Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Tối hôm ấy, Xuy-dan ngà ngà say, bèn giục Thừa thay quần áo để đi nằm. Nhưng Thừa vờ như không nghe tiếng. Có nên ở lại đây để ngủ với con gái của mình không? Lấy cớ gì để về Hà Nội? Hắn đã nói với Xuy-dan là mai mới đi kia mà? Tự nhiên mà bỏ Xuy-dan một mình tối nay, tất Xuy-dan không hiểu vì sao, sẽ buồn tủi! Lại thêm một việc làm Xuy-dan buồn tủi. Nhưng ở lại đây, không có chỗ nằm riêng.

Xuy-dan ở trong màn, gọi khẽ ra:

– Anh yêu quý! Đóng cửa lại. Ta ngủ sớm, anh ạ.

Xuy-dan rúc rích cười.

Nhưng Thừa muốn khóc. Hắn gọi:

– Em! Hãy dậy một tí.

Xuy-dan hỏi:

– Anh làm sao thế? Anh giận em đấy à? Em làm gì mà anh giận em? Đừng giận, anh yêu quý! Năm mới, tội nghiệp em. Rồi dông cả năm!

Nhưng Xuy-dan vốn ngoan ngoãn, biết nghe lời chồng, nên trở dậy.

Xuy-dan đến gần Thừa, ôm ghì lấy Thừa, rồi ngồi trên lòng Thừa, hôn Thừa rất lâu, và vỗ vào lưng, nũng nịu:

– Có điều gì anh không bằng lòng, anh cứ bảo. Đừng giận em, anh yêu quý. Chồng yêu quý của em!

Thừa đẩy khẽ Xuy-dan ra, cố dịu dàng nói:

– Anh không có điều gì giận em. Nhưng anh muốn hỏi về gia đình em. Bây giờ ta có con với nhau rồi, chẳng lẽ anh lại không biết tí gì về gia đình em hay sao?

Xuy-dan đáp:

– Em chẳng nói với anh rồi là gì. Hiện giờ, máu mủ em chỉ còn có hai cậu mợ.

Thừa gật đầu:

– Anh biết rồi. Nhưng còn ông cụ, bà cụ? Sao em bảo bà cụ là lai, thế mà anh trông ảnh thì không phải là người lai?

Xuy-dan cười:

– Anh, có bao giờ người làm nghề giang hồ, lại đi nói thật cha mẹ để bêu cha mẹ, hở anh? Nhưng không hiểu sao, đối với anh, lần ấy em cũng muốn giấu, nhưng chỉ giấu được có một nửa.

– Thế hôm nay em nói thật cả nhé.

– Vâng. Đã nhận nhau là vợ chồng thì chân tơ kẽ tóc cũng không giấu nhau. Anh ạ, em nói là em chỉ có giấu anh có một nửa. Bà cụ sinh ra em là lai thật, nhưng không phải lai Tây, mà là lai Thổ. Bà ngoại em là người Thổ.

– Thế ông ngoại em ở đâu lại lấy bà ngoại em là người Thổ?

– Ông em lấy bà em ở Đồng Đăng, ông em trước kia là đội đoan, sau thì buôn bán.

– Buôn bán gì?

– Em không biết.

– Ông em tên là gì, em có biết không?

– Em thấy má em nói là cụ đội Tri.

– Bà cụ sinh ra em tên là gì?

– Tên là Nguyễn Thị Múi.

Một nhát búa bổ đúng vào đầu Thừa. Xuy-dan cười:

– Tên quê lắm, anh nhỉ.

– Ông cụ sinh ra em tên là gì?

– Ồ, nào em có biết. Trong khai sinh, con hoang không có tên bố. Bây giờ em lấy họ Nguyễn, là theo họ mẹ đấy, anh ạ.

– Bà cụ có nói ông cụ làm nghề gì không? Một lần, em nói ông cụ làm báo mà?

– Tiếng làm báo mà em nói với anh là tiếng có ý nghĩa sang trọng. Nhưng tiếng làm báo mà bà cụ nói với em, là tiếng oán ông cụ báo hại bà cụ.

– Sao thế? Vậy ông cụ làm nghề gì?

– Bà cụ không nói với em lần nào về nghề nghiệp ông cụ. Nhưng có lần em nghe cậu em nói. Thì ra ông cụ làm cu li phu kíp ở ga Đồng Đăng. Không hiểu ông cụ tán tỉnh khéo léo thế nào, bà cụ em mới trót lầm lỡ, rồi có mang em.

Thừa tái mét mặt, lấy thuốc lá, nhưng tay run bắn lên:

– Thế ông cụ bỏ bà cụ à?

– Việc này, em không rõ. Nhưng cố nhiên là thế, cho nên bà cụ mới giận ông cụ.

Xuy-dan nghĩ một lúc, rồi thêm:

– Mà hình như ông cụ lừa bà cụ một món tiền thế nào ấy.

– Thế ông cụ chết bao giờ?

