Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Ở trong có tiếng súc miệng, có tiếng tạch tạch điếu thuốc lào, rồi sau một hồi ho dài, cánh cửa mới mở ra. Người gác thong thả ra cổng, dí mắt vào tận cái lỗ khóa, mới đút thìa vào được. Tháo ba vòng xích cổng xong, người ấy choãi chân, đẩy một cánh cửa, hé cho vừa chiếc xe qua lọt.

– Bệnh gì?

Cậu Nghĩa đáp:

– Bị đánh vào gan, vào lá lách, đau lắm.

Người gác làu nhàu:

– Ban ngày thì chả vào.

Cậu Nghĩa không đáp, bảo xe kéo tuột vào trong. Nhưng người gác giơ tay ra ngăn:

– Khoan.

Người ấy dòm vào mặt mợ Nghĩa, rồi nói:

– Ồ! Thế này mà đã gọi nhặng lên. Cấp cứu! Cấp cứu! Nhẹ thôi, không hề gì đâu. Cứ yên tâm.

Cô Lễ rên lên. Người ấy dòm vào mặt cô Lễ:

– Được, yên trí, để tôi báo.

Một hồi chuông kêu rè rè.

Độ năm phút sau, một người mặc áo trắng lốp đi ra, tay cầm chiếc đèn pin. Đó là cô Tuyến. Cô Tuyến đương vào lúc thua cay. Bây giờ cô được cầm trang, nhưng chưa xong một ván. Bắt buộc phải đứng dậy, cô bực mình lắm. Cô hỏi bằng giọng cáu kỉnh:

– Ai? Bệnh gì?

Cậu Nghĩa trỏ vào xe cô Lễ:

– Thưa, chị tôi, bị đánh vào gan và lá lách.

Cô Tuyến soi đèn pin vào trong xe, lia tia sáng từ đầu xuống chân, lại từ chân lên đầu hai ba lượt. Rồi lại xẵng:

– Bệnh gì?

Cậu Nghĩa phải lễ phép, nhắc lại câu vừa nói:

– Bị đánh vào gan và lá lách ạ.

– Ai đánh?

– Thưa chồng đánh ạ.

Cô cau mặt:

– Làm gì để người ta đánh cho? Lại ghen bóng ghen gió chứ chó gì?

Cậu Nghĩa không trả lời câu hỏi vô ích và vô lễ. Cô Tuyến lại hỏi:

– Đánh bằng gì?

– Bằng giày tây đá thúc vào mạng mỡ.

– Có đau không? Hay lại đau bụng thường, nói dối nhà thương đấy?

Cậu Nghĩa bực mình, không đáp. Cô Lễ kêu:

– Chao! Chao! Chết mất! Lâu quá!

Cô Tuyến gắt:

– Chờ đấy! Trình quan đã!

* * *

Nhưng cô chưa trình ngay. Cô trang vội để đánh cố một ván. Cô lại thua, mất trang. Ba cô bạn không cho cô đánh nữa, để đi mà làm phận sự.

Cố nhiên bệnh ngoại là việc của quan Liêm. Nhưng quan Liêm chưa về, mà quan Tường thì dở ván cờ. Cô Tuyến nói, thì quan có nghe, nhưng quan đương tính xem có nên đấm Tốt một nước nữa không. Nếu Tốt sang sông, thì cản được chân Mã, nhưng bên kia vào Pháo, đánh thúc lên, bắt Tốt tránh sang cạnh, để hở Xe. Nếu không đấm Tốt, thì dí Pháo lên kia. Nó cho Mã hồi, mình lên Tượng, rồi cho Xe vào đây. Vẫn không ăn chết được Mã của nó. Nếu chiếu Tướng ngay, thì nó ghểnh Sĩ, buộc cẳng Mã mình ở đó, vì cho chạy thì lộ Tướng…

– Mau lên anh! Nặng đấy.

Quan Tường nói:

– Hay là cứ cho Xe vào.

Cô Tuyến ra. Nhưng thầy Lam gọi cô lại, trỏ vào bàn cờ:

– Ấy, không! Xe này kia, chứ không phải xe ấy đâu.

Cô Tuyến dừng chân:

– Khỉ!

Rồi sang bàn bất, cô kéo cô Nho. Một lát, cô lại giục:

– Nặng đấy, anh ạ.

– Ừ.

Quan Tường nhắc đít ra khỏi ghế, nhưng mắt vẫn chăm chăm xuống bàn cờ, và ngón tay ấn chặt vào quân Tốt, quan hỏi:

– Quê hay tỉnh?

– Tỉnh.

Quan đứng hẳn lên:

– Đàn bà hay đàn ông?

Cô Tuyến cười:

– Đàn ông mà bị chồng đánh à?

Quan cũng cười.

– Trẻ hay già?

– Trẻ.

Quan rút tay khỏi quân Tốt:

– Xấu hay đẹp?

