Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Hai buồng tầng dưới nhà này có hai người ở. Đáng lẽ Tu-nô cũng chỉ được một buồng, vì người đàn bà của nó, tuy là lai, nhưng hai đứa không phải là vợ chồng cưới xin hợp pháp hẳn hoi. Song, nó láu cá. Nó bảo người ấy ăn mặc đầm để có hình thức là dân Mẫu quốc, cho nó có tiêu chuẩn chiếm hai buồng. Nó được ở cả hai buồng trên gác nhà này.

Sở dĩ anh Thừa biết được điều ấy, là vì sau này, hỏi dò la về bà chủ, các bạn nói cho anh nghe như vậy.

Hai người Tây ở tầng dưới chỉ dùng buồng làm chỗ ngủ. Không hiểu họ ăn ở đâu. Có thể là họ ăn chung bếp với những bạn độc thân của họ ở nhà khác. Có thể là họ ăn ghép với một người nào có gia đình. Cũng có thể là họ ăn tháng ở ô-ten. Nhiều tối, đến tận khuya, họ mới về. Nhiều tối, họ dắt gái về, nô đùa với nhau đến tận khuya.

Cách căn nhà chính một cái sân hẹp, là nhà phụ bốn gian. Một gian có bếp lò xây. Hai gian giữa bỏ không. Gian cuối ngăn đôi. Một ngăn có vòi nước ở trong chắc để rửa ráy, tắm giặt. Một ngăn là chuồng tiêu. Hai gian giữa, hẳn một gian là buồng cho bồi ở, một gian là buồng cho bếp ở. Vì cả ba người ở nhà trên không nuôi bồi bếp, nên hai gian đều bỏ không. Anh Thừa dọn đến buồng thứ ba.

Sở dĩ anh ở gần một công cụ mua vui, mà người thuê thuộc vào hạng có tính đa nghi, nhưng không đáng ngại tý nào, là vì một người ở trên cao, một người ở dưới thấp, không trông thấy nhau được. Người đàn bà ấy, không xuống sân bao giờ. Cửa ra sân vì là cửa sau, nên khóa. Cửa ra đường ở phía trước. Vả lại không ai dùng đến gian buồng bếp, cạnh chỗ anh ở. Chắc là bà Tu-nô thổi nấu giặt giũ ngay ở trên gác, và bà kiêm cả chức bếp, bồi cho chồng.

Cho nên, từ hôm đi làm đến bây giờ, sở dĩ anh Thừa đã nhớ được mặt người đầm lai, là vì ngày nào hắn cũng đến buồng giấy sếp phó một lần, vào khoảng từ mười giờ đến mười giờ rưỡi sáng. Cũng như lần đầu tiên anh thấy hắn, lần nào hắn cũng cầm một bọc nhỏ, và nói chuyện với Tu-nô những gì, rồi bảo anh ra ngoài một lát.

Công việc của anh tuy nhàn, anh lại được ở nhờ nhà không mất tiền thuê, nhưng nghĩ đến đời mình về lâu về dài, anh không khỏi không có điều oán thán.

Một là kéo quạt, lau bàn ghế, cửa rả, thì một thằng bé con làm cũng nổi, chứ không phải người đương sức trai mà lại biết chữ như anh. Mỗi ngày, mọi người ở sở có bảy tiếng đồng hồ, sáng từ bảy đến mười một giờ, chiều từ hai đến năm giờ. Nhưng anh phải có mặt trong buồng giấy ít ra là mười tiếng. Là vì buổi sáng, Tu-nô dậy muộn, đến chín giờ, chín giờ hơn nó mới sang làm việc. Và ngồi cho đến mười hai giờ. Buổi trưa, nó ngủ. Bốn giờ nó mới tới, ngồi cho đến bảy giờ tối. Hôm bận, nó ngồi muộn hơn.

Người khác hết giờ thì về. Nhưng anh, không lẽ chủ còn đó, đã bỏ đi. Anh không dám đến muộn như nó. Cứ chuông làm việc là anh đã ở sẵn trong buồng giấy rồi.

Mà kéo quạt là một công việc rất dễ chán. Sức anh khỏe, phải làm việc nhẹ, cho nên sốt ruột lắm. Không thể kéo mạnh được. Kéo mạnh thì cái quạt giật gió phình phịch, không đẹp mắt, không êm tai. Mà lại chóng đứt dây. Cho nên anh dễ mỏi, hay buồn ngủ. Anh luôn luôn phải đổi thế, lúc đứng tựa vào tường, lúc ngồi phệt xuống đất, lúc kéo bằng tay, lúc đạp bằng chân, mà nhiều lúc hai mắt cứ díp lại.

Thằng Tu-nô lại chẳng bao giờ nói chuyện với anh. Chắc nó cho là anh không biết tiếng Tây, mà nó thì chỉ nghe được, chứ không nói được tiếng ta. Giả thử nó cứ nói với anh bằng những tiếng dễ dễ, thì anh cũng hiểu. Rồi được học nghe, học nói cho quen tai quen miệng. Anh chỉ mong lúc vợ nó đến, hoặc lúc người thư ký ở buồng bên cạnh sang, để cảnh có hoạt động, có tiếng nói, cho đỡ lặng buồn, và để tập nghe tiếng Tây.

