Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Trông thấy cái mặt nhí nhảnh, quen thuộc cũ, đụng chạm đến da thịt mềm mại, quen thuộc cũ, nhất là nghe giọng nói âu yếm, quen thuộc cũ, Thừa như được Ma-ri truyền cho cái hơi ấm áp vào tâm hồn. Hắn quên mối buồn và lo. Hắn nắm chặt tay Ma-ri, rồi mỉm cười, và lại thở dài. Bây giờ là cái thở dài của người suy tính đã xong. Ma-ri ru rín thằng Giăng, ngắm nó, rồi nhìn Thừa:

– Con đẹp đấy chứ. Đẹp hơn thằng Pôn. Anh trông nó. Giống bố như đúc.

Thừa ngắm con. Mặt thằng này khác mặt thằng Pôn. Đầu nó ngắn chùn chùn. Ma-ri lại ngắm nó và nhìn Thừa:

– Giống anh lắm nhỉ.

Thừa cười, dở đùa dở thật:

– Giống. Chỉ khác mỗi cái mặt.

Ma-ri lườm, phát vào lưng Thừa đen đét, vừa cười, vừa nói:

– Không đùa quá thế nhé! Phạm đến danh dự em. Bế lấy con cho em.

Hắn lục chỗ quần áo, tìm một chiếc sơ-mi lụa, đưa cho Thừa:

– Quà của anh đây. Thử mặc vào xem có vừa không nào?

Thừa đứng dậy, ướm áo. Ma-ri khen:

– Đẹp quá! May phỏng chừng mà khéo tuyệt.

– Em may à?

– Chứ còn ai? Em nhớ khổ người anh. Thế có tài không?

– Tài. Yêu lắm!

Ma-ri sung sướng:

– Ừ, thế chứ lị. Bây giờ cóc mới mở miệng được một tiếng!

Ma-ri ngồi xuống ghế, hỏi:

– Thế nào. Em đi vắng, thì anh làm báo. Sao báo Chấn Hưng đương hay, lại đình bản thế!

Thừa tặc lưỡi:

– Tại anh không muốn làm. Thế mấy tháng nay, em ở đâu?

– Ở ngay quanh Hà Nội này chứ đâu?

– Phố nào, sao anh không gặp bao giờ?

– Gặp thế nào được? Ai để cho mà gặp?

Thừa nói đùa:

– Đi tu à? Ở chùa à?

Ma-ri bĩu môi:

– Sao con cha đạo lại ở chùa? Nhưng chỗ em ở cũng nghiêm cấm như chùa. Em ở trong đất của nhà thờ, nhờ vả cha Hảo, gần như tu kín, anh ạ.

Thừa khen:

– Ngoan nhỉ!

– Điều đó đã hẳn. Chỉ anh là hư thôi. Vắng đàn bà một ngày không chịu được. Đã con M. nào, nó cho một trận ở phố Hàng Đàn, lại đến con Diệu Thuần. Em mà không về mau, dễ chỉ đến mai là anh tái giá mất rồi.

Hắn hỏi:

– Thế nào, câu chuyện Hàng Đàn ra sao?

– Hàng Đậu chứ. Nhưng thôi, nói làm gì chuyện cũ.

– Không. Em rất đại lượng. Em biết tha thứ hết. Nhờ ơn bề trên dạy bảo, bây giờ em tiến bộ nhiều, nhất định em không ghen đâu. Vả lại em đi vắng, thì anh có quyền chơi bời, em ghen là không đúng luân lý.

Thừa gạt đi:

– Thôi, việc qua rồi, nhắc lại làm gì.

– Thế việc hiện tại vậy. Con Diệu Thuần vì sao lại chết.

Thừa thở dài:

– Anh lo buồn quá, em ạ. May em về đúng lúc, làm anh khuây khỏa, chứ mỗi lúc sực nghĩ đến việc này, anh lại giật mình.

Ma-ri cau mặt:

– Làm sao! Thương nhớ chứ lại lo buồn!

– Em ghen à?

– Em vừa nói em được cha Hảo dạy bảo, bây giờ không ghen nữa. Vả lại ghen với người sống, chứ ai ghen với người chết. Cho nên em chỉ hỏi anh về việc con M, chứ có hỏi con Diệu Thuần đâu.

Thừa cười:

– Thế là em vẫn ghen đấy chứ?

Ma-ri lắc đầu:

– Thế là tò mò một tí thôi.

Một lát, hắn hỏi:

– Đúng Diệu Thuần không phải con mẹ thằng Mão à?

– Không. Chính việc nó chết làm cho anh lo buồn đấy.

– Anh nói cho em hiểu đi.

– Em có biết tại sao nó chết không?

– Tại anh khỏe quá, nó chịu không nổi.

