Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Xừ rất chăm đi thăm đồn điền. Để cho oai, xừ gọi là đi khám. Vào nhà nào, xừ cũng ngắm từng người, nhìn từng đồ đạc của người ta. Ngắm từng người, cố nhiên là để xem vợ người ấy có đẹp không, con gái người ấy có xinh không. Nhưng nhìn từng đồ đạc, thì xừ ghi vào sổ để rồi quy ra tiền, xem nhà ai gia sản đáng bao nhiêu. Để sau này, hễ ai nộp thiếu thóc thì xừ biết là người ấy nói dối, có bị tịch thu cũng không thể kêu oan được. Chính xừ hiến cho Ma-ri cái sáng kiến bắt giam bài vị ông bà cha mẹ người ta. Xừ hỏi dò lý lịch từng gia đình, và xem xét tính nết từng người, ai hiền lành, ai bướng bỉnh, ai nhút nhát, ai liều lĩnh, để tùy từng mặt mà đối xử. Nhất là từ sau ngày khởi nghĩa Yên Bái, sợ rằng điền tốt có người là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, hay sợ rằng Việt Nam Quốc Dân Đảng lan vào, hoặc lẩn lút trong đồn điền, hay cũng sợ rằng điền tốt chứa chấp Việt Nam Quốc Dân Đảng, Thừa bảo xừ Tuynh phải canh phòng cho thật nghiêm ngặt.

Đối với đàn bà con gái hơi có tí nhan sắc, xừ Tuynh ăn nói dịu dàng. Xừ hay nhân lúc cha mẹ, chồng con người ta vắng nhà, để đến chơi. Xừ nói thao thao bất tuyệt, khoe giàu, khoe sang, khoe oai, khoe khỏe. Xừ bảo:

– Tôi ở bên Tây, nên học được cái thói tốt, là trọng đầm.

Thật thế, chẳng biết xừ trọng đầm thực hay là có ý gì.

Còn đối với bất cứ ai xừ cũng khinh. Xừ đánh, xừ chửi tuốt. Xừ hách với người làm trong dinh đã đành, xừ hách cả với người lĩnh canh. Ruộng người ta lĩnh canh, đáng lẽ người ta làm thế nào cho có đủ thóc để nộp thì làm, nhưng hễ ông đội đi khám, thấy mảnh nào làm cỏ chưa kỹ, hoặc mảnh nào chưa có đủ nước, thế là ông cũng phang người ta hàng chục ba-toong:

– Tiên sư bố mày! Lười như vậy thì để nộp thóc xấu à?

Ông đội mà gặp anh chị nào vừa làm việc, vừa đú đởn với nhau, ông cũng phát cáu. Ông đánh anh con trai một trận như đánh đòn ghen, rồi mới khuỳnh hai tay vào háng, hất hàm, vấn tội:

– Tổ sư mày! Trông thấy ông đến mà không chào à?

Cho nên dân đồn điền thấy bóng ông đội đến, họ len lét như rắn mồng năm.

Đến vụ gặt, người ta càng lo sợ.

Ai cấy rẽ đầu bờ, thì ông đội tranh phần tốt. Ai cấy chia thì ông đội chê ủng chê eo là thóc xấu, phơi quạt chưa kỹ. Bất cứ lý do gì cũng làm cho hắn đánh chửi vô hồi. Còn như ai nộp thiếu thóc, ai không trả hết nợ cũ, thôi thì sống cũng thành tật với hắn. Bất độc bất anh hùng, hắn coi cái ba-toong là cái làm cho hắn thêm oai. Và khi hắn ở nhà nào ra mà không thấy còn tiếng kêu, tiếng khóc, hắn cho là hắn ra oai chưa đủ.

Từ ngày có xừ Tuynh làm quản lý, Thừa được nhẹ mình. Ban đêm, quan hàn được ngủ yên hơn trước. Vì quanh dinh, xừ Tuynh bắt rào giậu cho thật kín đáo, lại mua được năm con chó tây rất dữ để giữ nhà. Thế mà suốt năm canh, ông đội còn bắt người cắt lượt nhau gác, cứ mười lăm phút, lại điểm mõ, để báo hiệu rằng mình thức. Thừa còn cẩn thận hơn nữa. Hắn sắm một khẩu súng, lúc nào cũng nạp sẵn đạn, để ngang ở đầu giường.

§3. Hàng về

Thường những người quen làm việc lớn, đến khi gặp việc nhỏ phải giải quyết, thì lại bất lực.Ví dụ như Ma-ri trước kia, nghĩ cách giết hàn Xương để chiếm đồn điền thì dễ, nhưng bây giờ, xử việc con trai định bài bây với đầy tớ gái, thì lại lúng túng. Muốn cho yên chuyện, hắn vừa làm ra vẻ dễ dãi mà đánh trống lảng, vừa dùng uy quyền của người trên để mắng át, khiến người dưới phải mất tinh thần.

