Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Cụ bà, trái lại, là người hay nói. Đó là thói quen của các bà buôn bán đảm đang. Nhưng nói ở đâu thì nói, chứ về nhà, thấy cụ ông như vậy, cụ cũng không dám nói nhiều và nói to. Ngay những hôm phiên chợ, khách ngồi đầy bục hàng, ai bô bô và liến láu mặc họ, cụ vẫn chỉ nói khẽ.

Cô con gái cụ Tú tên là cô Lễ. Bà cử Dần, khi đưa cô đến Phòng thuốc nhà giàu, giới thiệu cô là bà Phúc Lâm. Gọi là bà, vì bà cử thấy cô nhiều tuổi, và bà nhận là bạn. Gọi là Phúc Lâm, vì người Hà Nội vẫn có thói quen giấu tên các cô con gái chưa chồng, sợ người ta biết thì viết thư nhảm nhí. Ta lại biết cô Lễ khéo tay, tết Trung thu vừa rồi, cụ Điều đã xem cỗ của cô bày, và tấm tắc khen mãi.

Ta phải nhận rằng cô Lễ giống cụ Tú ông như đúc về cái đức ít nói. Nhờ xem bệnh, mà trước sau cô chỉ hỏi có mỗi một câu. Còn ta toàn nghe thấy tiếng bà Cử vâng vâng liến thoắng để gạ xem mạch không mất tiền. Thấy cô Lễ kén chồng mãi mà chưa được đám nào vừa ý, hàng phố bảo là chỉ vì cô ít nói, chẳng ai biết ý cô muốn thế nào. Nhưng riêng cụ bà hiểu và thương cô. Cô có một nỗi u uất. Bởi sợ thời buổi Tây Tàu nhố nhăng, nên hai cụ muốn cô kén kỹ. Nhiều đám đến hỏi, cô đều từ chối. Đến một đám là học trò, tên là Côn, con một cụ cử bạn cụ ông, cụ bà dò lòng cô, thì thấy cô im, không nói gì. Thế là hai cụ biết cô ưng đấy. Nhưng chẳng may, cậu Côn cũng là học trò trường Đông Kinh nghĩa thục. Cậu bị bắt, rồi chết trong đề lao. Nghe tin ấy, cô cả nghĩ, nên sinh ra ít ăn, ít ngủ. Một tối, cụ bà bắt gặp cô khóc một mình ở trên gác. Cụ hỏi thì cô nói thác là đau bụng. Nhưng cụ biết. Cụ lắc đầu, thở dài. Thế là từ ấy đến năm nay, cô lại treo cao giá ngọc.

Cô Lễ có người em trai tên là Nghĩa, năm nay hai mươi tuổi, đã lấy vợ ba năm rồi, nhưng mới học đến lớp nhất trường Hàng Vôi. Sở dĩ cụ Tú cho cậu đi học muộn, là vì cụ chờ thời. Tức là chờ Tây về nước. Nhưng khi thấy bao nhiêu người phản đối, như quan Đình Nguyên, như ông Đề Thám, cùng bao nhiêu lần bạo động, như vụ đánh thuốc độc quan và lính Tây ở trong thành, vụ ném bom trên Tràng Tiền, đều thất bại, cụ mới ngã lòng. Sau cái năm bị bắt, muốn khỏi bị nghi là có dị chí, cụ mới cho cậu Nghĩa đi học trường Pháp Việt.

Cậu Nghĩa là người hiền lành. Đi học thì chớ, về đến nhà, cậu khẽ khàng, đặt cặp sách trên bàn học, cởi áo ngoài, treo mũ ở mắc, rồi ngồi xếp bằng tròn trên phản, ăn cơm một mình. Ăn xong, cậu ngồi vào bàn, làm bài hoặc học bài, rì rầm như đọc kinh. Có điều gì muốn hỏi chị hay hỏi vợ, cậu chỉ nói nhỏ.

Cậu không chuyện trò với vợ ở nhà dưới, nhất là trước mặt cha mẹ. Bao giờ cậu cũng đợi đến tối, trước khi đi ngủ. Hai người đều bỏ guốc ở chân thang, đi thật nhẹ nhàng lên gác, lau sạch bóng.

Cậu Nghĩa với cô Lễ hay rủ rỉ với nhau. Lúc vắng hai cụ, cậu thường đem chuyện nhà trường, chuyện ngoài phố, kể lại với chị. Và lần nào cậu cũng thêm ý nghĩ của cậu, nhiều khi đáo để, lại nhiều khi hóm hỉnh, để pha trò cho chị và vợ cười.

