Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Thừa gật gật. Ông Hoài Tân Tử giảng tiếp:

– Còn Nguyễn Văn Vĩnh thì nhận thấy ở ba kỳ có ba chế độ chính trị khác nhau. Trung Kỳ có chính phủ Nam Triều. Danh nghĩa là đất bảo hộ, nhưng kỳ thực nắm các quyền vẫn là khâm sứ, công sứ. Bắc Kỳ không thuộc chính phủ Nam Triều. Vua chỉ có quyền phong sắc cho các bách thần và cho phẩm hàm những người chạy chọt, nhưng vẫn phải do thống sứ có bằng lòng hay không. Bắc Kỳ là đất nửa bảo hộ, nửa thuộc địa. Nam Kỳ là nhượng địa, vì vua ta đã ký với nước Pháp như thế. Cho nên Nam Kỳ không biết có vua, mà cũng không có quan. Nước Pháp trực tiếp cai trị, cho nên dân không bị một cổ hai tròng như ở Bắc và nhất là ở Trung. Nguyễn Văn Vĩnh chống lại Phạm Quỳnh, nên đề ra thuyết Trực trị, chủ trương rằng cả ba kỳ đều được đặt dưới quyền cai trị trực tiếp của nước Pháp.

Thừa ngạc nhiên:

– Ông Vĩnh với ông Quỳnh chống nhau à? Sao tao thấy ở hội Khai Trí, hai ông ấy vẫn thân với nhau lắm, và cùng được nhà nước tin dùng?

Ông Hoài Tân Tử cau mặt:

– Ngây thơ ơi là ngây thơ! Vì hai ông có được nhà nước tin dùng, nên nhà nước mới bảo ông Quỳnh lập ra thuyết Lập hiến, và ông Vĩnh lập ra thuyết Trực trị. Chứ tự hai ông, thì bố bảo cũng chẳng dám làm. Chẳng qua Lập hiến hay Trực trị cũng chỉ có mục đích là gây ra dư luận cho thật ồn ào để làm át cái tiếng thì thào tuyên truyền của anh cộng sản mà nhà nước cho là nguy hiểm nhất. Yên một lát, ông nhà thơ tiếp:

– Thôi, nhưng mà việc hai ông ấy với nhà nước, việc nhà nước với cộng sản, thì kệ hai ông ấy, kệ nhà nước. Tao chỉ muốn biết là cố nhiên cộng sản thì mày sợ, không dám đội lốt, thì đấy, hai thuyết Lập hiến và Trực trị của nhà nước bày ra, mày theo ông Quỳnh hay ông Vĩnh?

Thừa lúng túng, rồi đáp:

– Thật ra thì tao nghe mày giảng, tao vẫn chưa hiểu cái mù tịt gì. Cho nên tao chả biết nên theo ông nào. Nhưng tao cho là dù Lập hiến hay Trực trị thì cũng chả có thay đổi gì. Người An Nam vẫn là người An Nam. Miễn là ai tinh khôn thì làm được giàu, ai biết nhờ vả người Pháp thì được sung sướng, danh giá. Song nếu mày bắt phải theo ai để cổ động cho tao ra nghị viên, thì tao chọn ông Quỳnh.

– Tại làm sao?

– Một lẽ là ngày trước, tao trót nói phét là làm báo Nam Phong với ông ấy. Hai lẽ, là bây giờ ông ấy làm thượng thư, biết ăn tiền, thì mình lo phẩm hàm, kim khánh dễ.

Ông Hoài Tân Tử mỉm cười:

– Cũng là những lý do để mày theo cái thuyết Lập hiến. Rồi ông Quỳnh sẽ có người của ông ấy là Phạm Lê Bổng ra tranh ghế thị trưởng với ông nghị trưởng của ông Vĩnh là ông Phạm Huy Lục. Vậy mày theo thuyết Lập hiến, tao gọi mày là về phái Bảo thủ, cho có vẻ chính trị.

Thừa giật mình:

– Tao mà bảo thủ? Thế theo thuyết Trực trị thì là gì?

– Tao tạm gọi là cấp tiến. Nhưng mày đừng ngại. Bảo thủ là bảo thủ cái hay cũ, chú không phải bảo thủ cái dở cũ. Vả tao nói là tạm gọi, để ra vẻ chính trị thôi mà.

– Thế còn thuyết nào đứng giữa không?

Ông Tình muôn thuở gật đầu:

– Có. Tức là thuyết gọi là Trung dung của ông nghị Nguyễn Công Tiễu.

Thừa suy nghĩ:

– Hay là tao theo thuyết Trung dung hở mày? Cứ ù lì ba phải thì được lời là chả ai giận mình. Ngu si hưởng thái bình.

