Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Ông Hoài Tân Tử ngừng lại để hút điếu thuốc phiện, rồi nói:

– Bọn cầm bút lạm dụng quyền ngôn luận để giết tôi, rồi chúng nó xoay đến bác. Nhưng cây cứng, có sợ chi mưa gió? Chúng ta là những người có chân tài, chúng nó giập vùi sao nổi? Ấy cũng do nhờ bác, cuốn sách của tôi bán chạy, mà một ông chủ thầu khoán tìm tôi, nhờ giúp toà soạn cho tờ báo của ông ta sắp ra đời. Cho nên, tôi nghĩ đến bác, vừa là tri kỷ, vừa là ân nhân, nhất định tìm bác để bác cộng tác với ông ta.

Anh Thừa mừng như người sắp chết đuối vớ được cọc. Làm báo thì lợi trước mắt là được no. Rồi tương lai, anh có thể nhờ nó mà cụ Tú Phúc Lâm khỏi liệt anh vào hạng chán đời. Anh có lấy nổi cô Lễ hay không thì việc này định đoạt đây. Nhưng làm báo thế nào? Viết bài cho báo là làm báo. Chạy giấy cho tòa báo cũng là làm báo, xếp chữ cho nhà in báo, cũng là làm báo. Vậy thì ý ông Hoài Tân Tử bảo anh làm báo là làm việc gì? Cố nhiên, anh dốt nát thì không thể làm ở tòa soạn. Làm ở tòa soạn thì phải viết bài thật, mỗi số một bài. không thể giả dối, lòe bịp như lối làm thuốc, có thể ăn cắp vài chục đơn của người khác để sinh sống suốt đời. Anh hỏi ông Hoài Tân Tử:

– Xin bác nói rõ việc này.

Chị Sáu ngứa miệng nói:

– Thầu khoán thì cứ việc mà làm thầu khoán, lại vẽ ra báo với bổ.

Ông Hoài Tân Tử cười:

– Ông này tên là Nguyễn Thúc Lăng, vẫn thầu đường sá, đê điều, bác có biết không?

Anh Thừa tặc lưỡi:

– Ái chà! Giàu lắm. Tôi biết tên. Nhưng không quen.

– Sang năm, ông Lăng muốn ra nghị viên.

Chị Sáu hỏi:

– Thầu khoán ra nghị viên để thầu gì? Thật là chết cười!

Anh Thừa nói:

– Ồ! Thầu khoán mới cần ra nghị viên chứ! Để được nhà nước nể, xin việc dễ.

Ông Hoài Tân Tử giảng thêm:

– Nghề thế, được chữ phú thì thích có thêm chữ quý. Là ông nghị thì được gọi là quan, dễ lo phẩm hàm, mề-đay.

Chị Sáu hỏi:

– Thế sao lại mở báo?

– Mở báo để quốc dân biết tên tuổi mình là hàng trí thức, có tư tưởng về xã hội, người ta mới bầu cho.

Anh Thừa nói:

– Nghĩa là anh trọc phú vô học thuê trí thức của làng văn để làm ra dáng có tư tưởng về xã hội mà quảng cáo tên tuổi, ra ứng cử nghị viên?

Ông Hoài Tân Tử đáp:

– Nhưng mình cũng dùng đồng tiền của hắn để có cơ quan ngôn luận mà bày tỏ tư tưởng ý kiến của mình, ông Lăng xin mở báo thì chắc được vì ông ta không can án, lại không có tai tiếng gì với sở Mật thám. Khi được giấy phép, ông ta chỉ cần đứng tên là sáng lập, còn tòa soạn và trị sự, ông ta mặc lòng hết.

– Thế mình phải thầu lại báo của ông chủ thầu à?

– Không phải, ông Lăng bỏ tiền cho mình làm. Thiếu đâu lấy đấy. Miễn là báo ra cho đến ngày bầu cử.

– Sau ngày bầu cử thì đình bản à?

– Cái đó còn tùy. Báo chạy thì cứ tiếp tục ra. Nếu không chạy thì ta chả vạ gì mà giữ.

– À, xin bác cho biết đây là nhật báo, tuần báo, hay nguyệt báo?

– Báo hàng ngày. Bận, nhưng dễ làm hơn. Vả lại, để quảng cáo tên cho ông Lăng, và để làm khí giới cho ông ta tranh cử, thì phải là báo hàng ngày. Cho nên, cố nhiên ông ta không phải là người xin ra báo để bán giấy phép cho chúng ta thầu lại, mỗi tháng lấy vài chục bạc, mà chính ông ta phải bỏ tiền ra cho chúng ta làm. Tôi chưa nghĩ ra là nên bắt ông ta tháng tháng đưa cho mình cả món tiền phí tổn, để khoán cho mình làm thế nào cho tờ báo xuất bản được thì làm, hay nên thành lập hộ ông ta tòa soạn và tòa trị sự để ông ta trả lương từng người.

