Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Anh Thừa tắc lưỡi:

– Ghê quá nhỉ!

– Cái nhà ông bán cho tôi, tôi cũng đã bảo hiểm xong rồi. Được ông viết thặng lên là đơ min, lại được anh Tây đi xem nhà cũng gà mờ, chỉ nhìn thấy là mới xây, làm toàn bằng xi-măng với gỗ lim, thì bằng lòng cho vào Hội ngay. Nhưng tôi đợi đấy. Thế nào cũng có ngày tôi lấy được đơ min. Nếu muốn lấy nhanh, tôi bắt chước anh Tây Hàng Trống.

Anh Thừa rùng mình, ông Lăng tiếp:

– Thầu gì lãi bằng, hở ông? Tôi muốn mở báo mà không muốn bỏ vốn ra, thì phải xoay thế chứ?

Anh Thừa điếng người. Thì ra lão già này láu cá, nhưng lại giả ngây giả dại để ăn người. Nó lợi dụng anh mà anh không biết. Anh mát mẻ nói:

– Thế là tôi tiêu tiền của tôi, nhưng cụ lại có quyền chi!

– Ấy, ở đời chỉ ma-lanh một tí là ăn người thôi. Nếu tôi không được ông Hoài giới thiệu ông có cái nhà ấy, thì tôi chả mời ông về với tôi. Và nếu tôi không mua nổi cái nhà của ông để lấy lãi, thì tôi làm gì có tiền để ra ngay báo? Thì nhà của ông, ông được tiêu, chứ ai? Ngỗng ông lễ ông. Ông nghĩ lại xem, có bao giờ ông lấy tiền mà tôi không đưa ra hay không? Ông lấy bao nhiêu, tôi cũng không tiếc, vì có phải tiền của tôi đâu? Cho nên, nếu ông biết dè xẻn, thì được lâu, mà ông sa phí, thì chóng hết. Tôi phải cho báo đình bản thôi, vả tôi cũng chỉ bỏ tiền đến ngày bầu cử, còn thì mặc các ông phải tự lực, để còn chút ít, gọi là công của tôi, tôi kiếm tí lãi chứ?

Anh Thừa như bị chửi thẳng vào mặt. Anh lạnh toát người. Và thấy đau hơn cái lần anh bị trận đòn ở Phòng thuốc nhà giàu. Anh cười lạt.

– Tôi phục cụ!

Ông Lăng đắc thắng, nhe bộ răng đen để khì khì.

Bỗng có tiếng ông Hoài Tân Tử nói oang oang ở gác ngoài:

– Thằng Thừa còn ngủ à. Sao không bảo con Sáu nó đốt hết Trung Bắc và Thực Nghiệp đi, còn để làm gì?

Anh Thừa giật nảy mình. Sợ bị lộ tẩy, anh vội vàng gọi to ông nhà thơ:

– Vào chơi trong này, có cụ chủ đương ngồi đây.

Ông Hoài Tân Tử vào buồng anh Thừa, bắt tay ông Lăng, rồi hỏi:

– Thế nào, cụ xem dư luận với báo nhà thế nào?

Anh Thừa nói:

– Tôi đã hỏi cụ rồi. Mình đốt Trung Bắc, Thực Nghiệp mạnh quá, độc giả kêu đấy.

Ông nhà thơ hiểu ý, cũng dùng tiếng đốt nghĩa bóng để làm lạc ý nghĩ của ông nhà thầu:

– Làm báo mà đốt nhau là thường. Cho nó vui. Số sau, ta sẽ đốt đến Hội Khai Trí Tiến Đức.

Ông Lăng can:

– Chớ, tôi là hội viên, ông Trần cũng là hội viên. Ai lại hội viên mà đốt Hội!

Thấy ông Lăng hiểu tiếng đốt rồi, ông Hoài Tân Tử mới yên lòng, ông thở dài, làm ra nhọc mệt:

– Đêm nào cũng thức, rã cả người. Không khéo, ốm tất cả mất cụ ạ.

Rồi ông mở cái cặp vải đen, lấy ra tập bản thảo, đưa anh Thừa:

– Đây, ông chủ bút duyệt qua, rồi cho đi nhà in.

Ông Lăng hỏi:

– Có bài nào hay hay, nhờ ông bình cho nghe?

– Cụ thích xã thuyết, hài đàm, thơ, nghe đâu, hay đoản thiên tiểu thuyết.

– Gì cũng thích, nhưng muốn thưởng thức văn chương của hai ông thôi. Báo của nhà thì phông-đa-tơ[63] cũng phải có lợi hơn người, là được đọc trước ê-lếc-tơ chứ! (*[63] Sáng lập.)

Ông Hoài Tân Tử chọn bản thảo, rồi lấy một bài thơ:

Anh kia lẩm nhẩm kêu giời,
“Ở đời chẳng có một người tri âm.”
Giời cười, Giời bảo: “Anh lầm,
Nửa tri âm đủ khổ tâm nửa đời,
Nữa là muốn cả một người!”

