Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Xung quanh cô, bấy lâu nay, ban ngày là chuyện đồng áng, cày cấy, tiếng các em cô đùa nghịch. Ban đêm là tiếng giun đùn, dế gáy, chẫu chuộc kêu và tiếng mõ cầm ranh. Chứ không phải chuyện buôn tơ. Không phải tiếng lạch cạch bánh xe sắt, tiếng leng keng chuông xe điện. Càng không phải tiếng âu yếm của con người chung tình, đa sầu, đa cảm, tiếng Thừa yêu Lễ, viết tắt là TYL.

Cảnh nông thôn lặng lẽ, nhưng sao cô thấy như nó đè trĩu trong đầu óc cô: thế mà đầu óc lại như có chỗ trống trải. Ông bà nhì thấy cô buồn, thì hỏi, nhưng cô giấu:

– Thỉnh thoảng cháu vẫn thế.

Cô muốn lấp chỗ trống trải bằng chuyện Hà Nội.

Cô bảo Tiết xem trong làng có ai mua báo, thì mượn cho cô. Cô dặn em cẩn thận:

– Có báo Trung Bắc hay Thực Nghiệp hãy mượn.

Cô tránh nói đến tên báo Chấn Hưng.

Ông Nhì bảo:

– Ở nhà quê thì chỉ có báo Trung Bắc, chứ Thực Nghiệp có phải là báo nhà nước đâu mà làng phải mua.

Tiết đến nhà lý trưởng, đem về một chồng báo chưa bóc băng. Cô mở xem mục việc vặt Hà Nội. Những tin đánh nhau, tin mất ví, mất chó, cũng làm cho cô vợi được nỗi nhớ cảnh nhớ người.

Một hôm, tờ báo mới đem về, cô mở ra, nhìn lướt qua từng trang. Bỗng ở mục Bá cáo việc riêng, có ba chữ tên ký là Trần Đức Thừa làm cô giật nảy mình. Cô vội vàng chăm chú đọc.

Mấy câu mào đầu của tòa soạn in ngả như sau:

Bản quán nhận được bài lai cảo sau đây của ông chủ bút báo Chấn Hưng. Vì tình đồng nghiệp, xin cứ nguyên văn đăng báo, thực hư thế nào, về phần người viết phải chịu trách nhiệm.

Bài Bá cáo việc riêng như sau:

Tôi xin có lời thanh minh cùng quốc dân một việc phạm đến danh dự của tôi.

Báo Thực Nghiệp số ra ngày hôm qua, trong mục Thiên hạ đồn, có đăng một vụ ẩu đả xảy ra ở giữa phố H.Đ., lúc mười một giờ đêm.

Theo bạn đồng nghiệp, người bị đánh tên là T.Đ.T. chủ bút một tờ báo mà bạn nói rằng tòa soạn là một tổ quỷ. Và người hành hung là một người đàn bà buôn bán trên Ngũ Xã, tên là M. Nguyên là M. có tư thù với T.Đ.T. đâu là một chuyện tình xưa nghĩa cũ, bội tín vong ân thế nào đó. M. lại được một người tòng sự ở nha Thương chính giúp, nên kết quả, T.Đ.T. bị thương, phải vực vào nhà thương Bảo hộ.

Ở Hà Nội này, chủ bút một tờ báo mà tên viết tắt là T.Đ.T, thì chỉ là tôi. Nhưng xin nói ngay rằng tòa soạn báo Chấn Hưng ở phố Hàng Bồ. Nếu gọi là tổ quỷ, thì có gọi phố Hàng Dầu của quý đồng nghiệp là phố mẹ dầu có những tay đánh đĩ bằng bút không?

Vậy tôi xin cải chính rằng người bị đánh ở phố H.Đ. đêm hôm qua, không phải là tôi. Tiếc rằng ông Thuận Phong Nhĩ nào đó không những điếc mà còn mù, nên đã trông lầm. Tôi không quen một người nào tên là M. ở Ngũ Xã, nên không có tư thù.

Số là đêm nào, vào lúc mười một giờ, tôi cũng hay thơ thẩn đi chơi ở phố H.Đ., rồi về tòa soạn. Vụ ẩu đả đêm qua, tôi có trông thấy. Tôi cũng làm nhiệm vụ người cầm bút, là mở cuộc điều tra để viết bài tường thuật.

Sự việc chỉ có thế. Nhưng chẳng may, lúc tôi đi về được vài bước, thì một cảnh làm tôi xúc động quá, đến nỗi tôi ngã ra đường, bất tỉnh nhân sự. Thấy vậy, hàng phố vực tôi vào nhà thương. Bà con H.Đ có thể chứng nhận cho bệnh của tôi, vì một lần trước cách đây mấy hôm, cũng gần chỗ này, tôi đã ngã ngất và được bà con cứu chữa.

