Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Thừa thở dài:

– Người của tôi bán được hai mốt phiếu có đánh dấu. Nếu cả hai mốt người đều bỏ bằng phiếu ấy, thì thế nào cũng phải bầu lại. Tôi không ngờ có mười bảy thằng nó ăn của tôi mà lại phản bội.

Ông Huân lắc đầu, thầm thì vào tai Thừa:

– Thế mới biết từ ngày cộng sản tràn sang ta, thì trình độ dân mình khác nhiều lắm. Không trách cụ Rô-banh bảo những tờ truyền đơn tuy mỏng và nhỏ, nhưng còn nguy hiểm bằng vạn những trận đổ máu ở Yên Bái ấy. Nhà nước triệt cộng sản đã khiếp, mà sao họ mọc đâu ra nhanh thế. Hầu như khắp nước đâu đâu cũng có, nhất là ở mấy thành phố lắm thợ thuyền, như Hà Nội, Hải Phòng.

Nghe nhắc đến Hải Phòng, Thừa cau cau đôi mắt, nhìn lên trần.

* * *

Hôm sau, Thừa rủ ông Lăng đi Hải Phòng.

Không phải hắn vội đi truy nã anh Lâm hộ sở mật thám để nhận thêm một đạo tưởng lục thứ tư, mà để làm việc cho hắn. Tức là điều đình cho xong việc mua tàu. Và vui thú với Xuy-dan.

Xuy-dan quả là một nhân vật lạ lùng. Ít tuổi, nhưng Xuy-dan biết nói câu chuyện cho ra câu chuyện. Nếu Thừa cần một người đàn bà, thì cố nhiên không phải hạng tai ngược như Ma-ri, và cũng không phải chỉ hạng đồ chơi mua bằng tiền, như những người trước kia hắn đã trải. Qua xong một lúc, trong đầu óc không còn nghĩ ngợi gì. Còn Xuy-dan, thì không hiểu tâm hồn có điều gì u uất đắng cay, mà hay nói ra những lời khiến người nghe phải suy nghĩ và nhớ, để còn muốn gặp lại lần nữa.

Nhưng Thừa không ngờ hãng Phúc Lai Thành không cò kè bớt một thêm hai như những lần trước. Hắn phải đặt ngay một nghìn bạc, rồi lập tức đảo về Hà Nội, dạm bán bốn cái nhà, để lấy tiền mà trả nốt.

Trong lúc ra hè để lên ô-tô, bỗng Thừa nhìn thấy Xuy-dan ngồi trên một xe cao-su đương chạy. Xuy-dan cũng trông thấy Thừa. Nhưng Xuy-dan quay đi ngay. Thừa nhìn theo Xuy-dan. Chiếc xe chạy quá độ hơn trăm thước thì đỗ. Xuy-dan xuống đất, vào nhà trong.

Lúc ô-tô qua chỗ Xuy-dan vừa vào, Thừa cố nhìn xem có thấy Xuy-dan hay không. Nhưng không thấy. Ở đây không có cửa hàng. Chắc Xuy-dan đến chơi một người quen nào. Xuy-dan vào nhà nào, Thừa không thể biết. Vì ban nãy Thừa không để ý nhận kỹ. Và đây là một dãy nhà làm giống nhau của một chủ cho thuê.

Thừa ở lại Hà Nội mười ngày. Hắn ủy việc bán nhà cho Ma-ri rồi đi Hải Phòng để thuê sửa chữa một vài chỗ ở máy móc cho tốt, và thuê sơn lại vỏ tàu cho mới. Hắn dự tính sẽ có hẳn nửa tháng ở Hải Phòng. Tha hồ hắn có thì giờ gặp Xuy-dan.

Nhưng rủi cho Thừa, hắn đến nhà An-na Phán thì không gặp An-na Phán, cũng không gặp Xuy-dan. An-na Phán đi Hà Nội. Thừa hỏi thăm Xuy-dan, thì người bồi nói:

– Nó bị sốt rét thương hàn nặng, bà chủ không dám chứa sợ lây ra cả nhà, nên đuổi nó đi rồi.

Thừa giật mình:

– Nó bị sốt từ hôm nào?

– Từ hôm mồng sáu.

Thừa tính ngày, thấy là Xuy-dan ốm ngay hai hôm sau khi hắn gặp đi ở phố. Hắn hỏi:

– Thế bây giờ Xuy-dan đâu?

– Thưa con không biết.

Người bồi phàn nàn:

– Kể bà chủ con cũng ác. Người ta đương ốm nặng mà đuổi đi.

Nghe xong, Thừa ra xe. Hắn đến phố có dãy nhà mà hôm nọ hắn thấy Xuy-dan vào.

Hắn hỏi thăm.

Thì hắn gặp Xuy-dan.

Xuy-dan đã khỏi sốt, nhưng gầy tọp hẳn đi. Da xanh bủng. Hai gò má dô lên. Tóc rụng rất nhiều. Xuy-dan ngồi dậy tiếp Thừa, nhưng tay chân run lẩy bẩy, vừa nói vừa thở.

