Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Hành khách theo nhau nhảy ùa xuống sông. Tiếng kêu cứu vang dậy. Không ai bơi được một mình cho nhẹ nhõm. Người bơi giỏi bị người không biết bơi túm lấy tóc, lấy áo, thậm chí túm lấy cả tay lẫn chân.

Trên mặt nước lềnh bềnh những nạn nhân vùng vằng để tránh cái chết.

Tất cả các thuyền ở bến đổ ra cứu người bị nạn. Có người rét run cầm cập. Có người uống no nước. Có người nằm im, mặt xám ngoẹt, vì bắt đầu tắt thở.

Chiếc Bắc Kỳ chìm dần. Đáy nó đã ngồi phệt xuống mặt lòng sông. Việc cứu vớt vẫn tiếp tục.

Lúc ấy, ở trên bờ, Ma-ri đứng trước cảnh thần tài cắp nón ra đi. Giữa hàng nghìn người đương hò hét chỉ trỏ những chỗ có món tóc đen, hoặc có mảnh áo trắng để nhắc, để gọi cho thuyền đến, thì hắn mê lên rồi. Mặt hắn không còn hột máu, tay chân hắn lẩy bẩy. Con Rô-da-lin và con Ma-gơ-rít phải đỡ cho hắn khỏi ngã. Miệng hắn méo xệch, hắn vừa khóc, vừa vẫy tay ra phía tàu:

– Giăng! Giăng ơi!

* * *

Chiếc Bắc Kỳ đắm, nhưng thằng Giăng được cứu sống. Ma-ri cho đó là điều đáng mừng nhất.

Mấy trăm hành khách được đưa lên bờ. Người bị ngạt được chữa cho hồi lại. Chỉ còn độ mươi người bị chìm, chưa tìm thấy xác. Ma-ri cho đó là điều đáng mừng thứ hai.

Cảnh sát trưởng Hải Dương đến tận nơi để điều tra. Nó nhìn cái thế tàu lúc đắm. Nó hỏi han người chứng kiến tai nạn. Nó lấy cung người lái mành, người ba-toong, và một số hành khách. Nó kết luận vào biên bản là tuy tàu có chở nặng, tuy máy có bị chết, khiến người bẻ lái không cứu vãn được tình thế nguy ngập, nhưng gây ra tai nạn, chính là chiếc mành không chịu tránh. Ma-ri cho đó là điều đáng mừng thứ ba.

Hắn chỉ buồn về nỗi tàu đương chở khách nay bị đắm thì hắn phải thua thiệt. Thua thiệt về nỗi mất khách thì mất lợi. Thua thiệt về nỗi thuê trục tàu lên, cho đi sửa chữa, phải mất tiền, và qua hàng tháng, thì nước lụt rút mất rồi, đường xe lửa đắp lại xong mất rồi.

Trong khi Ma-ri mừng, và buồn như vậy, thì những hành khách bị chết hụt mếu máo, vì tiếc mất đồ đạc, hành lý. Và thân nhân những hành khách bị chết đuối, khóc lóc thảm thiết vì mất người. Họ đến tận sở để bắt đền bà chủ. Nhưng không ai được giáp mặt bà chủ. Vì lúc nào bà chủ cũng không có nhà.

Ma-ri đã cố lánh mặt. Hắn cho cách đi trốn như năm nọ hắn trốn tá điền ở Cẩu Rồng, là khôn. Những người này có xót xa tình máu mủ, thì phải tự đi mà thuê tìm xác, mò xác và câu xác cho cha mẹ, vợ chồng, con cháu họ lên.

Trên mặt sông, lúc nào cũng có chài đi dò xác. Nó men bờ, chọc gậy vào bụi rậm, hoặc thả lưới, thả cần câu. Có chài chở ba người, một người chèo, một người dò xác, và một người là thân nhân kẻ xấu số, mặt mũi hốc hác, ngơ ngác, ngồi cầm bó hương, khói nghi ngút, miệng lẩm nhẩm cầu khấn. Nhưng cũng có chài chỉ có một người, vừa chèo, vừa dò. Người này không được thuê nhưng cũng cứ đi tìm. Không phải họ chạnh lòng nhân đạo, hay giàu tình đồng bào. Khi họ chọc, hoặc lưới, hoặc câu thấy một cái xác, thì họ không vớt lên ngay đâu. Họ còn buộc thêm đá vào cho nặng để dìm xác xuống. Rồi giúi kín vào bụi rậm. Họ hớn hở về đi rao, như rao hàng. Họ bắt bí thân nhân của nạn nhân còn vẩn vơ, còn chờ đợi ở cổng sở hãng tàu.

Trong khi ấy, ở Hà Nội, Thừa được tin tàu đắm, thì hắn vừa buồn vừa lo. Hắn mời trạng sư Rô-măng đến nhiều lần, để bàn bạc cách cãi.

Hắn đương đỡ cáu gắt, đương đỡ bần thần, ít nói, bây giờ tóc hắn lại bạc thêm.

