Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Anh thương Ma-ri là con người có nhan sắc, lại có bụng tốt đối với anh. Ma-ri không đợi anh phải đòi, đã lấy món tiền còn lại cuối cùng trong ví để trả nợ sòng phẳng. Ma-ri lại cứu anh khỏi bị bắt. Bây giờ, Ma-ri sẵn sàng hiến thân cho anh, lại không giấu giếm anh, than thở cảnh ngộ với anh.

Tự nhiên, anh nghĩ đến Múi.

Hiện nay, Múi đương bị anh giam, là tù nhân của anh. Còn anh tuy không bị mật thám giam, nhưng bị Ma-ri áp giải, thì cũng đương là tù nhân của Ma-ri. Xử thế nào đây? Bỏ Ma-ri hay bỏ Múi?

Anh so sánh hai trường hợp.

Bỏ Ma-ri thì còn Múi, tức là được cả người lẫn của. Bỏ Múi thì còn Ma-ri, chỉ được có người không.

Tiền của Múi? Hiện giờ anh đã nắm trong tay. Còn người của Múi? Cô gái đồng rừng ấy, anh đã quá quen thuộc. Vậy thì Múi không còn gì cho anh thèm thuồng nữa.

Còn như Ma-ri? Ma-ri là đầm lai! Ngon xơi quá! Lại là một người An-nam kiết. Mấy đời cú được gặp tiên! Mấy đời anh được hưởng của lạ, của quý! Bây giờ anh lại ở trong tay Ma-ri, nhất định không thể về với Múi. Về với Múi, anh không được gì hơn. Đi với Ma-ri, anh vẫn có tiền của Múi, lại được thêm người mới.

Vả lại, dây dưa với Múi một lần này, là dây dưa mãi, suốt đời phải đèo bòng gánh nặng. Nhưng dây dưa với Ma-ri một lần này là chỉ một lần. Ra khỏi cửa săm thì có thể dứt, lòng vẫn nhẹ tênh tênh. Đã có lần miếng ngon tự kề tận miệng, mà không ăn, anh đã tiếc ngẩn tiếc ngơ. Ai chẳng muốn ăn ngon, biết ăn ngon. Và thèm ăn ngon. Nhưng độ ấy, anh không dám ăn ngon. Còn như bây giờ, anh dám rồi. Tu-nô! Mày muốn vợ tao thì bây giờ tao báo thù mày! Đứa nào thắng?

Anh đương suy tính vẩn vơ, bỗng Ma-ri đập vào vai anh:

– Nghĩ gì thế, mình? Nói chuyện cho vui chứ?

Anh giấu tâm trạng thực:

– Anh giận thằng Tu-nô. Anh thương mình.

Ma-ri giương cả đôi mắt sáng, sửng sốt nói:

– Có thật không?

– Thật.

Ma-ri ngửa mặt lên trời, tay vuốt ngực:

– Em chỉ cần nghe thấy một người nói rằng thương em, là em được đỡ khổ.

Không hiểu là câu nói thật tình hay khách sáo. Anh Thừa nghĩ đến cảnh mình. Anh cười khẩy, ra ý không tin:

– Mình mà khổ!

– Mỗi người có một cảnh khổ, mình ạ. Kiếp lấy Tây là kiếp sống nay đây mai đó. Cho nên em chỉ muốn quay về lấy chồng An-nam. Ăn rau ăn cháo mà biết thương nhau, còn sướng hơn.

Hai người cùng thở dài. Ma-ri tiếp:

– Thằng Tu-nô là thằng đểu nhất hạng. Em giận nó lắm, nhưng thế phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Nó cho em mỗi tháng ba chục, nhưng làm tình làm tội đủ thứ. Hiện nó còn nợ em hai tháng lương. Tiền ăn của nó, em cũng phải tạm ứng cho nó.

Anh Thừa mủi lòng:

– Thế mà vừa rồi mình thua, lại trả nợ anh. Mình hết tiền. Mai lấy gì mà ăn?

