Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Anh vùng ngồi dậy, mở rộng cửa, nhìn ra đường. Gió bấc lọt vào lạnh lùng. Phố vắng tanh, cả Hà Nội đương ngủ say. Chỉ có anh với những ngọn đèn kia là còn thức, nhìn nhau. Anh cố rướn mình ra ngoài để ngó sang nhà Ma-ri xem bên ấy có còn đèn sáng hay không. Nhưng vì vướng cây, anh không nhìn được. Thôi, thế cũng tốt. Bởi vì đèn sáng là tại người còn thao thức, nhưng cũng là tại còn có một chàng nào đó nằm thay chân anh, chưa về.

Anh muốn ngủ đi để khỏi luẩn quẩn. Cái đêm này dài quá! Anh bật đèn, tìm một cuốn sách cũ để đọc cho dễ ngủ. Anh nằm mở từng tờ. Đến một trang rách in bài thơ mất đoạn đầu, anh đọc:

Hôm nay không gặp em,
Suốt ngày nằm lịm im,
Mong ngủ chẳng ngủ được,
Chợp mắt là thấy em.
Nhớ tiếng em dịu dàng,
Nhớ dáng em thướt tha,
Thương tình em buồn phiền,
Thương sức em yếu ớt.
Hồi tưởng buổi thu sơ,
Gặp gỡ không hẹn hò,
Hai tâm hồn đau khổ,
Say sưa vì vần thơ.
Đông về, gió bấc lạnh,
Cô miên cùng một cảnh,
Ôm, ấp, ủ, tình nhau,
Bạn bè cũ xa lánh.
Xuân sang tình tốt tươi,
Chén đồng càng nhắp vui,
Vũ trụ cũng là nhỏ,
Chỉ tình yêu to thôi!
Đêm hè trời xanh trong,
Vằng vặc trăng dòm song,
Lăn lóc ta ngâm vịnh.
Thơ hay tình càng nồng.
Mừng trời tựa đôi ta,
Yêu nhau ngày thiết tha,
Hôm nay hơn hôm qua,
Nhưng lại kém mai xa.
Mỗi ngày bao kỷ niệm,
Bút thần tả mới xiết.
Lo tính việc cho nhau,
Tương lai như gấm dệt.
Tan tác có ngờ đâu.
Ái ân chưa bao lâu,
Một phút không nén giận,
Ngàn thu mang hận sầu.
Một ngày không gặp em,
Như mười năm biệt ly!
Một ngày sống xa em,
Lạnh lùng lòng như chết!
Em ơi, em, em ơi!
Trời ơi, trời, hỡi trời!
Kêu trời mãi chẳng thấu,
Gọi em, em xa rồi!
Nhớ ai, gió gào mãi?
Thương ai mưa khóc hoài?
Gió mưa thêm sầu thảm.
Lòng anh càng tơi bời!
Văn nhân với giai nhân,
Gặp gỡ được bao lần?
Trời đã để sum họp,
Sao như áng phù vân?
Hợi xưa, khóc vu quy,
Ngọ sang, khóc tử quy,
Ai ngờ đến năm Thân,
Lại khóc em biệt ly?
Mười năm mất ba bạn,
Nghĩ kiếp mà chán ngán,
Mười năm khóc ba lần,
Mấy hồ lệ không cạn!
Nhớ nhau, tiếng thở dài,
Thương nhau, dòng lệ rỏ,
Tâm sự mình biết mình,
Lặng lẽ mà đau khổ!
Từ nay trên đường đời.
Đôi ta, người một nơi.
Hiu quạnh! Ôi hiu quạnh!
Mái tóc trắng như chơi!

Đọc xong bài thơ, anh Thừa thở dài. Sao mà tâm sự của tác giả giống tâm sự của anh thế!

Anh đọc lại một lần nữa, rồi ngồi lên, lấy bút chép nó ra tờ giấy. Anh đã có ý định. Chép xong, anh đút bài thơ vào túi, nằm vắt tay lên trán.

Lòng được nhẹ tênh tênh, anh thiu thiu.

* * *

Sáng hôm sau, anh xuống nhà làm việc. Vừa vào buồng, anh đã thấy Ma-ri ở trong ấy, đương xếp lại chồng phiếu ghi tên người ốm. Mắt Ma-ri thâm quầng, mặt Ma-ri rầu rầu, cử chỉ Ma-ri ẻo lả. Đúng là người mệt nhọc vì mất ngủ. Anh làm mặt nghiêm, không nhìn Ma-ri. Ma-ri cũng làm mặt nghiêm, không nhìn anh. Bỗng tự nhiên, không ai bảo ai, hai người cùng trông trộm nhau. Thế là cùng nhoẻn cười. Anh đứng dậy, chạy đến, ôm chầm lấy Ma-ri. Ma-ri cũng chạy lại, ôm chầm lấy anh. Y như giả cách giận nhau, hai người cùng thổn thức.