* * *

Hãng tàu Tây Sô-va không nhận trục chiếc Bắc Kỳ.

Trước kia, chỉ có công ty Bạch Thái có máy trục tàu đắm. Tàu hãng khác bị tàu Ký Bưởi đánh đắm, cũng lại thuê máy của công ty Bạch Thái trục lên.

Bây giờ ông Bạch Thái Bưởi bán cả cơ nghiệp cho hãng Sô-va, thì hãng này là hãng duy nhất có máy trục.

Ma-ri thuê trục tàu Bắc Kỳ. Nhưng hãng ấy không làm. Ma-ri tưởng hãng ấy đòi hơn tiền thì trả thêm. Nhưng hãng ấy cũng mặc kệ. Mà lại không nói lý do để Ma-ri điều đình.

Ma-ri đi lại năm lần bảy lượt, cuối cùng, hãng ấy bảo:

– Bà có bán thì tôi mua, tính theo giá sắt vụn!

Ma-ri đành khoanh tay.

Hắn nhờ đến thế lực cô Bé Tý. Cô Bé Tý bảo:

– Dì về sửa cái lễ, đem đến đây, chị kêu ngài cho.

Tối hôm ấy, đích thân cô Bé Tý ngồi hầu giá trước Thượng Ngàn.

Vốn đức Ngài linh ứng, nên tá khẩu, nói giọng dấm dẳn:

– Thằng chồng nó báng bổ, không đi đạo, thì bà phạt đấy. Bà còn sai vua Thủy Tề làm đắm nốt chiếc Đại Pháp nữa kia!

Ma-ri sợ lắm, về nói chuyện với Thừa, Thừa cáu tiết, gắt:

– Tôi báng bổ thì quật chết tôi. Sao lại báo thù thằng Giăng mà làm đâm tàu của nó?

Ma-ri thấy Thừa vẫn báng bổ, thì càng sợ. Hắn lại sửa lễ to hơn, đến nhờ cô Bé Tý kêu Ngài xá u, xá mê, xá lầm, xá lỗi cho Thừa là người trần mắt thịt.

Lần này, đức Mẫu Thoải cười khanh khách:

– Ừ, biết oai bà thì bà tha cho.

Ma-ri suỵt soạt tâu:

– Tấu lậy đức bà, thế ngộ vua Thủy Tề được lệnh đức bà bảo đánh đắm chiếc Đại Pháp của tiểu rồi, thì đức bà troàn cho tiểu làm thế nào ạ?

Thánh phán:

– Không cho nó chạy nữa. Néo nó lại cho chắc!

Ma-ri mừng làm sao! Hắn thấy đức Ngài thật đáng được thờ. Đã đề ra đường lối, còn vạch cho cả kế hoạch thực hiện nữa!

Hắn về Hải Dương, đem ý kiến đức Mẫu Thoải nói chuyện với thằng Pôn.

Thằng Pôn vỗ tay mừng, khen mãi Mẫu là cừ. Nó không phải ghen tị với số phận nhàn hạ của thằng Giăng nữa. Nó bảo:

– Tán thành ý kiến của đức Mẫu Thoải!

Hai mẹ con bàn bạc cách làm đúng lời khuyên của thánh, để bảo vệ chiếc Đại Pháp.

Ma-ri mua thêm xích sắt và dây chão hạng đại. Hắn thuê sẵn hai chục cây tre già. Rồi không cho chiếc Đại Pháp chở khách vội vã phải rời bến mọi khi, đỗ ở một nơi khác. Xung quanh thành tàu, hắn cho đóng những cọc tre thật sâu, rồi chằng dây xích và dây chão, buộc ghì tàu với cọc thật chắc.

Chính hắn và thằng Pôn đứng ở đó từ đầu đến cuối để ốp bọn mạch nô làm cho cẩn thận. Chiếc Đại Pháp bị chằng tứ phía, như anh chàng bị trói.

Thấy việc làm được chu đáo, Ma-ri yên trí, nói như thách:

– Cựa nữa đi!

Đêm ấy hắn ngủ yên lắm. Hắn định hôm sau lại về Hà Nội, sửa lễ, nhờ cô Bé Tý kêu đức Mẫu Thoải cho chiếc Đại Pháp lại chạy như thường.

Song, quả như lời thằng Pôn khen, đức Mẫu Thoải của cô Bé Tý là cừ. Không bị sóng, gió, nhưng chiếc Đại Pháp cũng phải ngâm dưới nước từ lúc nửa đêm.

Tinh sương hôm sau, Ma-ri được báo tin tàu đắm. Hắn vội vàng chạy hộc tốc ra bờ sông.

Chiếc Đại Pháp bị chìm, nước ngập gần đến boong.

Những người đến xem, bàn tán và tìm lý do. Lúc ấy Ma-ri mới ngã người ra là đức Mẫu Thoải làm hại hắn. Vì hắn đã dại quá. Chiếc Đại Pháp vì mất cựa nên lúc có nước triều lên nó không thể rền lên theo mà cứ chịu chết dí với những xích sắt và dây chão ghì thật chặt, bắt nó đứng nguyên tại chỗ. Nước triều cao dần, thế tất tràn vào tàu. Rồi sức nặng của cả chiếc tàu được một khối lớn nước giúp thêm sức, đè cho nó chìm tới đáy sông.

