Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Anh Thừa cười sằng sặc:

– Hãy hỏi giá mày không biết tao, mày có sợ tao không? Tao chỉ lòe cho thằng già khiếp đảm một lần là bận sau đâm hoảng, không dám lên mặt đạo đức, văn tự với tao nữa. Cái nghề anh có học vẫn hay tự ái, tự cao, tự đại, cho nên phải giấu dốt mà lị.

– Thế còn bà cụ?

Anh Thừa tặc lưỡi:

– Khó tính, khó nết, là ông cụ ấy, cứ lì lì như bụt mọc trên trường kỷ, chả ai đoán được là nghĩ gì. Chứ bà cụ thì dễ thôi. Một trăm người đàn bà thì chín mươi chín người ưa phỉnh. Phỉnh một câu chưa chuyển thì phỉnh hai câu. Phỉnh hai câu chưa chuyển thì phỉnh ba câu. Đến câu thứ tư thế nào cũng toét mồm ra cười. Mất nhà cửa, mất cơ nghiệp, mất con gái, có khi mất cả thân mình nữa, cũng vì ưa phỉnh! Nhưng có ai mở mắt ra đâu. Tao ôm con Lễ vào lòng, mà vẫn phải phỉnh nó. “Chúng ta yêu nhau không vượt ra ngoài giới hạn”. Với “Chỉ sợ người kém hiểu biết lại lầm rằng chúng ta không đứng đắn!”.

Anh thêm:

– Mẹ kiếp! Không vượt ra ngoài giới hạn với đứng đắn mà trốn nhà đi theo ông à? Ngay tối hôm tao ngủ với nó, mà tao vẫn phải tìm câu để phỉnh nó, mới tức chứ! Thế mới biết, xưa nay, tao nghĩ về danh dự người đàn bà, vẫn đúng lắm.

– Mày nghĩ thế nào?

– Tao nghĩ rằng danh dự người đàn bà rất dễ mất, vì họ chỉ cất ở sau một lần vải quá mỏng.

Chị Sáu cười:

– Khỉ!

– Thật đấy, đàn bà nhà quê ít mất trộm trinh tiết, vì họ để danh dự của họ sau lần quần vải dày cộp. Còn các tiểu thư, càng mặc lụa là mỏng dính, càng…

Cả ba người cùng cười. Chị Sáu nhăn mặt:

– Thôi, nhảm nhí. Nói chuyện khác.

Ông Tình muôn thuở nhìn chị, nói chọc:

– Động lòng đấy!

Anh Thừa nói:

– Ừ, chuyện khác vậy. Tao vừa có một việc, thử hỏi ý kiến mày xem thế nào nhé. Sáng hôm nay, lúc tao đi vắng, có một người đàn bà mặc nhà quê, dắt một đứa con đến tòa báo, hỏi tao. Thấy tùy phái bảo tao không có nhà, thì người ấy đứng chờ tao ở hè phố. Lúc con Lễ về, thì người ấy theo vào. Hai đứa nói chuyện gì với nhau lâu lắm. Rồi người ấy đi trước, con Lễ đi sau, không biết là đi đâu. Tao lo. Không biết con mẹ này là vợ cả của tao, mẹ thằng Mão, hay là người họ hàng với con Lễ, tới thăm nó. Tao mới đảo sang Hàng Đào để dò. Tao hỏi, thì thấy nói không có ai ở nhà quê mới ra. Sau, tao hỏi lại tùy phái, thì biết đích rằng thằng bé con là thằng Mão nhà tao. Vậy là mẹ thằng Mão đã gặp con Lễ. Thế thì mày thử đoán xem, có phải con mẹ này cho tao ăn cứt không, và nó có nói xấu tao với con Lễ không?

Ông Hoài Tân Tử lắc đầu:

– Nhất định không phải nó cho mày ăn cứt. Việc báo là việc báo. Việc ghen là việc ghen. Mày dại gái thì mày ăn cứt thôi. Còn vợ cả mày có kể xấu mày hay không, thì tao nghĩ thế này. Nó đến để đánh ghen, thì hai đứa tử tế gì với nhau mà một đứa nói chuyện, một đứa nghe chuyện?

