Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Thừa cúi rạp đầu, giọng chế giễu:

– Tôi xin kính cẩn chào cái đạo đức của bà!

Ma-ri vẫn nghiêm:

– Tôi là đàn bà, ông cho là mê tín. Nhưng nhìn qua đời ông mà tôi thấy thế, nhất định là không phải tôi tin nhảm. Thất đức thật đấy, ông ạ.

Thừa tặc lưỡi, nhại lại hai tiếng của Ma-ri:

– Thất đức! Sợ thất đức, thì cụ Hoàng Cao Khải chả làm đến quận công, mà cụ khâm sai Lê Hoan suốt đời chỉ là anh nho quèn! Phải nhớ rằng nước mình mất. Mình có muốn ngóc đầu ngóc cổ dậy, tất phải nhờ bàn tay của người Tây nhắc giúp lên cho. Thế thì mình phải lập công với người Tây. Lập công với người Tây để người ta nhắc cho mình ngóc đầu ngóc cổ dậy, mở mày mở mặt được với đời, mà gọi là thất đức, thì tôi cũng lạ cho cái đạo đức của bà!

Ma-ri cãi:

– Nhưng người ta lập công thật, ông lập công giả.

Thừa im lặng. Ma-ri tiếp:

– Vả lại lập công bằng cách nào, chứ bằng cách chém giết, tù đày người vô tội, tôi vẫn cho là thế nào ấy. Nó không bền đâu ông ạ. Mình nên nghĩ đến năm đứa trẻ nhà mình.

Thừa cau mặt:

– Sao lại không nghĩ? Muốn trở nên giàu sang, tôi phải khó nhọc. Nhưng được hưởng sung sướng, là bà với chúng nó, chứ là ai?

Ma-ri lắc đầu:

– Đành vậy. Nhưng tôi cứ ngẫm thế này. Cụ Hoàng Cao Khải có công dẹp giặc, nên được làm đến quận công, kinh lược Bắc Kỳ. Ba ông con trai cụ lại được nhà nước đền ơn, cho hai ông làm tổng đốc, là ông Hoàng Mạnh Trí, tổng đốc Nam Định, và ông Hoàng Trọng Phu, tổng đốc Hà Đông, thăng đến võ hiển.

Thừa hất hàm, bẻ:

– Thế còn ông cử Sen Hồ được đền ơn gì?

– À, ông này không thèm ra làm quan thôi. Bởi vì bố giàu có quyền hành thế, anh giàu có quyền hành thế, ông Hoàng Gia Luận cần gì phải làm quan cho mệt? Vậy cứ đứng ngoài mà nhìn, thấy cái gia đình ấy, phú cũng thừa rồi, quý cũng thừa rồi, tưởng sung sướng biết bao nhiêu. Nhưng mà, có một cái không sung sướng là trong nhà, bố con, anh em, chú cháu, lúc nào cũng lục đục, kiện cáo nhau, tranh nhà, tranh ruộng nhau. Mà vô phúc nhất là họ Hoàng lại tuyệt tự.

Thừa lại bẻ:

– Tuyệt tự?

– Phải. Ông Hoàng Mạnh Trí có hai con trai, là Hoàng Gia Đức và Hoàng Gia Mô. Hai tay này thì nắm chắc cái tổng đốc sau này rồi. Nhưng hai người đều không có con trai. Lão Hoàng Gia Mô còn trẻ, còn nhiều hy vọng về con cái, thì đùng một cái, bị Việt Nam Quốc dân đảng giết ở huyện Vĩnh Bảo. Ông Hoàng Trọng Phu có một con trai là Hoàng Ứng Thanh, ai cũng đoán tay này sẽ làm to hơn bố. Nhưng hắn sang Tây học, thì chết ở bên Tây. Ông Võ Hiển có đứa con trai riêng với con vú em, vẫn nhờ người sốp-phơ tên là Cửu Khắc, nuôi kín. Khi cậu ấm Thanh chết, ông ta mới đưa nó về nuôi trong dinh. Nhưng ít lâu, thằng bé cũng lăn ra chết nốt. Vì vậy, có một dạo, thêm cả những việc buồn khác trong gia đình, ông ta phát điên, phải xin nghỉ mấy tháng, ông quên rồi à?

Thừa gật gù:

– Thế ông cử Sen Hồ chả có hai con trai học bên Tây là gì?

– Nhưng một thằng đứng chơi ở cái nhà đương xây, chẳng may bị một tảng đá ở trên cao rơi xuống đầu vỡ sọ, chết tươi. Còn một thằng đương ho lao, đâu đến thời kỳ thứ ba rồi.

Thừa thở dài, Ma-ri tiếp:

– Cho nên tôi thấy ông làm những việc ngày nọ, tôi cho là thất đức, cứ nghĩ đến năm đứa con.

