Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Thừa cười lạt:

– Chúng mày định dùng thủ đoạn để bắt bí tao! Chúng mày thấy mấy hôm nay tao đương vui vẻ, tao đương túi bụi về việc tổ chức đón cụ sứ, thì chúng mày đến làm khó dễ với tao! Tao biết.

Thằng Pôn đáp:

– Không phải thế pa-pa ạ. Bố con với nhau, việc gì phải thủ đoạn?

Thừa trỏ vào mặt thằng Pôn:

– Chính mắt tao thấy mày xui thằng Giăng!

Thằng Giăng cãi:

– Về việc muốn làm cho đời sống mình được dễ chịu hơn, thì chả phải ai xui ai. Hay nếu pa-pa bảo hai chiếc tàu này là của chúng con, thì pa-pa cho chúng con toàn quyền hành động?

– Để ba tháng thì cả hai chiếc chui vào túi gái hết phỏng? Rồi chúng mày lại làm khổ tao phỏng?

Thừa quay lại Ma-ri:

– Chỉ tại bà mềm yếu với chúng nó lần trước. Những như tôi, thì tôi cương quyết đến cùng. Không cương quyết lần đầu, thì lần sau chúng nó lại hạch sách. Tôi biết trước mà!

Ma-ri dịu dàng:

– Thì cha mẹ với con, cương quyết cũng có chừng thôi chứ!

– Nghĩa là bà đổ tiếng ác cho một mình tôi phải chịu. Còn lại thì cả nhà được hưởng!

Ma-ri không đáp, khẽ lắc đầu nhìn hai con.

* * *

Từ hôm ấy, Thừa nhận thấy là tiền thu nhập hàng ngày có sụt.

Biết là hai mại bản đã bắt đầu ăn bớt, Thừa bàn với Ma-ri cách ngăn ngừa. Ma-ri bảo:

– Ông hẹp hòi với người ngoài, chứ lại hẹp hòi cả với con! Tiền cho con là tiền mất đi đâu mà tiếc? Mấy lị công chúng nó kiếm ra, cho chúng nó hưởng chút ít là phải.

Thừa cười lạt:

– Chúng nó còn dại, mình chưa thể giao quyền cho chúng nó thì phải coi chúng nó như người làm công thôi. Chỉ nên xử sự bằng lý, không nên xử sự bằng tình. Đó là mình nêu gương tốt cho chúng nó theo sau này làm ông chủ. Song, sự thực, đối với chúng nó, tôi tự thấy là quá nhu nhược rồi. Bởi vì là cha chúng nó, tôi không khỏi đối với chúng nó bằng tình.

Ma-ri hỏi:

– Bằng tình?

– Phải. Chúng nó lấn mình bằng cách bắt mình cho nghỉ ngày chủ nhật, và mình phải nhượng bộ. Vì chúng nó là con, nên tôi thương, không đối phó lại. Nếu phải người ngoài, thì tôi dùng cách lấn dần, ví dụ bảo bằng lời ngọt ngào: chủ nhật này tôi bận, các anh chịu khó đi làm vậy. Hoặc lần nào bảo trả đứa này để lần sau bảo trả đứa kia. Hoặc nếu chúng nó không nghe, thì mình dọa đuổi. Nhưng đối với con mình có cái dễ là mắng được, nhưng có cái khó là không thể cạn tình.

– Thế là mình cũng lợi dụng tình con của chúng nó đối với mình.

– Phải rồi. Để giảng giải phải trái cho chúng nó hiểu là mình làm lợi cho chúng nó. Vậy thì cương quyết với chúng nó, hay nhu nhược với chúng nó, cũng là vì tình cả. Ta nên chọn cái tình làm lợi, tránh cái tình làm hại.

– Vậy ông định làm thế nào để ngăn ngừa chúng nó khỏi ăn bớt tiền?

– Không khó.

Hôm sau, Thừa bảo Ma-ri làm như có việc đi Phả Lại, để xem thằng Giăng bán vé thế nào. Còn hắn đợi cho chiếc Đại Pháp nhổ neo xong, hắn mới lấy mô-tô chạy đến bến trên đê đón đầu. Khi tàu cặp bờ đón khách, hắn xuống để soát vé.

Thấy bị khám bất thình lình, thằng Pôn sợ cuống queo. Thừa bắt được bốn người không có vé, và một người đi Ninh Giang, nhưng cầm vé màu xanh.

Thừa chỉ dẽ dàng bảo con:

– Bận sau con nên cẩn thận. Bán vé dễ lầm lẫn lắm.

