Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Cô Lễ thở hồng hộc.

– Đồ thân lừa ưa nặng. Tao vẫn bảo là có tiền thì còn vợ vợ chồng chồng. Không tiền thì bước! Mày còn về đây làm gì, để trêu ngươi tao?

– Đồ bạc tình! Đồ vũ phu! Quân phu kíp! Quân cu-li kéo quạt!

– À, mày chửi ai?

Thừa cầm ba-toong vụt lia lịa vào đầu, vào vai và vào hai cánh tay vợ. Cái ba-toong đụng vào thành giường, gãy cấc làm đôi. Cô Lễ vớ được, quăng vào mặt Thừa. Nhưng hắn tránh được. Lại đá vào mạng mỡ. Cô rú lên:

– Ối giời ơi! Ối giời ơi!

Ngoài sân đã có mấy cái mặt nhìn qua kẽ cửa. Cô kêu:

– Các ông các bà ơi! Cứu tôi với!

Thừa lại tát, thụi, đá.

Cánh của rung thình thình. Nhưng không mở được. Thừa vẫn như con thú dữ. Cô Lễ mỗi lúc một thất thanh.

Bỗng choang! Mặt kính cửa sổ vỡ toang. Một người thò tay vào vặn chốt, rồi mở cửa, nhảy được vào.

– Ông Thừa! Không được quá lắm thế. Ngày nào cũng đánh bà ấy. Ông tàn nhẫn quá!

Người ấy vặn khóa, mở cửa ra vào. Trong khi ấy, Thừa đánh vớt. Hắn phang mẩu ba-toong túi bụi vào đầu, vào mặt, vào bất cứ đâu trong người vợ.

Năm sáu người chạy ùa vào, ôm lấy Thừa. Hắn còn với tay, đấm xuống ngực cô Lễ một cái nữa, mới chịu theo tay mọi người đẩy đứng ra xa.

– Ông Thừa! Không có phép đánh nhau thế!

– Vợ tôi, tôi dạy. Các ông không có quyền ngăn!

Một người cởi tóc cho cô Lễ, vực cô lên giường. Cô phì phò thở.

– Đưa chị ta về nhà chị ta, không có chốc nữa, nó đánh chết.

Thừa cãi:

– Các ông không có quyền can thiệp vào việc gia đình của tôi!

– Quyền nhân đạo chứ quyền gì!

Một số người túm giữ Thừa. Một số người vực cô Lễ đứng dậy, rồi dìu cô xuống gác.

Cô về Hàng Đào.

Đèn đường phố đã bật.

* * *

Cụ bà hớt hơ hớt hải.

– Ôi! Làm sao thế hở con!

Cô Lễ không nói được. Người đưa cô kể lại cho cụ nghe tấn thảm kịch.

Cả cụ ông lẫn vợ chồng cậu Nghĩa định khênh cô vào nhà. Nhưng cô cau mặt, xua tay. Cô đi lấy. Năm người ôm đỡ cô. Cô nhăn nhó, còng lưng xuống, hai tay ôm bụng.

Cô xuýt xoa:

– Chà! Đau quá!

Cô bước từng bước một.

– Chà! Đau quá!

Đến giường, mợ Nghĩa bế cô lên. Cô ngồi, chống hai tay. Cậu Nghĩa đặt cái gối. Cô nói:

– Chị nằm.

Mợ Nghĩa nâng lưng cô, từ từ hạ cô nằm ngửa xuống. Nhưng cô không nằm ngửa, Cô nhăn nhó, hai tay ôm bụng, và vẫn còng lưng, cô gục sấp, lao cái đầu từ từ xuống giường trước, để đỡ cho tấm thân khỏi đổ mau, nhưng không đủ sức, cô kệ cho cái mình vật xuống. Cô nằm nghiêng, run rẩy, co dần hai tay chân lại. Hai tay cô vẫn ôm lấy bụng.

– Chao đau quá!

Cả hai cụ lẫn vợ chồng cậu Nghĩa cũng nhăn nhó, như chính mình bị đau. Mợ Nghĩa lấy khăn lau máu ở miệng và ở mũi cho chị.

Cụ bà thút thít khóc. Cụ ông thở dài. Cậu Nghĩa nói:

– Thầy đẻ đừng hỏi chuyện vội. Để chị con nghỉ, khỏi mệt, rồi hãy hay.

Mợ Nghĩa mời người đi với cô Lễ ăn miếng trầu, rồi tiễn người ấy ra cửa. Người ấy lắc đầu:

– Đàn ông tàn nhẫn quá! Đánh vợ mà buộc tóc vào chân giường, rồi cứ giày tây đá vào mạng mỡ, với ba-toong quật vào mặt, thì còn gì là người! Cô nên nói với các cụ đưa cô ta vào nhà thương ngay, không khéo không sống được đâu.

