Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Muốn ngăn chồng, Ma-ri nói:

– Nếu ông lên Tam Đảo hay ra Đồ Sơn, thì tôi đi với.

Thừa dọa:

– Bà đừng đi. Bởi vì ra Hải Phòng, thế nào tôi cũng tạt qua về làng kia mà?

Bất đồ câu nói vô tình làm chạm vào máu ghen của Ma-ri:

– À, ông định bỏ mẹ con tôi, để về tư túi với con trời đánh, thì ông bảo.

Thừa cười:

– Định tư túi mà nói ra miệng?

Ma-ri như được đà:

– Ông thấy nó mù, nó què thì xót xa phỏng? Ông tưởng tôi ngu mà không hiểu ý ông từ hôm ông thấy tôi treo ảnh nó ở bên buồng à? Ông đi đâu tôi cũng theo! Nhất định không rời ông một bước!

Thừa bực mình:

– Thì cứ theo. Ai bảo sao!

– Tôi nói thật với ông, nếu ông về quê nhà ông, thì tôi tự tử ngay bây giờ cho ông coi!

Thừa cáu kỉnh:

– Tại làm sao đương chuyện trò ôn tồn, lại sinh sự ngay được!

– Sinh sự vì sự sinh! Tôi chán cái mã ông lắm rồi.

Thừa cười khinh, không đáp.

Hắn sửa soạn đi Hà Nội.

Ma-ri cũng sửa soạn hành lý để theo. Thừa lên ô tô.

Ma-ri cũng lên, ngồi bên cạnh.

Suốt dọc đường hơn năm mươi cây số, không ai nói với ai một lời.

Khi xe về tới nhà ở Hà Nội, bỗng hai người trông thấy thằng Mão đứng ở hè.

Thế là Ma-ri được thể. Hắn xuống đất, hầm hầm đến trước mặt Mão. Nhưng Mão không tỏ vẻ sợ hãi, nó nhổ toẹt một bãi nước bọt, rồi quay đi.

Thừa biết tình thế gay go, sợ cuống lên.

– Thằng kia, mày đứng rình gì ở đây?

Thấy Ma-ri hỏi, Mão quay lại, đủng đỉnh đáp:

– Đường của nhà nước, tôi đứng chơi!

– Nhưng nhà này là nhà tao, mày rình ăn cắp phỏng?

– Nhà của bố tôi, tôi có quyền đứng.

Thừa lên tiếng:

– Mão! Mão! Không được bướng.

Ma-ri quay lại Thừa, đay:

– Đấy, con ông thì ông dạy!

Bất đồ Mão xông vào Ma-ri. Ma-ri sợ quá, chạy tọt vào nhà, hô hoán:

– Pôn ơi! Giăng ơi! Nó đánh chết ma-măng đây này!

Thừa cau mặt nhìn Mão:

– Đến đây làm gì? Cút ngay! Đồ mất dạy!

Mão vênh váo, đáp:

– Tôi đến để chất vấn ông là tôi có phải con ông không?

Thừa không đáp, đi tuột vào nhà. Hắn còn nghe thấy câu của Mão nói theo:

– Ông không có quyền để tôi cầu vơ cầu vất!

Cửa khóa lại, Thừa đi hẳn vào nhà trong.

Cố nhiên hắn lại bị Ma-ri đay nghiến một trận hàng giờ đồng hồ. Và khi thấy Thừa cất ô-tô vào nhà xe, Ma-ri không cho Thừa đi đâu, bèn khóa tách cửa nhà lại, giấu biệt thìa đi.

Thừa tức lắm.

Song, Ma-ri không buộc nổi chân Thừa. Không có ô-tô thì Thừa đi xe lửa. Không dám về quê thì hắn phải trêu Ma-ri cho hả giận. Hắn định lên đồn điền. Hắn cần sống một mình cho thảnh thơi.

Trưa hôm ấy, ăn cơm xong, chờ cho Ma-ri ngủ, Thừa khẽ trở dậy, thuê xe ra ga. Hắn lấy vé hạng hai, rồi muốn tránh gặp người quen, hắn ra ngay sân, lên ngồi ở trong toa. Hắn mở rộng tờ báo trước mặt để đọc. Hắn không để ý đến ai.

Xe lửa chạy, qua hết cầu sông Cái, đến Gia Lâm, thì Thừa vừa đọc hết tờ báo.

Không còn việc gì để làm, hắn thừ người ra để nghĩ. Bỗng thấy cửa ra vào mở toang, người ở toa hạng tư có thể nhìn thông thống thấy hắn, hắn đứng dậy, định đóng lại. Sực hắn giật nảy mình, vội vàng né người cho khuất. Hắn trông thấy thằng Mão.

