Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Vậy mà đôi khi Thừa còn phải làm những việc lặt vặt. Là khi Ma-ri dở nói chuyện với bạn, mà có ai đến vay tiền, thì hắn lại đùn cho Thừa làm hộ.

Ngoài những bận rộn này, Thừa còn phải lưu tâm để bảo đảm cho khách chơi được an toàn. Nghĩa là không bị nhà chức trách bắt.

Nhà chức trách địa phương, là lý dịch, chánh phó hội, chánh phó tổng trong vùng, cố nhiên, họ không dám hỗn láo, vì họ cũng có mặt cả ở sòng. Và người nào cũng bị quan hàn xỏ mũi bằng những món nợ chẳng to thì nhỏ.

Có thể bắt bạc, chỉ có quan huyện sở tại. Nhưng quan huyện Lung thì quan hàn An-be thân lắm. Thỉnh thoảng, một đôi khi đi tuần đêm để canh cho đám bạc khỏi bị người của sở mật thám tỉnh hoặc sở mật thám Hà Nội sục đến, quan cũng tạt vào nghỉ ở dinh quan hàn, để quan hàn biết công cho ngài. Ngài được uống sâm banh, hút xì gà. Rồi muốn tỏ rằng mình bình dân, ngài cũng sà vào sòng đánh dăm ba tiếng, hoặc nằm bàn đèn hút dăm ba điếu. Nhiều bận, tuy ngài không thua, ngài cũng cứ giải đen.

Sở dĩ quan địa phương tận tâm giúp đỡ quan hàn An-be, là bởi vì những tối hàng về, có khách khứa đông, bao giờ quan hàn cũng báo trước cho quan tri biết. Không phải để khỏi bị nghi là hội kín, mà bị bắt, vì tụ họp quá hai mươi người, như pháp luật đã cấm ngặt. Nhưng để người đại diện cho nhà nước phái lính đi canh gác hộ. Nếu nó động rạng, tức thì Thừa được phi báo, giải tán ngay khách đi.

Để đền bù cái công lao giữ cuộc trị an, mỗi người lính canh đêm cho sòng, được thưởng năm đồng. Họ không ngớt cảm ơn quan hàn, vì họ so sánh với lương cả tháng của họ chỉ có sáu đồng thôi.

Quan huyện được Thừa chi cho mười phần trăm của tổng số tiền hồ thu được. Không bao giờ quan huyện nghi quan hàn đưa thiếu, vì cái ông cử nhân luật ấy vẫn còn thạo làm toán, nên sòng có bao nhiêu con bạc, đánh trong bao nhiêu lâu, ông ta tính ngay ra được số tiền mà ông ta hưởng, vả lại, bao giờ Thừa cũng đưa một món tiền tròn, to hơn món phải thực nộp. Đáng bốn chục, hắn đưa cả năm, đáng hơn năm chục, hắn đưa cả sáu. Thấy hỏa hồng quá hậu, bao giờ quan phụ mẫu cũng giương tròn hai mắt: “Sao nhiều thế?”. Nhưng không đợi trả lời, ngài đút ngoém tiền vào túi, mỉm cười: “Cảm ơn quan hàn nhé”.

Không những được chia hồ, quan cai trị còn luôn luôn được cung đốn những của ngon vật lạ. Nhưng có một thứ của ngon vật lạ, quan hằng ao ước, mà Thừa vẫn chỉ hứa là sẽ biếu. Những thứ những vật bằng thịt người, xương người này, có sẵn sàng ngay ở trong nhà Thừa. Ấy là mấy con Sen, con Đào, con Mai, con Lan, con Huệ, như đàn chim ra ràng của Ma-ri. Quan phụ mẫu muốn hạ mình xuống làm dân thường, khai thông cho những con nhà đần độn ấy hiểu thế nào là mùi đời. Vì chưa được toại nguyện, nên quan vẫn trách quan hàn là chưa văn minh, là hẹp hòi, không muốn giải phóng phụ nữ.

Thấy quan huyện có điều bất mãn ấy, cho nên Thừa vẫn phải dè chừng ông ta. Hắn biết là bọn quan lại họ trở mặt như trở bàn tay. Tử tế đấy, nhưng mà đểu cáng ngay đấy cũng được. Cho nên mỗi lần nghe báo tin quan huyện đến, một mặt Thừa rất niềm nở, một mặt Thừa để mắt dò xét ngay thái độ của ông ta. Khi tiễn ông ta ra khỏi cổng, Thừa mới yên trí là ông ta không hoạch họe gì mình.