Anh Thừa bàn:

– Với một người không hiểu nghề làm báo, thì ta bắt phải để ta thầu tòa soạn và tòa trị sự thì hơn. Bọn dốt nát biết đâu giá trị của nghề cầm bút mà định đoạt được lương cho từng người.

– Tôi cũng nghĩ thế. Chắc ông Lăng phải theo, ông ta phục mình như bậc thầy.

Anh Thừa hỏi:

– Thế bác muốn tôi giúp gì cho tờ báo nào?

– Tôi định mời bác làm chủ bút.

Anh Thừa tủm tỉm:

– Làm chủ bút? Tôi có quen làm báo bao giờ đâu?

– Bác cứ nhận đi. Tôi đã nói chuyện bác với ông Lăng rồi. Ông ta rất hoan nghênh. Tài học của bác thì làm chủ bút mới xứng đáng, mới địch được với bọn Quỳnh, Vĩnh.

Anh Thừa gãi mép, lắc đầu:

– Khó lắm.

– Tại sao?

Anh Thừa không dám nói thực:

– Vì tôi không quen nghề.

– Thế thì bác đừng ngại. Đã có tôi quen nghề. Đã có anh em giúp mỗi người một tay. Mỗi ngày bác chỉ cần viết một bài xã thuyết, và dịch một đoạn tiểu thuyết tàu, hoặc là truyện trinh thám, hoặc là truyện kiếm hiệp, lúc nào cũng bán vô khối ở hiệu Tam Hòa dưới Hàng Bồ ấy. Còn các mục khác, thì anh em làm. Tiểu thuyết là mục cần để giữ độc giả. Nó nuôi tờ báo sống lâu. Cho nên chủ bút phải đích thân phụ trách.

– Sao tôi nghe nói là quảng cáo mới nuôi nổi báo?

Ông Hoài Tân Tử cười hề hề:

– Thế mà bác bảo bác không quen nghề làm báo. Bác nói đúng quá. Quảng cáo là thức ăn chính nuôi báo sống. Một tờ báo bốn trang, tính cả lương tòa soạn, trị sự, lẫn phí tổn mua giấy, thuê in, đã mất hai xu tám rồi. Thế mà bán có hai xu. Nếu không nhờ quảng cáo gánh đỡ cho tiến giấy, thì báo chết ngay. Cho nên mỗi số bốn trang, phải có ít ra là một trang rưỡi quảng cáo, mới sống được.

Anh Thừa nói:

– Thế thì trong một tòa báo, người quan hệ nhất không phải là chủ bút, mà là người đi lấy quảng cáo. Hoặc là, nếu người quan hệ nhất trong một tòa báo mà là chủ bút, thì việc chính của chủ bút là lấy quảng cáo, chứ không phải là viết bài. Bác có lòng yêu, giới thiệu tôi với ông Lăng, thì tôi xin nhận giúp bác. Nhưng muốn gọi tôi là gì cũng được, tôi xin cáng đáng việc nuôi cho báo sống, là đi lấy quảng cáo.

Ông Hoài Tân Tử lắc đầu:

– Bác ngụy biện! Không được! Nhất định chúng ta không thể phí nhân tài. Một người uyên thâm về Hán học như bác, phỏng nước Nam mình có mấy. Bất quá về chữ nho, các báo Trung Bắc, Thực Nghiệp, đến cả Nam Phong nữa, cũng chỉ mời được mấy ông cử, ông tú là cùng.

Anh Thừa sực nhớ ra là đã khoe với ông Tình muôn thuở là mình đương thi bác sĩ. Anh hãnh diện lắm. Nhưng thấy lý của ông bạn cứng quá, anh đành thất vọng:

– Bác cho tôi thì giờ để nghĩ kỹ.

Anh nằm vắt tay lên trán. Anh thở dài. Anh tiếc một việc tốt làm cho anh danh giá. Anh tiếc công người bạn tốt đem lại danh giá cho anh. Phiền một nỗi, là không tài nào gặm nổi. Và anh cũng đói nữa.

Từ nãy, bụng anh sôi ran lên. Mà việc làm chủ bút, anh không thể xực được. Thì thà yên lặng để ngủ còn hơn thức để nghe cái lờ mờ này nó đánh giá lầm mình, cho mình thấy đói thêm. Anh ta muốn đặt mình lên đến trời, nhưng mình cũng chỉ cất nổi xác lên làm đến người đi lấy quảng cáo cho báo mà thôi.

Văng vẳng bên tai, anh Thừa thấy tiếng sè sè của điếu thuốc phiện chui vào lỗ nhĩ tẩu, và thoang thoảng trước mũi, anh thấy mùi thơm nhè nhẹ, cái hơi mê hồn của cô ả Phù dung. Anh cũng thèm hút một điếu, nhưng sợ bụng cồn cào, nên cố nén lòng để thiu thiu ngủ.

