Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Từ ngày có con, đôi vợ chồng này tiến bộ nhiều. Họ thật thà với nhau hơn trước. Bởi vì hai người được ràng buộc chặt chẽ với nhau thêm một tao nữa bằng đứa bé có cái để làm giống. Bây giờ phải vì con mà gánh thêm những nhiệm vụ mới. Tức là bảo vệ lẫn nhau, bảo vệ tính mạng, bảo vệ đời sống cho nhau.

Từ hôm anh Thừa thấy mẹ Mão lừng lững đem con đi, thì anh lo lắm. Chị giận anh, chắc là thế nào cũng phá hạnh phúc mới của anh. Anh đoán chị về nhà quê mách tội với ông bà Bếp. Anh cho anh Xi đi dò la tin tức. Nhưng không phải. Không biết chị đi đâu. Anh càng lo. Hẳn là chị lẩn quất đâu quanh ở Hà Nội, để một ngày nào đó, chị đến Phòng thuốc nhà giàu, bêu rếu anh và Ma-ri. Anh dặn anh Xi và cụ Điều phải đề phòng cửa rả cho cẩn thận. Anh cũng bảo Ma-ri phải thủ thân. Lỡ ra chị gặp hắn ở đường, cơn điên nổi lên, chị có thể liều gây chuyện đánh nhau to, xảy ra án mạng không biết chừng. Anh xui Ma-ri góp dần mỗi tháng ít tiền vào hội Bảo hiểm nhân thọ, để lỡ gặp nạn, thì hội đền cho một món lớn.

Anh với Ma-ri đã là vợ chồng, thì phải nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau, mưu hạnh phúc chung, để cùng hưởng. Muốn hưởng hạnh phúc vật chất, hai người phải cùng tính toán, lo toan cách sinh sống. Muốn hưởng hạnh phúc tinh thần, hai người phải thương yêu nhau. Và chỉ thương yêu nhau, chứ đừng thương yêu người khác. Với anh và Ma-ri, điều kiện này là chủ chốt. Vả lại, gia đình nào có hạnh phúc về tinh thần mới dễ gây hạnh phúc về vật chất.

Vì vợ chồng đã thông suốt về tình nghĩa sơ đẳng nhất của những người được ông Tơ bà Nguyệt xe duyên với nhau, anh Thừa khuyên Ma-ri nên thật thà với anh. Anh nêu gương trước. Là tuy vẫn giấu cái lai lịch của tấm bằng làm thuốc của anh, nhưng anh nói thực về cái tài làm thuốc của cụ Điều. Vì vậy, Ma-ri không đành lòng giữ kín mãi về cái bản chứng nhận làm y tá của hắn.

Ma-ri lo. Anh Thừa cũng lo.

Ma-ri lo, vì sợ anh sẽ kém tin cậy hắn. Anh Thừa lo, vì cả ba người không ai biết thuốc mà dám mở phòng thăm bệnh. Nhiều lần bị khách hàng hỏi vặn về thuốc, anh và cụ Điều đã lúng túng lắm rồi. Thế thì chẳng chóng thì chầy, cứ tiếp xúc hàng ngày với bệnh nhân, thế nào cũng có một ngày anh bị họ trông rõ bộ mặt thực. Nhưng cả anh và Ma-ri đều chưa muốn bỏ nghề này, làm nghề khác, vì phòng thuốc đương phát đạt. Lý do là những người nhà giàu chưa bị lừa hết lượt, hoặc còn có những người chưa nhận thấy là mình bị lừa. Cái ngày Phòng thuốc nhà giàu mất hết tín nhiệm thế tất phải đến. Nhưng nhất định chưa là ngày mai, hoặc tháng sau. Nếu khéo duy trì, thì với cái đà đông khách này, anh còn có thể giữ nó bền một hai năm cũng nên. Vì những người giàu mà dại không phải là hiếm. Anh Thừa cần nghĩ làm sao cho cách kiếm ăn dễ dàng này, là cách bịp nhà giàu bằng nghề làm thuốc, được trôi chảy trong một thời hạn lâu nhất. Anh bảo Ma-ri:

– Cho nên bây giờ moa mới biết phục tụi chủ các dược phòng họ chỉ hoàn tán thuốc để bán. Như vậy, họ không trực tiếp giao thiệp với bệnh nhân, thì mặt họ thế nào, họ không bị lộ chóng.

Hai vợ chồng bàn nhau. Anh Thừa quyết định là từ nay nên làm thật nhiều thuốc để gửi bán ở các đại lý. Về chuyên môn, anh nhận là thạo, nên dám nhận việc hoàn tán, pha chế. Anh nhường việc giao thiệp với ngoài cho Ma-ri.

Con chim bị nhốt bao giờ cũng lồng lộn, muốn ra sống với thiên nhiên. Cho nên Ma-ri phấn khởi như người tù được tuyên bố sắp tạm tha. Hắn đặt kế hoạch công tác.