Ma-ri trở về sở, ôm mặt khóc lóc thảm thiết quá. Nửa cái cơ nghiệp của Thừa xây dựng hơn mười năm nay, không cánh mà bay. Thằng Pôn thế là tay trắng. Thằng Giăng thế là tay trắng. Con Rô-da-lin thế là tay trắng.

Hắn than thở với những người đến hỏi thăm, đổ là trót tuân lệnh cụ sứ nên xảy ra cơ sự này. Hắn oán trách hãng Sô-va độc quyền máy trục, không giúp hắn, lại nhân hắn bị hoạn nạn mà bắt bí, đòi mua tàu của hắn như mua sắt vụn.

Lời Ma-ri than thở đến tai ông sứ Mát-xi-li. Thằng thực dân đến an ủi hắn.

Nó kể công là không những nó đã đại lượng với Thừa ở Vĩnh Yên, từ ngày về Hải Dương, nó còn tư cho Thừa được bội tinh của vua Bảo Đại. Nó lại vừa lấy ân, vừa lấy uy, can ngăn thân nhân của những người bị chết về vụ tàu Bắc Kỳ bị đắm, đừng kiện cáo gì chủ tàu. Và vừa tuần lễ trước đây, thừa lệnh quan thống sứ chọn dân biểu của chính phủ cử cho khóa sắp tới này, nó đã tự xin cho Thừa làm nghị viên. Trong tờ trình, nó hết lời khen ngợi Thừa là nhà trí thức, nhà từ thiện, nhà quan tâm đến nền thể dục thể thao, nhà thương nghiệp có óc kinh doanh lớn. Và nhất là nó đã chứng nhận Thừa là một người biết ơn nước Pháp, lúc nào cũng tìm cơ hội để tỏ bụng trung thành với chính phủ Bảo hộ.

§18. Dốc còn sâu

Muốn chóng lại người, Thừa nghe lời bác sĩ khuyên bảo, là phải đi chơi đó đây để thay đổi không khí.

Hắn đến cảm ơn những người đã lại thăm hắn, trong những ngày hắn nằm giường bệnh: ông Tình muôn thuở, ông Nguyễn Thúc Lăng, trạng sư Rô-măng, cẩm mật thám Pha-lăng-xô.

Muốn nhìn lại cảnh cũ, để nhớ việc xưa, có lần hắn thuê xe giờ, bảo kéo lên Yên Phụ, qua chỗ ở của chị Sáu, rồi vào trong làng, thăm cái nhà có gian buồng cho hắn thuê để giấu cô Lễ đầu tiên. Thấy bà chủ thì già, nhà cửa thì đổi khác, hắn tần ngần, man mác. Hắn đến cửa nhà máy nước, chỗ mà hắn bị nhét cái thức đặc biệt nhất trên đời vào mồm, rồi rẽ vào Ngũ Xã, ngắm nghía cái căn gác thấp mà hắn đã thuê trong mấy tháng. Hắn xuống đường Cổ Ngư, bảo xe đỗ lại chỗ mà ông Hoài Tân Tử gặp hắn, bảo hắn đi làm báo.

Muốn ôn thêm chuyện cũ, hắn lại qua Hàng Đậu, chỗ hắn bị đánh, rồi về Hàng Bồ, xem cái tòa báo Chấn Hưng xưa. Hắn dòm vào gác trong, chỗ hắn ở với cô Lễ. Hắn đến Hàng Đào, liếc nhìn hiệu Phúc Lâm, rồi ra Bờ Hồ, ngắm cái Nhà Vàng của Phòng thuốc nhà giàu cũ. Cái hình ảnh mẹ Mão in trong cuốn Dân quê SOS, cái hình ảnh cô Lễ bị hắn đánh tàn nhẫn, hiện ra trong óc hắn, làm tim hắn đập mạnh, hơi thở rộn lên. Hắn đến Hàng Bông, tới trụ sở của Tổng phát hành thuốc Trung Nam Bắc, rồi qua cái nhà anh Xi ở mà hắn trốn tạm để tránh Múi. Hắn ra ga, xem nhà Đông Phương, xem nhà thằng Tu-nô. Hắn ngó vào gian bếp hắn ở với mẹ Mão và lần đầu hắn nói chuyện với Ma-ri. Nhà săm Đồng Lợi làm hắn bồi hồi. Đây là chỗ hắn rẽ trên quãng đường tình. Hắn giết Múi từ đây, để từ đây, chui đầu vào cái tròng mới của Ma-ri. Và để từ đây, tuy Thúy Lan còn ở trong bụng mẹ, nhưng đã bắt đầu đau khổ, rồi đến thuở dậy thì, bị hắn phá trinh, và đẻ ra con Băng Tuyết!