Ông nhà thơ lắc đầu:

– Không được. Ở nghị viện, ông Nguyên Công Tiễu cổ động cho thuyết Trung dung của ông ta, nhưng cũng mới chỉ có một mình ông ta nghe ông ta thôi. Mày cứ theo ông Quỳnh để tao gọi là thuộc phái Bảo thủ. Ông Quỳnh mà đứng đầu phái nào, thì mày phải tin rằng phái ấy không phải là cứt đâu nhé. Vả lại, ở các nước Tây văn minh, cũng còn có đảng Bảo thủ kia mà?

– Thôi được, tùy mày, gán cho tao gì cũng được, miễn là để tao có tí chính kiến, đương đầu với thằng Nguyễn Thiện, tức là đánh đổ cộng sản, hợp với ý của nhà nước.

* * *

Có một số cử tri tuyên bố là trung lập. Trung lập, nghĩa là chưa ngả về người mà họ gọi là tả, tức là Nguyễn Thiện, cũng không ngả về người tự xưng là thuộc phái Bảo thủ, mà người ta gọi là hữu, tức là Trần Đức Thừa.

Bởi vì, về mặt chữ nghĩa, ông Tình muôn thuở dùng ngọn bút Nghe đâu của ông ngày xưa với những mánh khóe xuyên tạc và lời văn thô bỉ để nói xấu, ông đã dìm dập Nguyễn Thiện. Nhưng về mặt tiền tài, đối với cử tri, ông chỉ chiếu theo thường lệ của những khóa trước, tức cái giá của lá phiếu. Cơm nước, xe pháo cho người đi bầu, cố nhiên ứng cử viên phải chịu, nhưng phiếu của công chức nhà nước, của dân thị xã, phải mua ba đồng. Bởi thế, cử tri trung lập đợi xem Nguyễn Thiện đánh giá lá phiếu của họ bao nhiêu, thì mới định được ai xứng đáng được họ bầu hơn ai.

Giữa lúc Nguyễn Thiện và Trần Đức Thừa đương giao tranh với nhau kịch liệt trên mặt trận tư tưởng, nhưng rụt rè trên mặt trận kinh tế, thì một người thứ ba đâm choạc vào, đầu thêm cái đơn xin ứng cử.

Người tranh cử này có bộ tham mưu thật cứng, không cổ động bằng chính kiến, thành tích của mình, mà tuyên bố trắng ngay bằng tiền.

Người tranh cử thứ ba, đương đầu với Nguyễn Thiện và Trần Đức Thừa này, là ông thầu khoán Nguyễn Thúc Lăng. Đứng đầu bộ tham mưu của ông là anh cai cũ của ông, tức là xừ Tuynh.

Ông Lăng chẳng mở báo, chẳng in giấy cổ động, chẳng đi diễn thuyết ra mắt cử tri. Ông không rời khỏi nhà ông ở Hà Nội. Ông phái xừ Tuynh đi Vĩnh Yên đến các cử tri trung lập, để nói với họ:

– Hai ông Thiện và Thừa ra ứng cử dân biểu mà khinh cử tri ra mặt. Ông nào cũng tự khoe giá trị của mình. Nhất là ông Thừa, lại hết sức nói xấu ông Thiện để nâng mình là tài giỏi. Cả hai ông không đếm xỉa đến giá trị người bầu. Hai ông ấy coi lá phiếu như thường lệ, tức là coi thường lá phiếu. Coi thường lá phiếu, tức là coi thường cử tri. Ông Nguyễn Thúc Lăng không khinh cử tri. Ông trọng cử tri bằng cách nâng giá trị lá phiếu. Ông Nguyễn Thúc Lăng xin trả mỗi phiếu bầu nhất loạt là bốn đồng, ông Nguyễn Thúc Lăng có óc bình đẳng, không phân biệt ai là công chức, ai là người tỉnh, ai là người quê. Ông Nguyễn Thúc Lăng lại phân minh, xin trả tiền ngay bây giờ. Vậy các ngài dồn phiếu cho ông Nguyễn Thúc Lăng, ông Nguyễn Thúc Lăng, không thuộc phải tả, không thuộc phải hữu. Ông trung lập, xin các ngài bầu và cổ động cho người trung lập.

Óc thực tế của ông thầu khoán già và lời khôn khéo của cổ động viên huênh hoang quả nhiên có công hiệu. Phần lớn cử tri trung lập, tức là tham tiền thấy mình được hời, thì hứa bầu cho người trung lập.

Song, xừ Tuynh không tin lời hứa là không thể thay đổi. Trả bốn đồng bạc cho ai, xừ thu ngoém phiếu bầu của người ấy.

