Thừa lấy làm lạ, không hiểu sao ông ký Bưởi có óc kinh doanh lớn lại sợ không địch nổi với ô-tô-buýt. Ô-tô-buýt chạy trên bộ. Tàu thủy chạy dưới sông. Ô-tô-buýt có đường riêng của nó. Tàu thủy cũng có đường riêng của nó. Hành khách bên đường cái, có ô-tô-buýt, thì đi ô-tô-buýt cũng như hành khách bên bờ sông, có tàu thủy thì đi tàu thủy, chứ tàu thủy cướp sao được khách trên đường cái, mà ô-tô-buýt cướp sao được khách trên bờ sông?
Lý luận như vậy, Thừa quyết định buôn tàu thủy. Nhưng hắn thấy ngay cái vướng mắc. Hắn lại lên giường, nằm vắt tay lên trán.
Nếu buôn tàu thủy, thì Ma-ri có cho hắn bỏ cái đồn điền này không? Ai trông nom cho Ma-ri? Thà có một người quản lý tốt, có thể giao hẳn cho người ấy. Thật ra, hắn cũng biết một mình Ma-ri không thể đối phó nổi với những khó khăn mới nảy ra ít lâu nay trong nghề làm chủ đồn điền.
Thừa chợt nhớ đến xừ Tuynh. Hắn thở dài. Hắn trót đuổi xừ rồi, không lẽ bây giờ làm thế nào. Có xừ làm quản lý, hắn rất rộng cẳng. Dù thiên tai mấy, thì sau mỗi vụ gặt, xừ thu chẳng sứt một hột thóc. Mà thóc đẹp, mẩy, phơi khô, quạt sạch. Tá điền nào mới hở ra một tí là định dây dưa, ấy là xừ trị liền. Xừ đánh, hoặc sục vào tận nhà, bắt kỳ được đồ đạc trước. Lạy van, kêu khóc, xừ bỏ ngoài tai hết. Giá mà xừ hẳn hoi như người ta, chơi đâu thì chơi, chọc đâu thì chọc, đừng có chọc ngay vào mắt chủ, có phải bây giờ xừ được nhờ bao nhiêu không! Bây giờ tìm được một người có nhiều đức tính làm quản lý, như xừ Tuynh, thật là khó.
Thừa hối hận việc đuổi xừ Tuynh là hắn làm quá. Thật ra thì tội của xừ không đáng trừng phạt nặng như thế. Hắn không ghen với xừ đâu. Nếu ghen, thì hắn phải ghen suốt đời với nhiều người, chẳng cứ gì một lần với xừ. Và hắn có yêu Ma-ri nữa đâu mà ghen. Chẳng qua thấy xừ ôm Ma-ri ngay trên xe, thì hắn tự ái, và lúc ấy, hắn đương nghĩ bực cái việc ly dị với mẹ Mão không xong, thì giận cá chém thớt, hắn nổi nóng bừng bừng. Mà lúc nóng thì hết khôn.
Bây giờ hắn cần người quản lý cái đồn điền này quá. Không có quản lý, hắn không thể dứt ra để đi buôn tàu, kiếm lãi mà ăn tiêu phong lưu như mấy năm trước được.
Thừa sực nghĩ đến anh Xi.
Hay là gọi anh Xi, giao quách ruộng nương cho anh trông nom hộ?
Tuy anh Xi không cương quyết được bằng xừ Tuynh, nhưng anh là người cũ. Hắn biết tính anh, mà anh cũng thuộc tính hắn. Anh chỉ phải cái khái. Nhưng là khái vặt thôi, chứ khốn nạn, có khái to tát gì cho cam! Anh Xi không quen nghe nói nặng. Thì hắn ngọt ngào. Có khó gì? Lời nói chẳng mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau. Câu phương ngôn dạy thế, theo đúng thì bao giờ cũng có lợi.
Anh Xi có một điểm quý nhất, là đối với đồng tiền phân bạc, anh rất phân minh. Ngày trước, hắn đã giao hàng trăm cho anh, mà chẳng suy suyển một nửa đồng trinh nào. Không rõ anh Xi có muốn làm quản lý hay không? Làm quản lý thì nhàn, không phải quanh năm đánh vật với trời với đất mới có cái ăn. Làm quản lý thì vợ chồng con cái được ở nhà ngói. Và đến vụ này, anh bắt đầu phải nộp thóc đây. Thì làm quản lý, anh không những không phải nộp thóc, còn được thu thóc. Mà thu thóc, thì tha hồ mà ra oai. Vô khối người sợ. Chẳng phải sợ ai.