Song, thắng nổi bọn đầy tớ gái bằng cách bắt nạt như vậy, tuy khủng bố được họ, nhưng Ma-ri không khỏi không bực mình là kém, và bực con là hư. Thời buổi bây giờ trẻ con nó tinh quái hơn cha mẹ nó ngày trước. Nghĩ vậy, Ma-ri nhớ lại hồi hắn bằng tuổi thằng Pôn bây giờ. Quả tình là trông thấy con trai thì hắn cũng thích. Nhưng cái lần đầu tiên hắn bị ông hai Sơ, là em ông ký Bưởi, lùa hắn vào buồng mại bản tàu Phi Phượng rồi đóng ập cửa lại, thì hắn sợ, sợ quá. Năm ấy, hắn mười lăm tuổi, đã có trí khôn để hiểu rằng ông ta sắp làm gì hắn đây, nhưng hắn cứ ghê ghê, người run bắn lên, và miệng kêu Giê-su ma, Giê-su ma!

Thế mà thằng Pôn thì gớm thế đấy. Tuổi xem bói, nó mười bốn, nhưng tuổi tây nó mới mười ba. Mà tuổi học, vì khai sinh lậu cho nó theo kịp với lớp vừa trình độ với nó, thì nó lại chỉ mới mười hai. Những tây con, đầm con cùng lớp với nó, cũng chỉ bằng tuổi nó, hoặc ít hơn, lên mười, lên chín cả thôi. Vậy không rõ ai dạy nó mà nó biết sớm thế. Hắn cười khẩy lên thành tiếng.

Thấy bọn đầy tớ gái ngơ ngác nhìn mình, Ma-ri cũng ngạc nhiên nhìn lại họ. Hắn sực khám phá ra thêm một bí mật nữa ở những người đương tuổi hơ hớ này, là không phải họ chỉ gợi cho chồng hắn, cho xừ Tuynh thèm muốn, mà còn như những mồi ngon cho mấy thằng con trai tinh quái của hắn. Đối với Thừa, đối với xừ Tuynh, hắn có thể ghen tuông để ngăn giữ nổi. Nhưng đối với lũ con, thì hắn khuyên bảo chúng nó thế nào cho chúng nó khỏi dại dột?

Chợt nghĩ ra một ý, hắn gọi:

– Huệ! Đi gọi cho tao cụ quản.

Quản là tiếng nói ngắn cái chức quản gia. Chức quản gia này, Thừa phong cho lão hai Điều từ ngày đồn điền có thêm xừ Tuynh đến nhậm chức là ông đội. Dinh quan có ông đội, lại có cụ quản, thì tự nhiên địa vị của quan được nâng cao. Cụ quản to hơn ông đội, vì là chú của quan. Song, tuy là quản, là đội, mà mỗi người một việc, ông đội trông nom ruộng nương. Cụ quản săn sóc việc nhà. Không ai dưới quyền ai.

Ngoài cái nhiệm vụ chính là quản cái gia đình này, cắt đặt người ăn người làm từ việc nhỏ đến việc to, hai Điều còn được quan sai thêm một việc nữa mà hắn rất thích – Vì hắn rất thạo. Và làm việc ấy hắn lại phát tài. Là mỗi khi quan có khách đến đánh xóc đĩa, thì hai Điều ngồi xóc cái. Lão già xóc rất khỏe và rất tài. Hắn cứ ngồi xếp bằng tròn ở một chỗ, suốt đêm, mà không mỏi, vẫn tỉnh táo như thường. Lúc nào bốn đồng tiền giấy rung trong bát cũng cứ rền như hồi chuông điện. Hắn biết khiến tiếng bạc đi rất bay bướm. Nó đương nhảy, hắn muốn ghìm nó đứng, là nó phải đứng. Rồi tùy đấy, hắn muốn nó rệp, hay khuôn, là do mức tay của hắn rung ngắn, dài, mạnh, khẽ thế nào đó, duy chỉ hắn biết. Còn người ngoài đố ai đoán ra. Cho nên, ai thông lưng với hắn, đãi hắn nhiều tiền, thì hắn cho ám hiệu mà đánh, chẵn hay lẻ, mười tiếng thế nào cũng đậu đến bảy tám.

Lão lại nhanh nữa. Ngần ấy tuổi đầu mà rất tinh. Bên chẵn đánh bao nhiêu, bên lẻ đánh bao nhiêu, trong khi mấy cô gái non hồ lỳ còn lẩm nhẩm, tính mãi không ra, thì chỉ lướt mắt một cái, là hắn biết ngay đâu nặng, đâu nhẹ để bán.

