Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Anh Thừa vừa nói, vừa như hãnh diện. Nhưng thằng Tây lai nhún vai, bĩu môi, hỏi:

– Thuốc An-nam?

Thấy nó tỏ vẻ khinh bỉ, anh đáp to cho nó sợ:

– Vâng, nhất định hay hơn cả thuốc tàu và thuốc tây.

– Mày nhạo tao? Sao mày dám chắc thế?

– Là vì trước kia ở Đồng Đăng, con đã bị như quan lớn và con đã uống thuốc ấy.

– Mày khỏi?

– Vâng.

– Khỏi ngay?

– Vâng.

Thằng Tây cười mỉa mai:

– Thế thì lạ thật!

Anh Thừa nói bằng giọng tự ái:

– Vâng, quan lớn cứ thử dùng. Không lạ đâu.

– Mày biết thứ thuốc ấy?

– Vâng.

– Mất bao nhiêu tiền?

Anh Thừa suy nghĩ. Không phải để tính toán giá thuốc mà tính toán giá của cái tội nó khinh anh.

Một lát, anh đáp:

– Độ một trăm bạc.

Thằng Tây lai ngồi yên. Có lẽ nó cũng tính toán. Nó gật gù:

– Một trăm? Không nhiều. Nếu khỏi.

Thấy nó bắt đầu xiêu lòng, anh Thừa quả quyết:

– Nhất định khỏi. Không khỏi, quan lớn đòi tiền lại.

– Được, mày lấy thuốc cho tao, mày cần gì?

– Con cần tiền và nghỉ vài ngày.

– Được. Mấy ngày? Đi xa hay gần?

Anh nói liền:

– Đi Đồng Đăng.

– Được, tao cho giấy, mày ngồi toa hạng ba. Năm ngày có đủ không?

– Đủ.

– Mày lấy bao nhiêu tiền?

– Thuốc không phải của con. Mà mua thì phải tiền ngay, đưa tất cả một lúc.

– Cả một trăm?

– Vâng.

– Được, tao đưa mày. Nếu khỏi, tao không tiếc tiền. Tao phải vay ba tháng lương để chữa bệnh này rồi. Một trăm bạc không là mấy.

Nó đưa tiền cho anh Thừa. Anh sung sướng vì móc nổi của thằng tự phụ một món tiền lớn. “Thằng ngu ngốc là thằng đáng khinh”. Anh nhìn nó như chửi vào mặt nó câu ấy, rồi chào nó. Bỗng nó gọi anh lại. Nó vẫy anh đứng gần, giơ ngón tay trỏ vào mặt anh:

– Tao cấm mày mách với ai là tao đã nói với mày bằng tiếng An-nam, nghe chưa?

Anh lộn ruột, lặng thinh, không đáp.

Hôm sau, anh Thừa nghỉ việc. Anh không phải lên tận Đồng Đăng mới kiếm được thuốc. Anh sắm quần áo tây cho anh, và đôi khuyên vàng cho vợ anh. Hai người về nhà quê chơi.

Ngày hôm thứ năm, anh sửa soạn ra Hà Nội. Anh dặn vợ là nếu đẻ con trai, thì đặt tên là Mão. Nếu đẻ con gái, thì nói với ông nội đặt tên cho. Rồi anh cầm con dao, đến cây gạo đầu đình, lấy ra một mảnh vỏ, to hơn bàn tay, gói vào tờ giấy, để mang đi.

Thuốc chữa bệnh thiên trụy cho chủ anh chỉ có thế. Đáng lẽ cạo qua một lần muội ở vỏ, rồi cứa vài nhát, để đun với nước cho dễ ngấm, anh phải làm văn hoa hơn, để ngụy trang vị thuốc, bịt mắt thằng Tây lai. Anh băm vỏ gạo cho thật nhỏ, rồi nấu với thịt bò phi hành mỡ cho thơm, thành món xúp.

Anh hỏi Tu-nô ăn cơm tối vào lúc mấy giờ. Nó đáp:

– Tám giờ.

Đúng giờ ấy, thấy chủ đã ở trên gác, anh bưng xúp lên. Khói bốc, tỏa một mùi thơm ngào ngạt.

Bất đồ, lúc anh vừa thò cổ lên gác, thì quan sếp phó của anh đương ngồi xổm ở gần thang, hì hục giã cái chày vào cái lon. Một mâm cơm bày trên bàn, có hai bát đũa, bày thon lỏn một đĩa rau muống và một đĩa đậu phụ rim.

Tu-nô vội vàng đứng dậy để che cho khuất. Mặt nó đỏ gay. Nó quắc mắt nhìn anh. Chính anh cũng ngượng không kém gì nó. Anh vẫn tưởng nó ăn cơm tây, mới nấu cho nó món xúp thịt. Nào ngờ nó hốc rau muống, muối vừng, đậu phụ. Hèn nào nó không nuôi bếp. Xúp của anh thật là vô duyên, vì nhỡ tàu.

Tu-nô đỡ liễn thuốc bằng một tay. Anh nói:

– Quan lớn xơi món xúp cho nóng.

