Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Anh Thừa tủm tỉm cười, vì anh cũng rõ việc này.

– Báo hàng ngày phải đăng thời sự hàng ngày. Thời sự ngoài nước thì việc nước Pháp, nước Anh, nước Đức, nước Nga bên châu Âu, và việc đánh nhau bên Tàu ở châu Á, đã có sẵn bản tiếng Tây yết ở nhà Dây thép chính. Ta cho người đi dịch. Thời sự trong nước, thì phải nhiều nhất là việc Hà Nội, vì báo sống bằng độc giả Hà Nội nhiều hơn cả. Rồi đến việc Hải Phòng, Nam Định. Rồi mới đến việc Hải Dương, Bắc Ninh. Việc Trung-kỳ với Nam-kỳ, có gì quan trọng, thì ta đăng lại tin của các báo trong ấy. Tờ Trung Bắc với Thực Nghiệp cũng làm thế cả. Việc Hà Nội phải nhiều, nhưng không khó kiếm. Ta chỉ cần một tay trẻ, biết đi xe đạp, ngày ngày đến sở cẩm Hàng Trống, và Tòa Án để chép tin. Làm phóng viên, nếu khéo bơm to những việc nhỏ, nếu khéo biết viết dài những việc to làm nhiều kỳ và cắt ở chỗ hồi hộp, cũng giữ được độc giả. Nhiều người mánh khóe, có thể lợi dụng mục này để làm được tiền cũng nên. Còn việc các tỉnh, thì tỉnh nào ta lấy phóng viên người tỉnh ấy. Vô khối anh xin việc. Vì ở tỉnh nhỏ, làm phóng viên là to chuyện lắm. Ai không sợ ông phóng viên xóc móc việc không hay của nhà mình. Ta chỉ cho họ báo và mất tiền tem cho họ gửi bài, thế là họ tận tâm với ta. Cuối cùng, bài quan trọng nhất của tờ báo, là bài xã thuyết, thì cũng như mục thời sự ngoài nước, không có ai thiết đọc, như tôi đã nói với bác ban nãy. Ngoài những mục này, nếu có việc quan trọng xảy ra, thì ta làm phóng sự, tường thuật, nếu thừa giấy, ta mở mục giải đáp, ví dụ giải đáp về thuốc, về pháp luật, về khoa học thường thức, về xử thế thường thức, và cả về nỗi lòng của trai gái dậy thì nữa.

Nói đến đây, ông Hoài Tân Tử thở một hơi dài, rồi nghỉ để uống hai chén nước liền. Anh Thừa nói:

– Làm tờ báo hàng ngày mệt đấy. Hôm qua, bác lại bảo là dễ.

– Mệt nhưng mà vui. Vui nhất mục chửi đổng, chửi bạn đồng nghiệp, chửi người quen, chửi người lạ, chửi việc làm trái, chửi việc làm phải, chửi quan lại, chửi bóng gió tây đầm. Tha hồ, chửi lung tung. Tóm lại, như vậy, tòa soạn cần một phóng viên đi nhặt tin và sửa bản in, một người phụ trách các mục văn chương và một người nữa, các thời sự. Xã thuyết thì ta đi kiếm. Vậy mới đầu, ta hãy cần ba người, đến khi báo chạy, ta sẽ lấy thêm. Nhưng bác nên nói với ông Lăng là tòa soạn phải mười người, toàn những tay bút cứng. Và nhất định phải bảo mục xã thuyết là mục có ích nhất, vì nó mở mang trí tuệ, nâng cao trình độ quốc dân về mọi mặt, thì bác phải viết, chứ không để cho ai được.

Anh Thừa hỏi:

– Thế ai mang báo đi kiểm duyệt, ai lấy quảng cáo, ai trông nom phát hành?

– Đây là phần trị sự. Tôi chỉ mới nói tòa soạn thôi. Kể ra làm báo còn lắm việc nữa, một lúc chưa thể nói hết được. Rồi đến đâu hay đấy.

Anh Thừa tươi tỉnh, tủm tỉm cười:

– Tôi xin nhận là học trò bác.