Cụ bà đã thấy ngay chai rượu chổi. Cụ xoa bóp cho con. Nhưng cô Lễ kêu thét lên:

– Đừng đụng! Đau lắm!

Cụ hỏi:

– Đau ở chỗ nào?

Cô trỏ tay vào hai cạnh sườn:

– Chỗ nào cũng đau, nhất là hai chỗ này.

Cậu Nghĩa nói:

– Thế thì chắc nó đánh vào mạng mỡ.

Cô Lễ ôm hai bên bụng, quặp hẳn hai chân lại, và gò còng hẳn lưng lại.

– Chà! Chà! Đau!

Mợ Nghĩa nói:

– Thầy đẻ nên đưa chị con vào nhà thương ngay. Người ban nãy dặn thế.

Cụ ông chỉ tay vào bên phải và bên trái bụng mình, hỏi cậu Nghĩa:

– Chỗ này là gì nhỉ?

Và:

– Chỗ này là gì nhỉ?

Cậu Nghĩa đáp:

– Bên trái là lá lách. Bên phải là gan.

Cụ thở dài:

– Nó toàn đánh vào lá lách với gan!

Cô Lễ thều thào:

– Hôm qua nó cũng đánh vào đấy.

Cụ bà trợn mắt:

– Cả hôm qua nữa?

– Vâng. Cả hôm kia, hôm kìa. Nó đánh toàn vào ngực với vào chỗ hiểm. Mỗi hôm một trận, sống thế nào được!

Cậu Nghĩa phàn nàn:

– Sao chị không về nhà?

– Về sợ thầy đẻ buồn.

Cụ bà đập tay xuống chiếu:

– Giời!

Cô Lễ nhìn mợ Nghĩa:

– Bảo u già cho chị thúng gio.

Cụ bà hỏi:

– Con buồn đi sau à?

– Cả đi tiểu lẫn đi sau.

U già mang thúng gio ra, cùng mợ Nghĩa vực cô Lễ dậy. Cụ ông và cậu Nghĩa vào nhà trong. Cậu nói hết những điều cậu biết về anh rể cho cha nghe. Cụ chỉ thở dài.

Bỗng có tiếng cô Lễ kêu:

– Ái, ái! Từ từ chứ!

Cô được nâng lên giường. Cụ bà lắc đầu, nói với cụ ông:

– Buồn đi, nhưng không đi được.

Cô Lễ nằm, lại cử chỉ ban nãy. Cô chúc đầu xuống gối trước, rồi ngả cái mình cho đổ nghiêng xuống giường, hai tay ôm bụng, hai chân co. Cụ bà thấy kiểu nằm xấu, thì đỡ cô nằm ngửa lại, và kéo hai cẳng cho duỗi thẳng. Nhưng cô giật mạnh:

– Giời ơi!

Tự cô quay phắt nghiêng lại, gò còng lưng, và co quắp hai cẳng tay ôm bụng.

– Chao! Chao! Đau! Chết mất!

Cô hổn hển thở một lát, rồi gọi:

– Ống nhổ.

Cô cố nhấc đầu để nôn, nhưng không nôn được.

Một lát, cô lại buồn đại tiểu tiện. Cô được vực xuống đất. Nhưng cũng như lần trước, cô ngồi đến mười phút, cô không đi được và chỉ nôn khan. Cô đòi lên giường, và lại nằm như con tôm.

Cậu Nghĩa nói:

– Nên đưa chị con vào nhà thương ngay thôi.

Cụ bà ngần ngại:

– Hay để sáng mai, ban ngày ban mặt.

– Không chậm được đâu, đẻ ạ. Gần chín giờ rồi.

Cụ ông gật đầu.

– Phải đấy. Nên cho ngay đi nhà thương, cấp cứu thì phải thuốc Tây.

Nói đoạn, cụ vội vàng vào buồng thờ, lấy số tử vi của cô Lễ ra xem lại. Lần này cụ bấm kỹ và trầm ngâm rất lâu.

Trong khi ấy, mợ Nghĩa lấy quần áo của mình, bọc vào một bọc, để đem đi cho chị mượn, u già thì chạy ra phố thuê ba chiếc xe.

Mợ Nghĩa ngồi một xe, tay ôm cô Lễ. Cậu Nghĩa ngồi một xe, đưa chị đi. Còn một xe, cụ bà lên. Cụ đã sửa soạn hương nến, định đến đền Ngọc Sơn kêu đức Thánh Trần, xin quẻ thẻ, rồi xuống Khâm Thiên, nhờ thầy Đắc bói xem bản mệnh cô Lễ ra sao.

Cụ ông đứng ở hè, nhìn theo ba chiếc xe. Cụ thở dài.

