước Pháp phải theo đúng hiệp ước ký với vua ta năm 1884, đặt nước An Nam dưới quyền bảo hộ của nước Pháp. Thế thì vua ta phải có thực quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nước Pháp chỉ đóng vai trò cố vấn, giao thiệp với vua ta qua bộ Ngoại giao. Vua quan An Nam sẽ cai trị thằng dân An Nam. Không có toàn quyền, thống sứ, công sứ công sánh gì hết. Nước Pháp chỉ đặt ở nước An Nam một cơ quan làm đại diện thôi.