Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Ông thở dài:

– Nhưng cũng phải đến ba khóa mới hòa vốn, ông ạ. Khóa này mới gọi là có lãi đấy.

Thừa không tin:

– Ba khóa mới hòa vốn? Cụ thử tính xem nếu tôi trả đúng như lời cụ yêu sách, thì ba khóa cụ thu được bao nhiêu?

– Tôi nói dối ông làm gì? Bởi vì đến bây giờ tôi mới thật buôn bán thạo. Khóa đầu, tôi ngớ ngẩn chỉ lấy lãi có đơ puốc-xăng[101], quên không đòi thêm xăng biết. Mấy lị tiền nằm, lãi chạy chứ? Xanh xăng biết của tôi bỏ ra ngày ấy, trong bao nhiêu năm, tôi phải tính lãi như tiền cho vay chứ! (*[101] Hai phân.)

Thừa cười:

– Thôi, nhưng cụ hòa vốn rồi, thì tôi xin cụ bớt cho chỗ một trăm. Cũng như cụ cho các cháu ăn quà.

Ông Lăng trợn mắt:

– Ăn quà gì mà những trăm bạc?

Rồi ông lắc đầu:

– Không. Việc nào đi việc ấy. Bao giờ tôi cho các cháu ăn quà, thì cho món khác. Anh em mình thân nhau thì thân thật, nhưng không nên lẫn lộn tình với tiền, cho nó làm hại nhau. Tôi hãy hỏi, ruộng của ông ở đồn điền, ông thu thóc trong bao nhiêu năm, chưa hòa vốn à? Sao đến bây giờ, ông còn thu thóc mãi?

Ông cười khì:

– Thời buổi người khôn của khó, gặp gì có lãi là phải buôn. Và việc buôn cử tri này cũng là một việc thầu, nghề của tôi thôi, ông ạ.

Ông lẩm nhẩm tính miệng, rồi tiếp:

– Nếu ông bằng lòng giá tôi định, là khấn tôi một trăm, với trả lại tiền tôi đưa trước cho sáu mươi ba người trung lập, với lãi tính rẻ, toa puốc-xăng[102], trong một tháng, vị chi tất cả chưa đầy bốn trăm đồng, thì lập tức ông có sáu mươi ba phiếu. Nếu không, tất tôi bán cho ông Nguyễn Thiện, chứ tôi giữ cử tri làm gì? Thì ông sẽ thua, xôi hỏng bỏng không, còn mang tiếng là nghị hụt nữa. Đối với tôi, tôi làm nghề nghị hụt quen rồi, cho nên dù thiên hạ có nói mấy, tôi cũng nghe nhẵn tai thôi. Miễn có lợi là được! (*[102] Ba phân.)

Thấy mình bị dọa, Thừa dọa lại:

– Vâng, xin y như cụ định. Nhưng cụ biết cho điều này, là nhượng bộ cụ, không phải tôi chịu nước lép đâu. Bởi vì tôi có thể điều đình với ông Nguyền Thiện cho anh ta rút đơn, để lấy phiếu tranh nhau với cụ. Hoặc muốn xấu với cụ, tôi rút đơn, mặc cụ đương đầu với Nguyễn Thiện. Khi ấy, hàng cụ ế, sẽ bị lỗ vốn liểng xiểng!

Ông Lăng sợ hãi, vội vàng xòe bàn tay:

– Nào, thế thì đưa tiền đây.

Thừa cười:

– Mai tôi xin nộp.

Ông Lăng lắc đầu, trỏ lên tấm lịch trên tường:

– Ông nên bay-đê[103] ngay hôm nay, kèo mai là ngày đầu tháng sau rồi, tôi lại phải tính thêm một tháng lãi nữa. Chả có ma phăm[104] nó không bằng lòng. Tội gì phí khoảng không thế, hở ông? (*[103] Trả tiền. *[104] Vợ tôi.)

Ông lấy bút, làm tính. Tất cả là ba trăm năm mươi bảy đồng bốn xu. Thừa mở ví, đưa ba tấm giấy một trăm và ba tấm giấy hai chục.

Ông Lăng móc tất cả túi quần túi áo của ông để lấy tiền lẻ. Được có hai đồng chín hào mốt. Ông đưa Thừa, vỗ vào vai và híp mắt cười để lấy lòng:

– Thiếu của ông năm xu. Thôi, cũng như ông cho các cháu ăn quà!

Thừa cũng cười:

– Vâng.

Ông Lăng trao cho Thừa tập phiếu bầu màu đỏ của sáu mươi ba cử tri của ông:

– Mai tôi xin rút đơn, và giao hẹn với sáu mươi ba người này. Ông có tin lời tôi, hay tôi phải viết mấy chữ lại cho ông chắc chắn?