Vậy thì việc M. hành hung và việc tôi vào nhà thương chữa bệnh tim, là hai việc không dính dáng gì với nhau. Tiếc vì bạn đồng nghiệp yêu quý của tôi đã bôi nhọ danh dự tôi để cạnh tranh với báo Chấn Hưng một cách bất chính.

Về việc này, tôi sẽ viết rõ ràng trong báo Chấn Hưng. Và tôi sẽ nhờ pháp luật can thiệp để phân hắc bạch.

TRẦN ĐỨC THỪA Chủ bút báo Chấn Hưng

Cô Lễ thở dài. H.Đ. là Hàng Đào! Cô đọc lại một lượt nữa. Cô đọc kỹ lần thứ ba, từ quãng có chữ số là đến hết dòng có câu Và được bà con cứu chữa.

Cô rưng rưng nước mắt.

Cô đi nằm, luôn luôn thở dài. Bữa chiều, cô bỏ cơm.

Buổi tối, cô lại mở báo, đọc bài Bá cáo việc riêng một lần nữa.

Rồi tình cờ, mắt cô để tới mục Từ phú thi ca, một bài ký tên là Trọng Lễ. Thấy tên tác giả trùng với tên cô, nên cô đọc:

MÂY NƯỚC

Chân mây làn nước uốn.
Mặt nước áng mây lồng.
Ta ước được như nước.
Theo mạch vào giếng trong.
Chậu vàng khăn bông trắng.
Vuốt ve đôi má hồng.
Cho bõ công lặn lội.
Dò ngọn nguồn lạch sông.
Ta ước được như mây.
Bay nam bắc tây đông
Lặng lẽ trôi theo gió.
Lọt vào tận khuê phòng.
Cầm tay hỏi cặn kẽ:
Đằm thắm hay lạnh lùng?
Lòng dạ ra mây nước.
Hiu hắt ngọn thu phong!

Cô đặt tờ báo xuống, quật mạnh cánh tay xuống chiếu:

– Trời ơi!

Cô rưng rức khóc.

Đúng là con người hai lần ngã ngất vì qua nhà cô làm bài thơ này chứ không còn ai. Anh đã lấy tên cô cho kín đáo, để dò ngọn nguồn lạch sông, hỏi cô đằm thắm hay lạnh lùng. Anh còn nặng tình với cô, nên mới dùng chữ trọng, Trọng Lễ.

Để đáp lại tấm lòng này, cô nên xử trí ra sao đây? Cô trằn trọc suốt đêm.

Rồi tang tảng sáng hôm sau, cô đòi về Hà Nội. Cô cứ thu xếp quần áo vào va-li.

Ông bà Nhì giữ thế nào cũng không nổi.

§11. Một việc đã rồi

Dư luận phố Hàng Đào ầm lên về việc cô Lễ bỏ nhà đi theo trai.

Về điểm này, ta thấy bà con thật là thính. Cùng thì là vắng mặt ở hiệu Phúc Lâm, nhưng ngày cô Lễ về quê ngoại dưỡng bệnh, gần nửa tháng trời, thì không ai xôn xao, thế mà lần này, cô mới đi buổi tối hôm trước, sáng hôm sau, bà con đã biết liền, và nói đích xác là cô theo trai.

Cô Lễ theo trai hay đi đâu, chính hai cụ Tú cũng chỉ dám nghi ngờ trong bụng, chứ chưa ai nỡ nói ra miệng với nhau. Có lẽ nói ra miệng thì đau xót, thì xấu hổ, và sợ lỡ không đúng, thì oan cho cô con gái cấm cung ngoan nết chăng. Vả cả hai cụ, lẫn vợ chồng cậu Nghĩa cho đến u già, đều là những người ít nói, trong gia đình có việc gì to nhỏ, có ai nói lọt ra ngoài bao giờ đâu. Thế mà lần này, trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay. Mà lại hay một cách rất đúng, chứ không phải vì thù ghét mà nói ác.

Cô Lễ phải lòng anh Thừa. Việc này, độc giả biết đã lâu. Nhưng cô giữ rất kín đáo. Song, thường thì trong nhà có con gái hư, bao giờ người ngoài cũng biết trước, người nhà biết sau. Và người biết cuối cùng, vẫn là cha mẹ. Cũng như người chồng có vợ ngoại tình, thì sau khi bị cắm sừng lên đầu nhiều lần, anh ta mới là người biết cuối cùng. Đó là nói những trường hợp biết. Bởi vì trái lại, có những người chồng có nhân tình, đã khéo bưng bít mắt vợ được mãi mãi, để khỏi bị nghi ngờ trong những vụ chim gái lần đầu. Đàn ông nông nổi giếng thơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu!