– Đầu đuôi thế này. Ông cụ đương làm ở Đồng Đăng thì đổi về Hà Nội. Rồi không hiểu thế nào không làm ga nữa, mới ra mở hiệu thuốc cao đan hoàn tán bán toàn cho nhà giàu thôi, anh ạ.

Thừa lại tái mét mặt, đánh rơi điếu thuốc lá xuống đất, và hỏi:

– Rồi ông cụ chết à?

Xuy-dan gật gù:

– Việc này em ngờ lắm. Bà cụ thì bảo với em là ông cụ chết rồi. Nhưng cậu em lại bảo là ông cụ còn sống. Bà cụ rủa cho ông cụ chết, vì coi người bạc mà bỏ mình thì như người chết đấy thôi.

Thừa thở dài.

– Thành thử em phân vân quá, không biết ông cụ còn sống hay đã chết. Song, là con thì phải tin nghe mẹ, nên em cứ cho là ông cụ chết rồi, em mới thờ cả hai ông bà.

Nói xong, Xuy-dan lật tấm nhiễu trùm ảnh, cười lạt và nói giọng đau đớn:

– Anh xem. Giấy khai sinh không có tên cha, thì ảnh thờ cũng thiếu ảnh cha! Khổ cho đứa con hoang chưa! Em chỉ mong rằng, nếu đúng là ông cụ chết, thì sống khôn chết thiêng, ông cụ báo mộng cho em biết tên ông cụ là gì, để em điền vào bên ảnh khuyết cho đỡ sái.

Xuy-dan tiếp:

– Mẹ em đã khổ nhục suốt đời, em cũng khổ nhục mấy năm nay thay mẹ, bây giờ trời xui khiến cho em được làm vợ anh, thì con Băng Tuyết khỏi phải khổ. Nó không là đứa con hoang. Chứ nếu anh không nhận nó, thì em lại khổ nhục suốt đời như bà cụ nhà em. Và con bé cũng vì bà, vì mẹ, mà khổ nhục. Mà nó, thì em chắc nó khổ nhục suốt đời chứ nó không được như em. Vì ở đời này, tìm thế nào được cho nó, người thứ hai như anh!

Xuy-dan thở dài:

– Lắm lúc em được anh cho hạnh phúc, em cứ tin là bà cụ linh thiêng, run rủi cho em gặp anh. Em còn nghĩ đùa rằng hay là trời bắt anh ăn ở thay cho ông cụ sinh ra em chăng!

Thừa như bị một roi quật vào tim. Xuy-dan nũng nịu, ôm lấy Thừa:

– Chả phải thế, anh nhỉ.

Thừa nhìn đồng hồ:

– Anh trót hẹn với ông tham Giảng là giờ này thì gặp ông ta. Em cứ đi ngủ trước nhé.

– Vâng. Gặp làm gì? Đánh tổ tôm à? Độ ba hội thì về với em nhé. Em thức chờ. Đừng để em đợi suốt đêm nhé.

Thừa sực nghĩ đến Múi ở buồng số tám trong săm Đồng Lợi. Đêm nay, Xuy-dan lại diễn ra cái cảnh ấy của mẹ Xuy-dan đây. Bởi vì hắn không thể ngủ với con gái hắn lần nữa. Hắn kiếm cớ để ra khỏi nhà này mà về ngay Hà Nội đêm nay.

Thừa đứng dậy. Hắn phải vịn vào tay ghế cho khỏi ngã, bước từng bước đến mặc áo, rồi bước từng bước đến tủ áo. Hắn mở két, lấy hết tiền bỏ vào cặp, rồi lừng lững ra cổng.

Xuy-dan rất ngạc nhiên, nhìn theo Thừa từng cử chỉ. Rồi Xuy-dan ra cổng với Thừa. Xuy-dan nắm lấy tay Thừa và dịu dàng dặn:

– Về sớm kẻo em mong nhé!

Thừa ra khỏi nhà, như thoát nạn. Hắn mở cửa xe mãi không được. Xuy-dan phải đỡ hộ.

Thừa trèo vào trong xe. Xuy-dan ngó đầu vào:

– Nhớ nhé. Về sớm kẻo vợ con mong. Đừng đánh suốt đêm mà em tủi, em khóc đấy. Mồng một đầu năm ở nhà với vợ có vui không!

Thừa ù tai, như không nghe rõ gì. Xuy-dan lại nói:

– Dễ thường anh làm sao ấy. Hay là còn say?

Thừa không đáp. Xuy-dan cố trách đùa để kể tội:

– Anh ạ, lần đầu tiên anh ra khỏi nhà, anh không hôn em nhé!

Như một cái tát làm nảy đơn đóm mắt, Thừa mở máy. “Lần cuối cùng, thằng khốn nạn ạ”. Hắn nghĩ thế.

Xuy-dan vào nhà, tay còn vẫy Thừa. Rồi cánh cổng khép đánh ập.

Tim Thừa đau nhói. Tiếng cửa buồng số tám của săm Đồng Lợi.

§17. Chiếc xe xuống dốc

May mắn cho Thừa, đầu óc hắn rối loạn, day dứt thế, nhưng cũng lái xe về đến Hà Nội được an toàn.

Đến cổng, hắn bấm chuông gọi.

