Đương vẩn vơ nhớ lại quãng đời cũ, thì anh đến dãy hàng kem.
– Mời ông vào xơi nước!
– Mời anh vào đây, anh ơi!
Đối với bọn phu xe, đối với bọn ma-cô họ mời anh, anh có thể không thèm trả lời, cứ yên lặng mà đi thẳng. Nhưng đây là những tiếng oanh, những giọng đon đả, cho nên anh không thể lờ như một người có tính khinh người. Anh bắt buộc phải nhìn họ để trả lời từ chối họ. Nhưng anh không khỏi không bực, vì bị đứt mối suy nghĩ.
Chợt cái quán cuối cùng làm anh chú ý. Bên cạnh ngọn đèn đất, anh trông cái mặt thấp thoáng, hình như là Ma-ri. Anh cố ý nhìn. Thì ra Ma-ri thật. Ma-ri mặc ta, lối Huế, quần trắng, áo lam, rẽ đường ngôi lệch. Thấy con vợ Tây bỏ cái váy đầm gần quét đất, để theo cái mốt rất mới của mấy cô gái Hà Nội thích diện này, anh Thừa đoán ngay rằng chắc Ma-ri đã bỏ thằng Tu-nô rồi.
Thoạt tiên anh định giả vờ quay sang phía bên kia để đi thật mau. Anh sực nhớ đến những lời cứng cỏi cuối cùng ở săm Đồng Lợi, của cái con bé nó đối với anh chẳng có cảm tình gì. Gần một năm rồi đã chắc gì cái người ưa chuộng của lạ nó dùng anh chốc lát trong khi chồng nó đi vắng, đã nhớ anh là ai. Nhưng anh chợt nghĩ lại. Biết đâu Ma-ri lại chẳng quen những người cùng nghề, là vợ Ăng-toan, hoặc là một người khác nào, có thế lực, có thể giúp anh được.
– Mời anh vào xơi kem ở hàng em.
Nghe hai tiếng “anh và em” quen thuộc cũ, anh Thừa như bị một sức hút. Anh vào hàng của Ma-ri, lẳng lặng đến một bàn xa, bày cạnh gốc cây đa, lấp lánh ánh sáng các đèn. Chỗ này vắng, một bàn nữa có khách, nhưng cách đấy đến năm thước. Một người ngồi một mình đương ngắm nước hồ. Trên bàn, chưa bày một thứ ăn uống nào.
Anh Thừa ngắm Ma-ri. Có vẻ trẻ hơn trước. Nhưng gầy một chút. Anh định hỏi thăm Ma-ri về chồng con, về công việc làm ăn. Còn anh, anh sẽ hãnh diện khoe, làm cho Ma-ri phải ngạc nhiên vì thấy anh giàu, tên tuổi An-be Tuy-a được khắp Trung Nam Bắc biết.
Ma-ri nhanh nhẹn đi đến phía gốc cây. Vạt áo mỏng bay bay trước gió. Ống quần vòi voi nhún nhảy trên đôi guốc phi mã gót cao.
Ma-ri đến bàn kia trước. Anh Thừa vờ quay đi, như không nhìn, không nghe. Bỗng anh thấy tiếng rúc rích cười khẽ:
– Khỉ! Có người kia kìa!
Anh liếc mắt nhìn. Ma-ri đứng sát vào người khách, vừa cười vừa phải đánh đét vào tay người ấy.
Anh hiểu rồi. Ít lâu nay, anh chỉ xuống xóm, chưa bao giờ hưởng cái phong vị này của việc ăn kem. Có cô hàng kem không chỉ bán kem, mà kiêm cả nghề bán mình. Muốn cạnh tranh với đồng nghiệp, trong lúc bán hang, đứng cạnh khách, nhiều cô sẵn sàng để cho tay khách được tự do du lịch vào thân thể mình. Hàng kem này được mệnh danh là kem sờ.
Ma-ri chạy đi lấy kem cho người khách, rồi đến bàn anh Thừa. Anh tủm tỉm, giơ tay ra bắt, nhưng cố lấy giọng khinh khỉnh:
– Ma-ri!
Ma-ri nhìn, bỗng rú lên như mừng rỡ:
– Anh Thừa!
Rồi vừa cười sằng sặc, vừa hỏi lau láu:
– Lâu nay anh đi chết ở đâu mà em không gặp mặt thế, hở! Hở! Hở! Hở!
Hắn đánh nhịp những tiếng “hở” bằng những cái phát đen đét vào vai anh.
Lại cử chỉ thân mật, giọng âu yếm và tiếng xưng hô dịu dàng. Anh Thừa như vụt nhớ lại cái cảnh đêm trước. Anh cười duyên dáng, nhắc nhở việc cũ:
– An-be chứ! Quên rồi à?
Ma-ri đáp:
– Quên sao được! Ừ, thì An-be!