Mão mặc quần tây và áo sơ-mi trần. Nó ngồi bên cạnh một người đàn ông đứng tuổi, cũng mặc tây khá sang trọng và đứng đắn. Quần áo hàng đũi, sơ-mi lụa, ca-vát đỏ. Trước người ấy, là chiếc va-li da lớn. Trong toa này, trừ Mão và người đàn ông đứng tuổi, còn thì toàn những người quần nâu áo vải, ngồi sau những chồng bu gà, rọ lợn, cùng những đống hành lý cồng kềnh, xếp ngổn ngang.

Thấy toa hạng ba luôn luôn có người ra vào, cửa đóng rồi lại mở, mở rồi lại đóng, Thừa sợ thằng Mão trông thấy hắn, nên hắn ngồi quay lưng đi. Chỗ ấy cạnh kẽ cửa, hắn có thể nhìn thẳng đến thằng Mão.

Không rõ thằng Mão đi đâu với người đứng tuổi hay chỉ là bạn đồng hành, mới quen người ấy. Thừa thấy hai người nói chuyện với nhau. Thỉnh thoảng Thừa nhìn xuống, thấy lúc thì Mão mời người ấy hút thuốc lá, lúc thì mua nước chanh uống một mình. Nó đi đâu? Hay nó biết Thừa về Cẩu Rồng mà theo lên để hành hạ, vòi tiền bố? Nếu lên Cẩu Rồng, thì nó đi một mình, chứ sao lại đi hai người? Nó làm nghề gì mà ăn mặc tiêu pha có vẻ đàng hoàng như thế kia? Thừa nghĩ đến hai mẩu chuyện kể lại nỗi cơ cục của người vợ cũ viết trong cuốn Dân quê S.O.S., và hình ảnh tiều tụy của tấm thân gầy còm đói khát, mắt che bằng miếng the thâm, miệng méo xệch để kêu khóc và tay ôm cái chân không biết bị đánh hay bị chen ngã mà què. Vậy thì sao mẹ như thế, mà con lại như thế này?

Thừa lé mắt qua kẽ cửa, nhìn thằng Mão. Nó vẫn nói chuyện với người ngồi bên cạnh. Tàu chạy nhanh. Cửa toa mở rộng. Gió thốc vào món tóc xù trên đầu nó. Nhưng hình như nó còn muốn mát hơn. Nó thò cổ ra ngoài.

Bỗng một tay thằng Mão ôm chầm lấy mắt và dụi dụi. Nó bị một bụi than vào mắt rồi. Nó dụi, nó dụi mãi. Chắc là hạt than còn vướng ở trong mắt, nó nhờ người đàn ông đứng tuổi giúp nó.

Lúc ấy, tấm lòng của người cha làm Thừa xót xa. Hắn thương hại thằng Mão. Hắn chú ý nhìn nó.

Người đứng tuổi lấy hai tay vành hai mí mắt của thằng Mão. Hai mắt ông ta gí gần vào con mắt bị thương của nó, để tìm xem hạt bụi nằm đâu. Vì hai cánh tay giơ lên cao, nên hai ve áo ông ta ngoác rộng ra. Lúc ấy Thừa nhìn rõ một mắt của thằng Mão dòm vào túi áo trong của ông ta. Khi ông ta hết sức chú ý vào hạt bụi, và phùng mồm thổi mạnh đánh phù vào mắt nó, thì nhanh như cắt, tay nó thò vào túi áo trong của ông ta, và thoắt một cái, nó rút cái ví.

Thấy thằng Mão ăn cắp có mưu mô, Thừa nhủn cả người. Hắn vừa nhục cho hắn, vừa lo cho thằng Mão.

Nhưng người đàn ông không biết là bị mất ví. Còn thằng Mão thì vờ dụi tay lên mắt vài cái, rồi đứng dậy. Nó len những hành lý để ngổn ngang, rồi thong thả ra phía đầu toa. Lúc ấy tàu chạy vẫn mau.

Thình lình, người đàn ông đập tay vào túi áo, biết là mình mất ví. Ông ta hớt hải, kêu rầm lên, trỏ vào thằng Mão:

– Các ông bắt thằng ăn cắp hộ tôi! Nó lấy của tôi cái ví.

Cả toa lộn xộn, thì lại nhanh như cắt, Mão xuống bậc, và lăng mình, nhảy phắt xuống đường.

Thừa quái cổ nhìn nó. Nó không ngã, không loạng choạng. Nó chỉ chạy theo đà tàu đương mở hết tốc lực có vài bước, rồi ung dung ra giữa đường cái, nhìn theo đoàn xe lửa, nhăn răng ra cười, đi như thường.

Hành khách nhìn lại thằng Mão, thấy nó thoát nạn như bỡn, thì lắc đầu. Người mất cắp kể lại cái kế khôn ngoan của kẻ gian.

Thừa không cần nghe. Hắn đã chứng kiến từ đầu đến cuối cái cảnh này rồi. Hắn thở dài, ngồi thừ người, cho đến lúc tàu đến ga Vĩnh Yên.

Về đến nhà, Thừa bỏ bữa cơm chiều.

