Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Hôm dọn nhà, anh sực nhìn thấy chiếc phong bì gài trên mái tranh. Anh tính cho nó vào bếp lửa. Nhưng anh tiếc công gìn giữ mấy tháng nay. Song, mang nó đi thì được ích gì? Anh ngắm nghía tấm bằng một lát, rồi tặc lưỡi bảo với vạ:

– Tội đếch gì mà vứt đi! Chả gì cũng để treo cho đẹp nhà.

Vợ anh cau mặt:

– Của mình chó đâu mà đẹp!

Lời nói như xui anh chiếm của kẻ khác làm của mình. Anh mượn bút mục, rải phẳng tấm bằng, nắn nót, điền vào chỗ trống, ba chữ: TRẦN ĐỨC THỪA.

Anh Thừa đem con bò lạc về Hà Nội.

§3. Cu-li cút-kít

Anh Thừa được ở ga Hà Nội. Tên sếp chánh Phi-lô-mát cho anh vào làm trong văn phòng tên sếp phó, là Tu-nô. Nó rộng cho anh nghỉ hai hôm, để thuê nhà của xong, mới đến nhận việc.

Anh vừa mừng vừa lo. Thế là tránh được cái tên là phu kíp. Nhưng chữ nghĩa ít, anh biết làm ăn thế nào? Bà lớn sếp chánh khuyên anh đừng thuê nhà ở đâu cho xa và đắt tiền. Bà bảo sẽ dùng quyền, bắt bà sếp phó cho anh ở một gian trong bếp nhà bà ấy. Nhà gạch, có đèn điện, có nước máy, sang trọng lắm. Anh cảm ơn Trời Phật phù hộ người dì anh lấy chồng làm to, cho anh hưởng sung sướng lây! Bây giờ anh được gần dì, có việc gì, dì che chở cho. Vả lại anh ở ngay trong nhà quan thầy, người ngoài trông vào, ai chẳng phải nể.

Hôm đầu tiên, anh ăn mặc thật chững chạc: khăn xếp, quần là, áo cổ cồn, giày tây. Anh sắm cả cái tay áo giả bằng vải tây thâm để lồng vào cánh tay, phòng khi ngồi viết khỏi hại áo. Anh hăm hở đến sở rất sớm. Anh đứng chờ ở hành lang. Mãi đến chín giờ, quan sếp phó mới ra bàn giấy. Nó đi khệnh khạng, phải chống bằng ba-toong. Anh chào nó và xưng tên, nó hiểu ngay, gật đầu, vẫy anh đi theo.

Anh vào buồng, hồi hộp, đứng nhìn quanh. Cả cái buồng rộng, đặt có một cái bàn lớn ở giữa. Trên mặt bàn, xếp từng chồng giấy má. Sau bàn, bày một cái ghế dựa. Anh đương suy nghĩ xem mình ngồi ở chỗ nào, thì Tu-nô trỏ phía cuối tường, vừa giơ tay lên, hạ tay xuống, để làm hiệu, vùa nói lơ lớ:

– Kéo, kéo mạnh. Biết?

Anh biết. Thì ra chán ngán quá, anh làm việc kéo quạt.

Một lát, có người thư ký vào. Tu-nô nhìn anh và nói với người ấy. Người ấy gật đầu, thông ngôn lại cho anh nghe:

– Phải quét tước lau chùi buồng này cho sạch sẽ. Kéo quạt. Đi việc vặt. Đấy công việc có vậy. Làm cho chu đáo. Ông ấy bảo thế.

Anh cúi đầu:

– Vâng ạ.

Anh nhìn thấy hình của anh in trắng lôm lốp ở kính cửa như một thầy ký. Lố quá! Anh thở dài khẽ và nghĩ thầm: “Thế này thì làm phu kíp còn oai hơn. Không ngờ bây giờ mình lại làm việc của thằng nhỏ”.

Lúc Tu-nô cúi mặt xuống bàn, anh mới dám ngắm nó. Nó không có vẻ là Tây thật. Hình như Tây lai thì phải. Nhưng sao nó không nói tiếng ta. Anh không thể đoán được nó bao nhiêu tuổi. Lúc nó cúi xuống, thì trông già. Nhưng khi nó ngẩng lên thì lại trẻ. Má, môi và cằm nó xám những chân râu quai nón. Thế thì nó hai mươi, ba mươi hay bốn mươi? Có thể là nó hiền lành, chứ không hung hăng, ác tợn như lũ Tây cắt vé râu cáo. Bọn này là Tây thật, nên không thương gì người An-nam. Chúng đến toa nào là toa ấy hành khách len lét. Thế mà hơi một tí là chúng quát tháo, tát, đá người ta. Thằng này là người lai, khi đối xử với An-nam, ít ra nó phải nghĩ đến mẹ nó.

Bỗng đương làm việc, Tu-nô nhăn mặt, xuýt xoa, hai tay ôm chỗ nào, vì lấp bàn, anh không rõ. Anh vội vàng kéo mạnh quạt và trông đi chỗ khác.