Thừa biết đây là nhà người cô họ của một bạn cùng nghề với Xuy-dan. Người này thương tình Xuy-dan bị chủ bạc đãi, mới xin với cô cho ở nhờ.

Thừa nói:

– Em còn mệt lắm, anh không muốn ngồi lâu, sợ em mệt thêm. Em cầm tiền mà uống thuốc. Anh còn ở Hải Phòng, sẽ đến thăm em luôn.

Xuy-dan rưng rưng nước mắt, cầm năm chục bạc:

– Em cảm ơn anh.

Hằng ngày, Thừa đến thăm Xuy-dan. Lần nào hắn cũng mua thêm thuốc và quà bánh cho Xuy-dan. Luôn luôn hắn hỏi Xuy-dan cần tiền nữa, thì hắn đưa. Nhưng Xuy-dan đều từ chối:

– Em khỏe vì tấm lòng của anh săn sóc thương em hơn là vì các thứ anh cho.

Thật thế, Xuy-dan lại người rất chóng. Da dẻ đã đỏ. Mà đã có thịt. Sợ tóc rụng thì đầu xấu, cô phải bịt cả ngày bằng khăn vuông màu.

Đến hôm Thừa xong hết việc ở Hải Phòng, định trở về Hà Nội, hắn để hẳn một buổi chiều đến với Xuy-dan.

Hôm ấy, Xuy-dan đã gần được như thường. Thấy Thừa nói sắp xa lâu, cô thở dài:

– Có lẽ anh với em gặp nhau lần này là lần cuối cùng. Vì em không ở Hải Phòng nữa.

– Em đi đâu?

– Chưa định. Nhưng tất nhiên là không ở Hải Phòng.

– Vậy em không làm với chị An-na Phán nữa nhỉ.

– Vâng. Bởi vì em không thể ở với những đứa bạc ác, nó lợi dụng người ta khi người ta khỏe, đến khi người ta ốm đau, thì nó tống ra khỏi nhà.

Thừa thở dài, lắc đầu:

– Nhưng mà khó đấy.

– Dễ nó xích được chân em à?

Thừa buồn bã:

– Không. Nhưng tờ giấy môn bài, em ạ.

Xuy-dan tức:

– Thế sao em ốm, nó lại đuổi em. Em đòi nó xé môn bài đi.

Thừa vẫn buồn bã:

– Nhưng em lại đẹp rồi.

Xuy-dan nghĩ ra. Cô ôm mặt, khóc:

– Đời em lại thêm một việc hất hủi, vùi dập!

– Nhưng đã có anh. Em đừng lo. Anh viết lại cho An-na Phán mấy chữ.

Xuy-dan mỉm cười, nhìn Thừa bằng đôi mắt dịu dàng và âu yếm. Một lát, cô hỏi:

– Anh ơi, anh nói thực nhé. Tại sao anh tử tế với em, là một cô gái giang hồ?

Thừa không đáp. Xuy-dan lại hỏi:

– Thế đối với mọi người, anh có xử như thế không?

– Mọi người là ai?

– Ví dụ vợ con anh, ví dụ người đàn bà khác?

Thừa sực nghĩ đến mẹ Mão và Mão. Hắn chỉ cười, không trả lời. Xuy-dan nhắc lại:

– Anh tử tế với một gái giang hồ, anh có biết là dại không?

Thừa lắc đầu:

– Có. Nhưng đối với em thì không.

– Anh nói khéo.

Thừa thở dài:

– Anh không nói khéo. Không bao giờ anh coi em là gái giang hồ. Anh đền tội với em.

Xuy-dan vui sướng. Thừa tiếp:

– Có một điều lạ lắm. Chính anh nghĩ mãi không ra. Là không biết vì sao, ngay từ lúc mới gặp em, anh đã thấy muốn đối xử với em khác mọi người. Anh mong gặp em lần thứ hai, thứ ba. Và lần nào cũng vậy, anh đưa em bao nhiêu, anh cũng không đắn đo. Anh chỉ muốn em được đầy đủ. Mà nhất là anh chỉ muốn em bỏ nghề này.

– Bỏ nghề này thì lấy gì mà sống, hở anh? Trời cho em cái vốn, thì em phải kiếm ăn bằng vốn ấy.

– Nếu chỉ vì cần kiếm ăn mà em phải làm nghề này thì ở đời thiếu gì cách sinh sống?

– Nhưng cách nào thì cũng phải có vốn bằng tiền. Em không có vốn bằng tiền.

– Anh giúp.

Xuy-dan đưa mắt nhìn xuống, chớp liền năm sáu cái. Rồi nói:

– Thế thì cũng lạ đấy, anh ạ. Em cũng thế. Không hiểu đối với anh thế nào, mà em cũng hay nói. Với khách khác, em có nói gì bao giờ đâu, Em chỉ tự coi là đồ chơi, khách thỏa mãn thì ra về. Họ kệ mình. Mình cũng kệ họ. Thế mà đối với anh, em lại đôi khi kể tâm sự. Y như với một người bạn lâu năm, bạn thân. Nhưng em nói thật điều này, anh đừng giận nhé. Quý anh thì có quý, nhưng chưa bao giờ em yêu anh.

