Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Được biết Thừa ở Hà Nội, thằng Mão lần ngay đến.

Thừa đương nằm trên giường, nhìn thấy nó, thì hai chân hai tay giãy đành đạch, răng nghiến lại, gầm lên:

– Mày đến đây làm gì, thằng mất dạy kia?

Rồi hắn gọi:

– Có đứa nào ở dưới nhà không, đuổi nó đi khỏi mắt cho tao!

Mão thản nhiên:

– Tôi thấy ông ốm, thì tôi lại thăm, ông thử nghĩ xem, trong lúc này, con đĩ lang ben với mấy đứa con nó có đoái hoài đến ông không? Thế thì ai là con ông, ai không phải là con ông?

Thừa lại gầm lên:

– Tao không có thứ con ăn cắp.

Mão cười:

– Ở đời này toàn là kẻ ăn cắp hết, ăn cắp tiền, ăn cắp tình, ăn cắp danh.

Thừa ngồi nhỏm dậy:

– À, mày nói ai?

– Sao ông nhiếc tôi là ăn cắp. Tôi ăn cắp gì, bao giờ? Ông có trông thấy không?

– Mày tưởng tao không trông thấy phỏng? Có lần nào trên tàu đi Yên Bái, mày rút cái ví người thổi giúp cái mắt bụi cho mày không?

Mão cười khẩy:

– À, như thường! Không có tiền thì ăn cắp lại của thằng ăn cắp. Có gì là lạ?

– Thằng khốn nạn!

– Tôi không khốn nạn. Tôi ăn cắp để lấy tiền nuôi mẹ tôi thay ông, để đóng thẻ thuế thân cho ông đấy. Vì ông bỏ mẹ tôi, mẹ tôi nghèo đói, tôi không đang tâm được. Mấy chục năm nay, ông bỏ làng, ông có gửi đồng nào về nộp thuế thân không? Thế thì ai đóng cho ông?

Thừa quắc mắt:

– Tao ở Hà Nội, tao đóng thẻ Hà Nội rồi.

– Nhưng nhà nước cứ thu cả ở nhà quê, ông đi mà cãi nhau với nhà nước!

Thừa yên lặng. Mão tiếp:

– Mấy lị chả hơn ăn cắp để có nhiều của mà gây thế lực, làm thêm nhiều việc bạc ác bất nhân à!

– À, thằng này giỏi. Mày nói ai?

– Tôi chẳng nói ai. Tôi chỉ ức là ở đời có vô số thằng đểu cáng to, mà không ai dám động đến. Chính những thằng này lại chửi những thằng đểu cáng nhỏ hơn nó là đểu cáng.

Thừa quát:

– Mày không được nói nữa. Bước!

– Tôi đến thăm ông ốm, chứ tôi làm gì ông mà ông đuổi?

– Mày định nã tiền tao!

Mão lắc đầu:

– Tôi không cần nã. Ông là bố tôi, tôi bắt ông phải để của cho tôi, để của cho một mình tôi thôi. Những đứa kia không phải con ông.

– Nhưng ông không nhận mày là con. Ông bỏ mẹ mày, ông từ mày đã lâu rồi.

– Không pháp luật nào cho phép ông cả.

– Tao bất chấp pháp luật! Nhất định tao không thí cho mày một xu.

– Tôi sẽ đối phó.

– Mày định giết tao, giết chúng nó à?

– Chưa biết chừng. Ở đời này, giết người cũng vẫn lương thiện như thường.

Tim đau nhói, Thừa ngã ngửa ra giường. Hình ảnh cô Lễ, hình ảnh Múi, hình ảnh Xuy-dan hiện ra phần phật trong óc hắn. Hắn thở, rồi nhăn mặt, xua tay:

– Thôi, tôi cắn cỏ tôi lậy ông. Ông cho tôi chết ngay thì ông cứ nói. Ông còn nghĩ đến cái tình tôi đẻ ra ông, thì ông cho tôi yên. Ông không bước ngay thì tôi báo cẩm đến bắt ông lập tức!

Mão đáp:

– Thế thì ông cũng phải nghĩ đến tình vợ chồng, tình cha con.

Dứt lời. Mão quay gót. Nhưng nó không ra cửa. Nó đến mắc áo, móc cái túi đựng ví của Thừa. Có bao nhiêu tiền, nó lấy hết. Rồi nó móc những cái túi khác, lấy đồng hồ, bút máy, và cái dây vàng, đeo chiếc vuốt hổ.

Thừa ngước mắt nhìn nó. Hắn chỉ rên được hừ hừ, không sao dậy nổi.

Không còn gì để lấy thêm được nữa, thằng Mão mới chịu ra về. Nó không nhìn lại Thừa.

