Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Ma-ri gật gật:

– Ừ nhỉ. Tống vào cho nó từng này giấy lẻ, thì cứ việc đếm cũng đủ thì giờ cho người ta đến bắt, mà một đống to xù thế này, thì nó có giấu đằng trời.

Rồi hắn ngẩn ngơ:

– Này, nó vứt tiền vào xó tường, ngộ mất thì sao nhỉ?

Thừa cười:

– Toa xuẩn quá! Ai dám vào đấy mà lấy! Thường thì quẳng xong tiền đi, chúng nó rất khôn, thế nào cũng vào nhà trong một lát. Bởi vì bao giờ mật thám bắt tham tang, cũng vào ngay sau lúc chúng nó nhận tiền, để tóm được chứng cớ. Nhưng mật thám thấy tiền, không thấy người, thì chúng nó có thể cãi rằng trong lúc chúng nó không có ở đấy, thằng dân nào thù đã lẻn vào để tiền đấy, làm như hối lộ, chứ nó không biết.

– Thế tiền vứt đấy đến bao giờ?

– Độ nửa giờ là cùng, thấy không có ai vào bắt, thì nó nhặt cất đi. Vả lại đến tan hầu nó mới lấy, tiền cũng chẳng mất được.

Ma-ri sực nghĩ ra:

– Chết chửa. Quên mất! Ông ấy say quá, đòi đi ngủ một lát đấy.

Thừa đáp:

– Đưa ông ấy vào buồng thằng Hoài ấy.

– Để ông ấy ngủ một mình à? Lại cứ đòi con Lan vào với kia.

Thừa tặc lưỡi:

– Kệ! Việc nào của ấy. Tiên sư thằng Tây khổ được voi còn đòi tiên!

Đúng hai giờ, Thừa đánh thức thằng Gôn dậy. Nó thắt thắt lưng da to bản quanh mình, rồi đeo chéo ở vai cái dây da bao đựng súng lục. Ma-ri rót cho nó một nửa cốc Mác-ten và mời nó. Nó vẫn còn say, nhưng tiếc của, bèn liếm môi, tợp cho hết.

Đến đầu phố huyện, Thừa gửi nó vào một nhà, rồi vào thẳng công đường.

Huyện Lung thấy quan hàn đúng hẹn, thì tươi cười mời ngồi. Hắn đưa Thừa đọc tờ giấy chúng nhận đã làm sẵn từ trước. Nhận đồng tiền mà Thừa xin lỗi là không có giấy to, quan ký tên và đóng kiềm vào giấy chứng nhận, rồi trao cho Thừa.

Thừa cảm ơn, trả quan cái xe, và xin quan tính tiền ét-xăng. Quan tặc lưỡi:

– Ồ, làm gì cái vặt! Chỗ anh em.

Thừa bắt tay quan, rồi làm vẻ mặt sung sướng, vừa đi vừa đọc lại tờ giấy.

Quan chẳng ngờ gì, nhìn theo thằng mất của, tủm tỉm cười.

Nhưng chừng mười lăm phút sau, thằng Gôn xộc vào huyện.

Thấy trên bàn giấy của Lung còn lù lù đống giấy bạc, thằng cảnh sát trưởng nói:

– Tôi được lệnh quan công sứ đến bắt tham tang.

Nó hỏi:

– Tiền này ở đâu? Ai cho ông?

Huyện Lung đương cuống queo, thì nhìn thấy Thừa thập thò ngoài cửa. Hắn không trả lời thằng Gôn, mà trỏ vào mặt Thừa:

– À, tiên sư bố thằng đểu phản tao!

Thằng cẩm rút trong túi lấy tờ giấy biên số giấy bạc mà Thừa đã giao cho nó. Nó bảo tên tri huyện nhìn từng con số, rồi nó làm biên bản, bắt hắn ký vào.

* * *

Làm xong nhiệm vụ, thằng Gôn cùng Thừa ra phố. Thừa đưa nó ra chỗ ô-tô của mình bị cháy, và trỏ cho nó nhìn đống tàn giấy đã bị nước mưa làm bẹp dí. Thừa cố bới, tìm một tệp còn nguyên ghim:

– Tiếc quá! Bao nhiêu là tiền!

Rồi hắn tiếp:

– Chỉ vì tham lam cho nên ông Lung bị lột mặt nạ.

Thằng Gôn hỏi:

– Nó đòi ông bao nhiêu tiền?

– Năm nghìn.

Thằng Gôn trợn mắt, nhún vai:

– Năm nghìn một chữ ký!

Thừa cho nó xem tờ giấy chứng nhận của Lung và nói:

– Bây giờ thì cái chữ ký này quả là vô giá trị. Thành thử giấy chứng nhận cũng vô giá trị nốt. Hay là tôi nhờ ông…

Thằng Gôn nhìn Thừa:

– Ông muốn gì?

