Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Anh định chạy ra phân trần với học sinh là anh với Ma-ri cũng là đồng bào da vàng mũi tẹt cả. Nhưng anh không dám. Lỡ đương hăng, mà họ cho là anh nói dối, thì nóng tiết, họ phá nhà. Nhưng để họ lầm mà tẩy chay, thì anh mất hết khách. Tiếng tăm Phòng thuốc nhà giàu bị tẩy chay bay đi, rồi bị xuyên tạc là anh bênh khách trú, thì bọn chủ nợ không để anh yên. Họ sẽ thù ghét anh, kiện để bỏ tù anh.

Anh Thừa đương lúc bối rối, bỗng nghĩ ngay ra một kế.

Anh đội khăn, mặc áo chùng, mở cửa sau, ra phố Cầu Gỗ, rồi vòng về đằng trước, phố Bờ Hồ.

Đến chỗ các xe điện Bạch Mai và Bưởi tránh nhau, thấy đông người, anh trèo lên một cột điện vuông, có bậc, anh đứng trên cao, vỗ tay thật mạnh và gọi:

– Mời đồng bảo nghe tôi nói mấy lời! Mời đồng bảo nghe tôi nói mấy lời!

Năm sáu người lại tới gần anh, rồi mươi, mười hai người. Anh nói:

– Hẳn đồng bảo cũng biết là ở Sài Gòn, một người Nam mình bị một người khách trú chủ tiệm cà phê thống mạ. Thế mà một tên khách trú khác tên là Lý Thiên dám viết bức thư chửi cả nước chúng ta là man di mọi rợ, không tẩy chay nổi họ.

Người nghe đông thêm. Anh Thừa lại dùng tài diễn thuyết bán thuốc mấy năm trước:

– Chúng ta là những người yêu nước. Chúng ta không để bọn ngoại quốc hỗn xược, dám khinh cả nước Việt Nam văn hiến mấy nghìn năm của chúng ta. Nhất định chúng ta phải tẩy chay cho bằng được. Hàng mấy trăm năm nay, đồng bào quen dùng hàng tàu, coi khinh hàng ta. Nhưng từ nay, chúng ta thề với nhau không gánh vàng đi đổ sông Ngô nữa…

Gần một trăm người quây quanh cột điện, ngửa mặt nhìn diễn giả để lắng tai. Anh Thừa tiếp:

– Vả lại, những hàng tàu mà ta quen dùng, có phải thật chỉ là hàng tàu không? Không. Nhiều hàng chính bọn chiệc mua của ta, rồi lại bán cho ta. Thế mà nấm của ta, măng của ta, ta gọi là nấm tàu, măng tàu. Vậy thì ta lầm. Vì ta chuộng của tàu, nên người tàu bán hàng ta, mà ăn lãi của ta. Ngay như chè tàu cũng vậy, có phải là chè tàu nguyên đâu. Tải đến Hải Dương, họ trộn lẫn với chè ta, rồi gửi đi các tỉnh bán cho ta, để ta tin là chè tàu. Vậy thì hàng của ta có đớn hèn đâu, chỉ vì đồng bảo ta sùng bái ngoại hóa, cho nên chính mình dùng hàng mình mà không biết.

Thấy xe điện bị tắc đường, không đi được, vì hàng trăm người vây vòng trong vòng ngoài cái cột điện, lại có người đứng diễn thuyết, tốp học sinh đứng trước Phòng thuốc nhà giàu cũng rủ nhau tới. Anh Thừa càng nói hăng:

– Nước ta nghèo lắm đồng bào ơi! Bởi vì nước ta như cái bể bị rò. Nếu ta không hàn gắn chỗ rò, thì thế nào cũng có một ngày cạn hết nước. Đồng bào thử nghĩ đến cái ngày đau khổ ấy, có xót xa không?

Anh Thừa lấy mù-soa lau mắt. Thính giả bùi ngùi, im phăng phắc.

Bỗng có người đội sếp lách đám đông, đến gần cột sắt, anh Thừa vung tay, nói:

– Vậy đồng bào! Phải tẩy chay! Tẩy chay hàng tàu!

Người đội sếp gọi:

– Này, ông kia, xuống ngay! Tôi biên phạt bây giờ!

Anh Thừa không xuống:

– Phải dùng nội hóa! Tuy nội hóa chưa tốt, chưa đẹp bằng ngoại hóa, nhưng ta về ta tắm ao ta…

Người đội sếp trèo lên cột, lôi chân anh Thừa. Thấy vậy, người nghe la ó:

– Để ông ấy nói! Nam quốc Nam nhân, không nên thế!

Nhưng người đội sếp cứ cố kéo, bất đắc dĩ, anh Thừa phải xuống.

– Bốn hào phạt! Làm huyên náo phố phường!