Anh Thừa cười lạt:

– Không. Lần ở Phòng thuốc nhà giàu cũng thế. Nó đánh con Ma-ri xong, rồi nó kể xấu tao.

– Đấy là nó kể xấu mày với bệnh nhân, chứ bây giờ nó kể xấu mày với ai?

Anh Thừa nghĩ một lát, rồi nói:

– Cũng có lý. Nhưng ngộ nó kể xấu tao cho con Lễ biết, thì mai tao về, tao nên thế nào nhỉ?

– Mày cứ lờ như không, để dò ý nó thì biết. Nhưng tao chắc vợ cả mày nó không kể xấu mày đâu.

Anh Thừa bĩu môi:

– Mày chắc?

– Thật đấy. Cái lần nó đến Phòng thuốc nhà giàu, tao biết đích xác là không phải nó có ý định làm tiêu sự nghiệp mày đâu.

Anh Thừa im, nhìn ông Hoài Tân Tử.

– Tao nói là tao biết đích xác, vì tao có gặp thằng ấm Ái nó kể cho tao nghe. Ba thằng nó đánh mày, là ấm Ái, Phúc đen, với Tý sẹo.

Chị Sáu rùng mình:

– Khiếp! Tên với tuổi!

Ông Hoài Tân Tử nói:

– Nhưng ba tay này, không phải tụi du côn đánh thuê đâu. Họ là bọn anh hùng hảo hớn, giữa đường gặp nỗi bất bằng mà tha lối hiệp sĩ đấy. Ở Hà Nội này, mấy người không biết tên của họ. Họ giỏi võ tàu. Đứa nào lớ ngớ, bị họ đánh, chỉ có sống mà thành tật. Mày cũng còn phúc to lắm, mới không què đấy.

Anh Thừa mỉm cười. Ông nhà thơ tiếp:

– Nguyên là con vợ mày đến nhà mày mấy lần, nó chỉ định sinh sự với con Ma-ri, nhưng không gặp. Có lần nó gặp mày, thì mày lại gọi đội sếp bắt nó. Nó sợ. Nhưng không chịu nổi uất ức, nó mới than thở với các chị em chúng bạn. Một con bạn của nó có thằng anh họ là ấm Ái. Ấm Ái mới bảo vợ mày đưa nó đến Phòng thuốc nhà giàu để vấn tội mày. Nhưng con vợ mày chỉ giận mày thôi. Nó thù là thù con Tây lai kia. Vì thế nó từ chối ấm Ái. Sau, ấm Ái phải nói tức nó nhiều lần cho nó điên tiết lên, nó mới liều, xin phép nghỉ một buổi, đưa tụi ấm Ái đến. Và giá con Ma-ri đừng trêu gan nó, có lẽ nó không đánh đâu. Ấy, đầu đuôi là thế, nên mới xảy ra câu chuyện hôm ấy.

Anh Thừa ngượng với chị Sáu:

– Thôi chuyện lâu rồi, không nói lại nữa. Nói chuyện bây giờ thôi.

Anh nhìn chị Sáu, hỏi:

– Chị là đàn bà, chị nghĩ hộ xem. Vào địa vị chị, chị có kể xấu chồng chị không?

Chị Sáu ngơ ngác:

– Tôi chả hiểu câu chuyện thế nào cả.

Ông Hoài Tân Tử giảng:

– Thằng này có vợ cả, đã có con, nhưng nó bỏ, nó lấy con Tây lai, chị nghe chưa? Bây giờ nó bỏ con Tây lai, lấy con Lễ. Ngày trước, vợ cả nó đến đánh ghen con Tây lai, rồi nhân có đông bệnh nhân, con mẹ mới nói xấu nó để bệnh nhân tẩy chay nó. Bây giờ vợ cả nó lại đến gặp con Lễ.

Chị Sáu tặc lưỡi:

– Khó nhớ nhỉ! Vợ cả, Tây lai, rồi lại Lễ! Thế người nào là cái chị ở Ngũ Xã?

– Người ấy lại khác.

Anh Thừa gật đầu:

– Phải, không phải là vợ, chỉ là nhân tình thôi.