Thừa lắc đầu:

– Không cần, cụ ạ. Tôi biết là không bao giờ cụ lừa tôi.

Ông Lăng bỏ tiền của Thừa vào túi, rồi hỏi:

– Ông với tôi, thế là dứt khoát việc mua bán, còn điều này tôi muốn hỏi, là ông có dùng tôi làm tham mưu đi lấy cử tri trung lập cho ông không?

Thừa có nhịn cười:

– Thôi, cảm ơn cụ, sợ cụ bận.

– Thế ông có muốn mượn cai Tuynh của tôi không?

Thừa thở dài. Ông Lăng tặc lưỡi:

– Thôi, tùy ông và tùy lúy nói chuyện với nhau. Chỗ ông với tôi là bạn, chỗ ông với lúy là thầy trò, không lẽ tôi bắt ông thuê lúy để kiếm chác ông lần nữa, chả hóa ra tôi bần tiện à?

Thừa tủm tỉm:

– Vâng, xin cụ cho tôi nghĩ, có gì cũng phải nhờ cụ bảo hắn ta hộ tôi.

§7. Trận quyết liệt

– Ông đội ơi! Ông cho tôi về nhà xem mẹ cháu sốt đã khỏi chưa. Hôm bỏ phiếu thế nào tôi cũng có mặt mà?

– Này, ông đội! Sao thằng cháu nó đến tìm tôi, ông lại không cho cháu vào? Ngộ ở nhà ông có công văn khẩn cần tôi về thì sao?

Với ông cử tri có vợ ốm, xừ Tuynh vừa lắc đầu vừa cười:

– Quan tôi tâm thành giữ ông ở chơi, thì ông cứ ở. Chốc nữa quan tôi đến nói chuyện. Ngộ thấy ông về, ông khác cũng về, thì quan tôi nói chuyện với ai? Ngài lại quở tôi.

Với ông cử tri lo công văn khẩn, xừ Tuynh cũng lắc đầu, nhã nhặn đáp:

– Có việc gì cần đâu? Tôi hỏi rồi. Bà chánh nhà cho cháu đến hỏi xem bao giờ ông về. Có thế thôi, ông cứ yên tâm.

Ông có vợ ốm thất vọng, phàn nàn:

– Ông bảo tôi đến đây, chả nói trước là ở lâu để tôi mang quần áo thay đổi. Thành thử người ngợm bẩn thỉu quá.

Ông lo công văn khẩn bực mình:

– Lại đặt ra cái lệ nội bất xuất, ngoại bất nhập. Ai phản thùng mà phải ngặt thế!

Xừ Tuynh không đáp nữa. Xừ lấy trống chầu, tay trái vừa giữ tang vừa bịt da mặt trống, tay phải cầm dùi, gõ thong thả ba tiếng một, để làm hiệu cho cô đầu. Rồi xừ sai người nhà lau bàn đèn, lấy thêm thuốc phiện, và một người chia bài tổ tôm:

– Nào, mời các vị! Vị nào kết mặt nào, xin vào việc thôi.

Từ hôm xừ Tuynh được ông Lăng bàn giao xừ cho Thừa làm tham mưu, mới một tuần lễ, xừ đã làm được khá nhiều việc.

Thì ra không những xừ là một người đánh điền tốt rất mẫn cán, mà còn là một kẻ cướp cử tri có tài.

Thừa biết người biết của, nên lại bạo tay dùng xừ.

Thừa đã phân tách kỹ lưỡng về xừ. Bảo rằng xừ làm hại con Rô-da-lin, thì đúng xừ là kẻ có tội. Bởi vì con bé năm ấy mới có mười hai tuổi đầu. Nhưng cứ lời con ranh con thú với Ma-ri, nếu hoàn toàn đổ trách nhiệm cho xừ, thì thật là oan. Vậy chỉ nên quy một nửa cho xừ thôi. Còn đối với Ma-ri, nếu bảo là xừ làm hại, thì thật là khôi hài. Bởi vì đời Ma-ri, có đợi đến năm gặp xừ Tuynh mới biết đến đàn ông thứ hai không? Thừa cho là chính mình cũng không phải là người đàn ông thứ hai của Ma-ri. Và trong suốt ngót hai mươi năm nay, nhiều người đàn ông khác cũng đã xen kẽ với hắn. Thế thì việc xừ với Ma-ri, chỉ là rất thường. Vả biết đâu lại không chính Ma-ri làm hại xừ. Chứ bụt trên tòa, gà nào dám mổ mắt? Thế mà xừ Tuynh lại là một người quản lý quý giá vô ngần. Có xừ thì lợi thế nào. Không có xừ thì hại thế nào. Cái đó rõ rệt quá rồi. Nếu phải cân nhắc công và tội của xừ, Thừa thấy xừ thu được đủ thóc là làm lợi cho Ma-ri rất nhiều. Thừa cần xừ làm cổ động viên trong những ngày này, rồi sau sẽ trông nom đồn điền.