Hẳn trong người nó có cái gì làm nó đau đớn. Cái nhọt hay vết thương? Phải rồi, anh nhớ ra. Nó đi phải chống ba-toong. Thế thì có lẽ nó bị thương ở chiến trường, bắn nhau với quân Đức.

Quả bàng cửa kêu lạch xạch. Cánh mở ra. Một người đầm nhỏ nhắn vào, tay cầm một gói gì, đi thẳng đến Tu-nô.

Anh nghe hai người nói với nhau, toàn là mày tao. Anh đoán người này không phải viên chức đến bàn công việc. Nếu phải người trên kẻ dưới, họ lễ phép với nhau, gọi nhau bằng vu, chứ không bằng tuy, toa[7] như thế này. (*[7] Tuy, toa: mày, anh.)

Một lát, người đầm nhìn anh, hất hàm, nói bằng tiếng ta rất sõi:

– Cho nghỉ một lát. Ra ngoài kia. Đóng cửa lại. Không cho ai vào. Nói là quan sếp phó bận, không tiếp.

Anh Thừa cúi đầu để tỏ ý vâng lệnh một cách lễ phép, đi rón rén ra cửa, đứng ở hành lang. Sao có lắm việc làm anh phải suy nghĩ thế? Người đầm này không thể không là lai. Tóc đen. Mắt đen. Chỉ bộ lông mi dài, cong và nước da trắng có chấm tàn hương là khác ta. Hắn mặc đồ ta, đố ai bảo là đầm. Hắn mặc đầm, người ta bảo An-nam giả đầm. Có lẽ vì hắn An-nam quá, nên có nói tiếng Tây cũng chẳng ai nghe. Đúng là hắn chỉ độ hai mươi tuổi, chứ không nhiều. Trông hắn khá xinh. Thịt lẳn, chắc, có vẻ mát rượi. Hắn vào đây làm gì? Hắn là gì mà vào đây? Sao hai người ở trong buồng với nhau lại đuổi mình ra, và cấm người vào. Hay là…

Anh đương nghĩ dở dang thì cánh cửa mở. Người đầm đi ra. Anh cúi đầu chào và để ý nhìn. Tóc hắn không rũ rượi. Váy hắn không xộc xệch như cái Múi hôm gặp anh lần đầu tiên ở buồng ga đi ra.

Tay hắn vẫn cầm cái bọc. Đến trước mặt anh, hắn hất hàm:

– Tên là Thừa phải không?

Anh đáp:

– Thưa bà lớn, vâng ạ.

– Mai dọn đến bếp nhà tôi mà ở. Biết nhà chưa?

– Bẩm chưa.

– Ở phía kia, cứ hỏi nhà ông sếp phó hay ông Tu-nô, hiểu chưa? Chưa biết tôi là ai à? Bà Tu-nô đây.

Anh giật mình đánh thót. Nhưng khi thấy đôi mắt sáng của hắn nhìn anh chớp chớp mấy cái, và hắn mỉm cười, anh đỡ sợ hãi, được nhẹ nhõm cả đầu óc.

Anh chắp tay:

– Thưa bà lớn, vâng ạ.

Người đầm lai hất ngón tay cái vào trong:

– Ông ấy ốm, không chịu được nóng. Vào mà kéo quạt. Làm việc cho tốt.

Nói xong, hắn thoăn thoắt bước đi. Anh Thừa muốn hỏi hắn một vài câu về bệnh tật quan ông cho ra tình thày trò, nhưng không kịp. Anh đành ngậm miệng đi vào. Anh lại móc cái đầu dây thừng quạt vào ngón chân cái, tựa lưng vào tường cho vững, rồi co cẳng để đạp cho khỏe. Dây quạt chạy trên bánh xe rít dầu, kêu cút kít như người nghiến răng.

Buổi tối hôm ấy, anh Thừa lại chụp khăn, mặc áo dài và dận giày tây cho đàng hoàng để đến thăm dì.

Bà lớn sếp chánh có nhà, nhưng ông lớn còn đi la mát.

Anh nói cho dì biết về công việc hàng ngày của anh. Anh hỏi về quan thày của anh.

– Ông ấy là người lai, nhưng mà tốt lắm, chứ không bạc tình như quân Tây lai khác, ông ấy biết tiếng ta, nhưng ít khi nói. Ông ấy bảo chỉ nghe hiểu, chứ không nói được nhiều. Vì thuở bé, ông ấy vào trường, ở lẫn ngay với con Tây.

Anh hỏi Tu-nô bị đau gì. Dì anh nhăn mặt, lắc đầu:

– Cũng tại ông ấy thôi. Bệnh này khó nói lắm. Chữa mãi không khỏi.

Anh khoe đã gặp bà sếp phó, được bà bảo đến ở buồng dưới bếp. Người dì gật đầu:

– Rồi mỗi tháng, anh nên đưa bà ấy hai đồng, cũng như tiền thuê nhà và tiền điện nước. Ở như vậy mà chỉ tốn như vậy là hời lắm. Có hơn là thuê cái nhà gianh lụp sụp, thắp đèn dầu tối mù, và phải đi gánh nước xa hay không?

