Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Thế là về căn bản, ông sáng lập đã thết chầu hát. Ông chuồn sớm, để khỏi chịu oan những khoản râu ria, là thuốc phiện, với cháo gà đêm, có thể to hơn ba đồng nữa. Ông biết những người làm báo toàn là những tay chơi bời bạt mạng, được dịp vén tay áo sô đốt nhà táng giấy, họ không thương người phải trả tiền, chỉ cốt sướng thân, và sĩ diện với chị em. Phải bỏ tiền ra chi chầu hát, ông đã gỡ gạc, hôn đủ ngần ấy má. Thế là về phần riêng, ông được thỏa mãn. Vậy ông phải đi ngay để tránh nạn sau này.

Thấy ông Lăng mắt trước mắt sau đòi về, hớt hải đi như chạy giặc, anh Thừa không giữ. Bởi vì anh không là chủ. Anh bảo ông nhà văn:

– Hắn mà không nể, có lẽ hắn lừng lững chuồn, bắt anh em mình nằm va-li[57] cũng nên. (*[57] Nằm va-li: thường ở các nhà trọ, khách xa đến, ở vài hôm, đều có đem theo chiếc va-li đựng quần áo. Lệ nhà hàng, là khi khách chưa thôi trọ, thì chưa thanh toán tiền nong. Cho nên trong thời gian ở đấy, nếu khách có cần đi đâu một lúc, thì hãy để va-li lại, nhờ nhà hàng giữ hộ. Và khỏi phải mang xách bận bịu, khỏi sợ mất, mà vừa để bảo đảm ngầm cho việc vắng mặt của mình với nhà hàng. Những tay chơi bạt mạng, không có tiền cũng dám liều vào nhà cô đầu, thì sau một đêm ăn chơi thỏa thuê, sáng hôm sau, họ mới tính đến việc đi vay tiền, chi chầu hát. Họ về đi vay tiền, nhưng cử một người trong bọn nằm lại để làm tín, như chiếc va-li của khách ở nhà trọ. Nằm lại làm vật bảo đảm, gọi là nằm va-li.)

Ông Hoài Tân Tử nói:

– Tớ mà thôi Chấn Hưng vào làm báo khác, thì người đầu tiên mà tớ viết bài chửi, phải là thằng già keo kiệt này!

Vì vậy, cả hai người thấy trước ngày báo ra mà ông Lăng đi Vĩnh Yên, chẳng ai mong ông về, để tái diễn tấn hài kịch cỏ rả, nhưng làm ông đau lòng. Họ đã chọc tiết cái két của ông khá nhiều bận rồi.

Kể ra đi vắng, ông thầu khoán tránh được món tiền, nhưng ông không khỏi không nóng về, để được biết tình hình tờ báo của ông ra sao.

Vì thế, đến Hà Nội đêm trước, nhặt nhạnh được ít dư luận, sáng hôm sau, mới bảy giờ, ông đã đến nhà báo ở phố Hàng Bồ.

Nhưng ông rất ngạc nhiên. Tòa soạn vắng tanh. Không có ai làm việc, ông vào gác trong, là chỗ ở riêng của chủ bút. Thấy đóng cửa, ông gõ để gọi.

Anh Thừa đương ngủ, thấy tiếng động mạnh, thì thức dậy. Anh cạu cọ ra mở cửa. Nhưng thấy ông sáng lập, thì anh tươi ngay:

– Cụ mới về? Mời cụ vào.

– Vâng. Tôi sốt cả ruột gan. Thế nào, báo ta ra rồi chứ?

Anh Thừa trợn mắt:

– Kết quả lắm. Chưa có báo nào số đầu lại chạy mạnh như báo ta.

Ông Lăng như không để ý đến lời khoe ấy, hỏi:

– Các ông chưa ra buya-rô[58] à? (*[58] Bàn giấy.)

Anh Thừa quệt nhử mắt:

– Báo ra buổi sáng, cho nên đêm nào chúng tôi cũng thức đến ba bốn giờ. Bây giờ chúng tôi là vạc, lấy đêm làm ngày, lấy ngày làm đêm.

Ông Lăng yên tâm, hỏi:

– Này, sao ở Hà Nội, tôi thấy ít ê-lếc-tơ đọc báo mình nhỉ?

– Phải rồi. Mười tám vạn người, mà có hai nghìn tờ, thì nhiều vào đâu? Giá bạo tay mà in hẳn một vạn cũng hết bay ngay, cụ ạ. Tôi chỉ chờ cụ về để nói với cụ cho in hẳn lên một vạn.

Ông Lăng cười:

– Thôi từ từ chứ, ông ạ.

– Cụ nghe dư luận về báo ta thế nào?

– Tôi mới về, cũng chưa nghe được nhiều. Thấy nói là mục thời sự, giá đăng cả những a-vi[59] gọi thầu thì đầy đủ hơn. (*[59] Yết thị.)

Anh Thừa gật đầu:

– Xin chịu là thiếu sót.

– Ai ký tên là Búa Tạ ở mục Nghe đâu nhỉ?