Nói đoạn, anh móc túi, đưa Ma-ri hai tờ giấy bạc:

– Đây, bốn chục của mình. Mình cứ lấy lại. Bao giờ mình trả cũng được. Anh còn nhiều.

Anh dúi tiền vào tay Ma-ri. Nhưng Ma-ri hất ra:

– Không. Em giật tạm quanh chỗ chị em cũng xong. Vả lại em phải đòi nợ nó, lấy cho kỳ hết, mới có thể tính đến việc làm lại cuộc đời được.

Anh Thừa vỗ nhẹ vào vai Ma-ri:

– Mình làm anh phục mình.

Ma-ri hiểu:

– Đồng tiền quý thật, nhưng tùy từng người em mới lấy. Với thằng giàu, dù trăm, nghìn, vạn, em cũng không tha. Nhưng mình nghèo như em, thì thà em tiêu tiền của em để đỡ gây cho mình khó khăn sau này có hơn không?

Anh Thừa cảm động:

– Anh trông bề ngoài, tưởng mình…

– Thích bom xu như người khác phải không?

– Không. Anh khá tinh mắt. Thề với mình là không bao giờ anh nghĩ thế. Anh bảo tưởng, là tưởng mình sung sướng.

– Sung sướng? Vì anh cho cứ là Tây đầm thì sang trọng à? Nếu thằng Tu-nô sang trọng, ngày nó chữa bệnh, nó đã thuê y tá đến tiêm. Nhưng nó kiệt, nó bắt em học để tiêm cho nó. Anh biết đấy, ngày ấy, hôm nào em chẳng phải sang buồng giấy đưa thuốc cho nó.

Anh Thừa gật gật:

– À, bây giờ anh mới rõ.

Rồi anh tò mò:

– Tại sao mỗi bận mình đến, nó cứ bắt anh ra ngoài?

Ma-ri đập đánh đét vào lưng anh:

– Có khỉ gì đâu. Tại nó phải nói với em bằng tiếng An-nam. Nó sợ ngượng với anh. Nó không muốn cho người ngoài nghe thấy nó nói tiếng An-nam sõi và thạo.

Anh Thừa căm giận:

– Đồ khốn! Thằng Tu-nô khinh An-nam, thì mẹ nó là người nước nào!

– Trái lại, em chỉ biết có mẹ, chẳng biết bố là ai.

Anh Thừa gật đầu, nắm chặt tay Ma-ri:

– Đúng. Cho nên hôm nay mình với anh mới đi với nhau.

Ma-ri ngước mắt nhìn anh Thừa, nhoẻn cười, khẽ vuốt má anh.

Hai người mải nói chuyện, không ngờ đã đi đến gần ga. Nhà săm Đồng Lợi hiện ra sừng sững ở trước mặt.

Anh Thừa ngẩng lên nhìn. Cửa chớp buồng số tám vẫn mở. Đèn vẫn sáng. Hẳn là Múi vẫn thức, đương nóng lòng chờ anh.

Muốn quên hình ảnh trước mắt, anh đi sát vào Ma-ri, quàng cánh tay qua lườn Ma-ri.

Quanh đây không còn nhà săm nào có buồng sang trọng, xứng đáng hơn, để được tiếp người ngọc. Anh đưa Ma-ri vào nhà Đồng Lợi. May cho anh làm sao. Các buồng đều có khách cả, duy còn một buồng chưa có ai hỏi thuê. Buồng ấy ở trên gác, buồng số chín.

Anh đành bằng lòng lấy buồng ấy. Anh cầm chìa khóa, dắt tay đỡ Ma-ri lên cầu thang.

Ma-ri vào trong buồng, thì đến ngay trước gương, chải tóc lại, và vỗ thêm tí phấn. Anh Thừa đứng cạnh, sát vào vai Ma-ri. Tám con mắt cùng đắm đuối. Bốn cái miệng cùng nhoẻn cười. Hai đôi mắt cùng quay nhìn nhau.