Thế là xí xóa hết. Quên cả bệnh nhân đương chờ đợi, anh kể nỗi nhớ nhung đêm trước cho Ma-ri nghe. Ma-ri cũng thổ lộ tâm sự sầu thảm cho anh nghe. Anh móc túi, lẳng lặng đưa Ma-ri xem bài thơ chép lại. Ma-ri ngả đầu vào ngực anh để đọc. Đọc xong, Ma-ri ngước lên nhìn anh, thỏ thẻ:

– Em cũng thế.

Đôi mắt và đôi môi mới tình tứ làm sao!

Nhưng hôm nay, chị Thừa bế thằng Mão ra một cách đột ngột.

Anh Thừa bực với vợ lắm, nhưng cố làm như vui vẻ. Song, anh thấy chị không tỏ vẻ gì là định đánh ghen, phá đám cưới, lại còn nói năng âu yếm, đem quà khế để dành cho anh, thì không những anh yên tâm, mà còn cảm động nữa.

Đã có lúc anh đau khổ mà nghĩ đến một ác ý. Bỏ chị này hay bỏ cô kia?

Ma-ri đẹp, khôn, giúp anh được nhiều việc. Nhưng Ma-ri quỷ quyệt, đối với anh chưa thật lòng. Bây giờ Ma-ri muốn lấy anh. Nhưng lúc chán anh, thì có thể thay chồng dễ dàng như thay áo. Vợ anh quê mùa, nhưng thật thà, trung hậu. Bị anh lừa dối, đày đọa bao nhiêu phen, mà vẫn nhẫn nại chịu đựng. Thế mà bây giờ, anh toan làm tình làm tội vợ anh, vì anh bị Ma-ri làm tình làm tội. Vậy có nên bỏ một người hiền lành, vô tội, không bao giờ bỏ mình, để lấy một người quỷ quyệt, tinh quái, vẫn dọa mình là không phải người yêu cuối cùng?

Tự nhiên anh thấy thương quý chị Thừa, và ghét khinh Ma-ri. Anh không thể xử với vợ như đã xử với người nhân tình Múi được.

Việc tổ chức cưới Ma-ri mười phần anh đã tiến hành được đến sáu bảy. Giấy báo hỷ và giấy mời dự tiệc đương in. Nhà thuê để đón dâu đã mặc cả xong. Người đi phù rể, đón dâu và phù dâu, đưa dâu, của hai họ, là những người thế nào, anh đã thỏa thuận với Ma-ri, và về bên nhà trai, anh tìm được gần đủ. Người dự tiệc là những ai, anh và Ma-ri đã đồng ý. Tiệc đặt hiệu nào làm, anh đã đi hỏi. Đám cưới đi đường nào, xe pháo khứ hồi phí tổn bao nhiêu, anh đã ghi vào sổ tay. Cô đầu hàng Giấy, cô đầu Ấp, ai có thanh, ai có sắc, anh đã chấm tên rồi. Hôm cưới, cô dâu ăn mặc thế nào, chú rể ăn mặc thế nào, anh và Ma-ri đã đến các hiệu Phan Đức Thành, Phan Hòa Thành, Phan Thái Thành, Phan Cự Thành, Phan Hưng Thành trên Hàng Ngang xem hàng rồi. Cho đến khoản hồi môn của cô dâu mang về nhà chồng, và khoản cha mẹ chồng mừng cho cô dâu là những gì, anh với Ma-ri đã thu xếp với nhau xong. Chỉ còn việc định ngày cho hai người đi đăng tên ở phòng giá thứ ngoài sở Đốc lý. Ma-ri sẽ lấy tên là Marie Quyên (do hai tiếng Thuyền quyên), và anh, là Albert Thừa. Có mà trời cũng không biết là ai. Nếu có người làm lôi thôi, cản trở đám cưới, thì chỉ là vợ anh. Nhưng vợ anh đang ở nhà quê, không ai biết chữ, lại không ai nói cho mà biết, thì làm sao mà nhờ pháp luật giữ chân anh được? Lúc ấy, anh sẽ làm một việc cuối cùng nữa, là nhờ người xem ngày tốt, thì đón dâu thôi.

Nhưng mà việc cưới xin mới ở trong thời kỳ sửa soạn, chưa thực hiện. Anh có thể thôi hết, miễn là chịu phí một vài món tiền đặt, và miễn là… anh có thể… lật Ma-ri như lật bàn tay.

Lật Ma-ri. Anh tính đến cách lật Ma-ri. Tự nhiên, anh hốt hoảng. Văng vẳng bên tai, anh như nghe thấy những lời Ma-ri dọa là làm toáng lên cho anh tuyệt đường sinh kế. Tất Ma-ri làm thế thật, chứ không chịu yên. Nhưng anh có tuyệt đường sinh kế không? Nhất định không. Ma-ri chỉ có thể phá anh trong một nghề làm thuốc. Khi anh dứt khoát với Ma-ri, anh sẽ đổi nghề. Ở Hà Nội này, thiếu gì cách sống? Chỉ có là láu cá thì làm giàu mau. Cùng lắm, anh làm việc ăn no, vác nặng, đi phu bắt-tê cũng không đói.