Thừa gật đầu:

– Một là vì tình cảm của em chai ra rồi, hai là vì anh em mình mới biết nhau có vài lượt. Cũng như đối với em, anh nói thật là chỉ thương thôi.

– Em biết, cho nên hôm nọ, gặp anh sắp lên ô-tô ở trước nhà Phúc Lai Thành, em quay mặt đi, cho anh khỏi phải giả dối, xã giao với em. Anh là làng chơi, em chỉ là gái giang hồ, vì tiền mà quen nhau, chứ đâu phải vì nghĩa.

– Nhưng lần này, thấy anh tìm em, hẳn em biết là em đã lầm?

Xuy-dan mỉm cười, gật đầu, rồi nắm lấy tay Thừa. Thừa nghĩ ngợi một lát, rồi nói:

– Có lẽ chúng ta cứ sống như thế này, thì thú hơn là yêu nhau. Anh đã thử nghĩ xem có nên yêu em hay không. Nhưng không rõ có cái gì nó cứ không cho anh nghĩ lâu cái điều ấy.

– Cần gì yêu, hả anh? Sống với nhau bằng tình cảm đã sung sướng chán rồi. Em không muốn anh yêu em. Bởi vì ví thử anh yêu em, rồi lấy em làm vợ, thì chẳng qua, anh đổi cho em cái nhục bị khách đày đọa lấy cái nhục bị vợ anh đày đọa. Mà cái nhục bị khách đày đọa, em còn có thể tự gỡ được, chứ khi em bị anh bỏ tù trong gia đình anh, thì em bị giam hãm suốt đời. Em mà bị đời hắt hủi đến nước ấy nữa, thì chỉ còn đi tự tử mới thoát nợ được.

– Em là người đã chán chường, lại hay hoài nghi. Thế em quên rằng, em đã ví đời như cái vườn hoa à?

Xuy-dan mỉm cười:

– Ai chả biết nói khôn, ai chả biết dạy đời, hả anh? Nếu biết nói khôn, biết dạy đời mà là thạo, thì ở đời làm gì có đứa dại, cho thằng láu cá lừa gạt được?

Thừa băn khoăn một lát, rồi hỏi:

– Em Xuy-dan! Em có coi anh là thân không?

Xuy-dan gật. Thừa tiếp:

– Thế thì em kể lại đời của em cho anh nghe đi.

Xuy-dan lắc:

-Vô ích.

– Có ích. Anh sẽ tìm cách cho em vui đời.

– Anh An-be! Anh có là thánh đâu?

– Nếu em không nói, tức là không tin anh. Không tin anh, vì không quý anh. Em bảo em quý anh kia mà?

Xuy-dan thở dài:

– Trước hết, anh có tin em nói là thực không đã.

– Anh nhắc lại là anh đã không coi em là gái giang hồ. Vậy anh cũng xin em đừng coi anh như khách làng chơi.

Xuy-dan mỉm cười:

– Ừ, em kể nhé.

Thừa ngồi ngay ngắn lại, lấy thuốc lá mời Xuy-dan cùng hút.

Xuy-dan thở dài:

– Anh An-be ạ. Em là một đứa con hoang.

Thừa cau mặt nhìn Xuy-dan.

– Mẹ em làm gì? Cha em là ai?

– Mẹ em buôn bán. Cha em làm báo.

– Em bảo mẹ em là người lai phải không nhỉ?

– Phải.

– Mẹ em tên là gì? Người ở đâu?

– Tên là gì, em không biết. Mẹ em là người Hà Nội.

– Cha em tên là gì?

– Mẹ em cũng không bảo. Em không có ảnh cha em, nhưng có ảnh mẹ em.

– Đâu? Cho anh xem.

– Em gửi cậu em. Ai lại đi làm nghề này mà đem mẹ theo bao giờ!

– Rồi em cho anh xem nhé.

– Được.

– Thế bây giờ bố mẹ em đâu?

– Nếu bố mẹ em còn sống, em đã chẳng khổ. Không biết bố em có gặp em lần nào không. Mẹ em chết năm em lên ba tuổi. Em ở với ông bà ngoại, ông bà bảo bố em chết trước mẹ em lâu rồi.

– Ông bà em làm gì, ở đâu?

– Cũng buôn bán ở Hà Nội, nhưng chết cả rồi.

– Ông bà em không cho em đi học à?

– Có. Ấy, đời hắt hủi em ngay từ ngày em lọt lòng mẹ, anh ạ. Bà em nói rằng khi mẹ em đẻ em thì xấu hổ, nên quẳng em ra đường. May em không chết. Người ta nghe tiếng khóc, biết em là con của mẹ em, nên đem trả mẹ em, bắt mẹ em phải nuôi.

– Thế thì em oán mẹ em nhỉ?

– Không. Mẹ em không có tội. Người làm ra tội là bố em, đã nhẫn tâm bỏ mẹ em ngay từ ngày em còn ở trong bụng. Nhưng tội to hơn cả là dư luận của xã hội. Họ dồn cả sự khinh bỉ bố mẹ em vào đầu em, là đứa con hoang.