Hắn xuống quầy để hàng. Thấy vô số bì chưa dán vé cước, hắn cười, bảo thằng Pôn:

– Không có pa-pa giúp, thì con để sót vô khối.

Làm xong việc khám xét kín đáo. Thừa lên bộ, lại về Hải Dương.

Một tuần sau, Thừa lại làm như thế với thằng Giăng. Muốn cho hai con khỏi tự ái, Thừa gọi việc bắt gian này là giúp đỡ.

Vì luôn luôn bị chộp bất thần, cho nên cả thằng Pôn lẫn thằng Giăng đều ngơm ngớp sợ. Chúng nó không dám dở dói mưu mô.

Thừa thấy thu nhập lại tốt như cũ thì vui sướng. Hắn bảo Ma-ri:

– Kể ra con nhà mình cũng ngoan thật. Trước hết, tôi tưởng trói chân chúng nó ở trên tàu không nổi. Ai ngờ chúng nó cũng chịu làm cái nghề mại bản buồn tẻ này. Rồi chúng nó xin gì, mình ngăn lại cũng được ngay. Bây giờ thì chúng nó làm việc tốt lắm rồi.

Mãi, Ma-ri mới nói thật:

– Ông ạ, tôi nói ra việc này thì ông biết, rồi ông tìm cách ngăn khéo chúng nó, chứ đừng mắng chúng nó nhé.

Thừa lắng tai. Ma-ri tiếp:

– Nếu cái nghề làm mại bản mà chỉ là bán vé, rồi ở suốt ngày trên tàu thì buồn tẻ thật. Nhưng tại sao chúng nó đương tuổi ăn chơi, và đương được ăn chơi, lại chịu khó làm việc bó buộc này. Thì ra, ông ạ, đứa nào cũng có vô số nhân tình nhân ngãi ra đấy.

Thừa cau mặt. Ma-ri nói:

– Ông đi khám mấy lần, có phải bao nhiêu người không vé toàn là con gái cả không?

Thừa sực nghĩ ra.

– Thì ra chuyến tàu nào, mại bản cũng tít mắt về các cô. Gái nó nhoẻn miệng cười, thế là xí xóa được tiền vé. Tôi nghe có lần chúng nó đùa bỡn nhau loạn cả tàu, chả coi hành khách vào đâu. Tôi lo lắm. Lỡ có con nào chửa với chúng nó thì mất gỡ. Ông phải khuyên bảo chúng nó mới được.

Thừa thở dài.

Hắn nghĩ đến Xuy-dan. Hắn nghĩ đến mấy chục năm về trước ở Đồng Đăng, khi hắn bán vé thay ông Ký Sơ. Và hắn nghĩ đến Múi đã có mang với hắn.

Xưa kia ai cấm duyên bà!

§11. Người học trò đắc đạo

Thừa tiếp một người khách quý.

Ấy là ông Nguyễn Thúc Lăng.

Ông Lăng ăn mặc kiểu du lịch. Nghĩa là tồi hơn quần áo mặc thường, vì phải dãi dầu. Tay ông cắp một cái cặp da to. Không rõ đựng gì, mà phồng lên.

Ông đặt cặp trên mặt bàn giấy của Thừa, rồi nói:

– Hơn một năm nay, tôi hỏi thăm thấy ông làm ăn phát tài, cứ định xuống phê-li-xít-tê[105] ông và điều đình với ông một việc. (*[105] Mừng, khen.)

Thừa mở rượu hảo hạng và thuốc lá hảo hạng ra thết ông lão cỏ rả:

– Không bao giờ tôi dám quên ơn cụ mách cho mối lợi này. Tôi vẫn cứ định rỗi thì về Hà Nội, thế nào cũng đến thăm cụ, nói chuyện để cụ mừng cho. Nhưng bận quá, không lúc nào dứt việc ra được.

– Cốt lơ-cơ[106] gần nhau, ông ạ. (*[106] Trái tim.)

– Thưa cụ xuống có việc gì ạ?

– Chỉ sợ ông không ét-đê[107]. (*[107] Giúp.)

– Đối với cụ, thì tôi không dám tiếc công.

Ông Lăng lắc đầu, trỏ vào cái cặp:

– Có gì là công mà tiếc. Tôi định mời ông mua than của tôi thôi mà.

Thừa dang hai cánh tay:

– Ô, tưởng việc gì khó khăn! Chạy tàu thì phải ăn than. Mà than thì mua của ai chẳng là than. Huống hồ là than của cụ, mà cụ đến tận nơi để chào. Thì lấy than của cụ để trả ơn cụ, chẳng hơn mua của người ngoài hay sao! Thưa, bây giờ cụ cũng buôn than ạ?