Thừa phùng má, phì một tiếng thật to và thật dài. Hai tay vuốt ngực, hắn từ từ nhắm nghiền mắt lại.

* * *

Thằng Pôn và thằng Giăng làm việc ở Hải Dương đúng như ý định chúng nó định.

Hai chiếc tàu Đại Pháp và Bắc Kỳ trở nên tài tử. Nghĩa là hôm chạy, hôm nghỉ.

Mại bản khỏe và vui, thì tàu chạy. Mại bản mệt, hoặc bận ở nhà với nhân tình, thì tàu nghỉ. Cho nên chạy cũng như nghỉ, tàu chỉ chở có sáu người: một mại bản, một ba-toong, một tài xế, một nhì xế và hai mạch nô. Thỉnh thoáng nếu có thêm một người nữa là bảy thì người thứ bảy này là cô người yêu của mại bản, muốn làm một cuộc du lịch trên mặt nước để thay đổi cảnh trước mắt. Tàu chở khách biến thành tàu du lịch. Nó biến cả thành tàu đi đòi nợ cho bà chủ, tàu đi thăm gái của các cậu mại bản. Đi những việc ấy, có một chiếc xe đạp cũng đủ. Nhưng ở nhà này, thì nghênh ngang cả một chiếc tàu trọng tải hàng trăm tấn. Không còn một người khách nào đi tàu. Bởi vì họ có đoán được hôm nào có tàu mà chờ đợi?

Sở tàu thủy của Thừa trên phố bờ sông Hải Dương cũng biến thành hội quán, tiếng bây giờ là câu lạc bộ. Mà đúng là hội quán hội Khai Trí Tiến Đức. Buồng tiếp khách rộng nhất dùng để họp tổ tôm. Trước còn đánh bằng bài lá, bây giờ Ma-ri mượn đóng năm cái bàn gỗ, làm năm điếm. Tối nào trống các điếm cũng rập lên, giòn tan như tiếng trống ở xóm cô đầu.

Các buồng nhỏ của lũ con Ma-ri tối nào cũng rầm rập những công tử, tiểu thư. Tiểu thư đến chơi với công tử. Công tử đến chơi với tiểu thư. Rồi đến khuya, công tử nào, tiểu thư ấy, rủ nhau đi phố, hoặc vặn kèn hát để nhảy.

Thằng Pôn được tôn làm giáo sư khiêu vũ. Nó tận tụy với nghề này hơn cái nghề bán vé dưới tàu Đại Pháp của nó. Nó dạy không lấy tiền, nên có đến hơn hai chục đồ đệ, cả nam lẫn nữ. Nó nói:

– Tôi chỉ biết phụng sự nghệ thuật, truyền bá lối chơi thanh nhã đầy kỹ xảo của nước văn minh tiên tiến. Chứ tiền thì làm gì. Tình bạn lên trên hết!

Tức là nó nằm với tuốt cả các bạn gái. Còn bạn trai thì nó xui cứ liều mà xông vào buồng các em gái nó. Chúng nó không kêu đâu. Nhưng hễ đứa nào kêu, thì ở ngoài nó vặn kèn hát to rống lên cho.

Thằng Giăng dặn thêm bạn:

– Nếu vào buồng chúng nó mà không câu cú gì, phải ra không, thì đừng ngượng. Nhà nào, chứ nhà này coi việc ấy là thường, không ai cười ai đâu.

Vì tàu không chạy nên tiền thu nhập không có. Song, mỗi lần Ma-ri về Hà Nội để báo cáo tình hình kinh doanh với Thừa, hắn đều nói dối là tàu có rất đông khách. Nó có nộp tiền hẳn hoi. Nhưng tiền này là tiền hồ tổ tôm. Tháng nào thu được ít, Ma-ri kiếm thêm bằng cách cho vay và cầm đồ để lấy lãi.

Cái tổ quỷ đương ngày một đông người lui tới thì bỗng trở nên tiêu điều.

Chánh cẩm Hải Dương Két-x-moa tuy là mật thám, nhưng xử lý việc này hết sức nhã nhặn và kín đáo. Nó mời Ma-ri đến bàn giấy, dọa bắt Ma-ri và tình nghi là tụ tập hội kín.

Cố nhiên Ma-ri không nhận và giở cái tài ngoại giao nhà nghề của hắn để thôi miên thằng Tây lai.

Nhưng thằng Tây lai thấy như đánh đáo, cả cái chưa đúng lỗ. Nó phải nói thật là nó thèm muốn con Rô-da-lin, con Ma-gơ-rít, nhất là con Ca-mê-li-a ngây thơ nhưng nhí nhảnh kia.