* * *

Hồi này cả thành phố Hà Nội có mỗi một nhà thương chữa cho người Việt Nam. Ta gọi là nhà thương Phủ Doãn. Nhưng các quan bảo hộ đặt cho cái mỹ tự là nhà thương Bảo Hộ. Người ốm Việt Nam phó thác tính mệnh mình cho sự tận tâm của mấy bác sĩ Pháp. Bởi vì họ tin rằng, dù khác giống nòi, nhưng cũng như các cố đạo mà Ma-ri phục, bác sĩ cũng là người làm việc tu nhân tích đức. Vả lại, nhà thương có bốn hạng buồng, trả bốn giá tiền khác nhau, để mua lấy cách đối xử khác nhau về vật chất, và nhất là về tinh thần. Hạng hai mươi bốn đồng, hạng mười hai đồng, hạng sáu đồng, và hạng không mất đồng nào, gọi nôm na là hạng làm phúc. Chỉ có những người nghèo khó, vô phúc mà vào chỗ làm phúc, để muốn ăn không cơm và thuốc của nhà nước, mới phải nhận thêm nhiều câu chửi và ngọn roi mà thôi.

Ban ngày, cố nhiên trong nhà thương Bảo hộ có bác sĩ Tây, có y sĩ dược sĩ ta, có y tá, có cô đỡ, và có bệnh nhân đàn bà, đàn ông, từ người ốm gần chết, đến người khỏe mạnh vào nằm để trốn nợ.

Ban đêm, các bác sĩ, y sĩ, dược sĩ, y tá, cô đỡ, ai về nhà nấy. Bệnh nhân thì đi ngủ. Nhà thương trở nên tĩnh mịch. Song, tựu trung, luôn luôn có những nơi nổi lên tiếng người: tiếng cười, tiếng hát làm rợn tóc gáy, và tiếng khóc tiếng chửi, tiếng thét rất vô lý, ở nơi nhốt người điên; tiếng rú, tiếng rên rất có lý, làm sốt ruột kẻ khác, ở những buồng có người ốm nặng; tiếng cãi nhau thầm, nhưng cạn tình, của những bệnh nhân nằm buồng hạng nhất, đánh bạc lén lút để sát phạt nhau; và tiếng cười đùa tình tứ trong buồng thường trực. Buồng thường trực, những đêm vô sự, thường là nơi tụ họp, để những người đến phiên thường trực ban đêm, tán chuyện với nhau trước khi đi ngủ. Cô sinh viên trường thuốc thực tập làm quan đốc, có cô đỡ, có thầy ký, cô ký, tức là y tá. Sinh viên thực tập thường là hai người. Một người học năm thứ tư sắp thi ra, là phụ trách chính, một người học năm thứ ba, là phụ trách phụ. Hoặc một người chuyên học bệnh nội, một người chuyên học bệnh ngoại.

Tối hôm ấy, thường trực ở nhà thương Bảo hộ, là hai sinh viên, tên là Tường, nội và Liêm, ngoại. Những người coi các buồng gần phòng thường trực, là thầy y tá Lam, cô y tá Tuyến, coi xa hơn một tí, là cô đỡ Trinh và hai cô y tá là Nho và Sử.

Cái quan sinh viên tên là Liêm, thường lợi dụng mỗi phiên thường trực để lẻn để chơi. Quan bảo người gác cổng là ra phố mua gói thuốc lá. Đúng chín giờ, người này không cần biết quan đã về hay chưa, cứ làm đúng bổn phận là đóng cổng và khóa lại. Quan về muộn, vẫn phải trèo qua giậu sắt.

Cái giờ mà cô Lễ đến bệnh viện, lại đúng vào lúc quan Liêm vừa ra phố. Và trong phòng thường trực, quan Tường, thầy Lam đương đánh cờ ăn tiền. Còn cô Tuyến, cô Trinh, cô Nho, cô Sử, thì túm nhau lại để rút bất. Hai chiếc xe tay kéo tới cổng nhà thương.

Cậu Nghĩa nhảy xuống đất, gọi to người gác cổng. Cậu gọi mãi, một lát mới có tiếng đáp:

– Ma-lách[73] thì sáng mai đến. (*[73] Người ốm.)

Cậu Nghĩa nói càng to:

– Ông cho vào ngay, cấp cứu! Cấp cứu!

Tiếng ở trong nói ra:

– Đau nhọt cũng cấp cứu, đứt tay cũng cấp cứu! Loạn xạ cấp cứu! Sốt cả ruột.

Đèn trong buồng gác bật lên. Cậu Nghĩa đứng chờ. Nhưng bồn chồn chân tay, cậu không yên, phải đi đi lại lại, cho đỡ sốt ruột.