Ví dụ như cái lần nhà trường chọn một số học trò giỏi và ngoan mới được đi đón vua Khải Định ra Hà Nội, ngự giá Bắc tuần. Cậu ở trong số được cử. Nhưng không những cậu cáo ốm để chuồn, còn xui anh em bắt chước cậu để khỏi làm cóc vái trời. Cậu biết là xe nhà vua từ ga đến dinh ông Bảy, không đi đường thường lệ như các toàn quyền mới đến nhậm chức, là đến Cửa Nam thì sang phố Cột Cờ, thẳng vào cổng sắt phía sau vườn Bách Thú. Nhưng muốn cho thần dân được chiêm ngưỡng mặt rồng, xa giá vua Khải Định đi đến Cửa Nam thì quành lên Hàng Bông, Hàng Gai, rẽ hàng Đào, thẳng đến Hàng Giấy mới sang đường Các-nô[17], rồi quành vào cổng giữa phủ toàn quyền. Các phố được vua đi qua đều phải cắm cờ tam tài và đốt pháo. Kể ra, cậu Nghĩa có thể cứ đứng trên gác mà dòm qua lỗ gạch hoa xuống, cũng rõ bằng một. Mà chẳng ai biết cậu ở chỗ cao hơn vua để bắt tội khi quân đâu. Nhưng cậu không ở nhà. Cậu ra tận phố Hàng Lọng để đợi xem. (*[17] Phố Phan Đình Phùng bây giờ.)

Lúc biết là đoàn ô tô sắp qua mặt, cậu cố lách ra phía trước để trố mắt nhìn. Nhưng xe thứ nhất, cậu chỉ thấy ông toàn quyền ngồi một mình, cạnh ông ta, có một cái gì lù lù màu vàng. Xe thứ hai, hai người Tây.

Không lẽ vua lại đi xe thứ ba. Cậu hỏi người bên cạnh:

– Vua đâu?

Người ấy trỏ tay theo xe đi đầu:

– Đấy, đấy, vàng vàng, bên cạnh ông Bảy đấy.

Cậu không ngờ. Bởi vì trên xe ấy, cậu chỉ thấy có một người đương cựa quậy thì cậu biết là ông Xa-rô. Ông ta có ria mép, đeo kính trắng long lanh, đội mũ trắng, mặc quần áo trắng, khoác chéo ở ngực cái băng tam tài. Còn cái vàng vàng ở cạnh, vì vàng róe và không nhúc nhích, cho nên cậu không ngờ là người, tưởng nó là cái gì bằng rơm. Vả lại, từ trước đến giờ, cậu đã được nhìn thấy vua trên sân khấu rạp tuồng, đội mũ sơn đỏ, mặc áo thêu rồng, có bộ râu bằng lông đuôi ngựa che lấp mồm, rủ thẳng xuống tận ngực như lá liễu. Cho nên cậu tưởng tượng vua Khải Định cũng thế.

Vì tiếc công đi xem vua mà không nhìn thấy vua, cậu Nghĩa mới cắm cổ, vừa rảo bước vừa chạy tắt con đường Cột Cờ, đến cửa dinh ông Bảy để đón đầu. May quá, cậu đến nơi thì vừa kịp.

Cậu chăm chú nhìn. Vua ngồi cạnh ông toàn quyền thật. Không đội mũ bình thiên, mặc áo long cổn, mà vận quần áo chẽn, kiểu lạ lắm, vàng róe từ đầu đến chân. Cái nón lợp dạ vàng, đính chi chít những tứ linh bằng vàng. Vua đội khăn vàng chữ nhất, đeo kính bốn mắt, màu vàng. Trên vai vua đeo hai cái ngũ quan binh dát vàng, tua bằng vàng. Áo dài thêu màu vàng, ngắn trên đầu gối, quấn quanh sườn bằng cái thắt lưng to bản kiểu thắt lưng da của tây, nhưng bịt bằng vàng. Lúc vua xuống xe, cậu lại trông rõ hai chân đi ghệt cũng đính nhiều hoa vàng, và đôi giày tây cưỡi ngựa, có cái thúc ngựa ở sau gót bằng vàng.

Vua bước lên bậc thềm. Lính Tây đứng hai bên bồng súng chào. Vua giơ quặc cánh tay phải vào nón để chào lại bằng kiểu nhà binh. Nhưng có lẽ vì thấy cả hai bên phải lẫn bên trái đều có lính chào súng, mà lại là lính Tây, nên vua giơ nốt cả cánh tay trái để chào. Thành thử lúc ấy, nhà vua vẫn nghiêm trang, chân thong thả bước lên thềm, hai cánh tay cùng giơ quặc ngang vai, như người tập thể dục.

Cậu Nghĩa tả tỉ mỉ vua Khải Định cho chị và vợ nghe, rồi bảo:

– Vua giàu hơn ta, vì có nhiều vàng. Nhưng vì thế cho nên vua giống người bện bằng rơm.

Ba người cùng cười. Nhưng theo thói quen, cũng chỉ rúc rích với nhau thôi.