– Ông viết thêm vào đấy mấy chữ hộ tôi.

– Viết thế nào?

– Viết rằng lời chứng nhận của tri huyện Nguyễn Hữu Lung là đúng.

Thằng Gôn đáp:

– Không hại gì.

Nó co một cẳng, đặt tờ giấy lên đùi, và nhăn nhó mặt để nghĩ. Mãi nó mới viết được hai chữ Pháp, nghĩa là Nhận thực đúng.

Nó đề ngày, tháng, năm, rồi viết rất nhanh chức tước của nó, là Lính sen đầm hạng nhì, chiến sỹ bội tinh, cảnh sát trưởng Vĩnh Yên. Rồi nó ký tên nhoay nhoáy: Pô-luyx Gôn.

* * *

Tiếng đồn quan bị bắt tham tang dậy cả phố huyện. Nó lan ra khắp tỉnh Vĩnh Yên, rồi cả Bắc Kỳ.

Lung bị huyền chức, chờ ngày ra Hội đồng kỷ luật và tòa án.

Làm được việc ấy, Thừa rất vui sướng. Song, Ma-ri không khỏi lo lắng. Hắn hỏi Thừa:

– Liệu nó có thù mà tố giác việc mình buôn lậu với mở sòng bạc không nhỉ?

Thừa mỉm cười, lắc đầu:

– Trừ phi nó muốn mất quan thì nó mới phản mình. Bởi vì nó phản mình tức là nó phản nó. Dung túng người trong hạt làm điều phi pháp, để ăn tiền, nó càng bị nặng tội chứ sao?

Ma-ri nói:

– Bị bắt quả tang ăn hối lộ đã là nặng tội, không mất quan ấy à, chứ lại còn muốn với chẳng không muốn.

Thừa tắc lưỡi:

– Việc đếch gì! Ngữ này mà tốt lễ, thì chỉ sáu tháng nữa là lại ra làm quan như thường. Đấy, rồi toa xem.

§9. Những cái thối cứu được cái thơm

Nói cứng như vậy, song Thừa vẫn phải đề phòng. Hắn đề phòng huyện Lung tố giác hắn. Hơn nữa, để nuốt trôi ngót vạn ba bạc của công ty, hắn không cần đề phòng ai bằng đề phòng ông bạn cố tri Hoài Tân Tử. Chỉ ông nhà thơ bị mất của mới xót xa, và nghĩ ngợi để lật bộ mặt thật của vụ cháy ô-tô này. Nếu huyện Lung lẫn ông Hoài Tân Tử cùng phản hắn, khai ra những thủ đoạn làm giàu khác của hắn từ trước đến giờ, thì hắn khó thoát được tội.

“Hay là…”

Thừa suy tính. Hay là gán quách hai tiếng hội kín cho công ty? Nhân lúc công ty không hoạt động, lại có thể vì vụ án mạng trên Lao Cai mà vỡ lở, thì, không được ăn, mình đạp đổ, phá quách nó đi. Đổ cho nó là hội kín để lập công. Hoài Tân Tử trước kia vẫn bảo công ty là hội kín. Hay nó làm việc kinh tế cho một hội kín nào thật, mà mình không biết chăng? Nếu không, cứ liều khai thế. Chẳng phải hội kín, thì có thiệt gì đến người tố giác nó. Chỉ có lợi, là Pha-lăng-xô trước hết hãy tóm cổ Hoài Tân Tử cho thằng này không còn ruột gan nào bới ra cái âm mưu cháy ô-tô. Nếu là hội kín thật, mà chính mình cũng có chân trong ấy, thì không những người đi báo vô tội, còn được trọng dụng như đội Dương, như thừa Mai. Và ít ra, việc mình tố giác một hội kín, cũng tỏ cho Pha-lăng-xô và sở mật thám tin lòng trung thành của mình với chính phủ Bảo hộ là thật. Nó gỡ cho mình được cái tội quy hàng bọn tống tiền vừa rồi.

Thừa đắn đo kỹ lưỡng trong cả một đêm ít ngủ. Càng đắn đo, hắn càng cho hắn tố giác công ty là nên. Bởi vì, nếu nhu nhược trước tình bạn với Hoài Tân Tử, ngộ công ty là hội kín thật thì sao? Trước hết, mình lỡ mất cơ hội tốt nó kể đến tận tay mà để sểnh. Sau nữa, là một hội kín, thì sớm hay muộn, cũng không thể qua được con mắt sáng suốt của sở mật thám. Khi nó bị khám phá, tất mình cũng không thoát ra ngoài mắt lưới của pháp luật.

Chi bằng cứ liều mà khai công ty là hội kín. Ở đời này, mười thằng làm nên thì có đến chín thằng liều. Mình đã lập tâm tạo công danh, thì cứ liều. Chẳng trúng lần này thì lần khác trúng, số mà được ra làm quan, thì cơ hội là lần này không biết chừng.