Điều oán thán thứ hai của anh, là anh thấy giá trị của anh nó còm, nó thụt đi dần. Buổi đầu, ở làng bước ra, anh tưởng được làm bàn giấy. Không ngờ là lên Đồng Đăng làm phu kíp. Những người chữ nghĩa chỉ bằng anh, như ông Sơ, ông Thìn, thì được là hạng thầy. Còn anh, người ta chỉ gọi bằng anh, trọng lắm thì bằng bác, là cùng. Có lúc ông Thìn nể không ra nể, khinh không ra khinh, gọi anh bằng cái tiếng giữa anh, giữa bác là xừ. Nhưng mà, thôi thì anh cũng được, bác cũng được, mà xừ cũng được, không đến nỗi nào đâu. Bây giờ, làm ở đây, anh bị gọi là cu-li, cu-li cút-kít. Thằng Tây nó gọi: “Ê! Cu-li!”. Thật là nhục. Đã là cu-li thì không đáng là hạng anh, hạng bác, hạng xừ như làm phu kíp. Mà là hạng thằng! Đúng thế, cu-li chỉ là thằng. Người ta mày tao với cu-li. Mấy người thư ký thấy anh lớn tuổi, không nỡ mày tao như với bọn bé con kéo quạt khác, song, vì cu-li không đáng được gọi bằng anh, cho nên muốn bảo anh điều gì, họ toàn nói trống không. Nhiều lúc, thấy lũ bé con cãi nhau, chửi nhau, hoặc phải mắng, phải đánh, anh vừa nhục, vừa tủi, vừa bực.

Anh dồn tất cả những oán thán trên kia vào một người, là dì anh. Anh nghĩ mà giận. Cho nên, nói chuyện với vợ, anh không gọi là dì ấy, bà ấy, mà đốp phăng ngay là con mẹ, hoặc con mụ. Anh thấy rằng con mụ nó đểu quá. Cho là nó lấy Tây thì có thế lực, anh nhờ nó xin việc. Tưởng việc gì, chả hóa ra là đi làm phu kíp tại Đồng Đăng. Việc thế mà nó nhẫn tâm ăn lễ của anh ba tháng lương! Rồi bây giờ nó nhận của anh một lạng cao hổ cốt, tưởng chạy được chỗ tốt hơn, nào ngờ đâu là làm thằng cu-li cút-kít! Thế mà nó toan sĩ diện với vợ thằng sếp phó, làm anh suýt mất mỗi tháng hai đồng bạc nhà! Nó còn dở thối, tự xưng là bà lớn! Bà lớn với bà bé gì! Bà lớn mà không dám tiếp cháu ở trong nhà, trong lúc ông lớn đi vắng! Chẳng qua nó chỉ là con giăng há, bán trôn nuôi miệng, nay thằng này, mai thằng khác, cho nên thằng Tây nó mới sinh nghi. Anh không lạ gì màu mẽ bà lớn sếp chánh nữa rồi! Lần sau, gặp khó khăn mà anh còn nhờ nó, dễ thường nó xếp cho anh một chân giặt quần trong hầu bọn nó, cơm nuôi, không công chắc!

Anh Thừa đã làm quen với vài người làm bồi, làm bếp cho những Tây khác của sở.

Anh thấy họ, người thì tám đồng, người thì mười đồng lương một tháng, nhưng tháng nào cũng phát tài, ăn bớt được của chủ có khi đến ba bốn đồng. Xong việc, họ diện giày giôn, quần ống sớ, áo sa hoa, lên cao lâu ăn phở, miệng phì phèo điếu thuốc lá, phởn phơ như những ngày anh ở Đồng Đăng, bán vé hộ cho ông sếp Sơ. Bây giờ kéo quạt, lương ba cọc ba đồng, anh không thể hy vọng gì hơn được. Tháng sau, vợ anh sắp ở cữ, anh đành muối mặt cho về quê nhờ người dì ghẻ vậy.

Hôm cuối tháng, sắp ngày phát lương, Tu-nô gọi anh đến gần, hỏi nhỏ anh về gia đình và số lương anh lĩnh ở Đồng Đăng. Anh ngạc nhiên quá. Nó nói bằng tiếng ta rất sõi, không lơ lớ như hôm anh mới đến. Thôi đúng là thằng này thạo tiếng ta, nhưng giấu. Thấy nó tử tế mà hỏi thăm cho đậm tình thầy trò, anh chắp tay lễ phép:

– Thưa quan lớn, con có vợ sắp đẻ. Lương con sáu đồng một tháng.

Nó trợn mắt:

– Nhưng mày là cu-li cút-kít, ba đồng thôi!

Như nghe tiếng sét, anh lặng đi. Một lát, mới nói được:

– Thưa quan lớn, con biết tiếng Tây. Quan lớn cho làm loong-toong[8]. (*[8] Tùy phái.)