– Xoàng thôi.

Quan lại ấn tay giữ quân Tốt:

– Xoàng thôi à?

– Ừ. Xem chừng nặng lắm. Anh khám ngay đi. Họ đợi lâu rồi.

Để đáp lại lời cô Tuyến, quan đặt đít xuống, nói:

– Hay là lên Mã. Lên Mã thì tất bên kia về Pháo.

Cô Tuyến nói:

– Thôi, để chốc nữa.

Quan thản nhiên:

– Chờ xừ Liêm. Ngoại kia mà.

Rồi quan viện lý do:

– Lương tâm nhà nghề. Không chuyên môn không chữa.

Cô Tuyến hỏi:

– Tôi cho vào buồng lưu nhé.

Quan đáp:

– Khoan! Khoan!

Quan nhìn vào bàn cờ, trỏ vào nước này, trỏ vào nước khác, tính toán trong óc, rồi bỗng ngấc đầu hỏi:

– Vừa rồi cô Tuyến bảo gì nhỉ?

– Tôi cho họ vào buồng lưu có được không?

Quan vẫn không rời mắt khỏi quân Tốt:

– Được.

Cô Tuyến đi. Bỗng quan gọi giật lại:

– Cô Tuyến! Tôi bảo gì nhỉ?

– Cho họ vào buồng lưu.

Lúc bấy giờ quan mới đứng dậy, và bắt đầu phạm vi lương tâm nhà nghề. Quan bảo:

– Ừ, cho vào buồng lưu. Sửa soạn đồ tiêm nhé.

Cô Tuyến hỏi:

– Tiêm gì ạ?

– Cả hai thứ, uyn căm-phrê[74], moóc-phin[75]. (*[74] Dầu long não. *[75] Thuốc an thần, làm cho có cảm giác tê, không thấy đau.)

Cô Tuyến nhắc:

– Nên tiêm uyn căm-phrê để theo dõi bệnh thì hơn.

Thầy Lam nói:

– Phải, tiêm moóc-phin thì rồi biết đường nào mà lần.

Quan tìm áo choàng, mặc xong, quan dặn thầy Lam:

– Cứ để nguyên thế nhé. Tôi nhất định không thua đâu.

Cô Tuyến càu nhàu:

– Gớm! Thôi! Biết thế tôi cứ đánh, thì đến được năm ván nữa!

Thầy Lam cười:

– Thôi, xí xóa, đánh ván khác.

– Không. Nước cờ đương hay.

Nói đoạn, quan ra đứng ở hè. Xe cô Lễ cũng vừa vào tới đó. Cậu Nghĩa và, mợ Nghĩa đỡ cô Lễ xuống đất, rồi vực cô đi. Cô nhăn mặt, còng lung, ôm bụng, lò dò từng bước. Trong khi ấy, hai người mặc áo choàng trắng đứng chắp tay sau đít để nhìn. Cô Tuyến nhìn cậu Nghĩa. Quan Tường nhìn mợ Nghĩa. Cô Tuyến nói với quan:

– Mình cũng đương thua. Đồ khỉ nó vào, làm mình mất cả gỡ.

Bỗng cô gắt, tiếng vang lên:

– Đi bên trái! Buồng lưu ở bên phải đâu nào!

Cô Lễ rên rỉ kêu:

– Khát nước lắm!

Cô Tuyến cười khẩy:

– Ở nhà thì không uống. Vào đây mà hạch!

Quan Tường nhìn bệnh nhân, thì động lòng lương tâm nhà nghề. Quan lắc đầu, nói nhỏ với cô Tuyến:

– Nặng thật đấy. Đúng là triệu chứng gan và lá lách. Phải chờ quan Liêm xem có nên cho xuống buồng mổ và báo với đốc tờ thường trực không.

Đoạn quan lững thững vào, đánh tiếp ván cờ.

Cô Lễ đương đi. Bỗng có tiếng the thé ở phía sau:

– Đấy! Đấy! Buồng lưu đấy! Lại định ra chuồng xí à? Rõ dấm dớ!

Cô Tuyến rảo bước đến buồng lưu, mở cửa cho vợ chồng cậu Nghĩa đưa cô Lễ vào.

Cô Lễ nằm co quắp trên giường, thở hổn hển:

– Phải ngồi lâu quá. Đau hơn ban nãy.

Cô nôn khan, rồi nói:

– Khát nước! Tức bụng dưới quá!

Vợ Nghĩa nhìn xung quanh, không thấy nước. Mợ định hỏi cô y tá, nhưng cô này mở cửa xong, thì đi đâu ấy, chứ không vào.

Mợ Nghĩa hỏi:

– Chị có mót đi nữa hay không? Dưới giường có bô.

– Không. Chỉ khát nước.

Bây giờ, có ánh điện. Cậu Nghĩa nhìn cô Lễ rõ hơn. Môi cô xám, mặt cô nhợt. Cô Lễ cũng nhìn hai em, mắt cô ứa những nước.