Nhưng Thừa cho là chưa nên bàn với Ma-ri về việc dùng anh Xi vội. Phải đợi một vài lần gặp khó khăn, thì hắn nói, Ma-ri mới chịu. Hắn biết Ma-ri ghét anh Xi lắm. Mà anh Xi thì khinh Ma-ri là Tây lai, lại thù Ma-ri là đồ đi cướp chồng người. Nhưng Thừa cho là sự hằn học giữa hai người không có gì là khó giải quyết. Hắn sẽ giảng cho Ma-ri hiểu là có dong kẻ dưới mới là người trên. Mình tử tế trước, đạt lượng trước, thì tự khắc người ta phục mình, vả mượn ai làm việc gì, chỉ nên nhìn ở việc ấy, xem có chạy không. Chứ đi mà xét nét những ý ăn ý ở lặt vặt, rồi sẵn lòng căm giận trước, thì dễ nhìn sai nghĩ lệch về người ta lắm! Có khi người ta làm việc này, nói câu này, thẳng thắn hẳn hoi đấy, nhưng mình cứ nghi ngờ, rồi bẻ ra queo, để hằn học, thì chỉ tổ chuốc lấy cái bực vào mình.
Thừa chắc Ma-ri vốn thông minh, thì dễ hiểu lẽ phải. Vả lại, bất đắc dĩ rồi, không dùng anh Xi thì dùng ai? Hẳn là mấy ngày đầu, mấy tháng đầu, Ma-ri chưa tin anh Xi là tốt đâu. Thừa sẽ lựa từng việc, lụa từng cử chỉ của anh, nói vào cho anh, làm cho Ma-ri chuyển dần. Rồi sau hết, thế nào Ma-ri cũng nhìn rõ giá trị của anh. Nếu anh Xi làm quản lý, mà Ma-ri cứ nan hóa kiểu nữ nhi thường tình, thì Thừa sẽ dồn Ma-ri vào chỗ bí, hỏi rằng một là chịu đụng một tí để được thu đủ thóc, hai là không mượn anh để tình trạng thua thiệt kéo dài, Ma-ri chọn đàng nào? Nếu Ma-ri cứ vẫn khăng khăng giữ thành kiến với anh Xi, Thừa sẽ mặc, Ma-ri thấy ai hơn anh Xi thì đi tìm về mà dùng. Hay muốn bán đồn điền đi, thì tùy.
Điều đình với Ma-ri xong, Thừa sẽ điều đình với anh Xi. Thừa chỉ bảo anh suy nghĩ để so sánh xem làm ruộng nhờ đất của đồn điền hơn, hay làm quản lý cho đồn điền hơn. Còn như cái việc Ma-ri là Tây lai, Ma-ri cướp chồng của mẹ thằng Mão, thì có can dự gì đến anh? Anh thiệt hại cái gì? Hắn chỉ cần tìm lý do, để giảng giải cho anh nghe thủng về hai việc mới đây làm anh đau khổ thôi. Một việc là anh bị bắt oan. Một việc là vợ anh bị Ma-ri đuổi, không đỡ đẻ, làm cho con anh chết và vợ anh ốm. Việc thứ nhất, Thừa đã thanh minh nhiều lần với anh rằng vì tình cờ mà anh bị bắt oan với những người khác, chứ không phải vì hắn bố trí cho họ đến nhà anh để nhà nước bắt cả anh. Chứng cớ là không phải làm chính trị, chỉ là bị bắt lầm, cho nên cả anh lẫn những người buôn thuốc phiện đều được tha ngay, về điều này, có lẽ anh đã thấy xuôi tai rồi. Còn việc thứ hai, Thừa sẽ nói cho anh biết rằng, phong tục nước ta như thế, sinh dữ tử lành, ai dám cho người ngoài vào đẻ ở nhà mình, để phải bại hoại. Thế thì Ma-ri kiêng là phải. Vào địa vị anh, nếu ai xin đến đẻ ở nhà anh, anh có cho vào không? Ừ, ví thử anh là đàn ông, không tin nhảm, thì hãy hỏi vợ anh có giúp người ta hay cũng đuổi quầy quầy như Ma-ri đã xử với vợ anh? Vả lại, có điều này là điều chính, người ngoài không biết, nhưng anh phải rõ hơn người ngoài. Ngày trước, Ma-ri được gọi là cô đốc, thì anh có thấy Ma-ri biết thuốc men, chữa chạy cho ai và đỡ đẻ bao giờ không? Vậy sở dĩ Ma-ri không giúp vợ anh, là vì không biết nghề chứ không phải vì độc bụng. Do người ngoài lầm, nên Ma-ri bị mang oan tiếng ác với chị. Còn như con anh chết, vợ anh ốm, là lỗi ở cô đỡ bỏ nhà thương đi chơi đêm, chứ tội đâu ở Ma-ri, mà Ma-ri cũng bị oán?
Anh Xi là người biết phải trái, nghe phân trần như vậy, chắc anh hiểu. Anh hiểu rồi, thì anh phải nói cho vợ anh cùng hiểu, đừng hậm hực nữa. Rồi vợ chồng bảo nhau, thu xếp vào dinh mà ở, làm quản lý, hưởng lấy an nhàn.