Thừa yên lặng một lát, rồi lắc đầu:

– Vẫn là tin nhảm. Gia đình cụ khâm có như gia đình cụ quận đâu?

Ma-ri tặc lưỡi:

– Cũng chả ra gì. Nhà nước cũng đền ơn cụ khâm, cho hai ông con lớn ra làm quan, nhưng hai ông ấy lẩn thẩn thế nào ấy, phải về cả rồi. Tôi còn nghe nói gia đình này loạn luân, chú ngủ với cháu, đến nỗi cả bố ngủ với con gái, làm nó đẻ đến hai lần.

Thừa gấp cuốn sổ tay, đút vào túi, có vẻ chán nản, cười khinh:

– Việc nhà các cụ ấy xảy ra như thế nào, là do con cháu các cụ ấy làm ra, chứ lại đổ cho là vì tội các cụ ấy, thì thật oan cho những người tốt với gia đình. Chẳng hạn, gia đình nhà ta như thế này, thì bà bảo do ảnh hưởng của ai?

Ma-ri vênh váo:

– Mình được giàu có vẻ vang, là do nhờ ông cụ đẻ ra tôi tu nhân tích đức chứ do ai?

Bỗng Ma-ri thở dài:

– Nhưng đến đời mình… Buồn quá!… Tôi nghĩ đến tương lai của năm đứa mà lo. Chúng nó có vừa đâu. Từ hôm vỡ lở cái việc thằng sở khanh nó làm hại con bé, tôi cứ giật mình.

Một lát, Ma-ri an ủi Thừa:

– Thôi, ông được gọi là ông hàn, đã sang chán rồi. Đừng bay nhảy nữa.

Thừa lắc đầu:

– Chức quan này là chức quan của bà cho tôi. Nhưng còn chức quan của nhà nước bổ, và chức quan do dân bầu. Thế nào tôi cũng không chịu khoanh tay. Có điều là bà nói lập công thật thì tốt, lập công giả thì không có kết quả, tôi cho thế là đúng.

Ma-ri dịu dàng:

– Phải, lập công giả cũng như đi buôn lừa khách, dù có lắm của cũng không bền. Ông đã lên xuống trong đời ông nhiều lần, ông nghiệm rồi. Nếu ông cứ làm ăn chân chỉ, thì ông phải giàu bằng ông ký Bưởi.

Thừa bĩu môi, nhạo:

– Ông ký Bưởi làm ăn chân chỉ! Mô Phật! Tôi chỉ nghĩ như thế này. Là định làm việc gì, thì cứ xông vào mà làm liều đi. Ở đời, không liều không làm nên to tát được, vả lại, nhà nước có công minh đâu mà mình sợ? Nhưng chỉ có là mình không nên quá liều, vừa lừa nhà nước bằng việc nọ, đã lừa ngay nhà nước bằng việc kia, thì lộ mưu gian, mất tín nhiệm. Thế thôi. Cho nên tôi cũng nghĩ rằng phải ngừng giở ngón, tạm đình việc lập công danh lại một dạo, chờ cho những việc trước nguôi đi, rồi hãy hay.

Ma-ri biểu đồng tình:

– Phải, vì bị hai việc trước, ông đã định làm ngay việc này, để vu oan cho người lương thiện, thì không tiện. Tôi nhớ là ngày trước, lão Từ Bộ Thực, tri huyện Tam Dương, cũng làm bom giả để bỏ vào nhà dân, hòng thăng quan, chả bị lão công sứ Bút-sê nó mắng cho mất mặt đi đấy à? Cho nên ông hãy để tâm trí vào cái đồn điền này, làm sao cho chúng nó nộp đủ thóc, vào mấy cái nhà ở Hà Nội, làm sao thu được đều tiền thuê. Không đủ tiêu, thì ta sẻn một ít, cũng không sao.

Thừa bật cười:

– Mấy chục năm rồi, hôm nay tôi mới được nghe bà nói một câu đáng bái phục! Sắp đổi đời chắc!

Cả hai người cùng cười to.

* * *

Ma-ri về bên phòng ngủ.

Thừa ở lại, cũng đặt mình trên giường.

Từ hôm Ma-ri giở thói tai ngược, treo ảnh bà mẹ Mão ở đầu giường, thì Thừa lấy nê là phải giữ bí mật cái âm mưu bom giả, hắn làm việc một mình trong buồng của khách đến tận khuya, rồi ngủ luôn ở đó. Hắn không muốn cái hình ảnh tiều tụy của người đàn bà bị đày đọa này luôn luôn nhắc nhở tội ác của hắn.

Hắn muốn tâm trí được an nhàn để lo tính việc cho hắn.

Bây giờ hắn nằm, cẳng duỗi thẳng, tay vắt trên trán, mắt nhìn lên trần, chốc chốc lại hút thuốc lá, rồi thở dài.