Thừa bật cười, lắc đầu:

– Em ạ, anh lỡ tay, đánh chết nó.

Ma-ri trợn tròn đôi mắt. Thừa tiếp:

– Đúng thế. Anh không nói dối em.

– Nó có tội gì mà anh đánh chết nó? Tội cắm sừng à?

– Không. Nó giàu.

– À, tội giàu. Anh đào mỏ không được phỏng?

– Phải.

– Nó là con nhà ai?

– Nó là con một gia đình danh giá.

– Như gia đình em nhé. Hồi cưới, anh biết đấy.

– Khác thế.

– Như gia đình anh nhé?

– Không phải. À, em còn nhớ bà Phúc Lâm không nhỉ?

– Bà Phúc Lâm nào?

– Ngày mình còn mở hiệu thuốc, bà cử Dần đưa bà Phúc Lâm đến nhờ anh xem mạch ấy mà.

Ma-ri nghĩ một lát, rồi:

– À, à! Em nhớ rồi, cái bà vâng vâng, với cái bà gần như câm ấy chứ gì?

– Đấy, bà Phúc Lâm chính là Diệu Thuần đấy.

Ma-ri ngẩn người một lát, rồi nói:

– Thế mới biết em tinh mắt. Anh còn nhớ hôm ấy, em suýt làm gì không?

Thừa cười, gật đầu:

– Nếu hôm ấy em ghen ngay thì là em đi quá sớm.

– Nhưng dập được cái ngòi, cứu sống một người khỏi bị anh đánh chết! Hôm ấy em tức, nên lú lấp mất trí khôn. Chứ nếu em sáng suốt như lúc thường, thì quyết em nhớ đến ông cụ, mà nêu gương ông cụ, em cứ ghen.

– Ông cụ nào mà ghen?

– Anh quên bố em là cha đạo, vẫn làm việc tu nhân tích đức à? Nếu em ghen, có phải bây giờ con Diệu Thuần khỏi chết oan không.

Thừa thở dài, Ma-ri phát đánh đét vào đùi:

– À, em nhớ ra rồi. Còn lão già lẩm cẩm, gọi là cụ tú Phúc Lâm nữa, tức là người đẻ ra nó đấy, phải không?

– Phải rồi. Trí nhớ em tốt lắm.

– Thưởng cho em đi.

Ma-ri ghé má vào cạnh miệng Thừa. Thừa hôn khẽ một cái. Ma-ri cười lạt:

– Anh vẫn còn giận em. Em biết.

– Không phải thế. Tại anh đương nói câu chuyện làm cho anh lo buồn.

– Anh nói nốt đi.

– Đến dạo tẩy chay, Diệu Thuần bắt đầu mê anh, nên hay đi cổng sau với em trai nó, tên là Nghĩa, cùng với bọn học trường Bưởi, đến Phòng thuốc, in giấy cổ động.

Ma-ri phát thật mạnh vào lưng Thừa:

– Thế mà giấu! Giấu! Giấu!

– Bây giờ anh đánh chết nó. Anh chắc thế nào thằng Nghĩa cũng kiện anh. Từ ngày anh lấy Diệu Thuần…

Ma-ri bẻ:

– Anh không dám gọi là con Diệu Thuần à?

Thừa cười:

– Ừ, thì con! Từ ngày anh lấy con Diệu Thuần, anh xem ý, thì thấy thằng Nghĩa ghét anh lắm. Anh đến nhà, lần nào nó cũng lánh mặt. Cho nên chắc nó không để anh yên.

– Thằng ấy bao nhiêu tuổi?

– Đâu ngoài hai mươi thì phải.

– Có vợ chưa?

– Rồi.

– Thế thì khó nhỉ. Nếu nó chưa có vợ, thì em bảo một con đến chim nó, để xui nó đừng kiện anh.

Bỗng Ma-ri hỏi:

– Thằng Nghĩa ghét anh, hay tại anh chim vợ nó?

– Không phải. Đừng nghĩ vớ vẩn, để ghen vớ vẩn.

– Tính hạnh thằng Nghĩa thế nào?

– Giống chị nó như đúc. Lành, chín chắn, đứng đắn, và hăng hái làm việc công.

Ma-ri lại phét đen đét, mạnh hơn nữa vào lưng Thừa:

– Khen! Khen! Khen! Giống chị nó! Giống chị nó!

Thừa giơ tay ra đỡ, và tiếp:

– Vừa rồi, nó bị đuổi một tuần lễ về tội bãi khóa phản đối thằng đốc trường Bưởi.

– Con nhà gớm nhỉ!

Thừa cười:

– Anh không phải lừa mà ừ để bị phát nữa đâu!