Anh Thừa sung sướng, nói thật thong thả cho Ma-ri nghe rõ từng tiếng:
– Để kỷ niệm lần ấy, từ đó, anh lấy tên là An-be.
Ma-ri khanh khách cười:
– Hân hạnh! Thế nào, lâu nay làm gì? Có khá không?
Rồi the thé giọng trách móc:
– Kỷ niệm gì mà từ hôm ấy biệt tăm, chả đoái hoài đến người ta nữa!
– Tại em nói thế.
Ma-ri ngớ mặt:
– Em nói gì nhỉ?
Nhưng hắn không chờ anh Thừa trả lời:
– Dù em nói thế nào, cũng mặc em, còn việc anh, anh cứ làm chứ!
Anh Thừa cau mặt nhìn Ma-ri, lắc đầu:
– Thật là khó hiểu.
Ma-ri tủm tỉm, nhắc lại câu vẫn quen nói:
– Giản dị lắm. Có gì là khó hiểu?
Anh Thừa giơ tay mời:
– Ngồi xuống đây, phải nói lâu kia. Chính anh cũng muốn hỏi thăm về em nhiều.
Ma-ri vén vạt áo sau, toan ngồi, bỗng đứng dậy:
– Khoan. Toa uống gì? Ăn gì?
– Có gì, cho cái ấy.
– Rum nhé. Moa cũng uống với toa một cốc. Cố nhân lại gặp cố nhân!
Nói đoạn, Ma-ri đến bàn hàng, lấy khăn rộng rải trùm lên trên, vặn tắt ngọn đèn đất, rồi móc ở gậm, lấy ra hai cái cốc, một chai rượu uống dở, và một đĩa bánh ngọt.
Ma-ri đặt các thứ lên bàn anh Thừa, nói:
– Thôi, nghỉ bán. Cũng chẳng còn khách đâu.
Ma-ri kể cho anh nghe việc bỏ Tu-nô, và việc xin được môn bài bán kem từ đầu mùa hè.
Người khách ngồi gần muốn chừng không còn hy vọng gì, đến trả tiền Ma-ri. Ma-ri lễ phép nói:
– Xin lỗi ông nhé.
Thấy người ấy dùng dằng chưa đi, Ma-ri đuổi khéo:
– Thưa ông đã cho đủ tiền rồi ạ.
Người khách có vẻ lúng túng, bước đi một bước, rồi quay lại. Anh ta móc túi lấy một cuộn chừng năm, sáu quyển sách mỏng, rút ra một quyển, vặn bút máy, cúi xuống bàn, lật tờ bìa, ngoay ngoáy viết vào trang sau, và loằng ngoằng ký tên. Rồi bằng hai tay, anh ta đưa sách cho Ma-ri:
– Kính tặng quý nương.
Anh Thừa ngắm từng ly từng tí cái người cao lêu đêu, gầy khẳng khiu, đen thui thủi, làm anh mất thì giờ này. Anh có vẻ sốt ruột lắm.
Ma-ri nhận sách:
– Cám ơn.
Người ấy cúi chào Ma-ri rồi đi, Ma-ri nhìn theo, nói thầm với anh Thừa:
– Văn sĩ đấy nhé. Hoài Tân Tứ. Làm thơ hay đáo để.
Thấy anh Thừa không để ý đến việc không dính dáng gì đến anh, Ma-ri tiếp:
– Moa đã nộp đơn xin làm y tá ở nhà thương Đồn Thủy. Chỉ nay mai là được gọi.
– Phải rồi, đầm thì chữa cho Tây. Nhưng đầu đuôi làm sao toa lại là y tá?
Ma-ri nghiêm trang, giảng:
– Vì em biết tiêm. Thằng Tu-nô bắt em tiêm, rồi em tiêm thạo. Nhân thế, em bảo nó cho em đi học việc ở nhà thương Phủ Doãn. Lúc nó bỏ em, em xin nó cái giấy chứng thực là em làm y tá ở nhà ga.
Hai người cùng phá lên mà cười. Ma-ri hỏi:
– Bây giờ đến lượt anh kể chuyện anh.
Anh Thừa nói lại công việc của anh. Anh không giấu những mánh khóe. Cuối cùng, anh than thở việc công ty sắp bị đóng cửa.
– Toa có cách gì cứu vãn được tình thế này không? Nếu toa chạy được cho công ty vẫn buôn bán như thường, thì moa cũng tính công của toa như cổ phần đóng vào với công ty để chia lãi.
Ma-ri nghe xong, đáp:
– Thế mà ngày nọ, anh bảo với em là anh làm thuốc! Thôi, nhưng quan hệ gì cái ấy? Đàn ông khai nghề nghiệp với đàn bà, cũng như đàn bà khai tuổi với đàn ông, đều được miễn thật thà. Em khen anh tiến bộ trông thấy, khá thạo về mặt làm tiền! Nào!
Vừa nói, Ma-ri vừa rót cho đầy hai cốc, rồi chạm cốc với anh Thừa:
– Mừng ông chánh giám đốc An-be Tuy-a của công ty!