Chờ một lát, chẳng thấy ai ra mở, hắn lại bấm chuông lần nữa. Hắn vắt tay phía sau, cúi đầu, đi đi lại lại.

Vẫn chẳng thấy người ra. Sốt ruột làm sao.

Nhìn vào các buồng trên gác, Thừa thấy buồng nào cũng còn sáng đèn. Có những tiếng cười nói vang vang. Vì óc bị ám ảnh, nên nhìn nhà mình, Thủa tưởng tượng như nhà săm Đồng Lợi. Hắn thở dài. “Nhưng Múi chết rồi”. Rồi hắn nghĩ tiếp: “Bây giờ Xuy-dan đang chờ”. Hai lúc… hai nơi… hai người. Nhưng vẫn là một: một tâm sự. Một tâm sự của hai người bị nạn một kẻ bạc ác!

Thừa lại bấm chuông và lắng tai. Hắn ngạc nhiên. Chuông không kêu. Chắc là máy hỏng.

Hắn cáu kỉnh, bèn vặn cho ô-tô lên hè, sát vào hàng rào sắt. Hắn trèo lên mui xe, làm bậc, để lên mặt tường, rồi trườn vào phía trong.

Hắn mở cổng. Rồi cho xe vào nhà.

Đèn pha chiếu rực trong sân. Ở trên gác, có những cái đầu ngó ra. Bỗng hắn thấy từ trong nhà xe, thằng bếp với con sen hốt hoảng chạy ra.

Hắn hiểu ngay vừa rồi, chúng nó đương làm gì.

Hắn bực lắm. Nhưng hắn mệt nhọc và chán nản quá. Như có cái gì vướng trong óc hay trong miệng. Hắn muốn hoạnh tội chúng nó mà không sao nói được. Xe vào nhà, thì bỗng phải dừng lại. Giữa nhà, lù lù có chiếc chõng.

Không nhịn được, Thừa quát rầm lên. Thằng bếp vội vàng chạy vào cất chõng.

– Bà với các cậu, các cô đâu?

– Thưa bà con đi vắng. Các cậu, các cô ở trên gác.

Thừa cất xe xong, thì đi chữa chuông. Nhưng chuông không hỏng. Nó chỉ bị tháo một dây truyền điện đến thôi. Hắn biết là mưu mô thằng bếp muốn được yên tĩnh hú hí với con sen. Hắn toan đánh nó. Nhưng tay hắn rã rời. Hắn quắc mắt nhìn nó, rồi đi tuột lên gác.

Hắn qua các buồng con trai, các buồng con gái. Buồng nào cửa cũng đóng. Chúng nó còn thức cả, nhưng thấy bố về mà vẫn thản nhiên. Thừa bực dọc. Mọi bận như vậy, hắn đã mắng chúng nó rồi. Nhưng lần này, hắn chỉ thở dài.

Thừa cởi quần áo. Tắt đèn. Nhưng ngủ sao được đêm nay? Hắn muốn ngồi tối để mắt không thể nhìn thấy xung quanh. Tâm hồn được yên tĩnh. Giờ này, Xuy-dan cũng đang thức đây. Tâm sự của Xuy-dan bây giờ có khác gì tâm sự của Múi hai mươi năm về trước? Chờ đợi và tuyệt vọng!

Thừa bắc ghế ra hiên gác. Hắn ngồi nhìn ra đường. Đầu óc hắn để ở Hải Dương. Đầu óc hắn để ở săm Đồng Lợi.

Đầu óc hắn tưởng tượng cảnh hiện tại. Đầu óc hắn trở về với quá khứ hai mươi năm trước. Hắn nghĩ đến Xuy-dan, nhớ đến Múi. Hắn thở dài. Rồi hắn bưng mặt khóc.

Bỗng có tiếng sắt rít lên đưa Thừa về với thực tại. Hắn nhìn xuống. Cánh cổng hé mở. Một người ra. Một lúc lâu, cánh cổng lại rít lên và hé mở. Lại một người ra. Trong độ một giờ đồng hồ, cứ như thế bốn lần. Bốn người ra. Thừa nhìn rõ. Hai người là con trai, hai người là con gái.

Thừa biết ngay hai người con trai không phải là bạn của thằng Pôn và thằng Giăng. Hai người con gái không phải là bạn của con Rô-da-lin, con Ma-gơ-rít, hay con Ca-mê-li-a. Hắn đã trông rõ thằng Pôn đưa con mặc áo nhung đen ra cổng, và con Ca-mê-li-a còn thò tay qua kẽ cổng chưa đóng ghịt để vẫy vẫy thằng con trai mặc bộ len màu xám sắt.

Thật đúng là săm Đồng Lợi đây! Thừa chán nản nghĩ thế. Hắn cáu kỉnh với lũ con hư. Nhưng hắn nghĩ tiếp. Đêm nay trong săm Đồng Lợi này, không có ai phải mong chờ ai từng giờ từng phút. Cũng không có ai phải rón rén xuống gác như thằng ăn trộm. Thừa không dám cáu kỉnh với lũ con nữa.