Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Trong khi ấy, Ma-ri ở luôn tại Hà Nội, để dạm bán cái nhà ở phố Hàng Kèn. Hắn cần tiền sắm mũ áo cho Thừa, và mua đồ đạc trong buồng khách, buồng ăn, buồng ngủ, sang trọng nhất. Còn bao nhiêu, để tiêu dần. Ma-ri biết là tri châu thì túng. Mà đã là quan, thì có lắm khoản phải cung phụng. Thừa còn mới, chưa thạo xoay tiền dân. Các châu trên thượng du, lại chẳng có châu nào béo bở. Ma-ri cho là Thừa làm tri châu, chẳng qua để nhận lấy chân thôi. Rồi dăm ba tháng, một năm, dòm thấy chỗ nào tốt, thì sẽ cậy cục đổi tới. Hoặc đến dịp thăng thưởng, sẽ lo đi tri phủ, và có chạy để về vùng xuôi.

Thấy ông phán Thanh mách rằng quan thống sứ gửi công văn về Vĩnh Yên, lấy ý kiến quan công sứ, Thừa càng yên trí. Vị quan đầu tỉnh Mát-xi-li có cảm tình với hắn, sẽ không phản đối đâu. Chắc chắn chỉ một tháng nữa, hắn sẽ nhận được nghị định đi nhậm chức.

Song, Thừa không khỏi không nóng ruột muốn biết tin. Hắn nhờ ông tham Huân nghe ngóng hộ. Đến một tuần lễ, ông tham đầu tòa vẫn úp úp mở mở, không nói rõ. Ông vòi Thừa phải cho ông cái gì. Thừa biếu ông một hộp đựng thuốc lá bằng đồi mồi. Hai hôm sau, ông về tận Cẩu Rồng báo tin mừng. Ông ôm lấy Thừa, bắt tay thật lâu và thật chặt, khiến Ma-ri đứng nhìn mà cũng hồi hộp thay, ông hớn hở:

– Cụ lại tư xin cho bác đạo tưởng lục nữa. Mừng quá!

Cả Thừa lẫn Ma-ri đều hẫng người.

Cái lâu đài xây dựng trong óc đôi vợ chồng này bỗng sụp đổ, làm họ như ngã từ trên cao xuống đất.

Ông tham giảng để an ủi:

– Hai bác ạ. Hai đạo tưởng lục trước là cụ cho, chỉ là tờ giấy khen thưởng. Đạo tưởng lục này cụ xin cụ thống cấp, mới là cái bằng hẳn hoi.

Thấy cả hai ông bà Hàn đều ỉu xịu, ông tham trợn mắt, nói thầm để mách một tin quan trọng:

– Cụ chỉ tư xin cho bác tưởng lục, vì cụ phàn nàn là bác phớt cụ. Việc trong tỉnh Vĩnh Yên là của cụ, mà bác lại đi trình tận Hà Nội kia!

Thừa thở dài. Ma-ri lẩm bẩm:

– Nhà này có thiếu giấy chùi đít đâu mà cứ ấn mũi tưởng lục vào!

Hắn không thết cơm ông tham Huân.

Và đến tối, hai vợ chồng cãi nhau.

Ma-ri lại giở giọng chua ngoa, nhiếc móc Thừa suốt đời hèn kém, may được sang là vì vợ. Hắn đay nghiến Thừa ác, cho nên để họa cho các con.

Thật thế. Thằng Pôn, con Rô-da-lin, con Ma-gơ-rit phải đuổi ở trường công, xin vào trường tư, người ta cũng không chịu được. Thằng Giăng mách rằng thường anh nó không đến trường. Nó đút sách vào túi quần, đi lượn phố chim gái, hoặc rủ chúng bạn vào nằm tiệm hút ở phố Mã Mây. Thằng Pôn nằng nặc đòi cha mẹ cho sang Tây để học. Nó nói rằng ở bên ấy thi dễ, thế nào nó cũng đỗ được cử nhân luật, để về nước làm quan. Cảnh học luật ở bên Tây, Thừa đã biết rõ. Một tuần lễ, sinh viên chỉ đi nghe giảng có một lần. Ai vắng mặt, giáo sư cũng không biết. Có cậu đến giảng đường, dắt cả nhân tình ngồi bên cạnh. Không ai để ý nhìn, thì cô cậu bấu chí nhau, ôm ấp, hôn hít nhau.

Hai con Rô-da-lin và Ma-gơ-rít bây giờ đã bỏ học. Bởi vì con Ma-gơ-rít thấy chị không đi nhà trường, thì nó cũng đòi được bỏ học sớm, cho đầu óc nghỉ ngơi. Nó viện lý rằng con gái không cần học, sau này, lấy chồng thì nhờ chồng. Không muốn là hạt mưa sa, hai đứa tự định đoạt lấy tương lai. Ngay từ bây giờ, chúng nó phải phấn sáp, đứng cửa ngắm trai, để chọn lấy người tri kỷ.