Sáng hôm sau, Thừa đi Hà Nội sớm.

Hắn vào ngay bàn giấy thằng Pha-lăng-xô. Cố nhiên là Thừa đưa chuột đến miệng mèo.

Ông nhà thơ Tình muôn thuở bị sở mật thám Hà Nội chõm ngay đúng vào lúc quanh tĩnh nhà ông, thiện nam tín nữ, người nào người ấy tô hô, đương gối lên đùi, lên đít nhau.

Tất cả những cặp ấy đều bị giải vào xà-lim Xăng-tan.

Công ty buôn thuốc phiện lậu có thế lực nhất ở Bắc Kỳ từ xưa đến nay, vì được tên chánh đoan Yên Bái Mác-tanh giám đốc, ngang nhiên hoạt động trong mấy năm trồi, đến mùa đông năm 1930 mới bị khám phá.

Nó bị khám phá không phải do từ ý muốn phản bạn, định bịt miệng Hoài Tân Tử của hàn An-be Thừa. Nó bị khám phá chính là do từ vụ án mạng xảy ra trong rừng Lao Cai, người của công ty Mác-tanh và người của công ty Rô-lăng-ti giết nhau vì muốn dìm dập nhau để tranh nhau mối lợi.

Mấy hôm sau, hung thủ bị sa vào lưới pháp luật. Thằng thanh tra Rô-be trưởng ty Mật thám Lao Cai, trước kia chỉ quen trị kẻ cắp ở chợ Đồng Xuân, Hà Nội, vì khỏe tay, đánh nhiều, nên được lên chức, cái thằng Rô-be lùn, bụng phệ, đầu cạo trọc tếch, trắng hếu như đầu sư ấy, phải điều tra vụ án mạng này. Nó cũng dùng cánh tay cứng như sắt của nó để bới tìm tư tưởng của kẻ giết người. Nó đoán rằng hung thủ chẳng qua là thằng ăn cắp như những tụi ở chợ Đồng Xuân. Vì là An Nam. Người này đã lột kẻ có tiền, nhưng lỡ tay giết chết, thì quăng xác xuống suối. Có thế thôi. Chứ không có bè, có đảng gì hết.

Song, công sứ Rô-ma-nét-ti lại nghĩ khác. Tên thực dân già, nghiện thuốc phiện, có vợ An Nam này, vì yêu vợ, nên xét người An Nam có thâm thúy hơn. Thấy hồi đầu năm, Yên Bái là trung tâm của cuộc bạo động chính trị, thì Lao Cai, một tỉnh biên giới, Việt Nam Quốc dân đảng trốn sang Tàu như đi chợ, Rô-ma-nét-ti cảnh giác hơn, cho là vụ giết người này không phải vụ án thường. Có thể có liên quan với Yên Bái, với Hà Nội cũng nên. Thấy thằng Rô-be báo cáo hung thủ chỉ là cá nhân lẻ tẻ, thằng Rô-ma-nét-ti lắc đầu, bảo phải điều tra lại.

Thằng Rô-be bắt cánh tay nó hoạt động mạnh gấp đôi trước. Cuối cùng, nó thấy kẻ giết người quả không phải là thằng ăn cắp cá thể. Hắn xưng ra một số người vẫn sinh sống bằng nghề mua nhựa. Những người này bị bắt. Không chịu được vài trận mưa dùi khui, họ khai ra hai người đội đoan ở Lao Cai, vẫn xuất tiền cho họ đi mua thuốc phiện lậu. Hai người đội đoan bị tóm. Họ tố giác thêm một đồng nghiệp ở Lao Cai và một đồng nghiệp ở Việt Trì làm nhiệm vụ vận tải, ăn no đòn, phun ra một bạn trong ban lưu động, làm việc ở nhà Thương chính Hà Nội. Cuộc điều tra từ đó không chỉ đóng khung trong địa hạt Lào Cai. Nó loang như vết dầu xuống Việt Trì, Hà Nội v.v… và vụ này chỉ là vụ buôn thuốc phiện lậu, nhưng lớn.

Song, thằng Rô-ma-nét-ti vốn thích hút thuốc lậu hơn thuốc ty vì rẻ hơn, lại đậm hơn, vả là quan cai trị, nó vẫn bị ám ảnh là một vụ Yên Bái thứ hai sẽ nổ ra ở Lào Cai. Tư tưởng ấy làm nó giật mình thon thót. Cái ác cảnh phải chạy trốn vào rừng, lạc vợ, lạc bàn đèn, xui nó cảnh giác hơn. Nó đi Hà Nội, báo cáo với thống sứ Rô-banh về vụ án này. Muốn khủng bố tinh thần tên thủ hiến Bắc Kỳ, nó mệnh danh là hội kín. Thằng Rô-banh gầm gừ tức tối, gọi ngay điện sang sở mật thám, bắt mở cuộc điều tra thật nghiêm chỉnh.