Anh Thừa cãi:

– Tôi không có tiền! Tôi không làm huyên náo! Tôi là người Việt Nam, tôi làm nhiệm vụ của người Việt Nam yêu nước, yêu đồng bào!

– Tên ông là gì? Làm nghề gì? Ở đâu?

– Tôi tên là Trần Đức Thừa, chữa thuốc, ở Phòng thuốc nhà giàu!

Anh cốt nói thật to cho học sinh nghe rõ. Quả nhiên, học sinh ngơ ngác nhìn nhau.

Anh Thừa bảo người đội sếp:

– Ông không nên phạt tôi, bởi vì ông cũng là An-nam như tôi. Tôi cổ động đồng bào tẩy chay hàng tàu, đáng lẽ ông nên lờ đi mới phải.

– Thôi, không nói lôi thôi. Bận này tôi tha, bận sau ông không được thế nữa. Ông về đi!

– Ông không thể ngăn được lòng nhiệt thành của tôi. Bận sau, tôi cứ làm nữa! Phải trái đã có đồng bào, đã có công luận.

Anh bỏ người đội sếp phải giải tán đám đông, mặt hầm hầm đi thẳng về nhà. Hàng mấy trăm con mắt nhìn theo anh.

Mưu mô của anh Thừa rất công hiệu. Lập tức, mấy người học sinh theo anh vào Phòng thuốc nhà giàu, xin gặp anh.

Anh tiếp họ, hai bên bàn bạc rất tâm đầu ý hợp. Anh mời họ dùng gác trong của Nhà vàng làm chỗ in cổ động. Anh lại cúng thêm ít tiền, và cúng cả chỗ giấy bán ế vì mốc.

Từ hôm đó, học sinh ra vào Phòng thuốc nhà giàu rầm rập.

Họ cho anh là tốt. Thấy anh lớn tuổi, họ hay hỏi ý kiến các bài họ viết, và các việc họ làm.

Biết họ có cảm tình với anh, anh lợi dụng họ cổ động cho Phòng thuốc nhà giàu là nội hóa.

Một hôm, nghe tin trên phố Hàng Ngang, đội sếp bắt năm người học sinh đi tẩy chay, giam ở bóp Hàng Đậu. Thế là thanh niên rủ nhau thật đông, đến xin tha cho bạn. Anh Thừa nói:

– Phải đấy. Cho tôi đi với. Nếu họ không tha, chúng ta đòi họ bắt hết tất cả chúng ta!

Anh Thừa mua một chục chiếc bánh mì chả lợn, và một chục chai nước chanh để đem theo. Anh nói:

– Nếu còn bị nhốt, anh em đỡ bị đói, bị khát. Học sinh cảm động lắm.

Họ đến bóp Hàng Đậu, hơn năm chục người đứng chật cả buồng giấy. Vì họ nói găng quá, tên cẩm nhất định không tha những người bị giam. Nó cũng không cho gửi quà bánh vào. Anh Thừa nhanh trí khôn, chạy ra đường, chỗ gần sân giam người. Anh gọi to những học sinh bị nhốt, ném bánh mì vào cho họ.

Anh Thừa được học sinh coi như người bạn thân của phong trào tẩy chay. Họ quý mến anh, anh càng phóng tài hóa để gây thêm tình cảm với họ.

Anh đối xử đặc biệt nhất với cậu Nghĩa. Anh nói cho các bạn cậu khỏi nghi kỵ và ghen tỵ, rằng cậu là người trong gia đình bệnh nhân quen của Phòng thuốc nhà giàu. Anh thường giữ cậu lại để nói chuyện tâm sự. Sự thực thì là để cậu đừng hỏi anh, Ma-ri là vợ ai, Pôn là con ai. Bởi vì anh đương thả cần câu để câu cô Lễ.

Như ta đã biết ý, có lẽ cô gái cấm cung sắp mắc mồi. Có một lần, cô đội mũ, đeo kính, bắt chước dáng điệu anh Thừa bắt mạch, lại một lần nữa, cô dám mạnh dạn mượn cuốn Truyền thuốc bí truyền đem về nhà. Và độ này, một hai lần, cô cùng cậu Nghĩa đến Nhà vàng Bờ Hồ in cổ động và lấy giấy đi phát các phố.

Cô mắc mồi thật chăng?