– Chúng ta là học trò lẫn nhau. Bây giờ bác sắp gặp ông Lăng, tôi muốn khuyên bác vài câu nữa. Ông Lăng tuy khôn ngoan, lắm mánh khóe, nhưng chỉ khôn ngoan, lắm mánh khóe ở nghề ông ấy thôi. Việc báo chí, ông ta không biết gì đâu. Nhưng nghề thế, ở đời, ai cũng muốn giấu cái đuôi dốt của mình, ai cũng làm ra mình thạo tất cả. Vậy trong khi trò chuyện, nếu ông ấy có nói gì về báo, thì bác chớ sợ là ông ấy hơn bác. Bởi vì tuy bác với ông ấy không biết tí gì về báo thật, nhưng bác hơn ông ấy ở chỗ ông ấy sẵn sàng sợ bóng sợ gió bác là người viết báo Nam Phong. Vả lại, bác phải yên trí rằng ông ấy thấy bác không mở báo riêng, bớt cho ông ấy một người cạnh tranh đáng sợ, lại về cộng tác với ông ấy, thì hẳn ông ấy cảm lắm. Và cố nhiên, đối với tôi, ông ấy phải biết công tôi đã mời nổi bác cho ông ấy. Ta có lợi thế ở những chỗ đó. Bác đã nghe ra chưa?

Anh Thừa gật đầu:

– Rồi.

– Vậy thì bây giờ bác sửa soạn để đi thôi. Vì tôi biết bác không có quần áo, sợ cứ ăn mặc thế mà đến với tay nhà giàu, thì nó khinh, cho nên tôi đã mượn hộ bác bộ cánh. Chắc là bác mặc vừa.

Ông Hoài Tân Tử mở cái bọc, lấy ra một khăn lượt xếp, một áo đoạn, một quần chúc bâu là, một đôi bít tất trắng và một đôi giày Gia Định.

Anh Thừa mặc vào, trông nho nhã như một văn nhân. Anh soi vào gương, mỉm cười, sực nghĩ đến vai cụ Điều Hai trong Phòng thuốc nhà giàu.

§6. Lại một bậc thầy

Anh Thừa và ông Hoài Tân Tử đến nhà ông Lăng thì ông này đi vắng, chưa về.

Hai người ngồi chờ ở buồng khách.

Nhà văn sĩ rung đùi một lúc, rồi mở cái cặp vải đen, lấy tập bản thảo, ti tỉ ngâm một mình. Trong khi ấy, để tiêu thì giờ, anh Thừa ngắm nghía xung quanh.

Cái nó đập vào mắt anh, là những cửa ở trong buồng này. Có hai cửa sổ, thì không đều nhau, chiếc to, chiếc nhỏ. Chiếc to có chấn song hoa, thì chiếc nhỏ lại chấn song thẳng. Và chiếc nhỏ có đủ cả kính lẫn chớp, nhưng chiếc to chỉ có hai cánh chớp. Để ra vào thông với lớp trong, đáng lẽ không cần có cánh cửa, vả nếu có, thì hoặc là cửa kính, hoặc là cửa ván đặc, thì ở đây không có nắng, nhưng lại lắp cánh của chớp chắn nắng.

Thấy những cửa lạ kiểu như vậy, anh Thừa nghĩ mà không thể tự cắt nghĩa là tại làm sao.

Bỗng có tiếng nói to ở ngoài hè phố. Ông Hoài Tân Tử vội vàng xếp bản thảo vào cặp, rồi hất hàm, tủm tỉm, bảo anh Thừa:

– Đã về đấy. Đương cãi nhau với cu-li xe.

Anh Thừa nắn lại khăn, sờ lại khuy áo cổ, để giữ tư thế một người viết báo Nam Phong trước mặt người mà anh gặp để điều đình một việc hệ trọng.

Hai cánh cửa mở rộng. Hai người đi vào. Anh Thừa cùng ông Hoài Tân Tử đứng dậy. Anh Thừa cúi đầu chào. Anh chưa biết hai người này, ai là người sáng lập báo Chấn Hưng.

Một người béo tốt, mặc quần áo ma-ga thâm, tóc chải lật, cổ bẻ, cà-vạt đỏ, trên ngực đeo hai chiếc cuống mề-đay. Một người trán giồ, mắt ti hí, mồm hơi méo, răng đen, mặc áo dạ tím cổ đứng, quần ka-ki vàng, ống hẹp và ngắn trên đôi giày đen có cổ cao. Anh đoán ngay người có dáng bệ vệ phải là ông thầu khoán giàu.

Nhưng không phải. Khi ông nhà văn giới thiệu, thì chính cái ông ăn mặc như cai thầu lại là chủ thầu.

Ông Lăng giới thiệu người béo tốt:

– Xừ Tuynh.

Bốn người bắt tay nhau. Riêng ông Lăng bắt tay anh Thừa thật chặt và thật lâu:

– Xin lỗi các ngài nhé. Tôi sai hẹn, làm các ngài phải đợi.

Anh Thừa đáp:

– Chúng tôi cũng mới đến được vài phút thôi.

Ông Lăng mời ba người ngồi, rồi trỏ anh Thừa, nói với xừ Tuynh:

– Ông Thừa đây.

Xừ Tuynh sáng ngời đôi mắt, toét miệng cười:

– Vẫn được nghe đại danh. Nay mới diện kiến. Rất hân hạnh quen ngài.