Bất đồ, còn một tay, thằng Tây lại giơ thẳng cánh, tát anh đánh đốp.

– Ai cho phép mày tò mò lên đây! Tò mò! Con lợn!

Bị đánh thình lình, anh đinh tai, nảy đom đóm mắt, loạng choạng, khuỵu ngã lăn xuống, hàm răng vập vào cạnh bậc lim. Máu chảy ra ngoài môi. Anh đau điếng, định nói, thì thấy hơi thều thào khó thành tiếng. Anh sờ tay vào miệng. Thì ra anh gãy cái răng nanh.

Thằng Tây lai vẫn không nguôi giận, lại quát đuổi anh. Anh sợ, vội vàng chạy xuống. Anh biết rằng bị đòn không phải vì anh đã tò mò liếc nhìn vợ nó, mà chính là vì đã tò mò liếc nhìn mâm cơm nó ăn.

Hôm sau, buổi làm việc, anh không hỏi thăm bệnh nó ra sao. Nó cũng không hỏi thăm anh đau đớn ra sao.

Nhưng hôm sau nữa, Tu-nô gặp anh, nó cười hớn hở giơ tay ra bắt:

– Tao cám ơn mày, thuốc của mày tốt lắm, ngon lắm, bùi lắm. Tao đi, không phải chống gậy. Bìu nhỏ lại nhiều và bớt đỏ nhiều. Mày lấy thuốc nữa cho tao.

“Tao còn phải trả thù!”. Nghĩ thế, anh đáp:

– Xin quan lớn một trăm bạc nữa.

– Thế trăm bạc trước được có ngần ấy thuốc thôi à?

– Vâng.

– Được, tao không tiếc.

Rồi ôn tồn, nó hỏi:

– Thuốc của mày hay thật, nhưng sao đắt tiền thế, mỗi lần phải mất những một trăm?

Thấy nó đã đau xót, anh Thừa hả giận, đáp:

– Vâng, thuốc hay thì tất đắt. Con không biết có những vị gì, chỉ thấy ông lang đưa thêm một gói mùn vàng. Ông ấy nói mùn nhỏ như bụi, sợ trộn ngay với thuốc thì rơi đi mất. Ông ấy gói riêng, giao tận tay cho con. Thuốc đắt tiền vì có vàng, ông ấy bảo vàng có tinh chất hút mủ thiên trụy.

Thằng Tây lai ngẩn ra suy nghĩ, rồi làm như hiểu, nó gật gật:

– Có lẽ.

Năm hôm sau, anh Thừa lại nấu xúp vỏ cây gạo cho chủ ăn. Lần này, anh không dại, để gãy thêm cái răng nữa. Anh đứng dưới sân, gọi bà đầm xuống mà bưng lên.

Con mụ lai lúc này mặc quần lụa trắng và áo cánh cộc tay. Hắn chạy xuống, hắn nhìn anh bằng con mắt hiền dịu, rồi lắc đầu, mỉm cười:

– Tội nghiệp anh.

Hắn giơ hai cánh tay trắng như bột để đỡ liễn xúp, nói nhẹ nhàng:

– Cảm ơn nhé.

Anh thấy hắn không kịp mặc quần thâm – quần trắng là thứ quần mặc ngủ – anh thấy da hắn trắng, ngực mông phây phẩy, mà rạo rực cả người. Anh nhìn theo hắn. Lúc sắp quành ra cửa trước, hắn quay lại anh, mỉm cười và khẽ gật đầu. Anh đánh bạo, cũng cười và gật đầu.

“Không trách thằng chồng nghi cũng phải!”. Nghĩ vậy, anh thở một cái dài. Hai hôm sau, Tu-nô khoe với anh:

– Tao khỏi rồi. Cảm ơn mày. Có phải uống thêm thuốc không?

– Tùy quan lớn. Muốn khỏi dứt thì cứ uống thêm.

– Mày mách cho tao chỗ lấy thuốc, để sau này, lỡ ra mày không làm ở đây, thì tao nhờ người khác đi hộ.

Anh Thừa cho là bây giờ không cần giấu giếm chủ, mới khoe:

– Thuốc của con làm đấy.

Tu-nô tròn đôi mắt, giơ cả hai tay ôm lấy vai anh rung một hồi:

– Cảm ơn! Cảm ơn! Tốt! Tốt! Tốt!

Anh vui vẻ:

– Sở dĩ con nói dối là lên tận Đồng Đăng, vì con biết rằng nếu nói thật là thuốc của con, thì không bao giờ quan lớn tin là hay mà cho chữa.

Nó cười rất giòn, gật lia lịa:

– Đúng, đúng thế. Vì cái gì của An-nam cũng tồi. Mày học môn thuốc ấy ở đâu?

Sực nhớ đến cái bằng làm thuốc của ông Sơ, anh đáp:

– Con học ở bên Tàu, đã có bằng.

– Tốt lắm. Cho tao xem bằng. Tao giúp mày không phải kéo quạt nữa.