Hắn nghĩ đến mẹ Mão, đến Ma-ri. hắn nghĩ đến lũ con hắn, từ thằng Mão đến con Ca-mê-li-a. Rồi hắn nghĩ đến hắn và cái gia tài gồm ngót năm chục mẫu đồn điền và chín cái nhà ở Hà Nội. Hắn no bứ đến cổ rồi.

Hắn rền rĩ, vật chân vật tay.

Hôm sau, hắn thấy nhức đầu, rồi hâm hấp sốt.

Buổi trưa, thằng Pôn về Cẩu Rồng. Nó nói với Thừa:

– Ma-măng sai con đi tìm pa-pa.

Rồi nó kể:

– Ma-măng cứ tưởng pa-pa về quê Hải Dương.

Thừa lẩm bẩm một mình:

– Tìm làm gì?

– Tối hôm qua, cụ Lăng đến chơi, nói rằng hãng Phúc Lai Thành mời pa-pa đi Hải Phòng để nói chuyện.

Thừa gắt:

– Pa-pa không đi đâu, không buôn bán gì cả. Mày bảo ma-măng đến trả lời cụ ấy là pa-pa không mua tàu thủy nữa, pa-pa không có tiền!

– Cụ ấy hỏi pa-pa định để lại những cái nhà nào thì bảo cụ ấy, cụ ấy mách mối mua cho.

Thừa thở dài, không đáp.

Hắn nhắm mắt, không muốn nghe thằng Pôn nói gì nữa.

* * *

Lúc tỉnh dậy, Thừa thấy thằng Pôn đã ra ga để kịp chuyến xe lửa xuôi Hà Nội. Hắn đã cất cơn sốt, bèn lấy mô-tô để đi.

Hắn định đêm nay không về nhà với Ma-ri. Hắn không thể chịu đựng mãi những lời xói móc chua cay của con người tai ngược. Hắn phải tìm một không khí khác.

Hắn nghĩ đến ông bạn thân Hoài Tân Tử.

Hắn muốn rủ ông đi chơi, nghe ông nói phiếm. Và nếu bàn việc kinh doanh, hắn hỏi ông có chung vốn để buôn tàu hay không.

Hắn tiếc cho sự nghiệp ông Bạch Thái Bưởi, ông Bưởi thoạt kỳ thủy cũng chỉ làm nghề thầu khoán nhỏ. Hắn thấy người ta nói rằng năm 1909, ông ta mới thuê ba chiếc tàu chở khách của hãng Tây Điếc, hay Tây Cao gì đó, thế mà ngoảnh đi ngoảnh lại, trong có mười năm trời, không hiểu lãi thế nào, ông ta đã mua được lớn nhỏ đến ba mươi chiếc, và một nhà máy, gọi là Máy đen, để đóng tàu và chữa tàu. Hắn còn nghe nói là cái nhà ở Hải Phòng mà ông ấy đặt bàn giấy, trên bờ sông Tam Bạc là cái nhà thuê. Thấy ở đấy, làm ăn thịnh vượng, ông ấy muốn mua lại. Nhưng bà chủ nhà nhất định không bán, để bắt chẹt ông ấy cứ phải thuê mỗi ngày một đắt. Về tiền tài, xưa nay ông ký Bưởi không chừa một ai là không lừa, cho nên phải lụy người chủ nhà, ông ấy ức lắm.

Một lần, không hiểu ông ấy định dở dói thủ đoạn với bà chủ nhà thế nào đó, bà ta nhất định đuổi ông ấy đi, không cho thuê nữa. Ông ấy phải dọn bàn giấy đến nhà Máy đen. Từ đó, ông ấy làm ăn lụn bại.

Thừa cho là trước hết, hắn phải tậu cái nhà của ông Bưởi thuê cũ. Buôn tàu mà ở cái nhà hợp với nghề, thì chả mấy chốc, hắn cũng được như ông Bưởi.

Hắn sực nghĩ đến ý kiến muốn chung vốn với ông Hoài Tân Tử. Hắn nhớ lại lời ông Lăng nói là người mình không thể công ty với nhau được. Thế nào đến lúc phát tài, thì không người này đẩy người kia ra, thì cũng người kia đẩy người này ra, để một mình chiếm hãng buôn mà làm chủ. Ông Lăng nói rất đúng, ông Hoài Tân Tử tám lạng thì hắn cũng nửa cân, chẳng ai để yên cho nhau đâu.

Thế thì hắn có nên cho Ma-ri chung cổ phần với hắn không? Hắn phì cười. Công ty với Ma-ri, hắn còn mong Ma-ri muốn hất cẳng hắn nữa kia. Ma-ri muốn hất cẳng hắn, vì Ma-ri có biết công việc, không ỷ lại hoàn toàn vào hắn. Ma-ri có biết công việc, thì mới bớt ăn tiêu, đài điếm, khỏi phá của.