Nó nói nhỏ với Ma-ri:

– Toa cứ cho chúng nó vào đây, nói rằng moa dạy tư tiếng Pháp.

Thấy Ma-ri chưa ngỏ ý, nó dọa xa xôi:

– Hồ sơ chính trị các toa là ở trong sở này. Vả lại thằng Thừa có được quan sứ cử làm nghị viên dân biểu hay không, thì vượt sao khỏi tay moa?

Ma-ri nhoẻn cười, lườm nó và phát vào vai nó:

– Quan với quách! Đồ khỉ!

* * *

Cái hội kiểu Khai Trí Tiến Đức ở Hải Dương vừa tan thì đến mùa nước.

Đê hạt Nam Sách vỡ, làm đứt nhiều quãng khúc đường sắt từ ga Tiền Trung đến ga Phú Thái. Xe lửa Hà Nội chỉ tới được Hải Dương. Xe lửa Hải Phòng chỉ tới được Phú Thái.

Muốn tiện giao thông, công sứ Hải Dương khuyên Ma-ri dùng hai chiếc tàu thủy chạy khứ hồi Hải Dương – Hải Phòng.

Được dịp tốt, Ma-ri vui sướng lắm. Hắn không cần tiền hồ, tiền lãi nợ và lãi cầm đồ nữa. Số giàu mang đến dửng dưng.

Hai chiếc tàu lại hoạt động. Hai cậu mại bản lại hoạt động.

Hành khách thấy chỉ còn cách giao thông duy nhất tiện lợi này, nên tuôn xuống tàu, chuyến nào cũng đông nghịt.

Thằng Pôn và thằng Giăng không được tán gái ở nhà, thì chúng nó tán hành khách ở dưới tàu. Chúng nó tự hào là còn giỏi bằng mấy ông hai Sơ kia.

Ma-ri thấy chuyến nào cũng gạt ra không hết khách, thì càng chăm giục ba con gái phải đi giao thiệp riết để giữ độc quyền vận tải trên quãng sông này.

Vì được Thừa tin những món tiền hồ tổ tôm điếm, những món lãi nợ, lãi cầm đồ là tiền lãi tàu thủy, và được khen là giỏi, là làm ăn có duyên, Ma-ri càng muốn được tin và được khen nhiều hơn. Hắn chắt bóp từng món tiêu pha hợp lý cho máy móc chạy tốt. Dầu mỡ, đáng phải dùng một, hắn chỉ cho dùng nửa. Hắn kiếm cách thu tiền của hành khách nhiều hơn. Vé đương từ ba hào, tăng lên ba hào rưỡi. Chiếu thuê từ năm xu, lên bảy xu. Hắn lại tham lấy khách, lấy hàng. Cho nên tàu nào cũng chật phè, nặng trĩu, nước mấp mé mạn.

Vì máy móc không phải khám xét cẩn thận, nên hư hỏng mà không được sửa chữa. Vì thiếu dầu mỡ, máy móc càng chóng hao mòn. Lại vì ngày nào cũng chở quá nặng, nên xảy ra nhiều lần tàu chết giữa đường, hành khách kêu ca như ó. Nhưng làm gì những cái ấy? Miễn là Ma-ri thu được nhiều tiền, để vừa lãi lắm, vừa có tiếng khen là giỏi, là làm ăn có duyên. Hắn càng tự hào là đảm đang.

Vì Ma-ri đảm đang kiểu ấy, cho nên lần này, chiếc Bắc Kỳ vừa nhổ neo, ra được đến giữa sông, đã bị tai nạn. Nó gặp một chiếc mành cũng chở nặng như nó. Nó rúc còi. Chiếc mành không tránh kịp. Nó phải vừa quay chệch mũi cho nhanh về phía bên trái, vừa rúc hàng hồi còi cảnh cáo. Hành khách thấy báo động, vội vàng xô cả sang phía trái để xem có chuyện gì. Thế là tàu nghiêng đi. Để tránh thế nguy, ba-toong lái cho tàu về bên phải, lấy lại thăng bằng. Hành khách thấy tàu như anh say rượu, lại ồ cả sang bên phải, tàu lệch bất thần, nước ồ vào trong.

Hành khách càng nhốn nháo. Tiếng kêu tàu đắm nổi lên như ri. Ba-toong mất tinh thần, càng cố chữa cho tàu, càng như khủng bố hành khách. Lại không may, lúc ấy máy chết. Tình thế càng trở nên nghiêm trọng.

Hành khách xô cả ra mạn để nhảy liều xuống nước. Tàu càng chành, nước càng vào, làm tàu càng thêm nặng. Tàu càng thêm nặng, nó càng hạ thấp để đón nước vào cho dễ và cho nhiều.

Tàu bắt đầu chìm.