Rồi xừ tặc lưỡi, lắc đầu để tỏ ý thán phục:

– Văn thơ ngài, tôi mê lắm.

Ông Lăng hỏi:

– Xừ đã đọc nhiều của ngài đây?

Xừ Tuynh gật đầu, cười thật to:

– Chả bỏ được bài nào cả.

Ông Lăng hân hoan, hỏi anh Thừa:

– Ngài ký biệt hiệu hay tên thật ạ?

Anh Thừa đương thú về cái anh vu vơ nhận là độc giả, lại khen trước mặt chủ, thì tiền đầu thế là lợi lắm. Bây giờ bỗng nghe ông Lăng hỏi câu ấy, anh giật nảy mình, như thấy tiếng sét đánh ngang tai. Anh ngượng với ông tri kỷ Hoài Tân Tử, đương chưa biết trả lời thế nào, thì ông văn sĩ đã đáp hộ:

– Ông bạn tôi thì lắm biệt hiệu lắm.

Xừ Tuynh lại lắc đầu và lắc thêm cả ngón tay trỏ:

– Nhưng đọc bài của ngài, dù ký tên gì, tôi cũng nhận ra ngay. Văn của ngài trộn đâu cũng không lẫn. Thật là hay. Nếu Đông Dương tạp chí mà không có ngài viết giúp, có lẽ không ai buồn đọc nữa.

Ông Lăng ngớ mặt:

– Sao bảo ngài viết Nam Phong?

Ông Hoài Tân Tử được dịp để lột mặt nạ thằng cha nịnh hót láo:

– Vâng, ông Thừa viết Nam Phong. Chắc xừ Tuynh lầm ông Thừa với ai đấy ạ.

Xừ Tuynh bẽ, cười lạt, rồi đứng dậy, nói với ông Lăng:

– Xin phép cụ. Để cụ còn tiếp chuyện hai ngài. Xin cụ lưu ý cho.

Xừ bắt tay ba người rồi ra cửa.

Ông Lăng mời hai vị khách quý ngồi. Nhưng bỗng ông đứng phắt dậy:

– Không. Ta lên gác thì hơn. Ngồi đây, lỡ có ai vào, ta không nói được chuyện.

Sợ anh Thừa không hiểu, ông nhìn anh, híp mắt cười cho ra dáng thân mật:

– Khách quý, bao giờ tôi cũng tiếp ở buồng riêng.

Ông giơ tay mời ông Thừa và ông Hoài Tân Tử đi trước:

– Tiền khách hậu chủ, rước hai ngài.

Anh Thừa nhã nhặn mời lại:

– Xin cứ theo tục Đông phương, tiền chủ hậu khách.

Ông Hoài Tân Tử sốt ruột:

– Phải, mời cụ đi trước, kẻo chúng tôi không biết đường.

Ông Lăng nghẹo cổ:

– Xin lĩnh tôn ý.

Ông nhanh nhẹn bước lên. Ra đến sân, ông đứng lại, gọi anh người nhà, nói nhỏ để dặn dò, rồi nhìn khách, cười xòa. Đoạn ông trỏ hai lớp trong và lớp ngoài của căn nhà, và nói một cách hãnh diện:

– Nhà này làm trong la-ghe[21], ma-tê-ri-ô[22] đương khan hiếm, năm ấy tôi lại làm ăn chưa được như bây giờ, thế mà tôi kiếm được cả xi-măng lẫn phe[23]. Không phải tay ăng-trơ-prơ-nơ[24], đố ai xoay nổi. (*[21] Chiến tranh. *[22] Vật liệu. *[23] Sắt. *[24] Thầu khoán.)

Anh Thừa sực nghĩ đến cái nợ của anh ở trước cửa trường Cửa Đông. Anh so sánh với cái nhà gia dụng này.

Anh lấy tay gõ vào những cánh cửa bằng lim dày, gật gật, nói nhỏ với ông Hoài Tân Tử để khen. Nhưng có lẽ ông Lăng không nghe rõ là ông được nịnh hót, nên ngượng, vội vàng cười lạt:

– Nhà không đẹp, nhưng sô-lít[25] lắm, ông ạ. Những khuôn cửa này là tôi mua lại của các nhà tây, góp nhặt dần từng cái trong hơn hai năm. Gặp món gỗ tốt và rẻ, tôi trữ mỗi bận một tí. Rồi năm thì tôi vôi, năm thì mua gạch ngói, cuối cùng tôi mới xây hẳn thành nhà. (*[25] Bền.)

Anh Thừa tặc tặc lưỡi để tỏ ra là kính phục ông chủ căn cơ. Nhưng trong bụng, anh cười thầm cái thằng tính toán chi li quá mức.