Hắn thấy chưa bao giờ công việc của hắn lại lúng túng như ít lâu nay. Đường làm giàu bằng thuốc phiện, thì công ty giải tán, hắn xoay sang lập công, lập công thất bại, hắn lại làm giàu bằng cách đầu cơ thóc đến chỗ bị lụt. Thóc bị bắt, hắn lại mưu mô làm bom giả để lập công. Nhưng làm bom không thành, thì bây giờ hắn bị Ma-ri ngăn cản. Hình như Ma-ri muốn hắn suốt đời cam chịu nhận chức ông hàn, để buộc chân hắn ở Cẩu Rồng, trông nom ruộng nương cho Ma-ri. Vì Ma-ri không thể quản lý lấy được đồn điền.

Vụ này, do ảnh hưởng của trận lụt, thóc thu tệ hơn vụ trước. Ấy là vụ trước đã kém vụ trước nữa rồi đấy.

Vụ trước nữa, điền tốt gánh thóc đến. Họ gãi đầu gãi tai, phỉnh bà lớn là từ thiện, hay thương dân nghèo. Ma-ri phổng mũi lên, cho mỗi người chịu lại một vài thùng.

Thấy vậy, Thừa đã bảo:

– Này! Còn ưa phỉnh, còn chết!

Y như rằng, đến vụ trước, điền tốt lại nộp không đủ thóc. Họ lại phỉnh bà lớn là từ thiên, còn kè nhè, viện thêm lý do là vì đại hạn kéo dài, lúa má hỏng gần hết.

Thừa đã dè chừng:

– Này! Đừng có tin họ, không thẳng tay mà cứ ỷ vào chín cái nhà của tôi ở Hà Nội cho thuê, thì không đủ tiêu đâu!

Đến vụ này, điền tốt không nói rằng chịu, mà xin hẳn số thóc nộp thiếu. “Cũng như bà lớn phát chẩn ngày vỡ đường”. Họ giao hẹn dứt khoát thế.

Ma-ri không biết làm thế nào, đành cắn răng nhịn họ. Nhưng Thừa bực lắm.

Thừa đến chơi các chủ điền khác, hỏi xem ở đó tình hình ra sao. Hắn thấy xa thì như đồn điền ông Đỗ Đình Đạo, đồn điền cụ tuần Lê, đồn điền quan bố Từ, đồn điền ông tham Duận, và gần thì ngay bên Cẩu Rồng giáo, tức là nửa đồn điền của hàn Xương mà Ma-ri nhường cho nhà thờ, ở đâu điền tốt cũng nộp răm rắp, thiếu một đấu không được.

Thừa cho là bọn tá điền bên mình, một là họ bướng, hai là họ trây, ba là họ láu, vì Ma-ri dễ dãi một lần, thì được đằng chân, họ lân đằng đầu. Hắn tự xét mình, cũng thấy là ngay từ những ngày đầu, hắn thích ăn to trong công-ty Mác-tanh, nên không tha thiết đến ruộng nương, rồi khi có xừ Tuynh làm quản lý, bao công việc đồn điền, Ma-ri phó thác cả cho xừ, hắn không để ý gì, nên bây giờ hắn bỡ ngỡ, và bị nông dân lòe bịp. Chứ chẳng phải vì lụt gì cả.

Ma-ri cũng nhận thấy nếu cứ theo cái đà thu hoạch này, thì là xuống dốc. Năm đứa trẻ ngày một lớn, ăn tiêu ngày một nhiều hơn. Không thể bám mãi vào ngót năm chục mẫu ruộng với chín cái nhà mà sống được. Thừa ngồi phắt dậy. Hắn đã có một ý định gì cương quyết đây. Hắn lại hút thuốc lá, rồi đi đi lại lại, bách bộ ở trong buồng.

Thừa nhớ lại việc ông Lăng mách, là việc buôn tàu thủy.

Thừa suy tính. Quái, không biết thuyết nào nói đúng cái lý do mà ông Bạch Thái Bưởi bỏ cái ngai vàng làm vua sông?

Nếu bảo vì ông ta tin số tử vi, mà số tử vi là thật, thì số Thừa đúng là số giàu. Không những cụ Tú Phúc Lâm ngày trước xem số hắn đã nói thế, mà cả hai ông thầy tướng người Tàu, là Quỷ Cốc Tử và Thần Cốc Tử, và một ông thầy tướng người Nam, là ông Mét Khánh Sơn[94], dùng khoa học Thái Tây để phân tách, cũng đều phục hắn là có tướng không những giàu mà còn sang. Thế thì buôn tàu, hắn không sợ phá sản. (*[94] Mét, tiếng Pháp là Maitre, nghĩa là thầy. Khánh Sơn tự xưng mình là Maitre, để bịp là thầy tướng.)