Thấy ông Nguyễn Thúc Lăng thọc gậy vào bánh xe, Thừa vừa cáu, vừa lo. Số phiếu về phía hắn hiện nay kém số phiếu của Nguyễn Thiện. Hắn đương mong tài thuyết khách của ông Hoài Tân Tử và bộ tham mưu của hắn lấy được ít nhiều phiếu trung lập. Nhưng bây giờ, gần tất cả phiếu trung lập đều trong tay ông Lăng. Lại mấy hôm đầu, thăm dò, Thừa thấy ông Lăng còn cướp được ba phiếu của Nguyễn Thiện. Hắn đương vui thích, thì đến lượt hắn bị mười phiếu chạy về ông Lăng.

Thừa mỉa mai ông thầu khoán với ông Hoài Tân Tử:

– Dễ thường sắp tận thế hay sao, mà bây giờ thằng già dở chứng hoang thế này!

Rồi hắn gật gù:

– Thì ra luật thừa trừ của tạo hóa đúng lắm, mày ạ. Nếu ai làm giàu mà lại không phá của, thì tiền bỏ đâu cho hết? Tao giàu thì tao phá của bằng chơi gái. Mày giàu thì mày phá của bằng thuốc phiện. Thằng già chắt bóp từng đồng trinh, ăn chẳng dám ăn, mặc chẳng dám mặc, chơi chẳng dám chơi, thì nó phá của bằng cách ra nghị viên! Ba bốn khóa này, khóa nào nó cũng ứng cử. Nhưng đến nửa vời, muốn chừng xót xa mất nhiều của, nó lại rút đơn ra, để khóa sau, phá thêm ít của nữa!

Nhưng thấy số phiếu của mình mỗi ngày một mòn đi, Thừa không dám khinh ông Lăng nữa. Hắn thấy hắn ở vào tình thế đáng báo động rồi.

Hắn cho chỉ còn một cách khôn khéo là tìm đến ông Lăng, điều đình ông rút đơn ra, nhường cho hắn tất cả số phiếu trung lập của ông. Như vậy, hắn mới hòng đánh bại được Nguyễn Thiện.

Thừa ngỏ ý ấy với ông Lăng, ông thầu khoán híp mắt lại để cười:

– Ừ, đã điều đình thì moa cho điều đình. Nhưng phải bồi thường cho moa xăng biết[97], và trả moa số tiền moa ă-văng-xê[98] cho lếch-tơ[99]. Moa chỉ lấy lãi ba phân thôi. (*[97] Một trăm đồng. *[98] Đưa trước. *[99] Ý là cử tri (ê-lếch-tơ) nhưng nói lầm là độc giả (lếch-tơ).)

Thấy lão giờ giở ngón tài lợi, Thừa găng:

– Tôi trả món cụ đưa trước cho cử tri, thế là cụ hòa vốn rồi. Ngộ không có tôi thương lượng, cụ lại trượt khóa nữa, có phải cụ mất cả chì lẫn chài không?

Ông Lăng vênh mặt:

– Mất thế quái nào được? Ông không mua thì tôi bán cho ông Nguyễn Thiện. Tôi nể ông là bạn thân cũ, đặt giá ngay cho ông dễ xử trí. Nếu tôi là thằng đểu, tham tiền, thì nghe ông nói, tôi cứ ừ hử, để rồi đến dạm bán cho ông Nguyễn Thiện. Như vậy hàng của tôi còn được hai ông mua đấu giá, tôi sẽ có lợi nhiều hơn.

Thừa cười:

– Gớm, cụ làm gì cũng tính toán!

– Thì con nhà ăng-trơ-prơ-nơ mà lị! Gặp dịp nào buôn có lãi, ai mà nhịn được! Nói thật với ông điều này nhé. Quả là cái ngày tôi nghe xui dại ra ứng cử lần đầu ấy, tôi bỏ ra đến xanh xăng[100] ấy, mà hỏng vẫn hoàn hỏng. Cho nên tôi ức từ ngày ấy. (*[100] Năm trăm.)

– Nhưng cụ còn được lãi cái nhà bị cháy.

Ông Lăng lắc đầu:

– Lãi ấy là lãi tiền nhà của ông. Nó là món buôn khác. Không thể đập vào cái thiệt ra nghị viên được. Cái thiệt ra nghị viên phải lấy cái lợi ra nghị viên bù vào. Cho nên những khóa sau, tôi lại đầu đơn, không phải để cốt ứng cử, mà để xoay lấy ít phiếu, bán lại cho người khác, bù dần vào món năm trăm đầu tiên.