Bây giờ, hai Điều già đi và xấu đi nhiều. Hai gò má hắn dô ra. Vì phải thức đêm luôn, râu tóc hắn bạc hết, và rụng mất đến quá nửa. Hắn không còn cái dáng điệu quan tại chức bệ vệ thuở xưa. Trái lại, nhiều lúc xun xoe trước mặt chủ, hắn cố còng cái lưng chưa gù của hắn xuống, cho ra vẻ yếu đuối, mà vâng vâng dạ dạ, thì trông hắn lại ra quan thái sư rạp tuồng. Rõ là tay chỉ sống bằng nịnh hót.

Hai Điều đến buồng Ma-ri thì tụt guốc ở ngoài cửa. Hắn gõ cánh ba tiếng mới rón rén vào. Bà hàn giơ tay mời:

– Ông ngồi. Tôi có việc khó nghĩ quá, ông ạ.

Hai Điều chưa biết việc khó nghĩ gì, nhưng đã làm ra vẻ buồn hộ chủ. Hắn cau mặt, thở dài, rồi ngồi xổm xuống đất:

– Có việc gì, bà lớn cứ dạy.

– Con Sen ấy, ông ạ, nó vừa mách tôi là cháu Pôn định hiếp nó.

Hai Điều nhăn nhó, vội vàng xua tay:

– Vô lý! Vô lý! Con ranh con chỉ là điêu đấy. Để tôi cho nó một trận.

Ma-ri sung sướng, ngồi nhổm dậy, rồi nhìn ba người đầy tớ gái:

– Đấy nhé. Tao phân vua với chúng mày nhé. Chúng mày nghe rõ chưa? Tao mà nói câu ấy, chúng mày lại bảo là tao bênh cậu.

Hai Điều nói:

– Không. Các cậu các cô nhà này thiệt ngoan nết. Cái việc ấy, nhất định là không có. Cứ bảo An-nam học chung với Tây con đầm con, thì quen thói tự do, dễ sinh hư. Nhưng tôi tưởng hãy được hư như họ. Hư mà người ta lấy nổi nước mình?

Ma-ri gật đầu:

– Ông làm chứng hộ các cháu. Kẻo quan không biết, lại mắng oan các cháu.

Rồi hắn dịu dàng:

– Nhưng, ông ạ, tôi cũng cứ nhờ ông một việc, là ông để ý dò xét các cháu hộ, nhất là cháu Pôn. Hễ các cháu nghịch ngợm gì, thì ông khẽ lấy lời bảo ban các cháu. Tôi là mẹ các cháu, các cháu không sợ tôi bằng sợ quan nhà. Mà cái nghề trẻ con chúng nó thế, chẳng đứa nào sợ cha mẹ bằng sợ người ngoài.

– Vâng. Quan với bà lớn là bậc nhân đức, đối với người khác còn dễ dãi, huống hồ là đối với các con. Các cậu các cô học ở Hà Nội, họa hoằn có ngày nghỉ lễ, mới về một vài hôm, còn thì đến tận ba-căng[87] mới ở nhà lâu, quan với bà lớn nuông chiều là đáng lắm. (*[87] Mùa hè.)

– Ấy đấy. Chính là tôi sợ các cháu được nuông chiều thì cháu Pôn dễ sinh hư, ông ạ.

Nói đoạn Ma-ri đuổi ba người đầy tớ gái ra ngoài, rồi thì thào với hai Điều:

– Chỗ trong nhà với nhau, tôi nói thật, ông ạ. Có lẽ đúng cháu Pôn nó thế đấy, ông ạ.

Hai Điều nhăn nhó, đáp bằng giọng cương quyết:

– Không đời nào! Con nhà nào hư thế nào, tôi không biết, chứ nhất định các cậu các cô nhà này không hư. Tôi nuôi cậu Pôn từ ngày chập chững. Tôi biết.

– Thế tôi giao trách nhiệm trông nom các cháu cho ông nhé.

– Vâng. Tôi xin nhận. Bà lớn mà thấy các cậu các cô hư, bà lớn cứ chém đầu tôi đi.

Ma-ri tủm tỉm, lại nằm xuống:

– Thế là tôi yên tâm.

Rồi hắn hỏi:

– Hay là lũ ranh con này nó gạ gẫm thằng bé, hở ông?

– Không. Chúng nó làm gì mà qua được cái mắt quản gia, thưa bà lớn? Ở nhà này, ai hơi có ý gì, chỉ thoáng một cái là tôi biết.

– Thế thì tốt lắm. Vậy tôi nhờ ông để mắt đến các cháu. Nhưng có gì, thì ông nói riêng với tôi, đừng trình quan nhé.

– Vâng. Tôi cũng xin để ý đến cả đội con gái nữa. Biết đâu là không như bà lớn vừa dạy, chúng nó lại không đầu têu?