Anh Thừa về nhà, lấy tấm bằng đưa cho Tu-nô xem. Nó nhìn một lát, rồi bĩu môi:

– Bằng này, tao biết, chùi đít không đáng. Tao đã ở bên Quảng Tây mãi. Tao thấy đứa nào cũng có. Chính phủ này đã đổ từ hai năm nay rồi, mày có biết không? Lúc sắp đổ, nó đem bán rao ở khắp phố Quế Lâm.

Anh Thừa như bị kiến bò trong gáy.

Anh nhớ đến lời lẽ văn hoa trong thư người quan văn con buôn. Thế này thì chưa chắc người gửi thư đã là quan văn thật. Nó là một tên bịp bợm, một thứ thổ phỉ kiểu khác.

Thấy anh Thừa có vẻ nghĩ ngợi, Tu-nô hỏi:

– Mày có biết nhiều thuốc không?

Anh đáp:

– Nhiều.

– Có hay không?

– Hay.

– Thế thì mày đợi gì mà không mở hiệu thuốc, lại làm cu-li cút-kít một tháng sáu đồng. Tháng này, mày đã thu nổi hai trăm bạc lãi.

Được hả hê vì trả mối thù, anh Thừa cười sung sướng. Tu-nô tiếp:

– Mà thuốc mày hay thật, mày cần phải dựa gì vào tờ giấy giả dối này.

Một lát, bỗng nó nghiêm nét mặt:

– Thế thì tao biết. Mày không học thuốc ở bên Tàu ngày nào. Mày bịp tao. Thuốc của mày không có mùn vàng. Mày lấy không của tao hai trăm bạc! Đồ khốn nạn!

Rồi mặt thằng Tây lai tía dần. Nó nhìn anh, chòng chọc nhìn anh. Bỗng nó quát:

– An-nam ăn cắp! Giống nòi nhơ bẩn! Cút đi kéo quạt!

Anh Thừa không ngờ cái nòi vô ơn nó trở mặt như trở bàn tay. Anh sợ nó đánh, vội vàng tránh xa nó.

– Từ tháng sau, sở chỉ cho mày ba đồng lương. Không bằng lòng thì bước! Tao khỏi rồi, không nóng nữa. Tao không cần quạt!

§4. Ma-ri

Em khổ với nó mấy tháng trời đấy, mình ạ. Mình chữa nó khỏi, thật là phúc cho em. Bệnh hoạn như thế, mà nó có tha em đâu. Sau em sợ lây, phải lấy mồm thay. Cực hơn nữa, là độ ấy lâu ngày không biết đàn ông, em đứng trên gác, trông thấy mình ở dưới ngon quá, em ghét lạ!

– Ghét thế nào?

– Tại sao mình chỉ trò chuyện với vợ mình?

Anh Thừa nhếch mép cười, để lộ chiếc răng vàng óng ánh:

– Em sếp phó ạ…

– Không, gọi tên của em cơ!

– Thế thì gọi là gì?

– Là em Ma-ri của mình!

Nói đoạn Ma-ri lắc tay anh Thừa, nũng nịu hỏi:

– Thế hôm nay mình có trò chuyện với em không, hay cũng như cái hôm nào ấy?

Muốn cho tiểu thuyết này khỏi đứt quãng từ chỗ anh Thừa chắp tay thưa bẩm với bà lớn sếp phó, đến chỗ anh say sưa “trò chuyện” với Ma-ri, ta nên quay ngược lại thời gian từ mấy tháng trước.

Tu-nô khỏi bệnh. Vài hôm sau, nó phải đưa một đoàn kỹ sư từ Pháp mới sang, vào Vinh nghiên cứu đoạn từ Vinh đến Đông Hà để đặt nốt quãng đường sắt cho liền Hà Nội – Đà Nẵng.

Được chủ đi vắng, anh Thừa lén nghỉ ở nhà. Anh nằm vắt tay lên trán, suy nghĩ đến đời anh. Anh như nhìn thấy trước mắt những bạn bồi bếp mới của anh, họ rủng rỉnh có tiền, thỉnh thoáng thết anh cốc xê-cấu. Anh nhớ lại thái độ và hành động của thằng Tây lai đối với anh. Không lẽ anh cứ làm cu-li kéo quạt suốt đời. Anh hối hận vì đã trót nói liều “thà thằng Tây nó chửi, nó đánh còn không nhục bằng An-nam nó nói một câu”. Bực với ông Thìn thì anh tưởng thế. Chứ bây giờ anh mới rõ. Kẻ làm cho anh nhục là thằng Tây nó phát lương cho anh. Cái làm cho anh nhục, là cái nghèo không có tiền, phải chịu hèn đi làm đầy tớ. Cha anh ở làng vì nghèo, nên hèn, anh cũng phải khổ vì bị nhục lây. Cha anh ước ao anh được sang giàu. Ở đời này, có ai dám khinh người giàu. Nhưng anh làm gì để giàu, cho kẻ khác trọng? Cha anh muốn anh dẹp giặc để lập công. Nhưng anh nhát, sợ chết. Thằng Tu-nô khuyên anh làm thuốc, vì nó tưởng anh biết thuốc. Nhưng sự thực anh có biết gì đâu?