Ma-ri rũ ra cười:

– Khá đấy. Nhưng như thế nào cũng là ừ ngầm rồi. Tha cho!

– Để anh nói nốt. Anh chỉ ước ao làm sao có người đến được nhà Phúc Lâm, dò xem họ có kiện anh không thôi.

– Anh ngu lắm. Nó định kiện thì nó cứ kiện, dò thì làm đếch gì. Thà bảo làm sao có người đến nhà Phúc Lâm khuyên can họ đừng kiện, mới có lý mà ước ao chứ?

Thấy Ma-ri vẫn dí dỏm như xưa, Thừa vui thích quên hết lo buồn, nên đùa lại:

– Dò biết mới khuyên can chứ! Chẳng lẽ nó không có ý định kiện mà cũng khuyên can, để gợi cho nó cái ý là nên kiện à?

Ma-ri gật đầu:

– Ừ. Thì em ngu vậy. Còn hai bố mẹ nó thế nào?

– Trước kia, rất có cảm tình với anh.

Ma-ri gí tay vào cằm Thừa:

– Cái miệng này tán, em cũng phải mê, nữa là lũ nhà nho ngốc nghếch.

– Không phải tán. Bởi vì ông cụ ít nói. Anh chỉ đánh vào mặt đạo đức, cho mượn rất nhiều sách Tàu.

– Sách gì?

– Không biết. Hình như sách triết học, chính trị. Ông cụ thích lắm. Bởi vì trước kia, ông cụ có bị nhà nước bắt mất mấy hôm, cho nên bẵng đến mười mấy năm, chả dám chơi bời đi lại với ai. Nay được đọc sách thì cũng là như được có người đến chơi nói chuyện.

– Lão già lẩm cẩm. Chứ anh mà đưa em sách triết học với sách chính trị, thì em chả thèm đọc. Anh có biết bây giờ em thích đọc gì không?

– Tiểu thuyết tình.

– Không phải. Kinh bổn.

Thừa chế nhạo:

– Ừ nhỉ! Kinh bổn đạo dạy cho em đại lượng, cho nên em chừa được tính ghen!

Ma-ri hãnh diện:

– Phải. Đúng thế.

– Thế thì em đếm xem từ nãy đến giờ, em đánh anh mấy lần rồi! Em ngoan đạo lắm.

– Không ngoan đạo mà thủ tiết nổi với anh.

Thừa nghiêm mặt:

– Thôi đừng đùa nữa. Anh hỏi em nhé. Em có cách gì làm cho anh đỡ lo buồn không?

– Chính là em về với anh để anh đỡ lẻ loi, đỡ lo buồn mà.

– Nhưng nó kiện anh, anh đi tù, thì em không ở với anh nữa.

Ma-ri tự nhiên biến sắc mặt. Hết cả nhí nhảnh. Thừa hỏi:

– Anh muốn biết mấy điều, em nói thực nhé.

Ma-ri gật.

– Trước kia, chúng ta phải sống xa nhau, vì em sợ mẹ thằng Mão nó đánh một trận nữa?

Ma-ri gật.

– Bây giờ, em xem báo, thấy lời anh cáo phó, em tưởng nó chết, thì em mừng, mới về với anh?

Ma-ri lại gật.

– Nhưng nay em biết là lầm. Diệu Thuần không phải mẹ thằng Mão. Vậy em có định ở với anh, hay sợ nó, mà lại đi?

– Em trót xin phép cha rồi. Nếu em quay lại với người, sợ người cho em là trẻ con, nói dối.

– Vậy thì em cứ ở với anh. Anh vui lắm. Nhưng bây giờ anh phạm tội giết vợ. Nếu anh phải tù thì em ở với ai?

Ma-ri đặt con vào lòng, khoanh tay trước ngực, ngửa mặt lên để nghĩ:

– Rắc rối nhỉ!

– Anh là thằng giết vợ. Em không sợ anh giết em à?

Ma-ri thản nhiên, lắc đầu:

– Không.

– Tại sao?

– Bởi vì anh sợ em. Chỉ có em đánh anh, chứ anh chưa đánh em bao giờ.

Thừa bật cười. Nhưng Ma-ri vẫn nghiêm nét mặt. Thừa nói:

– Hay là…

– Không, em không lấy ai đâu. Anh đừng hay là nữa. Em thủ tiết với anh.

– Anh không nghĩ thế. Anh nói hay là, là thế này. Nhưng trước khi hỏi câu này, anh muốn em cho anh biết sự thật, là có đúng mấy tháng vừa rồi em ở với các cha hay không?

– Ô hay! Không ở với các cha, thì em thủ tiết sao nổi. Một chứng cớ là vì anh không ở với các bà sơ, cho nên anh lấy vợ lung tung.