Uống xong hụm rượu, Ma-ri đặt mạnh cốc xuống bàn nói:
– Nhưng em quái lạ về anh! Anh có óc xoay xỏa, sao anh còn sợ công ty bị đóng cửa? Như em nghĩ, anh cứ mặc cho công ty đóng cửa, bởi vì một khi nó tai tiếng, một khi nó mất tín nhiệm, thì khó lòng nó phát đạt như cũ. Cái xe bị lăn xuống dốc, thế mình không giữ nổi, thì đừng giữ. Đồ đạc sẽ theo xe xuống, đổ vỡ nát hết. Có khi còn kéo cả mình ngã theo. Chi bằng bây giờ nhân lúc xe chưa lao mạnh, anh dỡ hết đồ đạc ra để ở lại với anh, mặc cho xác xe theo đà của nó. Ở xã hội này đất hoạt động của bọn mình mỗi ngày một rộng. Thiếu gì nghề kiếm ăn được? Anh có đọc báo không? Anh Thu An là ở báo Trung Bắc, bài của anh ta viết nhạt quá, chẳng ai buồn đọc. Bây giờ anh ta lấy tên là Cô Tô. Cái nhà thơ ban nãy, biệt hiệu trước là Tiểu Lãng, ra cuốn thơ Tình muôn thuở, chẳng ma nào mua, bây giờ tuy[14] viết tiểu thuyết, ký tên là Hoài Tân Tử. Nào ai biết Thu An với Cô Tô là một và Tiểu Lãng với Hoài Tân Tử cũng là một? (*[14] Nó.)
Anh Thừa được nghe bài học khôn. Anh lừ đừ con mắt, gật gật khẽ:
– Em nói có lý.
Ma-ri cao hứng:
– Em biết vậy, vì mấy anh văn sĩ ấy, em quen thân, vả lại, mỗi bận họ viết chỗ nào lúng túng, họ thường đọc cho em nghe, để hỏi em ý kiến.
Anh Thừa vẫn im lặng. Bỗng Ma-ri phát đánh đét vào đùi mình, như chợt nghĩ ra một điều hay:
– Anh ạ, em hiến anh một kế này nhé! Anh nhân dịp công ty chưa bị đóng cửa mà vét lấy một món.
Anh Thừa trố mắt nhìn. Ma-ri bàn:
– Thế này nhé. Bây giờ tòa chưa xử, người ngoài chưa rõ trắng đen ra sao. Thì ngay từ ngày mai, anh hãy ách việc trả tiền nợ các nhà thuốc lại. Không những vậy, anh còn buôn thêm thật nhiều nữa vào, rồi bán ngay để lấy tiền ngay. Đến ngày công ty đóng cửa, anh quỵt ráo, mà cũng chả phải trốn đi. Đố ai biết đứa nào tên là An-be Tuy-a mà đòi nợ, mà kiện nợ đấy! Có phải lúc ấy, túi anh bẫm thêm không nào!
Anh Thừa toát mồ hôi trán:
– Hay! Hay quá! Nào! Cạn cốc! Moa mừng toa!
Ma-ri nghe thấy tiếng khen hay, thì nhớ lại cái đêm trong săm Đồng Lợi. Ma-ri dùng những tiếng cũ để khuấy cho vui câu chuyện:
– Thế là anh không anh hùng bằng đàn bà nhé!
Anh Thừa cúi rạp đầu:
– Anh phục thuyền quyên của anh.
Hai người giơ bắt tay nhau.
Một lát, Ma-ri hỏi:
– Cái thuyền của toa đâu?
– Ở nhà quê. Anh không cho ra Hà Nội. Anh gửi tiền về nuôi hai mẹ con. Thỉnh thoảng anh về thăm. Nhưng từ ngày đê Gia Lâm vỡ, làng anh cũng bị lụt. Anh chẳng được tin tức chúng nó sống chết thế nào. Thôi thế là may, nếu đường sá không mắc nghẽn, mẹ con nó bồng bế nhau ra đây, thì cái ngữ hãm tài này, nếu anh để cho khách hàng của anh trông thấy, tất công ty vỡ từ lâu rồi!
– Nói ngắn lại là toa vẫn được tự do, hả? Thì chốc nữa, toa theo moa về nhà. Đến cho biết chỗ moa ở.
– Được. Vả moa cũng mong được gặp toa luôn. Nhưng moa hãy hỏi, toa ở với chồng toa chứ?
Ma-ri lắc đầu:
– Không, vẫn độc thân. Thủ tiết. Bây giờ moa tu. Gái tơ cần kén chồng.
Nói đoạn, Ma-ri đứng dậy, dọn hàng vào chiếc xe nôi. Anh Thừa giúp Ma-ri, xếp ngược các ghế đẩu đặt trên mặt bàn.
Độ mười phút, việc xong, hai người cùng đẩy xe, đi song song thong thả ở sau.