Tối hôm cô Lễ bỏ nhà ra đi, thì cô cũng làm như mọi bận, là xin phép hai cụ lên Hàng Đường với ông bà Cả. Hai cụ rất vui lòng. Vì chắc cô kiếm cớ thăm chú cô, để biết mặt cậu Nhân. Nhưng đến tám giờ, giờ mà mọi khi cô đi đâu cũng đã về rồi, u già toan gài cửa nhà ngoài, thì cụ bà bảo hãy chờ cô một lát. Rồi đến chín giờ, cô cũng chưa về. Đến mười giờ thì hai cụ đã bắt đầu sốt ruột. Đến mười một giờ, cụ bà gọi cậu Nghĩa ở trên gác xuống, bảo:

– Quái, chị con đi đâu mà bây giờ chưa về nhỉ. Hay bị cảm, nằm lại trên nhà chú Cả chăng? Đẻ cứ máy mắt.

Cậu Nghĩa lo lắng:

– Nếu nằm lại trên ấy, thì chú cô đã cho xuống bảo.

– Thế thì chị con đi đâu?

Ý cụ muốn sai cậu Nghĩa đi tìm, nhưng lại nể con. Cụ ông ngồi dậy, hỏi:

– Thế con nó có còn nói là đi đâu nữa không?

– Không, mới lạ chứ!

Cậu Nghĩa thưa:

– Hay là con đi tìm.

Cụ bà hỏi:

– Tìm ở đâu?

– Ở đàng chú Cả, bác Thủ, cô Ký, dì Trưởng.

Nói đoạn, cậu đi. Cậu đến khắp các nơi họ hàng mà mọi ngày cô Lễ hay lại chơi. Thấy việc bất thường, các chú bác cô dì đều giật mình, cùng đổ đi tìm với cậu Nghĩa.

Trong khi ấy, hai cụ Tú chong đèn lên, ngồi đối diện với nhau ở trường kỷ, không ai nói với ai câu nào. Cụ ông rung đùi. Cụ bà thở dài. Hẳn là hai cụ nghĩ ngợi nhiều lắm. Cụ bà soát lại áo quần và tư trang của cô Lễ, không thấy thiếu thứ gì. Cụ hơi yên lòng. Mợ Nghĩa lúc xuống nhà, lúc lên gác, lúc vào bếp thì thầm với u già.

Đến một giờ sáng, có tiếng gõ cửa. Mợ Nghĩa mừng quá, vội vàng ra mở thì chán ngán làm sao, chỉ có cậu Nghĩa về một mình!

– Con đã đi khắp cả, không thấy chị con đâu. Con lại lên cả Cột cờ và đi quanh hồ Gươm, cũng chẳng thấy gì.

Cụ ông tặc lưỡi:

– Có những người nhà quê không biết đường mới bị phu xe kéo lên Cột cờ để bóc lột chứ.

Cụ bà cau có:

– Thầy đẻ sốt ruột mà con không biết hay sao, còn đi quanh hồ Gươm.

Cậu Nghĩa đáp:

– Con đi tìm chị con ạ.

Mợ Nghĩa nói:

– Tại vì ít lâu nay, có nhiều người vẫn ra trầm mình ở hồ Gươm.

Cụ bà mắng:

– Sao con dám nghĩ bậy thế?

Cậu Nghĩa không đáp.

Cụ ông hỏi:

– Con thử đoán xem chị con đi đâu?

Không chờ con trai trả lời, cụ bà nhắc:

– Ông bấm lại tử vi của con xem sao nào.

Cụ ông soi đèn vào buồng thờ, lấy lá số của cô Lễ. Cả nhà yên lặng chờ. Một lát, cụ thản nhiên, lắc đầu:

– Không có cái hạn nào cả.

Rồi cụ rung đùi, ngửa mặt lên xà nhà để nghĩ.

Trong khi ấy, cụ bảo u già đun một ấm nước sôi, bảo mợ Nghĩa xếp một cơi trầu, rồi cụ mở rộng bốn cánh cửa buồng thờ. Cụ đặt trầu lên án tam sơn, bóc gói chè mới để pha nước. Rồi thắp năm nén hương, cụ chắp tay đứng vái, xuỵt xoạt khấn. Cụ xin tổ tiên dun dủi con gái cụ đi đâu chóng mà về, tai qua nạn khỏi, và phù hộ cho cả nhà được mạnh khỏe, bình yên, vô sự.