– Chị chết mất! Mệt lắm rồi! Cô bảo mợ Nghĩa:

– Tháo hột hoa ra cho chị.

Mợ Nghĩa làm theo. Vừa xong, thì cô Tuyến vào, tay cầm quyển sổ, tay cầm lọ mực và quản bút. Cô nói to tướng:

– Tìm mãi mới được lọ có mực.

Rồi hỏi cậu Nghĩa để ghi vào sổ:

– Người đàn bà bị chồng đánh tên là gì?

– Thưa Phạm Thị Lễ.

– Bao nhiêu tuổi?

– Hai mươi sáu.

– Có chồng chưa?

Cậu Nghĩa cau mặt. Cô Tuyến cười:

– À quên nhỉ? Mấy con?

– Chưa có con.

– Có biết ký không?

– Có.

Cô Tuyến đưa bút mực cho cậu Nghĩa:

– Ông viết tên phố với số nhà, rồi đưa bà ấy ký. Tôi đi lấy thuốc.

Một lát, cô y tá trở lại, tay cầm bếp cồn, cái xoong, tay bưng cái khay có ống tiêm, có thuốc tiêm, có kim tiêm, có lọ cồn chín mươi, có ống cặp mạch, có gói bông, có cuộn băng, và có cái kéo.

Cô hỏi cô Lễ:

– Có sốt không?

– Không.

– Nhưng cứ cặp vào. Cặp ở nách ấy.

Cô vẩy cái ống, rồi đưa cô Lễ:

– Cầm khéo, vỡ phải đền đấy.

Cậu Nghĩa đưa tờ giấy. Cô Tuyến nhìn, rồi ngấc mặt lên, cười:

– À, Hàng Đào nhỉ. Hai ông bà là thế nào với ma-lách?

Cậu Nghĩa đáp:

– Tôi là em ruột. Vợ tôi đây.

– Ông bà về đi nhé. Sáng mai bảy giờ, đến xin quan đốc chánh giấy phép, thì ngày nào cũng được vào. Không có giấy ra vào, mỗi tuần chỉ được thăm có hai lượt, chiều thứ năm, với buổi sáng, buổi chiều chủ nhật.

Mợ Nghĩa nói:

– Tôi xin bà cho tôi ở lại với chị tôi.

– Không được. Quan không cho phép người ngoài ngủ đêm ở nhà thương. Người ốm cần gì, đã có thường trực. Tôi thường trực ở đây, phải luôn luôn theo dõi ma-lách, ông bà cứ yên tâm mà về. Bệnh này dễ khỏi. Chốc nữa quan đến, sẽ chữa ngay. Chỉ vài hôm, bà ấy về nhà thôi.

Mợ Nghĩa nói:

– Vâng, trăm sự nhờ bà trông nom cho chị tôi.

Cô Tuyến cau mặt:

– Bà sợ nhà thương không hết lòng với ma-lách à?

Mợ Nghĩa ôn tồn:

– Thưa bà ở phố nào ạ? Mai tôi đến chơi nói chuyện.

Cô Tuyến tươi ngay mặt lại. Cô ghi địa chỉ vào mảnh giấy con, đưa cho cậu Nghĩa. Mợ Nghĩa nói:

– Chị tôi mệt lắm, chắc không nói nhiều được. Vậy tôi xin thưa để bà biết là chị tôi bị chồng đánh bằng giày tây, bằng ba-toong vào ngực, vào hai cạnh sườn, vào chỗ hiểm, và vào khắp mình mẩy. Bị đánh nhiều trận trong bốn ngày liền. Chị tôi đau lắm. Hay nôn khan. Hay đòi đi giải, đi sau, nhưng không đi được. Bây giờ khát nước lắm.

– Được. Tôi cho uống ngay, ông bà cứ yên tâm mà về. Người tử tế bao giờ cũng được đối xử tử tế.

Mợ Nghĩa băn khoăn:

– Tôi muốn nói riêng với bà là cho tôi ở lại với chị tôi.

– Không được đâu. Quan biết thì chết tôi. Vả lại bà ở đây, có hơn gì tôi. Tôi luôn luôn ở cạnh bà ấy, để còn cho thuốc với theo dõi nữa kia mà.

Mợ Nghĩa làm hiệu cho chồng để bảo về. Cậu Nghĩa ghé vào tai cô Lễ.

– Hai em về, chị ạ. Nhà em xin ở lại, nhưng kỷ luật nhà thương nghiêm, không cho phép. Sáng mai, em lại vào thăm chị. Chị có dặn gì nữa không?

Cô Lễ thều thào:

– Nói với thầy đẻ đừng lo. Chị không sao đâu. Vài hôm, chị khỏi, thì chị về.

Rồi cô thêm:

– À, có mù-soa cho chị mượn. Ra nhiều mồ hôi quá.