Song tiếng rằng nhờ quan cai trị phái lính đi tuần hộ thật, Thừa vẫn chưa tin rằng quan lính họ thật bụng với mình. Có khi biết là có đám xóc đĩa to, họ dắt mật thám về bắt cũng nên. Cho nên Thừa bắt cả người nhà của hắn, những tay trung thành nhất, canh phòng thật nghiêm ngặt ở các lối vào dinh. Họ phải dựng những lều làm điếm canh, và khắc canh bằng trống. Bởi vì, tuy bọn quan lính địa phương được đấm mồm, họ có thể tận tâm, nhưng còn lũ mật thám tỉnh, lũ mật thám Hà Nội, tức là bọn lâu la của thằng Pha-lăng-xô, Thừa có cho họ ăn đấy, nhất là thằng Tây lai, nhưng biết bụng dạ họ thế nào. Cái lũ mặt người dạ thú ấy, kể cả ta lẫn Tây nữa, còn lật lọng bằng vạn quan, bằng vạn lính kia. Vì vậy, để bất chợt xem bọn người nhà có gác thật cẩn mật không, có đêm Thừa đóng ngựa, thân hành đi củ soát các điếm. Trăm bó đuốc thế nào cũng vớ một con ếch. Một lần, hắn chộp được một anh đương ngủ khì. Hắn lẳng lặng tịch thu cái trống đem về dinh.

Lúc trở dậy, anh này sợ hết hồn. Sáng hôm sau, anh đến lạy van quan hàn. Biết rằng người đầy tớ không cố ý hại mình, nhưng thế là có thể phản chủ, Thừa chỉ đánh anh ta có hai mươi gậy vào lưng thôi.

– Tội của mày là đáng cho một phát súng, rồi quẳng xuống sông Cái.

Gần suốt đêm làm việc căng đầu óc thế, nhưng khi có tin báo hàng đã cập bến, thì Thừa càng bận rộn hơn. Dù mưa, dù gió, lập tức hắn phải đi. Bởi vì, lập tức, hắn phải chia từng món, chọn từng hàng cho từng người. Khi xong ngần ấy việc, hắn sai người về, mời khách ra nhận ngay phần của họ.

Công việc trôi chảy, không mắc mứu gì, Thừa mới về dinh, ngả lưng một lát. Rồi hắn phải dậy, bàn bạc chuyến buôn sắp tới với ông Hoài Tân Tử, để kịp đi Hà Nội, nộp tiền cho công ty, vào buổi sáng.

Ông Hoài Tân Tử đến Cẩu Rồng được biệt đãi nhất. Vì không những ông là nhân vật cao cấp của công ty, mà còn là hai lần ân nhân của quan hàn An-be. Những lúc hàn huyên với nhau, Thừa luôn luôn nhắc lại mình là kẻ chịu ơn sâu nghĩa nặng của người bạn cũ nhất và thân nhất. Cái ngày gặp bước truân chuyên, đương sắp đói meo trên căn gác tối tăm ở Ngũ Xã, Thừa đã được ông Tình muôn thuở cứu cho, vời đi làm chủ bút báo Chấn Hưng. Được no nê, lại no nê bằng cái chức danh giá, Thừa đã đào mỏ khá có kết quả. Đến bây giờ, ông lại vớt cho Thừa khỏi cái tiếng xấu là phú quý trong váy vợ. Ông giới thiệu cho vào công ty, nên Thừa mới giàu có, mở mày mở mặt được với đời.

Vì vậy, về đây, ông bạn quý Hoài Tân Tử được dành riêng một buồng đủ tiện nghi, để ông có mệt thì đi nghỉ, vừa sạch sẽ, vừa yên tĩnh.

Thường thì khi ông nhà thơ ngủ dậy, Ma-ri thân vào buồng để hỏi thăm sức khỏe ông. Tự tay Ma-ri tiêm sẵn độ một chục điếu thuốc phiện, để ông hút súc miệng cho liền một mạch. Khi tỉnh táo, ông điểm tâm bằng cà phê sữa và bánh mì. Lúc này, Thừa và ông, tức là hai yếu nhân cộng sự tối mật thiết của công ty, mới chuyện trò, tính toán, bàn bạc việc buôn bán.

Từ lúc khách khứa đi nhận hàng, không trở lại cái tổ quỷ nữa, từ lúc quan hàn An-be và ông nhà thơ Tình muôn thuở đi Hà Nội, trong dinh được yên ắng thì Ma-ri mới thật sự được nghỉ. Hắn lăn ra ngủ, không nói mê, không ư ự. Ngáy thật đều.