Hiệu Phúc Lâm lại nuôi được một người u già cậy răng cũng không nói nửa lời. Gọi thì dạ, bảo thì vâng, cứ hùng hục suốt ngày ở dưới bếp. Cô Lễ bảo: “Hôm nay rét nhỉ”. U gật đầu: “Ừ”. Chẳng ai hiểu là u thấy rét hay nực. Vì có đức tính hợp với chủ, người này trước là u em nuôi cậu Nghĩa, rồi ở u già luôn.

Vậy thì ta thấy gia đình Phúc Lâm là một gia đình chỉ có người đi ra đi vào nhưng không có tiếng ai nói. Thật là một gia đình yên lặng. Tuy nhiều gia đình khác ở Hà Nội, nhất là những gia đình ở các phố cũ như Hàng Bạc, Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Gai, Hàng Mắm v,v… cũng có những kiểu người như cụ Tú, như cô Lễ, như cậu Nghĩa, nhưng chưa gia đình nào yên lặng toàn bích như gia đình Phúc Lâm này.

Cái mẫu gia đình yên lặng như gia đình Phúc Lâm xuất hiện ở những thành phố cổ, từ ngày bọn thực dân Pháp đặt nền thống trị ở Việt Nam. Không khí ngột ngạt mới chèn ép mọi vật, tạo ra trong giới nhà nho một thứ người ở giữa nơi phồn hoa đô hội, nhưng lại muốn ẩn dật. Họ sống hiền lành, chịu đựng, sợ sệt, đa nghi, không muốn phiền lụy ai, cũng không muốn ai phiền lụy mình.

Song, việc đời nó không đi một nhịp mãi. Thời thế đổi thay. Những gia đình này cũng không phải vì cửa đóng mành che mà có thể ngăn được gió bên ngoài khỏi lọt vào.

§2. Gió lọt

Ta đã nghe bà cử Dần tự giới thiệu là bạn thân của Ma-ri, hôm đầu tiên bà đến Phòng thuốc nhà giàu, định nhận chằng cái ví tưởng tượng đựng năm trăm bạc của anh Thừa. Lại hôm bà dắt cô Lễ đến phòng thuốc ấy để nhờ xem mạch, bà cũng nhận cô làm bạn thân.

Bà Cử là bạn thân của cô y tá người Pháp thế nào, ta đã rõ rồi. Không cần nhắc lại. Ta chỉ nên biết về mối tình của bà với cô Lễ mà thôi.

Bà Cử là người béo. Ta đã được nhìn thấy hai lần cái tấm thân liễu bồ này rồi. Hẳn vì thịt của bà nhiều quá, húp híp, nó lấp tịt cả lỗ đẻ, cho nên đến tận năm nay, không đứa bé con nào có sức khỏe lách nổi khỏi bụng bà để ra ngoài được. Vì thế, lấy ông Cử hơn chục năm rồi, bà chẳng đẻ đái gì. Cho nên ông cần có thêm cái máy đẻ hoạt động tốt hơn. Bà Cử bằng lòng. Bởi vì bà nghĩ về phía bà. Nay mai chồng bà bổ ra làm quan. Bà sẽ làm bà lớn. Bà mà muốn lớn, thì bà phải tỏ ra là mình lớn. Về khía cạnh này, các bà lớn thường cho thiên hạ phục mình là lớn bằng cách đua nhau lấy vợ bé cho chồng. Quan có nhiều vợ là quan sang. Bà chính thất lấy cho quan ông nhiều vợ lẽ, cô hầu, là bà lớn có đức độ. Vì vậy, trong thời kỳ chồng chưa bổ hậu tuyển tri huyện, bà cử Dần đã hậu tuyển bà lớn trước ông. Bà rấm sẵn cho ông một người. Tức là cô Lễ.

Bà Cử say cô Lễ lắm. Một lẽ cô là gái tân, hẳn quan ông sẽ thích mê. Hai lẽ cô là con nhà thi lễ, có nết xưa nay không có tai tiếng gì. Cô lại biết buôn bán, khéo chân tay. Cái đức tính mà bà ưa nhất ở cô, là cái ít nói. Ít nói thì ít cãi nhau với bà, đỡ ầm nhà. Nhưng cái làm bà xoắn xuýt với cô nhất, phải là cái lẽ thứ ba mà bà không nói ra miệng bao giờ. Đó là hai nếp nhà gạch mà sau này cô sẽ được chia.

Bà nhờ người đánh tiếng với hai cụ Tú. Cụ bà hỏi ý kiến cụ ông. Cụ ông tặc lưỡi: “Tùy đấy”. Thế là cụ bà không dám quyết định. Cụ để quyền cho cô Lễ. Vì cô đã lớn. Việc nhân duyên là việc chung thân của cô. Bà không ép.

Bà Cử làm thân với cô. Thấy cô có tính buồn, bà rủ cô đến nhà chơi. Thấy cô ượt ạt, bà lại đưa cô lên Phòng thuốc nhà giàu nhờ xem mạch để uống thuốc bổ. Bà muốn sau này cô vợ lẽ của bà khỏe mạnh, để sinh con đẻ cái, nối dõi tông đường.