Anh đương lan man nghĩ đến đây thì Ma-ri vào. Nghe tiếng Ma-ri hỏi chua chát là có khách, anh bực mình. Khi cái giọng ấy đay nghiến là vui nhỉ, anh đã định đáp: “Chứ không ư?” nhưng khi nghe Ma-ri nức nở, anh mới xót xa làm sao! Y như cổ họng anh bị nghẹt. Y như trái tim anh bị xé nát từng mảnh. Anh cũng nghẹn ngào, dào dạt.

Anh có nỡ lòng đày đọa con người thế kia phải khổ vì anh không? Mấy tháng này, anh được đầy đủ cả về vật chất lẫn về tinh thần, là vì có người này hết sức chiều chuộng. Không biết có người vợ nào khéo lựa ý muốn của chồng, như Ma-ri cư xử với anh hay không? Lúc anh lúng túng, Ma-ri giải quyết giúp. Lúc anh buồn phiền, Ma-ri an ủi, làm anh lại vui vẻ như thường. Không rõ những người lấy vợ Nhật Bản thì được toại nguyện thế nào, chứ mấy tháng, anh ở với Ma-ri, là mấy tháng anh hưởng cảnh thần tiên, quên đời, thoát tục. Anh như sống giữa trung tâm của vũ trụ, quanh mình không có gì, không có ai. Chỉ có hai trái tim hòa theo một nhịp. Thật thế, chỉ có một đêm xa Ma-ri, anh đã thấy nhớ, thấy thương, thấy buồn khổ, chán nản, thấy cô đơn, bỡ ngỡ, buồng phổi như không thở, trái tim như ngừng đập, lạnh lùng lòng như chết. Người ta thường nói mê nhau vì ăn phải bùa mê bả dột của nhau. Nhưng làm gì có bùa bả, việc gì phải bùa bả. Cái nó làm cho trai gái say nhau, gần nhau thì vui, xa nhau thì khổ, ấy là hai tâm hồn hợp nhau… như anh với Ma-ri.

Nghĩ về Ma-ri, anh lại nghĩ đến vợ anh hiện đương ở trên gác. Vậy thì nên bỏ ai?

Bỏ người vợ mà cha mẹ lấy cho anh, nhưng không bao giờ người này có ý định bỏ anh? Hay bỏ Ma-ri mà anh lấy cho anh, nhưng lại chỉ như con bướm, bỏ anh lúc nào anh không lường trước được? Rồi anh nghĩ những ngày anh ở với vợ anh. Ngày ấy, anh làm phu kíp trên Đồng Đăng, làm cu li kéo quạt cho thằng Tu-nô. Ngày ấy, anh nghèo, anh bị khinh, bị nhục. Nhưng từ ngày anh gặp Ma-ri, Ma-ri bày cách cho anh, anh trở nên giàu có, được người đời kính nể, có những bạn hữu sang trọng. Chính Ma-ri cũng giới thiệu với anh quen cả Tây. Hay cái số anh không hợp với vợ anh, và Ma-ri có tướng vượng phu?

Anh như con chạch trong giỏ cua, như người đứng giữa hai ngọn súng lục. Khó xử quá!

Anh thở dài.

Bỗng có tiếng gõ cửa. Anh Xi vào, nói:

– Cô đốc vừa về, nhắn mời anh sang chơi ngay.

Anh Thừa đứng dậy:

– Anh bảo nhà tôi là tôi đi thăm bệnh một lát nhé.

Anh sang nhà Ma-ri.

Ma-ri đương ngồi ủ rũ một mình, thấy anh, lại bưng mặt nức lên. Anh vội vàng chạy lại, vuốt tóc, vuốt vai Ma-ri, khẽ gọi:

– Em! Em!

Ma-ri ngẩng lên, lau nước mắt, chớp chớp nhìn anh, rồi lại òa khóc. Anh lại dỗ:

– Em! Em!

Ma-ri thổn thức:

– Anh cho em khóc hết nước mắt, rồi hãy nói chuyện.

Anh Thừa thở dài, nhăn nhó nhìn Ma-ri. Anh ôm đầu Ma-ri ấp vào ngực anh. Lúc này, anh cũng thấy rõ tim anh đập rộn ràng, như hòa nhịp với tiếng tấm tức của Ma-ri.

Chừng độ năm phút sau, Ma-ri mới nín được. Mặt đau khổ, Ma-ri lại chớp chớp nhìn anh, đôi mắt lờ đờ như ngây. Bỗng một nhịp cười như xé, cười giòn, cười lâu, cười sặc, cười sụa như hóa dại. Anh Thừa ôm chặt lấy Ma-ri, vuốt ngực Ma-ri:

– Em! Em!

Ma-ri không cười nữa. Mệt. Thở hổn hển. Anh Thừa dịu dàng nói:

– Em! Anh có điều gì với em đâu?

Ma-ri lại nức lên mà cười, không đáp. Anh Thừa lại sợ hãi. Một lát, hắn vừa thở, vừa nói:

– Cho em chén nước.

Hắn ngồi lên, uống nước, vấn lại tóc, rồi nói:

– Em chết mất! Tính mạng em là ở trong tay anh.

Anh Thừa đau đớn, đáp:

– Thì có làm sao?

Hắn hổn hển hỏi:

– Anh giết em, hay cho em được sống với anh?