Bây giờ hắn xinh tươi bằng trước rồi. Hắn sẽ diện ngất, lên phố Tràng Tiền, thương lượng mua buôn thuốc tây với mấy dược sư hạng nhất người Pháp, mở hiệu bào chế ở phố ấy. Hắn nghĩ trong bụng rằng những người có học này không nỡ hôn quỵt mà không trả lại hắn cái gì. Hẳn là họ nhận giao dịch với hắn. Hắn còn làm họ tranh nhau tăng hỏa hồng để được độc quyền cung cấp hàng cho Phòng thuốc nhà giàu. Nhưng hắn sẽ không dại. Hắn phải giữ cảm tình cả ba nhà bào chế. Để hắn chọn thuốc. Thứ nào tốt nhất, do hãng nào sản xuất ở bên Pháp, và gửi bán ở hiệu bào chế nào, thì hắn mới mua của hiệu ấy. Như vậy, hắn sẽ có toàn thuốc tốt.

Anh Thừa cho ý kiến của Ma-ri là chí lý. Nhưng anh bàn lại. Buôn thì cần có lãi nhiều. Nhưng buôn càng thật thà, càng ít lãi. Trái lại, buôn càng có lắm mánh khóe, càng được lãi nhiều. Mua thuốc tây mà phải giao thiệp với tận chủ, thì khó lòng lãi to. Nhiều lắm, được hai mươi phần trăm là cùng. Cho nên, phải điều đình với người làm công. Những người này, vì lương quá hạ, không đủ ăn, thường phải lén lút giấu hàng của chủ, bán cho khách, để lấy tiền bỏ túi.

Anh kể những thí dụ của chính bản thân anh và của các bạn anh cho Ma-ri nghe.

Một lần, anh vào hiệu Giuy-banh mua kính. Anh đương chọn, thì cái người làm công mắt lác nói khẽ với anh: “Tự do nhất nguyên”. Anh hiểu ý, dúi cho người ấy tờ giấy bạc. Người ấy đút tiền vào ống tay áo. Khi anh chọn được cái kính râm gọng vàng vừa ý, người ấy đứng che mắt chủ, để anh cầm kính đi ra, rất tự nhiên.

Một người bạn anh có đồn điền ở Ninh Bình, vẫn mua của người làm công ở nhà Gô-đa từng hòm đạn bắn chim. Nơi nhận hàng và nơi trao tiền là Vườn hoa Pôn Be, sau bảy giờ tối, nhà Gô-đa đóng cửa. Khi tan buổi làm việc, người làm công Việt Nam nào cũng bị Tây đen gác cổng bắt múa phượng hoàng, nghĩa là giơ tay lên trời cho nó nắn người để khám, thế mà không hiểu làm cách nào, họ vẫn mang lọt được hàng kiện lớn ra ngoài.

Anh Thừa kết luận là mua hàng các hiệu tây mà không biết ăn cắp là kém, anh không kém, Ma-ri không kém, tại sao mua bằng cách thật thà?

Nhưng kinh nghiệm cho anh biết rằng bệnh nhân Việt Nam tín thuốc bắc hơn thuốc tây. Vậy Phòng thuốc nhà giàu làm thuốc bắc là chính. Thuốc tây chỉ là phụ. Bán thuốc bắc thì lãi vô hạn. Nhưng phải biết chỗ mua. Bài thuốc đã có ở trong cuốn Truyền thuốc bí truyền. Vả ít lâu nay, cụ Điều và anh còn học thêm được một ít bài nữa. Thế là tạm đủ.

Anh nhất định không cất hàng của nhà anh em họ Phó, dân Đa Ngưu, mở những hiệu lớn ở phố Phúc Kiến. Buôn với họ thì chịu họ ăn lãi một tầng. Anh biết một người chủ thuyền, tên là cả Bùi, ở Trà Cổ, vẫn làm nghề chở lậu thuốc bắc từ Quảng Đông sang Bắc Kỳ. Anh sẽ tìm cả Bùi. Như vậy, thuốc mua tận gốc, được giá rẻ, chỉ phí tổn đài tải, rồi đem bán tận ngọn. Không qua thuế, còn được lợi thêm tiền thuế. Món này không phải nhỏ đâu. Vì có vị nhà đoan đánh ngang, hoặc gấp đôi giá mua. Buôn với cả Bùi thì khoán tất cả cho hắn, không phải nói năng chạy chọt với ai. Cả Bùi đưa thuốc đến chỗ hẹn, mới nhận tiền. Chỉ có một ít phiền, là sao tranh được hàng với những hiệu trên Phúc Kiến, trên Hàng Thuốc Bắc và với một vài dược phòng lớn khác.