Ba người phá lên cười, ông Lăng khen:

– Hay! Hay! Tré biềng[64]! Ai làm bài này thế? (*[64] Tốt lắm.)

Ông Hoài Tân Tử đáp:

– Tôi đây, cụ ạ.

Ông Lăng đắc chí, rồi lại cười:

– Hay là…

– Hay là cái gì, hở cụ?

Ông Lăng nói nốt:

– Hay là ký tên tôi?

Cả ba người lại cười. Nhưng mỗi người cười một giọng khác nhau. Ông nhà thơ dở đùa dở thật:

– Vâng. Tôi bán cho cụ đấy.

Ông Lăng cũng dở thật dở đùa:

– Tưởng ca-đô[65] gra-tuýt[66] chứ bán thì chả chơi. (*[65] Quà biếu. *[66] Không mất tiền.)

Anh Thừa nói:

– Nhưng cụ ký tên vào thơ thì không hợp. Để hôm nào có bài xã thuyết hay, thì mời cụ ký tên, chứ không dám bán chác gì cả.

– Ồ, thế thì tốt quá. Cũng cho tôi được vào trường ngôn luận với chứ! Rồi tôi nhờ hai ông dạy cho tôi viết báo, để cùng làm việc cho vui.

Anh Thừa gật đầu:

– Được, cụ học chúng tôi viết báo, thì cụ dạy lại chúng tôi thầu khoán nhé.

Ông Lăng lắc đầu:

– Ứ ừ, chả chơi, thế thì dạy các ông biết nghề thì tôi để khó cho tôi có thêm một người công-quy-răng à?

Ông Tình muôn thuở nói:

– Chẳng lẽ muốn ra nghị viên, mà thỉnh thoảng cụ không có tiếng nói trên báo, thì ai hiểu cụ ra sao, nhỉ?

Ông Lăng tặc lưỡi:

– Ồ, chả hiểu bằng tiếng nói, thì hiểu bằng tiếng keng keng của đồng bạc!

Anh Thừa thấy tay nhà giàu thị của, thì đập ngay cái thói keo kiệt của ông:

– Thảo nào cụ bỏ tiền làm báo để cổ động cho cụ, mà cụ cứ tính toán từng đồng.

Ông Lăng xua tay, lắc đầu:

– Không phải tôi tính toán cho tôi, mà chính là tôi tính toán hộ ông. Bởi vì có phải tiền của tôi đâu mà tôi tiếc? Ông biết đấy.

Bị quật lại là ngu ngốc, anh Thừa đau hơn. Anh cười lạt, mặt như mếu.

§8. TYL

Đến nhà cụ Tú Phúc Lâm, anh Thừa thấy cụ bà đứng ở trong cửa chấn song, thì anh chào, nhờ đưa danh thiếp vào cho cụ ông. Trong tấm giấy này, mỗi dòng tên và chức vụ bằng chữ Pháp, đều có dịch ra chữ Hán. Nhưng vì cụ bà chỉ đọc được quốc ngữ, nên cụ không biết anh là ai. Cụ bảo anh chờ.

TRẦN ĐỨC THỪA

陳徳丞

Journaliste

記者

Rédacteur en chef du

quotidien Chấn Hưng

振興日報主筆

TONKIN HANOI

北圻 河内

Cụ Tú ông xem danh thiếp[67] xong, vội vàng vừa đội khăn, vừa ra cửa đón quý khách. (*[67] Trần Đức Thừa, viết báo, chủ bút nhật báo Chấn Hưng, Hà Nội – Bắc Kỳ.)

Cụ mời anh Thừa ngồi ở trường kỷ, đối diện với cụ. Rồi, tuy chưa tối hẳn, cụ cũng đánh diêm, thắp cây đèn to cho sáng nhà.

Trong khi ấy, anh Thừa đặt lên bàn một tập bảy tờ báo Chấn Hưng, từ số một đến số bảy. Anh tựa vào lưng ghế, liếc mắt vào phía trong xem cô Lễ đâu.

Anh chắp tay, nói với cụ Tú:

– Thưa cụ, chúng tôi thay mặt tòa soạn, kính tặng cụ tập báo Chấn Hưng của chúng tôi, mới ra đời mấy hôm nay.

Cụ Tú trịnh trọng đáp:

– Cảm ơn quý báo.

– Báo chúng tôi mới xuất bản. Xin thú thực với cụ là chúng tôi rất lúng túng, vì chưa làm báo hàng ngày bao giờ, cho nên báo còn nhiều thiếu sót. Vì vậy, chúng tôi phải nhờ các bậc cao minh trong nước chỉ giáo cho, để chúng tôi bổ khuyết cho tờ báo mỗi ngày một hoàn hảo.