– Sao hả cụ?

– Ê-lếc-tơ kêu là viết thô tục quá. Người ta bảo dễ thường động rừng cho nên báo ra lắm để báo cắn nhau. Nhất là tờ báo số ba, trang đầu, có bài thuật lại lời ông Nguyễn Văn Vĩnh đáp mấy câu phỏng vấn, người viết khen ngợi ông Vĩnh là bậc yêu nước thương dân hiếm có, thế mà ở mục Nghe đâu, ông Búa Tạ choang ngay một bài “Ai đáng bỏ rọ trôi sông”, để ám chỉ ông ấy là ăn tiền của chính phủ để hại nước, hại dân. Ê-lếc-tơ nói như vậy thì còn ai muốn cộng tác với báo mình nữa.

Anh Thừa đáp:

– Tôi là chủ bút, tôi chịu trách nhiệm hết. Nhưng dư luận như vậy là hẹp hòi, cụ ạ. Người thức thời không cố chấp như thế. Tây nho có câu: Tôi yêu thầy tôi, nhưng tôi yêu chân lý hơn. Tôi yêu ông Vĩnh, nhưng tôi yêu nước Việt Nam của tôi hơn.

Ông Lăng như được nghe một bài giảng ngoài sự lỗ lãi của việc bao thầu, cho nên rất phục lời nói cao xa ấy. Ông nói:

– Thế thì Búa Tạ không đáng chê trách, mà còn đáng khen ngợi. Ai là Búa Tạ thế, hở ông?

– Búa Tạ là Búa Tạ. Tôi không thể nói với cụ là ai, dù cụ là sáng lập. Đó là bí mật nhà nghề, xin cụ hiểu cho. Bất cứ một tên nào ký ở tờ báo, tôi đều chịu trách nhiệm với độc giả. Và vì tôi kiêm chức Quản lý, cho nên tôi chịu cả trách nhiệm với pháp luật của nhà nước. Nhà nước hỏi tôi ai ký tên nọ, ai ký tên kia, tôi cũng không khai. Làm báo phải giữ được lương tâm nhà nghề thế mới đúng.

– À, ra thế. Tại tôi không biết là trong nghề làm báo có lời nguyền với nhau như vậy.

– Đó là luật vạn quốc đấy, cụ ạ.

– Vâng. Người mình kém cỏi về tất cả các mặt, cho nên nhiều cái không hiểu. Mình ra báo Chấn Hưng là rất lợi cho ê-lếc-tơ.

Anh Thừa dạy khéo ông Lăng về xã giao:

– Ngay một việc nhỏ, như ăn uống, chơi bời, mình cũng còn phải học người nhiều lắm.

– Vâng, về món này, Tây người ta thiệp lắm. Không trách mình gọi người ta là quý quan cũng đáng. Người ta đáng làm thầy mình, lấy nước mình là phải.

Anh Thừa sực nhớ đến việc ông Lăng mua nhà của anh mà nói rằng thờ mấy người Tây buôn làm thầy. Anh hỏi:

– Ô, cái nhà của tôi, cụ mua làm gì, tôi chưa hiểu. Bây giờ cụ đã có thể nói thật cho tôi nghe được chưa?

Ông Lăng nghĩ một lát, rồi gật đầu:

– Nói được rồi. Là vì văn tự đã duyệt tòa, ông chả có thể lấy lại được.

– Tôi lấy lại làm gì!

– Ấy, thế mà lấy lại đấy. Nếu tôi nói trước là tôi làm thế nào, thì ông ăn cắp ngay mánh khóe của tôi để cướp đơ min của tôi. Không thì ít nhất, ông cũng bắt tôi chia puốc-xăng[60] với ông. (*[60] Hỏa hồng.)

Anh Thừa lắc đầu:

– Tôi chưa hiểu.

Ông Lăng giảng:

– Thế này nhé. Ông có biết ở ta có cái hội Bảo hiểm, vẫn gọi là họ Tây không?

– Có.

– Không phải là họ Tây. Hội này gốc nó ở bên Hoa-kỳ, có chi nhánh ở hầu khắp các nước trên hoàn cầu.

– Vâng. Tôi biết.

Anh Thừa biết, vì anh đã xui Ma-ri góp tiền hàng tháng vào đó, để phòng mẹ của Mão có đánh què hay đánh chết, thì Hội phải bồi thường một món tùy theo số tiền và thời gian mình góp. Nhưng Ma-ri đã đóng có vài tháng, rồi vì cần tiền buôn, nên bỏ dở. Anh Thừa nói với ông Lăng:

– Trước kia, tôi đã khuyên một người chơi họ này.

– Bảo hiểm nhân thọ hay bất động sản?

– Nhân thọ.

– Bây giờ người ấy còn đóng nữa không, ông có biết không?

– Người ấy chỉ đóng có vài tháng rồi bỏ.