Con Rô-da-lin còn ghen với con Ma-gơ-rít, vì con này đẹp hơn nó, lại trong trắng hơn nó. Hai đứa muốn hại ngầm nhau, thường giấu của nhau cái lược, hộp phấn, chiếc giày, và trẩm của nhau những thứ của con trai gửi đến.

Một lần về Hà Nội, Thừa thấy gian nhà dưới rỗng tuếch, bàn ghế tiếp khách dọn đi hết. Thừa hỏi, thì con Ca-mê-li-a khoe:

– Chúng con đương học khiêu vũ, tiến bộ lắm, pa-pa ạ. Năm anh em chúng nó thuê một người đến dạy nhảy. Người này là giáo sư Giuyn Đốt. Giuyn là tiếng Pháp. Đốt là tiếng nước nào, viết rất khó đọc: Dod’s.

Thấy ba đứa lông nhông vô nghề nghiệp, nói năng thường với nhau cũng bằng giọng hát cải lương, bước chân đi lả lướt đôi cẳng theo nhịp nhạc nhảy đầm, Thừa định bắt chúng nó về đồn điền, học làm ăn. Nhưng chúng nó không nghe. Ma-ri bênh chúng nó, nói rằng sợ chúng nó buồn.

Thế thì bao giờ Thừa dứt được công việc ruộng nương này mà thay ông Bạch Thái Bưởi, để làm to hơn ông ấy.

Hắn tiếc anh Xi hiền lành mà dại dột, nghe cộng sản cho ăn bùa bả, đến nỗi bây giờ phải tù tội, khổ sở. Anh nghèo, sao không cam phận nghèo, chịu khó mà làm ăn?

Hắn cũng tiếc xừ Tuynh là được việc, nhưng lại phản chủ. Nếu Ma-ri cứ muốn giữ cơ nghiệp cho con Rô-da-lin sau này, thì đến nước phải muối mặt, gọi xừ Tuynh về làm quản lý thật. Thôi thì chuyện cũ bỏ đi. Vả có làm gì cái vặt? Thu được thóc mới là cái lớn.

Đêm ấy, Thừa trằn trọc, không sao ngủ được. Tương lai rồi ra sao đây? Hắn càng nghĩ càng chán ngán. Hắn không hiểu vì sao quan đầu tỉnh Vĩnh Yên nỡ nghiệt ngã với hắn, để công lao hắn phải bố trí, thức mấy đêm trường, thành ra công cốc.

Hắn nhớ lại hình ảnh anh Lâm và anh Xi bị đòn. Hắn sực hồi tưởng cảnh ngày trước của hắn, bị thằng Tu-nô nó đánh. Hắn thương hại hai anh.

Hắn không ngờ là hắn hy sinh một người em vợ cũ đã chết oan vì hắn. Hắn hy sinh một người bạn cũ đã cưu mang hắn trong lúc khó khăn, mà chỉ được có cái bằng tưởng lục vô bổ. Hắn tưởng nếu không được bổ tri châu, thì ít ra cũng được thưởng mề-đay, kim khánh, để đi đâu thì đeo ở ngực. Tưởng lục, hắn ngấy rồi. Hắn còn lo nữa. Không rõ phủ Thống sứ ghi công hắn thế nào. Nếu biết rõ là bắt cộng sản, thì thật không phải thưởng, mà lại là phạt. Hắn sẽ bị bêu riếu là làm mật thám, làm chó săn. Những tiếng phản đảng, phản quốc mà người đời chửi đội Dương, chửi thừa Mai, hắn biết là đã làm hai tên này nhục lắm.

Thừa buồn bã.

Kém ngủ, hắn lại kém ăn.

Muốn tránh cho Ma-ri khỏi làm tình làm tội, Thừa bảo với Ma-ri là hắn đi Hải Phòng để tiếp tục giao thiệp với hãng Phúc Lai Thành về việc mua tàu.

* * *

Cố nhiên là đến Hải Phòng, Thừa lại vào nhà An-na Phán để gặp Xuy-dan.

Xuy-dan thấy Thừa thì mừng rỡ:

– Em tưởng là anh quên em rồi.

Thừa mỉm cười:

– Anh không quên. Tại anh bận.

Đến tối, Xuy-dan hỏi Thừa:

– Anh không đi với em khác à? Nhà này thiếu gì người đẹp hơn em?

Thừa nắm tay Xuy-dan:

– Tại anh yêu em!