Thời buổi kinh tế khủng hoảng rồi làm ăn mỗi ngày một khó khăn thêm, không mỗi chốc kiếm được việc, huống chi là có việc được mời đến, lại không làm. Làm quản lý trong dinh, anh có chỗ thế lực mà nương tựa. Không những anh không phải đầu tắt mặt tối quanh năm mà vẫn phải lo nự, lo nộp thuế, lo nộp thóc, mà còn chợt lúc nào nhà nước bắt đi phu, là cả gia đình đói khát lúc bấy giờ. Không những vậy, là bạch đinh, anh còn bị bắt nạt, ức hiếp, mắng chửi, đánh đập. Ai bênh anh? Anh kêu ai? Anh đã từng bị thế, chứ có lạ gì?
Thừa phải gặp anh Xi, nói chuyện kỹ cho anh và nhất là cả cho vợ anh suy hơn tính thiệt. Nghề đàn bà vẫn thiển nghĩ. Dù anh khái mấy, nhưng vợ anh nhất định là tham lam, tất thế nào cũng bắt anh phải bằng lòng.
Nhưng nếu anh Xi vẫn khái vặt, không bằng lòng làm quản lý thì sao? Nghĩ đi, Thừa phải nghĩ lại cho hết lẽ.
Nếu đồn điền này không có người trông nom tốt, mà cứ mỗi vụ thu một kém trước, dần dần đến không được hột thóc nào, thì thà giũ nó trước đi thì là hơn. Ôm rơm làm gì cho thêm rặm bụng?
Nhưng đồn điền này là của Ma-ri. Bán hay giữ là quyền của Ma-ri, Thừa không quyết định được.
Thừa xem ý Ma-ri, thì biết rằng Ma-ri muốn giữ đồn điền để sau này cho riêng con Rô-da-lin. Vốn Ma-ri biết rằng Thừa không coi con bé ấy như con đẻ. Thừa chỉ nhượng bộ, nhận là bố của đứa con anh cha đạo trong khai sinh, cho Ma-ri đỡ tủi là có con đẻ hoang thôi. Một đôi khi, vợ chồng trò chuyện với nhau về tương lai, chia gia tài cho những đứa nào, cái gì, thì Ma-ri đã xí trước cái đồn điền Cẩu Rồng cho con Rô-da-lin. Vậy của riêng của bố, thì con được hưởng là đúng, vả lại, hẳn Ma-ri đoán rằng tất bốn đứa kia, mỗi đứa được một nhà và một biệt thự. Còn một cái lẻ, Thừa và Ma-ri không chia cho ai, để dành làm của dưỡng lão. Chứ con Rô-da-lin chẳng hòng được tơ hào. Cho nên Ma-ri càng thương con bé, nhất là từ ngày vỡ ra chuyện nó dại dột với xừ Tuynh.
Vậy thì tất là Ma-ri muốn giữ đồn điền Cẩu Rồng. Cho nên phải cần có anh Xi làm quản lý. Nếu không, hắn không thể dứt khoát đi buôn tàu được. Mà còn phải đối phó với điền tốt, họ nghe cộng sản xui dại nữa chứ!
Song, nếu bán đồn điền thì bán cho ai? Thừa phải tìm người mua cho Ma-ri, thì bảo bán, Ma-ri mới dễ xiêu lòng. Thừa lạ gì xưa nay Ma-ri chẳng chịu tính toán, chạy vạy, mà chỉ muốn ăn sẵn, ỷ lại vào chồng.
Vậy Thừa phải gọi người mua đồn điền cho Ma-ri. Ai hứng cho cái nạn này?
Thừa thở dài. Hai mắt hắn lại tráo trưng, nhìn lên trần.
§2. Xuy-dan
Muốn gây khó khăn, Thừa định để mặc Ma-ri một mình ở Cẩu Rồng trong ít ngày. Hắn nói:
– Tôi cần đi chơi đó đây dăm bữa nửa tháng để nghỉ ngơi cho đầu óc đỡ căng thẳng. Có minh mẫn thì tính toán công việc mới trôi chảy được.
Ma-ri ngần ngại:
– Muốn nghỉ ngơi thì ở nhà mà nghỉ ngơi. Chim gà vô số đấy, tha hồ ông ăn cho khỏe người. Nếu ông muốn thuốc men nữa, thì bảo ông Pi-ca xem và cho đơn.
– Nhưng ở nhà thấy công việc bề bộn, không lẽ làm ngơ.
– Ông định đi đâu?
– Hoặc lên Tam Đảo, hoặc ra Đồ Sơn. Nhưng tôi muốn nghỉ ở Đồ Sơn để gần Hải Phòng, nếu có thì giờ thì xem mấy chiếc tàu của hãng Phúc Lai Thành nó thế nào.
Ma-ri cau mặt:
– Thôi, không mua tàu nữa. Ông bỏ chết tôi ở đây à?
– Rẻ thì mua, đắt thì thôi. Tôi đã định gì đâu?