Anh dìu tay Ma-ri ngồi xuống ghế:

– Ở đời, không ai học đến chữ ngờ, nhỉ!

Ma-ri tủm tỉm, nói bằng giọng thân mật hơn:

– Toa thì thế, nhưng moa không thế. Vì moa đã định từ lâu.

Anh Thừa sung sướng, rạo rực cả người. Ma-ri thỏ thẻ ra lối ngây thơ:

– Thật đấy, tại mỗi lần gặp Ma-ri, Ma-ri cứ thấy toa nhìn trộm. Hẳn là toa thèm lắm. Cho nên Ma-ri cứ muốn trêu toa. Cái lần thằng chết tiệt đi vắng, Ma-ri muốn cho toa đỡ thèm, thì toa lại nhút nhát quá!

Anh Thừa vuốt nhẹ vào má Ma-ri:

– Tại ngày ấy moa chưa là An-be!

– Toa có tiếc không?

– Tiếc.

– Thế An-be dọn đi. An-be có nhớ Ma-ri không?

– Đã không dám thì còn nhớ gì!

– Đúng, toa nói thật. Trái lại, mỗi lần Ma-ri ở trên gác nhìn xuống không thấy a-mua, Ma-ri cứ nhớ nhớ là!

Anh Thừa lại sung sướng. Anh hỏi:

– Toa nói thật nhé. Tại sao toa lại thích moa?

– Cái đó dễ hiểu lắm. Moa thích toa là thích An-nam, vì moa chán Tây. Mà An-nam ở quanh nhà, còn có ai ngoài toa? Rồi ngắm toa lâu, moa quen mắt đi, chỉ thấy đẹp thôi.

– Moa tưởng đầm lai thì thích Tây thật, để đẻ con ra nó là Tây. Thích An-nam thì chỉ có con là An-nam. Ở đời, ai chẳng muốn lên, sao toa lại muốn xuống? Ngay như thằng Tu-nô nó bắt toa ăn mặc đầm, và không muốn nói tiếng An-nam.

– Thói thông thường vẫn là thế. Nhưng riêng moa thì khác. Bởi vì, như moa nói ban nãy, moa chỉ biết có mẹ, chẳng biết bố là ai. Moa không khinh An-nam.

– Cho nên toa không khinh moa?

Ma-ri lắc đầu:

– Không. Moa chỉ khinh những đứa cứ làm cho moa khinh mãi, như bọn ký lục chẳng hạn. Còn như toa, làm cu-li mà dám ngắm bà chủ, là moa không khinh.

Anh Thừa phì cười. Ma-ri vẫn nghiêm mặt:

– Thật đấy. Nhiều người An-nam cứ muốn để Tây khinh. Toa không giống những người An-nam ấy.

– Tại moa dám ngắm bà chủ của moa?

Hai người cùng cười. Ma-ri nói:

– Người An-nam khác không bạo dạn như toa. Họ khúm núm, sợ Tây lắm.

Anh Thừa lắc đầu:

– Không phải. Toa lầm. Bởi vì toa là nửa Tây nửa An-nam, cho nên chỉ nhìn thấy bề ngoài người An-nam. Moa là An-nam nên moa rõ người An-nam hơn toa. Người An-nam không khúm núm đâu. Họ khúm núm vì các toa muốn họ như vậy. Vả họ nghèo, không có cách gì sống khác cái nghề làm với các toa. Như moa, mấy tháng về trước đây. Cho nên họ đành khúm núm, khúm núm cái lưng thôi, chứ không khúm núm cái đầu óc. Trời có sinh ra người lưng cong đâu. Các toa hay chúng moa, lúc cha mẹ đẻ ra lưng đều thẳng. Rồi sau chỉ những người có tiền mới giữ mãi được cái lưng thẳng, và bắt người đứng trước mặt mình phải còng lưng xuống, phải khúm núm. Trước kia, moa sợ thằng Tu-nô, chịu cho nó sỉ nhục, đánh đập là vì nó phát lương cho moa. Nhưng từ ngày moa không làm với nó, moa không sợ nó nữa. Moa có tiền, moa đếch sợ Tây. Trước kia, moa sợ cả toa, nhưng bây giờ, hôm nay, giờ này moa…