Xuy-dan cười lạt, rồi vuốt mái tóc của Thừa:

– Sao trông anh hốc hác hơn ngày nọ thế? Anh ốm à?

Thừa đùa:

– Phải, anh ốm. Anh nhớ em, anh ốm tương tư.

Bỗng Xuy-dan sa sầm nét mặt:

– Anh cứ quen mồm nói những tiếng làm cho em thêm tủi. Anh là người làm ăn, em là gái giang hồ. Anh dùng đồng tiền để mua em làm vui. Em lấy đồng tiền của anh để bán vui cho anh. Anh với em liên lạc với nhau bằng đồng tiền. Cho nên em van anh, từ nay về sau, anh đừng dùng những tiếng cao quý nó làm em tủi hổ về cái nghề đê hèn của em.

Thừa nắm tay Xuy-dan:

– Anh xin lỗi em. Em của anh khó tính quá.

Xuy-dan cười:

– Em không khó tính đâu. Có người biết những lời nói là giả dối, nhưng vẫn thích nghe. Không được nghe thì giận. Nhưng em nghe những lời giả dối thì em buồn. Bởi vì có bao giờ em dám nghĩ là được khách làng chơi yêu với tương tư! Sở dĩ anh đi với em mà không đi với người khác, vì anh đã hỏi chị An-na, biết là em không có bệnh. Vả lại anh cũng chắc chắn là em hết sức chiều chuộng theo ý muốn của anh, để bõ lần trước anh đã chi cho em quá sộp.

Thừa cười bằng cái cười thương hại:

– Em mới ngần này tuổi đâu, đã sống mấy, mà có vẻ chán chường quá lắm thế?

Xuy-dan không đáp.

Đến đêm khuya, Xuy-dan hỏi:

– Sao anh lại lấy tên Tây? Tên ta anh là gì?

Thừa đáp:

– Anh không có tên ta. Thầy mẹ anh đặt tên anh là An-be ngay từ thuở đẻ anh.

– Anh làm nghề gì?

– Anh buôn gỗ.

– Ở đâu?

– Ở Lạng Sơn.

– Anh có lên Đồng Đăng bao giờ không?

– Không. Ngay Lạng Sơn anh còn ít ở nữa là.

– Thế thì buôn thế nào?

– Anh chỉ ở Hà Nội nhiều, vì có bến gỗ ở Yên Phụ. Còn ở Lạng Sơn, anh để người thư ký làm việc thôi.

– Thế mà anh nói là buôn gỗ ở Lạng Sơn.

– Thì gỗ chả ở Lạng Sơn tải về, thì ở đâu?

– Có thư ký, thì hẳn hiệu buôn của anh to nhỉ.

– Khá thôi.

– Bao giờ anh đi Lạng Sơn, anh cho em đi với nhé.

– Được.

Xuy-dan cười:

– Nói vậy, chứ đời nào anh cho em đi. Vả em cũng chả dám đi với anh, sợ làm anh mất thể diện.

Thừa cũng cười:

– Thế bây giờ đến lượt anh hỏi em nhé.

-Vâng.

– Tại sao tên em là Thúy-gian?

– Em không biết.

– Mẹ em là người lai, bố em là An-nam phải không?

Xuy-dan không đáp, chỉ thở dài.

– Tại sao em ăn nói thì ra người lịch duyệt, lại là cái lịch duyệt của người chán chường? Đời em đương trẻ, đương vui, kia mà?

– Trẻ, nhưng làm nghề này là nghề mất vui. Anh bảo nếu em không lịch duyệt và không chán chường, thì chịu sao được nghề này?

– Thế em thích làm nghề này à?

Xuy-dan thở dài:

– Đời hất hủi em vào nghề này. Em làm nghề này để báo thù đời. Cũng là số kiếp em thôi, anh ạ.

– Em có muốn làm nghề này mãi không?

– Ai dại gì mà muốn khổ, hở anh? Nhưng hiện nay thì em vẫn cứ muốn trả thù đời, khổ mà trả thù được nên em không thấy khổ.

– Em trả thù đến bao giờ?

– Biết đến bao giờ?

– Ngộ bây giờ có người muốn lấy em làm vợ, thì em nghĩ thế nào?

– Em chưa nghĩ đến điều ấy, vì chưa ai muốn lấy em. Còn như anh hỏi là ngộ, tức là ví dụ, thì em không cần nghĩ cho vô ích.

– Sao thế?

– Phải có người thực nói rằng muốn lấy em, thì em mới phải nghĩ xem họ nói thật hay định lấy lòng em, hay định lừa em chứ? Và nếu là lời thật, thì em phải xem xét rằng lấy người ấy, có hơn gì đi giang hồ không chứ.

– Em có tâm sự gì đáng buồn lắm à?