Cụ Tú rung đùi đáp:

– Không dám.

Rồi anh Thừa trình bày tỉ mỉ mục đích của tờ báo Chấn Hưng. Anh đương nói dở chừng, bỗng nghe thấy tiếng guốc nhẹ nhàng từ trong ra. Cô Lễ tay xách siêu nước sôi, cúi chào khách, rồi đặt trên miệng ống nhổ.

Cố nhiên, mặt anh Thừa tươi tỉnh hẳn lên, và anh lấy hết gân để trưng bảnh với cô gái. Anh đứng dậy cúi chào lại cô, và hỏi thăm:

– Thưa độ này quý thể có được khang cường không ạ?

Cô Lễ đỏ mặt, tay vớ tà áo, khẽ đáp:

– Cám ơn y sĩ, chúng tôi được như thường ạ.

Anh Thừa cười:

– Thưa bây giờ chúng tôi làm báo, chứ không làm thuốc nữa ạ.

Rồi anh nói với cụ Tú:

– Xin lỗi cụ, thật là sơ suất. Đáng lẽ lời đầu tiên của chúng tôi là hỏi thăm xem cụ có khỏe mạnh không, thì lại nói ngay đến việc báo.

Cụ Tú tủm tỉm:

– Cảm ơn ngài.

Cô Lễ lấy lọ chè đưa cụ Tú, rồi ra ngoài, ngồi với cụ bà.

Anh Thừa tiếp tục trình bày mục đích của tờ báo. Nhưng bây giờ anh không chỉ nói riêng cho cụ ông nghe, nên giọng anh dõng dạc, và luôn luôn anh nhắc đi nhắc lại câu tòa soạn ở phố Hàng Bồ, và anh là chủ bút. Anh tiếp:

– Thưa cụ, chúng tôi đến đây, một là để thỉnh giáo cao ý, xem nên làm thế nào cho tờ báo được hoàn hảo, hai là để xin cụ thỉnh thoảng cho độc giả báo chúng tôi được thâu thái cái sở đắc của cụ.

Cụ Tú cười:

– Chúng tôi học hành đã có gì gọi là sở đắc. Phái cựu học của chúng tôi chẳng qua chỉ là một lũ hủ nho, tư tưởng không hợp thời nữa, cho nên đành nhường việc xã hội cho các bậc tân tiến. Ông Tình sy tử có bài Hủ nho tự trào đăng ở Đông Dương tạp chí, chắc ngài có đọc.

Anh Thừa xoa hai tay vào nhau, đáp lối chạy trốn:

– Dạ.

Cụ Tú vừa rung đùi, vừa đọc:

Ngán nỗi nhà nho bọn hủ ta,
Hủ sao hủ gớm hủ ghê mà!

Anh Thừa đánh trống lấp:

– Dạ, thưa hay thật, nhưng chúng tôi biết đây chẳng qua là các cụ nhún mình. Mà người biết nhún mình, là người có óc tân tiến. Bởi vì có óc tân tiến mới nhìn thấy cái hủ lậu cũ của mình, tức là mình không hủ lậu nữa.

Anh cười to, rồi không để cụ Tú có thì giờ đưa anh vào lĩnh vực thơ văn mà anh như vịt nghe sấm, anh nói thêm:

– Tòa soạn chúng tôi chỉ toàn có người trẻ tuổi. Anh em hấp thụ được tân học thật, nhưng chúng tôi nghĩ, ở buổi giao thời như xã hội ta ngày nay, một tân học không đủ dìu dắt quốc dân. Thế tất phải có cựu học. Nước ta là nước nghìn năm văn hiến, nhờ có cựu học, nên mới có cái giang sơn gấm vóc như ngày nay. Bây giờ, nếu nhất đán ta bỏ hẳn cựu học, chỉ theo tân học, thì là ta thiển cận, mới thấy cái hay của người đã lóa lên, rồi nhắm mắt mà theo. Như vậy là phiêu lưu. Cho nên ở thời này, người quan tâm đến thế sự, là phải biết trung, biết bảo tồn cái hay của cựu học, lại phải biết chọn lọc cái hay của tân học, để tạo thành một nền quốc học mới, như ở Nhật Bản. Chứ tân học không hoàn toàn là văn minh, mà cựu học không hoàn toàn là hủ lậu.

Cụ Tú gật đầu:

– Ngài nói chí phải. Ngài có lòng yêu nước, cho báo để hỏi tôi ý kiến và bảo tôi thỉnh thoảng viết giúp cho báo, phải không ạ?

– Vâng.

– Vậy tôi xin ngài thứ lỗi cho. Chúng tôi nói thế này, không phải do khiêm tốn hay kiêu ngạo, nhưng thực tình là việc làm báo chúng tôi không biết, và việc viết báo thì chúng tôi không quen.