Anh Thừa định ôm Ma-ri. Nhưng Ma-ri hất ra, tủm tỉm. Anh tiếp:

– Moa kiếm ra tiền, công việc làm ăn không phải nhờ vả đến người Tây. Tây đứng trước moa, lưng họ thẳng, thì moa đứng trước Tây, lưng moa cũng thẳng. Hai người như nhau. Cũng như bây giờ, moa với toa, bình đẳng.

Ma-ri đùa:

– Toa diễn thuyết đấy à?

Anh Thừa sực nhớ đến nghề bán thuốc rong, tự nhiên anh rũ ra cười, rồi tiếp:

– Để moa nói nốt. Khi người ta có tiền, dù người ta là An-nam, người ta cũng mạnh dạn, dám làm tất cả. Mà khi người ta không có tiền, thì dù là Tây, người ta cũng…

Ma-ri giơ tay để xua, vừa cười ngặt nghẽo, chế nhạo:

– Thế sao ngày nọ, toa có hai trăm bạc mà toa nhút nhát thế?

Anh Thừa cũng cười. Anh dằn từng tiếng để tự hào:

– Nhưng hôm nay, moa mạnh dạn, Ma-ri của moa ạ. Moa vừa nói với toa là người An-nam, dù không có tiền, họ cũng chỉ khúm núm cái lưng, chứ không khúm núm cái đầu óc. Như moa chẳng hạn, thân danh chỉ là thằng cu-li cút-kít, nhưng moa đã báo thù thằng Tu-nô lắm vố cay. Moa đã lấy không của nó hai trăm bạc. Moa đã làm cho nó không dám khinh thuốc An-nam, tức là không dám khinh An-nam. Và tối nay đây, moa đã cướp được vợ nó…

Anh Thừa hãnh diện nhìn Ma-ri. Ma-ri gật đầu, ỏn ẻn nói:

– Toa làm cho moa hả lòng!

Anh Thừa đắc chí, vênh váo, trỏ vào ngực mình:

– Toa coi, An-be có anh hùng không?

Ma-ri gật đầu, nhấn mạnh:

– Anh hùng!

Rồi nhìn đồng hồ. Ma-ri giao hẹn:

– Ma-ri chỉ ở đây với anh hùng được đến mười hai giờ thôi đấy nhé.

Hai người lặng nhìn nhau. Hai miệng cùng tủm tỉm. Anh Thừa đứng dậy. Ma-ri tỉ tê hát khẽ:

Anh hùng thì có thuyền quyên.
Hỏi rằng anh đã có thuyền hay chưa.

Anh Thừa phá lên cười, khen:

– Hay, hay tuyệt! Ma-ri cũng là văn sĩ!

Rồi anh áp má anh vào má Ma-ri, tay vuốt ve bộ tóc óng mượt.

– Thuyền quyên của moa! Rồi người An-nam không nhút nhát với Tây, với đầm như moa, mỗi ngày một nhiều, toa ạ.

Hai người cùng ngây ngất nhìn nhau ở trong gương. Ma-ri nhoẻn miệng, ngước mắt lườm anh rất tình tứ, trỏ tay ra phía cửa:

– Toa ra xem lại, đã khóa cẩn thận chưa?

Anh Thừa buông Ma-ri, đi ra phía cửa. Cửa buồng số chín vẫn khóa.

Nhưng bên buồng số tám, hình như cửa chưa khóa. Lúc ấy, có tiếng cánh cửa kẹt mở ra, lại đóng vào.

Từ nãy, ở bên ấy, luôn luôn có tiếng kẹt cánh cửa như thế.