Nó bĩu môi, nhún vai:

– Sở không thiếu loong-toong.

Nó gãi cằm, rồi hất hàm ra hiệu cho anh về chỗ kéo quạt:

– Được, tao xét.

Hôm sau, muốn chừng để thử thách anh, Tu-nô sai anh một việc. Nó viết mấy chữ vào tờ giấy, đưa anh một chục bạc, dặn anh đến hiệu bào chế Mông-tét, phố Tràng Tiền, và mang thuốc về cho nó.

Anh cắm cổ đi cho thật mau để định về cho thật mau. Nhưng đến nơi, anh rất sốt ruột, vì phải chờ đợi lâu, người bán hàng mới xem giấy của anh và giềnh giàng mãi mới trao anh thuốc. Người ấy dặn:

– Anh nói với ông ấy là thứ thuốc này sắp hết, ông ấy nên mua để giữ lại, kẻo hiệu bán cho người khác mất.

Được dịp để tò mò, anh hỏi:

– Đây là thuốc chữa gì, hả ông?

Người ấy đáp bằng hai tiếng cộc lốc:

– Sa đì!

Anh bật cười. Hèn nào Tu-nô đi khạng nạng! Nhưng quái, không biết nó bị từ bao giờ, mà gần một tháng nay, anh vẫn thấy nó chống ba-toong. Thế thì nó phải tốn lắm tiền thuốc rồi. Ngày ở Đồng Đăng, anh cũng đau như nó. Nhưng may quá, chữa khỏi ngay, chẳng mất một xu thuốc. Có nên mách nó cách chữa không? Nó có thèm chữa bằng thứ thuốc không mất tiền không? Nó có tin thuốc mình mách là hay không? Nhất là hỏi nó có tiện không? Hay là hỏi thì làm nó xấu hổ? Rồi anh nghĩ: “Phúc tinh ở ngay cạnh mày, mà mày không biết, thì cho chết, con ạ!”.

Anh đem thuốc về cho Tu-nô và nhắc lại lời người bán hàng dặn nói. Tu-nô bĩu môi:

– Nó muốn thuốc chạy thì nó lòe là sắp hết. Ai mua thuốc quen nó chả lừa thế. Tao tốn mấy trăm bạc với nó rồi!

Nói đoạn, thằng Tây lại tháo thắt lưng, để trên bàn, rồi cởi hết khuy quần ra, vạch ngay trước mặt anh Thừa cái bộ phận mà loài người phải che giấu ở trong quần. Nó cầm, nó ngắm tự do như ở chỗ không người, như không có anh. Thừa đứng lù lù ngay ở cạnh. Nó đếm xỉa gì đến anh, dù anh biết nhìn, biết nghĩ?

Anh Thừa vụt thấy mình rất nhục nhã. Nó khinh An-nam đến thế là cùng. Anh quay mặt đi, cho chính nó phải ngượng ngập. Nhưng thằng Tây lại không nhìn anh. Nó mải nhìn xuống chỗ đau của nó. Rồi nhăn nhó, tặc tặc lưỡi. Anh Thừa cáu quá, nhắc lại trong óc câu anh nghĩ ban nãy cho hả: “Phúc tinh ở ngay cạnh mày mà mày không biết, thì cho chết, con ạ!”.

Anh liếc nhìn, cái bìu của nó sưng to, căng tròn như quả bóng, đỏ hon hỏn. “Mày mà không là Tây, ông chỉ cầm cái thước này vụt vào đấy cho một cái là bỏ đời!”.

Nghĩ vậy, anh đi xuống chỗ kéo quạt.

Tu-nô loay hoay với thuốc, với chỗ đau một lúc, rồi nó mặc quần, gài khuy, thắt lưng. Nó lại cúi xuống bàn làm việc.

Anh căm giận thằng Tây lai. Anh càng căm giận con mụ dì của anh, nói rằng quan sếp phó tốt lắm. Tây nào không đểu giả, thô bỉ. Tây nào không khinh An-nam. Tây nào trong bụng không coi An-nam như súc vật. Nhưng khổ cho anh, anh chỉ là thằng cu-li kéo quạt, lương tháng sáu đồng. Không nhẫn nhục mà sống bám vào nó thì đói. Còn nói gì đến trả thù?

Bỗng anh sực nghĩ ra. Anh trả thù nó được. Anh phải trả thù nó. Đợi đến lúc Tu-nô xếp giấy má, sắp về, anh đến gần nó, nói:

– Thưa quan lớn, quan lớn bị bệnh này đã lâu mà con không biết. Con có cách chữa, cam đoan với quan lớn là khỏi được và khỏi ngay.

Tu-nô nhìn anh, cau mặt:

– Thuốc gì? Tao tốn nhiều tiền thuốc rồi, mày có biết không?

– Vâng, nếu thuốc không hay thì quan lớn mất bao nhiêu tiền cũng không khỏi. Mà thuốc hay thì mất ít cũng khỏi ngay.

– Thuốc mày là thuốc gì, thuốc tàu hay thuốc tây?

– Thuốc An-nam.