* * *

Vì anh Thừa đầu cơ vụ tẩy chay, nên Phòng thuốc nhà giàu được đông khách hơn trước. Anh nhân cơ hội tốt, lợi dụng ngay phong trào để quảng cáo cho Phòng thuốc mạnh hơn nữa. Thấy các phố đông như Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Bông v.v… đều mở mỗi phố một hiệu cao lâu – hình như tẩy chay là ào ào mở cao lâu để địch với cao lâu tàu – những hàng ăn này, mấy ngày đầu có rất nhiều người lui tới, anh giao thiệp với người chủ, đánh đổi quảng cáo. Anh dán quảng cáo Phòng thuốc nhà giàu trong các hiệu ấy, và dán quảng cáo các hiệu ấy trong Phòng thuốc nhà giàu. Hiện giờ, khách ăn ở hiệu của ta mới mở, toàn là người có nhiệt huyết, muốn dùng nội hóa. Nếu họ biết Phòng thuốc của anh, thì khi ốm, họ đến nhờ xem bệnh, vì anh được tiếng là nhiệt thành với phong trào khuyến khích nội hóa. Anh hay vào hiệu cao lâu Đào Thánh, mở ở số nhà 59 phố Hàng Đào, để ăn, cho cậu Nghĩa đi qua, thì trông thấy. Lại nghe nói nay mai mấy nhà công nghệ Việt Nam mở tờ báo hàng ngày, lấy tên là Thực Nghiệp dân báo, người sáng lập là Bùi Huy Tín, có dinh cơ lớn ở ấp Thái Hà, anh Thừa định đăng quảng cáo Phòng thuốc nhà giàu vào báo ấy, để làm quen với một tay mà anh chắc là có thế lực vì ở gần cụ quận Hoàng.

Nhưng anh vừa dự định các việc, thì anh như bị một trùy trúng vào chỗ phạm, phải ngã gục.

Người đánh anh là mẹ của Mão. Và gọi là đánh, vì chị đánh ghen.

Nguyên là từ ngày anh Thừa cưới Ma-ri xong, chị Thừa có đến Phòng thuốc nhà giàu nhiều lần, nhưng lần nào cũng chỉ đến được vào những ngày hoặc những giờ chị không phải làm việc. Lần đầu là ngày chủ nhật, Phòng thuốc đóng cửa trước. Chị gọi cửa sau, không có ai mở. Lần sau là ngày thường, nhưng vì hết giờ tiếp khách, cửa trước đóng mà cửa sau, vì người mới làm thay anh Xi thấy chị lạ mặt, nên không cho vào. Lần sau nữa, chị gặp anh Thừa, nhưng không gặp Ma-ri. Chị gây sự với anh, toan quật phá, thì anh đã cho gọi đội sếp bắt chị, bỏ bóp hai mươi bốn giờ đồng hồ.

Tức nước thì vỡ bờ, chị bỏ bẵng đi một dạo. Lần này chị mới đến để túm được cả anh lẫn Ma-ri, làm một trận cho ra trò.

Lúc ấy vào khoảng tám giờ sáng, một ngày thường. Khách khứa đến buồng đợi đã khá đông, thì trà trộn vào với bệnh nhân, có ba tay nổi tiếng Hà Nội là võ giỏi và du côn là Phúc đen, Ty sẹo và ấm Ái. Ba người này không thù ghét riêng gì anh Thừa và Ma-ri, nhưng thấy chị Thừa kể lể sự tình, thì nóng tiết, quyết ra tay anh hùng hảo hớn.

Chị Thừa để cho ba tay hiệp sĩ vào Phòng thuốc xong đâu đấy, chị mới đến sau.

Thoạt trông thấy chị, Ma-ri nhận ngay được mặt. Chị thì máu ghen hăng lên. Thế mà Ma-ri còn hỏi chị bằng giọng hách dịch:

– Người kia! Vào đây làm gì?

Chị xông ngay vào hắn, túm tóc, dằn xuống đất, cắn xé.

Trong khi ấy, ấm Ái đóng sập cửa, dơ quả đấm bằng nhôm sáng quắc, nhã nhặn mời khách đừng chạy, cứ bình tĩnh ở lại mà xem kịch.

Ma-ri bụng to, nên yếu, ngã lăn xuống đất. Chị Thừa vừa đấm vào mặt hắn, vừa kể tội:

– Mày cướp chồng bà! Mày cướp chồng bà! Con đĩ tây lai!

Hắn kêu:

– À, con nặc nô! Ối các ông các bà bệnh nhân ôi! Ối ông đội sếp ôi! Ối tiên sinh với cụ Điều ôi! Cứu tôi với! Nó đánh chết tôi!

Ấm Ái quát:

– Im cái miệng!

Anh Thừa đứng ở trên gác, thấy dưới nhà lục đục và có tiếng Ma-ri kêu, anh chưa kịp ăn mặc lối y sĩ Quảng Tây, chỉ đeo có mỗi cái kính, vội vàng chạy xuống.

Anh thấy vợ cũ đương đánh vợ mới, thì anh lấy uy quyền của người chồng chưa ly dị bàng pháp luật, để quát:

– U thằng Mão buông nó ra! Má thằng Pôn không được kêu! Hay dở thế nào đã có tôi.

Chị Thừa càng cáu tiết, xông vào anh. Anh toan chống cự, thì Phúc đen đã dùng miếng võ khóa tay và chân anh lại, quật anh xuống đất kêu đánh hự, đôi mắt kính vỡ tan.