Ông Lăng cười:

– Đấy nhé! Hội này hiểu tâm lý người ta là không kiên tâm, cho nên mới lừa nổi hàng chục triệu người ở các nước. Đóng tiền vào Hội, thì khi nào mình bị ắc-xi-đăng[61] bất thần, Hội sẽ đền cho một món lớn. Vậy bề ngoài, thì hình như mình đóng góp, dành dụm tiền, để lỡ ra có chết, thì vợ con khỏi đói. Nhưng bao giờ mình chết? Có chết vì tai nạn bất thần không? Nên nhớ rằng ông chết già, chết bệnh, chết vì tự tử, thì Hội không chịu trách nhiệm đâu nhé. Cho nên, một trăm người đóng tiền vào Hội, thì chín mươi chín người bỏ dở. Hội được không món tiền ấy. (*[61] Tai nạn.)

Anh Thừa suy nghĩ, rồi có vẻ ngạc nhiên:

– Quái. Người Mỹ giàu thế mà còn đi lừa nhỉ?

– Thì có lừa mới giàu? Thế ông đã nhận là người mà ông xui đóng tiền vào Bảo hiểm bị lừa chưa nào?

Anh Thừa cười, gật đầu:

– Đúng là bị lừa rồi.

– Phải? Chứ Hội làm sao có đủ mắt mà trông nom cho hội viên ở khắp hoàn cầu tránh được tai nạn bất thần để khỏi phải đền tiền? Mà nghĩ cho cùng, mình bị tai nạn bất thần ở nước An-nam, tại sao đến một hội tận bên Mỹ họ đền cho? Chẳng hóa ra Hội dại, lập ra để nai lưng mà đền mạng cho hội viên à? Nhưng Hội có dại đâu? Chính những anh tham lam, hú mắt vì thấy món tiền đền to mà vào Hội, mới là dại. Nhưng tham lam mà lại không kiên tâm. Vả dù có kiên tâm, nhưng có chắc mình chết vì ác-xi-đăng bất thần không mà cứ phải đóng tiền mãi, và đóng cho đến bao giờ? Chi bằng thôi ngay, đừng tiếc mấy chục, còn hơn theo đuổi cho đến bao giờ, và chắc có hy vọng được đền? Hội bảo hiểm rõ cái tâm lý chung ấy của người đời, cho nên nó sống mãi để làm giàu, vì đã lừa khắp các nước.

Anh Thừa lắc đầu:

– Lừa mà vẫn là nhân nghĩa. Kín đáo thật!

– Thế mới biết óc người Mỹ lớn hơn óc người Tây. Bảo hiểm nhân thọ hay bảo hiểm bất động sản cũng dựa vào cái tính không kiên tâm của người ta. Tôi có cái nhà, tôi vào Bảo hiểm bất động sản, để nếu lỡ ra nó bị đổ, bị cháy bất thần, thì Hội đền. Nhưng tôi có nhà, thì tôi giữ, chẳng lẽ tôi phá, tôi đốt đi, để bắt Hội đền à? Mà nếu tôi phá, tôi đốt; thì là tự tôi làm cho nó đổ, nó cháy, Hội không chịu trách nhiệm. Vậy thì làm thế nào cho nhà tôi đổ, cháy, để lấy tiền của Hội? Cũng vì hay hỏi lẩn mẩn thế, mà chẳng ai vào bảo hiểm nhà của, lại cứ kiên tâm đóng mãi tiền. Một trăm người, không biết có được một người theo đuổi mãi hay không. Nói tóm lại, Hội bảo hiểm, nhân thọ và bất động sản lập ra, không phải vì dại dột, mà chính người đóng tiền vào Hội để ngấp nghé món tiền đền mới là dại dột. Ông hiểu chưa?

– Đã.

Ông Lăng gật đầu rồi xua tay:

– Nhưng mà, ông ạ, tôi đã nói rằng người đời khôn ngoan không biết thế nào là cùng. Anh mưu mô thế này, tưởng đã ma-lanh[62] tột bực, nhưng ngờ đâu lại có người ma-lanh gấp bội, lợi dụng ngay cái ma-lanh để xoay lại anh. Ông có biết mấy năm về trước, ở phố Hàng Trống, gần nhà săm của con đầm Lơ-ghẹc, có một nhà Tây bán những da chim muông nhồi như vật thật không nhỉ? (*[62] Láu cá.)

– Không.

– Ô, thảo nào mà ông không học được bài học khôn. Nhà ấy sắp vỡ nợ, ông ạ. Vì người chủ có vào Hội bảo hiểm cho cửa hàng, nên anh ta lập mưu đốt cháy nhà để bắt Hội đền. Anh ta đổ dầu xăng lên ván gác, cắm cây nến thắp vào. Rồi anh ta khóa cửa đi chơi. Chỉ ngót nửa giờ sau, nhà bốc cháy. Hàng phố không tài nào mà cứu được. Vòi rồng cũng không lách vào chỗ nào để phun nước dập tắt ngọn lửa được. Nhà cháy sạch sành sanh. Thế là ắc-xi-đăng bất thần, vì chủ đi vắng. Hội bảo hiểm cứ phải chiếu gia sản, è cổ ra mà bồi thường!