Tính toán công việc, anh Thừa mới thấy thiếu anh Xi là thiếu cánh tay phải. Anh này vừa khỏe mạnh, vừa thật thà, vừa quen nghề, vừa quen tính anh. Đức đáng quý hơn cả của anh Xi là chuyện đâu bỏ đấy, không kể lại với người khác.

Anh Xi thôi việc. Bây giờ tìm được một người như thế thật là khó.

Anh Xi không làm với anh Thừa nữa. Cái hôm anh ta xin ra, quả là anh Thừa có giận, nên không lưu lại. Và ít lâu nay, nhiều khi anh Xi đâm ra bướng bỉnh, hay cãi anh Thừa, và luôn luôn cãi Ma-ri. Hình như có điều gì, anh ta hậm hực với Ma-ri. Và Ma-ri cũng ác cảm với anh ta. Ma-ri xui anh Thừa đuổi anh ta, nhưng anh Thừa chưa nỡ, thì anh ta đã xin thôi việc. Anh Thừa còn giận anh Xi hơn nữa, là anh Xi xui cả cụ hai Điều cùng thôi với anh ta. Hai người ra mở riêng phòng chữa bệnh.

Mấy tháng nay, cụ hai và anh ta đã lõm bõm thuộc một ít bài thuốc, chứ không đến nỗi đặc cán mai như những ngày mới. Cụ xem mạch, kê đơn, anh Xi bốc thuốc. Hai người làm ăn chung. Anh Xi đã lấy giấu một cuốn Truyền thuốc bí truyền, định dùng làm cẩm nang. Anh ta nói tức cụ Điều là tội gì phải đi làm công để luôn luôn chịu khinh rẻ, mắng mỏ. Song, cụ không dám mạo hiểm mà phiêu lưu. Cụ bảo vì cụ kém tài ăn nói.

Anh Xi ra Phòng thuốc nhà giàu một mình. Anh về làng làm nghề cũ là cày ruộng, ủy thác đời sống của mình cho thiên thời, cho lòng săn sóc đến dân sinh của các quan bảo hộ.

Thấy anh Thừa có vẻ nhớ tiếc anh Xi, Ma-ri ra ý không bằng lòng. Hắn không nói ra, nhưng có ý nghĩ ngợi.

Giá thử Nguyệt lão không se duyên, thì nó đi một nhẽ khác. Đằng này, dây tơ hồng đã quấn chặt hắn với anh Thừa, thế mà hắn không được anh tin cậy bằng anh Xi trước kia vẫn được anh giao cho hàng trăm. Hắn đòi nâng khăn sửa túi cho anh. Nhưng anh lờ đi. Khăn thì hẳn là anh không có rồi. Còn túi thì anh cương quyết không cho hắn sửa thật. Anh không để tiền trong túi, mà cất vào ngăn kéo riêng có khóa chữ. Tháng tháng, anh vẫn phát lương cho hắn như trước, để hắn góp tiền cơm và tiêu vặt.

Vì không làm ra được bổng ngoại như ngày còn sống tự do, Ma-ri mới nghĩ đến việc sinh lợi để có đồng ra đồng vào, sinh lợi ngoài cách dùng thân thể của hắn. Hắn bán hai chiếc kiềng vàng Mỹ-ký và chiếc nhẫn ba-dê, ăn bớt tiền thuốc hoặc thỉnh thoảng vay chạy hay xin hẳn anh Thừa, lúc dăm đồng, lúc một chục. Hắn cầm cái họ để vay chằng nhà con. Có vốn, hắn mới cho vay, cầm đồ, và buôn lặt vặt bất cứ thứ gì có lời.

Vả cũng bận về con, hắn đỡ lông bông, nên đứng đắn hơn trước. Hắn tập ăn trầu, hút thuốc lá Thành Xương quấn sâu kèn, và uống chè mạn sen. Hắn nhờ bà cử Dần dắt đến làm quen với những bạn của bà, là những bọn kiếm ăn cơ hội.

* * *

Phòng thuốc nhà giàu đã hoàn tán thuốc bắc và chế biến thuốc tây thành thứ thuốc riêng của hiệu. Anh Thừa đặt tên cho thuốc của mình không giống tên thuốc của các dược phòng khác sản xuất. Nào là Thuốc bổ nhà giàu, Thuốc lậu nhà giàu, Thuốc bại thận nhà giàu, Thuốc điều kinh nhà giàu, Thuốc phòng tích nhà giàu, Thuốc nhức đầu kinh niên nhà giàu, thậm chí cả Thuốc ghẻ nhà giàu v.v…

Mới đầu anh chỉ có đủ hàng để bán cho các đại lý ở Hà Nội. Và cũng thử xem kinh nghiệm ra sao thì kinh nghiệm cho anh biết là thuốc của Phòng thuốc nhà giàu đắt tiền quá, lại không công hiệu, cho nên ế.