Chỉ một việc làm nảy ra thóc, xừ cũng có thể chuộc hết tội lỗi.

Song, xừ Tuynh như con dao sắc. Dùng xừ thì phải dè chừng, để khỏi bị xừ làm đứt tay.

Trước hết, Thừa không cho con Rô-da-lin và con Ma-gơ-rít về ở Cẩu Rồng. Bây giờ chúng nó không đi học, thì không có nghỉ hè. Nếu có việc gì, chúng nó về thì ở một hai hôm thôi. Rồi lấy cớ là con gái đã lớn, có lắm bạn bè, không thể ở một mình trong đất phồn hoa, dễ bị khêu gợi cho hư thân mất nết. Thừa khuyên Ma-ri ở hẳn Hà Nội, để trông nom chúng nó.

Thế là không nói ra, sợ chạm vào tự ái của con và của vợ, Thừa đã cách ly khéo léo được xừ Tuynh với Ma-ri và với hai con gái hắn.

Có lẽ Ma-ri hiểu ý của Thừa, nên không phản đối. Hắn còn thích nữa là đằng khác. Bởi vì được ở Hà thành một mình không có Thừa bên cạnh để phải e nể, hắn được tự do làm chủ đời hắn. Hắn không phải lo lắng gì, sẵn tiền nhà đó, hắn tha hồ ăn tiêu, sắm sửa may mặc cho hắn và cho năm con. Hắn đưa con gái đi xem bói, xem số, kêu cầu ở điện cô Bé Tý, ở đình Hàng Trống, hắn đưa con trai đi xem hắn đánh chắn, đánh mạt-chược.

Việc cách ly lũ con gái nứt mắt đã ngứa nghề với người quản lý đĩ thõa, Thừa cho là mình khôn khéo, nhưng sự thực, hắn không tâm lý chút nào.

Con Rô-da-lin năm nay không còn là con Rô-da-lin mười hai tuổi. Không phải nó chỉ biết để mê có một người, là chú đội. Nó có rất nhiều bạn gái và bạn trai. Mắt nó sáng rồi. Nó phải tiến bộ hơn năm nó mười hai tuổi. Cho nên, nhớ lại việc nó với chú đội, nó chỉ giận thân là quá ngây thơ, và hối hận là quá dại dột. Một trang tiểu thư con nhà giàu tuổi hơ hớ, xinh đẹp, lại được mẹ nuông chiều, cho tiêu, cho diện, thì thiếu gì trai tơ thèm thuồng. Chứ nó thèm thuồng gì cái anh quản lý tuổi bằng bố nó, mà lại kiết, đồng xu chẳng dính đít?

Những bạn trai trẻ, đẹp, nhà giàu, con nhà danh giá, tranh nhau chiếm trái tim nó, nó còn cành cơi, gạt ra không hết. Có cả những cậu sắp đỗ đạt bằng nọ, bằng kia, hứa hẹn với nó những tương lai rực rỡ, nhưng nó vẫn treo cao giá ngọc. Chẳng tuần nào nó không nhận được những thư có dán tem, hoặc không dán tem, chữ nắn nót, lời văn hoa, nào là: Thưa quý nương, Ái Khanh hỡi, Rô-da-lin em, Bạch Hường yêu quý của anh ơi!

Thế thì nó còn thiết gì đến cái thứ chú đội?

Không những vậy, mỗi lần phải gặp chú đội, nó như nhìn thấy cái bướu, về Cẩu Rồng, nó không thèm nhìn chú. Có điều gì phải nói với chú, nó ngượng nghịu quay mặt đi chỗ khác. Nó muốn tránh thân hình người cũ, khỏi nhắc nó thấy nhục nhã với những bạn mới của nó.

Cho nên, không đùn được cho ai, bất đắc dĩ con Rô-da-lin phải về Cẩu Rồng, thì xong việc, nó đi ngay. Chứ không phải nó muốn ở lại để tình tự với chú đội. Luôn luôn thay cũ đổi mới là thường tình của con người, huống hồ là một con gái đến thì, như con bướm đậu rồi lại bay. Lại huống hồ là con Rô-da-lin có truyền thống, và được giáo dục kiểu con bướm.