Thấy mình bị nạn sĩ diện của cái bà lớn hợm hĩnh rởm, anh thở dài:

– Tôi tưởng bà ấy cho ở nhờ. Lương có sáu đồng, mà nhà ở mất hai đồng!

Người vợ Tây cười:

– Là bà lớn tính hộ anh như vậy, còn tùy anh nói chuyện với bà ấy. Bà ấy là đầm, dễ chả lấy tiền thuê nhà của anh đâu mà lo. Ấy là bà lớn muốn anh ăn ở cho ra con người biết điều…

– Cứ như tôi thì tôi tính thế này. Tôi đi làm, có lương đã đành, nhưng không đủ ăn. Nhà tôi lại không buôn bán, được đồng ra đồng vào như ở trên Đồng Đăng. Nay mai nó lại nằm nơi. Cho nên tôi định nói với bà ấy cho nó làm những việc lặt vặt trong nhà, như quét tước cái bàn cái ghế, giặt giũ cái quần, cái áo cho bà ấy, rồi tháng tháng, bà ấy chi cho thế nào cũng được, miễn là có thêm đồng nào quý đồng ấy. Hay là bà ấy nuôi hẳn nhà tôi làm con sen. Hẳn là cơm nước cho ông ấy đã có bồi bếp, nhà tôi làm chẳng nổi, nhưng cơm nước cho bà ấy, thì nó làm được.

Bà sếp chánh bĩu môi, lắc đầu:

– Không được đâu. Bà ấy không mượn đâu. Gì bà ấy cũng làm lấy tuốt. Cơm cho ông ấy, bà cũng thổi đấy. Anh tính lương có ba chục một tháng, ăn uống, may mặc, phấn son, hà tiện lắm mới đủ, để thỉnh thoảng còn tiêu khiển bằng cây bài lá bạc, thì tiền đâu mà dám thuê người.

Anh Thừa ngạc nhiên hỏi:

– Bà ấy làm ở đâu. Tôi tưởng là đầm thì được lương cao lắm?

Bà sếp chánh không đáp. Một lát, bà nói giọng đay:

– Đầm! Đầm xu bốn!

Rồi bà giảng:

– Cũng mới ăn mặc đầm, vì ông ấy bắt thế.

Anh Thừa ngạc nhiên. Có lẽ bà này chẳng qua cũng như dì anh, cho một thằng Tây thuê thân thể lấy mỗi tháng ba chục. Nhưng vì bà ta trẻ và đẹp, nên Tu-nô bắt mặc đầm để nhìn cho thích. Quần áo ta không hợp với mắt người Tây, anh suy đến dì anh, nhiều tuổi hơn, xấu hơn, lại ăn mặc ta, chắc giá thuê chỉ hai chục một tháng.

Hẳn người dì biết anh nghĩ gì.

Hắn đánh trống lảng bằng vài câu khuyên bảo lối người trên:

– Nên tu chí mà làm ăn. Quan sếp phó tốt lắm. Bà ấy tốt lắm. Rồi nhờ vả người ta còn nhiều. Đừng giai gái, cờ bạc, rượu chè, thuốc phiện, thuốc sái. Hà Nội là đất ăn chơi. Anh mà hư thì mang tiếng bà lớn đấy.

Không muốn nghe thêm bài luân lý, anh đứng dậy, xin về. Người dì gật đầu:

– Được. Nhưng bà lớn dặn một điều, anh cần nhớ. Là anh đừng năng đi lại thăm bà lớn. Nếu cùng bất đắc dĩ phải đến, thì anh nên đến vào lúc ông lớn có nhà, mà ăn mặc xoàng thôi nhé.

Rồi phải giảng rõ cho anh khỏi băn khoăn, hắn nhoẻn miệng:

– Vì sợ ông lớn nghi, anh có hiểu không? Tây người ta có biết đâu ai là họ hàng, máu mủ? Người ta cứ thấy có đàn ông trẻ đến với vợ người ta vào những lúc người ta không có nhà, thì thế nào người ta cũng cho là nhân ngãi. Có lần cô Bé Tý cho em ruột của mình ngủ nhờ một tối, mà hôm sau mất việc đấy! Em ruột thật chứ có phải em ruột giả đâu! Mà là cô Bé Tý đấy nhé!

Anh Thừa không lấy những lời dọa dẫm dân chúng bằng người vợ Tây nổi tiếng ấy làm sợ. Anh sực nghĩ đến bà Tu-nô, sàn sàn tuổi anh, lại cho anh ở chung nhà. Có đáng ngại hay không.

* * *

Không đáng ngại tý nào.

Tu-nô ở nhà công của sở xây cho viên chức Pháp. Nhà có hai tầng, mỗi tầng hai buồng. Theo chế độ chung, ai độc thân thì ở một buồng. Ai có gia đình thì ở hai buồng. Có gia đình nghĩa là có vợ Pháp. Ăn ở với người đàn bà bản xứ chỉ được coi là chứa tạm bợ bên cạnh mình một công cụ mua vui, không được kể là một người, thì không là có gia đình. Dù là cấp cao, cũng chỉ được một buồng.