Bỗng anh ngửi thấy một mùi hành và thịt bò ngào ngạt thơm. Anh tưởng anh nằm mê thấy ăn phở, thì ông Hoài Tân Tử đã đập khẽ vào vai anh:

– Dậy! Làm một bát, kẻo đói, bác!

Anh mở mắt ra. Quả là có bát phở nóng đương bốc khói đặt trước mặt. Anh giấu nỗi mừng, ăn một cách thản nhiên.

Ông Hoài Tân Tử hỏi:

– Thế nào, bác đã nghĩ kỹ chưa? Tôi tưởng bác không nên khiêm tốn. Nếu tôi còn đủ uy tín để đứng đầu một tòa soạn, thì tôi nhất định không chối từ.

Rồi ông bảo:

– Làm bát nữa nhé. Phở khá đấy chứ?

Anh Thừa vờ chối:

– Tôi còn no.

– Một bát nữa chứ mấy? Thức đêm mà không ăn thì đói không chịu nổi. Chị Sáu! Làm ơn bảo cho hai bát nữa.

Anh Thừa được ăn thì tỉnh táo như ông Hoài Tân Tử được hút thuốc phiện. Anh nói:

– Tôi với bác là anh em thân đã đành, nhưng đối với ông Lăng, thì tôi là người lạ, cho nên tôi ngại lắm.

– Tôi xin nhắc lại là ông ta coi bọn mình như bậc thầy. Tôi định nếu bác nhận lời, thì chiều mai, tôi đưa bác đến gặp ông ta, ăn cơm với ông ta, bàn bạc việc tiến hành, để đến ngoài tết, ra được báo. Bác cần những gì, bảo ông ta, chắc ông ta không dám chối từ.

Không lẽ bỏ lỡ bữa cơm và món tiền, anh Thừa nói:

– Tôi muốn gặp ông Lăng trước, để xem ông ta thế nào, rồi sau mới quyết định có hợp tác với ông ta hay không.

– Bác cẩn thận quá.

Chị Sáu nói:

– Cẩn thận thế là phải. Đối với bọn thầu khoán mà hồ đồ thì họ lừa ngay.

– Lừa ai, chứ lừa sao nổi bọn này?

Ông Hoài Tân Tử bàn:

– Về Hán học, tôi định tờ báo của ta có hai người là đủ. Bác là một, cụ Điều nhà bác là hai. Bác nghĩ sao?

– Tôi xin khoan hãy nghĩ đến tòa soạn. Cụ Điều giỏi văn ngôn thật, nhưng tôi e rằng bạch thoại thì cụ không sành. Tôi cho quan trọng nhất vẫn là việc tìm người lấy quảng cáo cho báo. Quảng cáo giữ vững sinh mệnh. Nó là cơm, là gạo. Có cơm gạo mới có máu. Máu là nội dung, tức là tòa soạn.

Ông Hoài Tân Tử gật gật:

– Bác nói có lý. Tôi quên chưa nói với bác về nội dung tờ báo, mà trước hết là tên của nó. Tôi đã bàn với ông Lăng là không nên đặt tên tờ báo như tờ Thực Nghiệp, chỉ bó hẹp trong phạm vi thực nghiệp. Như vậy, khó làm. Tờ Thực Nghiệp, hồi mới, cũng viết về thực nghiệp, nên viết nhạt, độc giả kêu lắm. Rồi chẳng bao lâu, cạn vấn đề thực nghiệp, báo ấy viết tất cả các mặt khác, như một tờ báo phổ thông. Cho nên tôi định đặt tên báo của mình là Chấn Hưng.

– Chấn Hưng. Chấn Hưng.

Anh Thừa nhắc đi nhắc lại tên báo mấy lần, làm như suy nghĩ, rồi nói:

– Được đấy.

Ông Hoài Tân Tử cao hứng, ngồi xổm phắt lên:

– Chấn hưng thì thật là mênh mông. Chấn hưng đạo đức, chấn hưng phong hóa, chấn hưng văn học, chấn hưng nghệ thuật, chấn hưng công nghệ, chấn hưng nông nghiệp, chấn hưng vấn đề quan lại, vấn đề phụ nữ. Nước mình, về mặt nào không phải chấn hưng? Tôi chắc vấn đề chấn hưng y nghiệp, thì bác viết đến hàng năm không hết. Phần văn chương, thì cụ Điều viết phóng sự về phong cảnh, nhân vật, và cách ăn chơi ở đế đô, tôi làm thơ, thì độc giả tha hồ mà mê.

Nói xong, ông trỏ tay vào cái cặp dẹt, mắt long lanh. Chắc là tập bản thảo.

Anh Thừa ngả lưng nằm xuống. Chị Sáu hỏi:

– Anh làm một điếu tráng miệng nhé.

– Không, cảm ơn chị. Tôi máu nhiệt, hút nhiều, thì ngứa và khó ngủ.