Ông Lăng ngớ mặt, lại trỏ vào cái cặp:

– Ấy, ông không biết à? Tôi buôn đã lâu. Vẫn có tràn than ở bờ sông Tam Bạc ngoài Hải Phòng. Nhưng tôi đứng tên ma đơ-dem[108]. Tôi tưởng mấy lần tôi đi nhờ ô tô ông xuống cảng với nó, tôi nói chuyện với ông rồi? (*[108] Vợ hai tôi.)

– Không. Nếu cụ nói, thì tôi đã lấy than của cụ ngay từ ngày mới chạy tàu.

Ông Lăng nghĩ một lát, rồi nói:

– Hoài nhỉ.

Thừa hỏi:

– Thế nào? Than của cụ là than gì, giá cả bao nhiêu?

Ông Lăng nghĩ ra:

– Ừ phải. Mấy lần tôi cứ giục ma đơ-dem đến điều đình bán than cho ông. Nhưng nó không đi, cứ bảo là không quen ông. Vậy thì than này là than của tôi đấy, ông ạ.

– Vâng. Bà hai bảo không quen tôi. Thì tôi đã chả mua than của người không quen, chứ của ai? Trước lạ sau quen. Để tới mua của người khác có phí không?

Thừa nhắc lại:

– Thế nào? Than của cụ là than gì? Giá cả bao nhiêu?

Ông Lăng chưa trả lời. Mặt ông hoan hỉ, ông mở chiếc cặp da, dốc ngược đít lên. Một đống than đá đen nhánh và bóng nhoáng chảy ồ, kêu lạo xạo trên mặt bàn gỗ lát đánh xi. Bụi bay tung như khói. Thừa vội vàng vặn quạt lên. Trong khi ấy, ông khách gấp lại cái cặp. Cái cặp không còn đựng gì, nó nằm bẹp gí, bụng kép lẹp như thằng ốm đói.

– Nào, đố ông biết là thứ than gì, giá bao nhiêu đấy.

Hiểu ngay anh thầu khoán già láu cá, không muốn nói giá, sợ hấc lờ. Thừa tuy biết là than tốt, nhưng cứ vờ ngớ ngẩn:

– Nó không bóng, dễ là hạng mơ-ni-phanh Phấn Mễ.

Ông Lăng cầm một hòn, giơ vào mặt Thừa:

– Có bóng không? Ông ngắm kỹ xem.

– À, noa-dét Oong-gay[109]. (*[109] Than nâu Hòn Gai.)

Ông Lăng lắc đầu, cười:

– Thế thì ông còn bị bịp chán. Chạy tàu mà không biết mặt than! Nhưng chẳng lẽ chỗ tôi với ông, tôi lại lừa ông. Đây là than kíp-lê. Nó là than củ. Hạng tốt nhất.

Thừa cho ông Lăng biết là mình không lạ gì:

– Than củ pha than cám.

Ông Lăng gật đầu:

– Đúng rồi. Chứ ông mà dùng nguyên than kíp-lê thì phí, chết tiền.

Rồi ông kể:

– Tôi định nếu ông ăn hàng của tôi, thì tiện chuyến chở, tôi đem than vụn đến đây, mở một xưởng làm than quả bàng.

– Tức là cụ tải than xuống tận đây?

– Vâng. Tiện cho ông khỏi phải vận tải.

– Cụ lấy bao nhiêu một tấn?

– Mỗi tháng ông lấy bao nhiêu tấn?

– Lấy nhiều hay ít là tùy theo giá cả. Rẻ thì lấy nhiều. Đắt thì nể cụ, tôi lấy một lần, và ít thôi.

– Tôi muốn biết ông định dùng bao nhiêu tấn một tháng, và nếu ông cho tôi được độc quyền bán cho ông từ nay về sau, thì tôi hãy cho giá.

– Cụ cứ cho cả hai thứ giá.

Ông Lăng nghĩ một lát, rồi tặc lưỡi:

– Thôi, tôi cứ tính một thứ giá để ông mua nhiều và mua mãi mãi. Kể cả trăng-x-po[110], một tấn hạng kíp-lê pha than cám, tôi cứ xin ông ca-răng-biết[111]. Pri-đa-mi[112] đấy nhé. (*[110] Đài tải. *[111] Bốn mươi đồng. *[112] Giá tính cho bạn thân.)