Nhưng bọn đội con gái chưa được ngơi tay. Họ phải làm cho xong cuộc tổng vệ sinh trong các buồng. Họ gánh ba bốn gánh nước, khẽ khàng dội, khẽ khàng cọ cho bà khỏi mất giấc. Nơi nào nơi ấy ngập lên những rác rưởi: vết cáu của nước chè mạn đặc đã khô, tàn diêm, bã thuốc, xương xẩu, dầu, mỡ, quết trầu, bãi đờm, bãi mũi. Vết bẩn bám chắc cả ở trên tường. Nhưng chỉ trong chốc lát, tất cả những thứ ấy được tẩy đi hết. Gạch hoa lại bóng láng, đồ đạc lại sạch sẽ như li như lai.

Nhưng chưa hết việc. Những chăn, gối, màn, chiếu dùng đêm hôm trước, họ phải đem ra ao, giặt giũ suốt lượt. Họ phơi xong, thì vừa lúc bà hàn thức giấc. Bà ú ớ gọi. Họ phải túc trực trong buồng, để khi bà dậy hẳn, họ có mặt sẵn để bà sai vặt.

§4. Một con ma còn sống

Hôm nay Thừa bực mình lắm. Hắn lại vừa gặp người vợ cả của hắn.

Sau cái ngày mẹ Mão đến phá Phòng thuốc nhà giàu, thì chị về ở nhà quê. Những người làng biết chuyện, ai cũng mát ruột thay cho chị, và thấy đáng kiếp thằng đàn ông bạc tình. Nhưng khi việc đến tai ông bà bếp, tuy bà bếp không nói gì – bởi vì mấy đời bánh đúc có xương – còn ông bếp thì bênh con, cho nên giận chị lắm. Ông chửi chị là tai ngược, đánh cho một trận thật đau, rồi đuổi đi. Chị phải bế Mão về bên nhà ngoại.

Lúc bấy giờ dư luận trong làng về chị cũng lắm. Có người đoán chị và Thừa rồi sẽ tái hợp. Bởi vì người chồng này không thể làm ăn ở Hà Nội nữa, sẽ lại bò về nhờ dì ghẻ và nhờ vợ. Có người cho rằng vợ chồng như vậy là tuyệt ân tình, bỏ đứt nhau, không còn mặt mũi nào trông thấy nhau nữa. Có người chắc sau này chị sẽ lấy anh Xi, vì anh Xi góa vợ, mà xem ra hai bên đi lại mặn mà với nhau lắm. Nhưng mà ra không phải. Chồng chị không về quê. Chị làm mối cho anh Xi lấy người chị họ của chị cũng góa sớm. Hai bên rổ rá cạp lại, ăn ở với nhau rất hòa thuận, và cùng thương quý chị bội phần.

Lại đến ngày ông bếp ốm nặng, bà bếp nhắn ra Hà Nội năm tin, mười tin, mà Thừa không về, thì bà thấy người nàng dâu cũ, tuy đã bị ông ruồng bỏ, ngày nào cũng đến thăm nom. Bà xin vái ông cho chị về ở nhà như cũ. Nhưng chị không về. Không phải chị dỗi với bố chồng, nhưng chị giận chồng. Chị không muốn ở đây, rồi phải nhìn mặt con người gian ác đã làm hại đời chị. Chị làm thuê, làm mướn quanh năm, lần hồi giật gấu vá vai, cũng đủ nuôi miệng chị và con chị. Bây giờ, về với ông bà bếp, dù sao thì cũng mang tiếng là nhờ chồng, mà sự thực chị nhờ cái gì? Thấy ông bếp thuốc thang chả có, cơm cháo chả ăn được, chị còn chắt bóp để dành tiền, thỉnh thoảng mua được cho ông đồng quà tấm bánh. Đến ngày ông bếp chết, chị cũng mua được mấy vuông khăn xô, đến để chịu tang. Lúc đưa ông ra đồng, chị cũng cố khóc lóc thảm thiết, y như một người nàng dâu hiếu thảo biết thương xót thật. Họ hàng nghe những tiếng sáo mà chị kể lể, nào những là “bơ vơ như chim mất tổ”, nào những là “con không cha như nhà không nóc”, thì đều yên tâm là ông bếp tốt số, vong linh không đến nỗi tủi nhục. Người ta còn lắng tai để xem trong lúc khóc lóc, chị có cạnh khóe oán trách chồng bạc tình, bố chồng thiên vị và dì ghẻ chồng cay nghiệt hay không. Nhưng mà tịnh không. Cho nên càng nhìn cái mũ gậy treo ở đầu đòn, họ càng so sánh người con trai vắng mặt với người con dâu có mặt để nguyền rủa thằng con bất hiếu, và khen ngợi con người thảo hiền.