Chị Sáu hỏi:

– Sao lại có con?

– Nhân tình mà không có con à?

Ông Hoài Tân Tử giảng:

– Đó là việc riêng của hai đứa với nhau. Kệ chúng nó. Cái người ở Ngũ Xã là người cùng với mấy thằng nhà đoan đánh thằng Thừa ở Hàng Đậu, phải khênh vào nhà thương kia. Không dính dáng đến câu nó hỏi.

Anh Thừa sực nhớ ra, vỗ đùi:

– Chuyện ấy chết cười! Báo đăng việc ẩu đả, lại in tắt tên phố là H.Đ. Lễ ta đọc, yên trí ngay là Hàng Đào, cảm tao lắm, khóc sướt mướt suốt đêm. Thế là đương ở với cậu mợ trong nhà quê, cô ả sồn sồn đòi về Hà Nội.

Chị Sáu nói:

– Tôi thấy chữ H.Đ lại đoán là Hàng Điếu.

– Ô, thiếu đếch gì phố là H.Đ? Hàng Đào, Hàng Đậu, Hàng Điếu, Hàng Đường, Hàng Đồng, Hàng Đẫy, Hàng Đàn, Hàng Đũa.

– Thế anh vớ vẩn làm gì ở Hàng Đậu, để nó đánh cho?

Ông Hoài Tân Tử trỏ vào mặt anh Thừa:

– Cái thằng này thì chỉ đi chim gái chứ đi đâu? Chả nó mê một con động cỡn văn chương, hay gửi thư đến báo Chấn Hưng mà.

Anh Thừa xua tay:

– Thôi, miễn đi lạc đầu đề. Tôi hỏi chị Sáu nhé. Chắc chị nói đúng hơn chúng tôi.

– Được, anh cứ hỏi.

– Nếu chị ở địa vị người đàn bà đi đánh ghen, thì đánh ghen xong, chị có kể xấu anh ta không?

Ông Tình muôn thuở cười:

– Mày hỏi câu khó thế, thì chị Sáu trả lời thế nào được? Vì chị ấy có ghen bao giờ đâu?

Anh Thừa muốn khen chị Sáu:

– Lấy được vợ không ghen, sướng quá nhỉ! Tại sao chị không ghen?

Ông văn sĩ đáp, giọng ranh mãnh:

– Có anh Sáu ghen chị ấy, chứ anh ấy làm gì mà chị ấy ghen!

Nói xong, ông cười. Chị Sáu lườm, dí cái diện tẩu nóng vào mặt ông:

– Này! Nhảm nhí!

Rồi chị bảo:

– Nói chuyện làm báo làm bổ có vui không nào? Đàn ông các anh động ngồi với nhau là chỉ đem chuyện gái ra tán.

Ông Hoài Tân Tử đáp:

– Thằng này chỉ thạo có mỗi môn ấy. Còn chuyện khác, nhất là chuyện báo, thì nó biết gì mà nói!

Anh Thừa cười lạt:

– Tiên sư mày! Ông vừa ăn cứt hộ mày đấy, mày có biết không?

Rồi trâm ngâm một lát, anh gật đầu:

– Được rồi, đối với con Lễ, tao đã có cách.

* * *

Cô Lễ về đến tòa báo thì, như ta đã biết, anh Thừa vẫn còn đi vắng, về việc này, ta hiểu ngay rằng, vì quần áo anh chưa khô. Nhưng cô Lễ thì hiểu sao được thế, và có bao giờ cô hiểu được sự thật nó giản dị là thế. Cô nghi anh đi chơi bời. Con người bạc tình chừa sao được thói trai gái!

Bỗng có tiếng ồn ào ở nhà ngoài, chỗ tòa soạn. Cô nhìn ra, thì giật nảy mình.

Chừng hai chục cậu học trò xông đến tòa báo. Một cậu nắm cổ người tùy phái, hỏi:

– Thằng Trần Đức Thừa đâu? Thằng Nguyễn Thúc Lăng đâu? Đứa nào là Búa Tạ?

Người tùy phái run như cầy sấy:

– Thưa các anh, em là loong-toong, viết băng báo, còn các ông ấy đâu, em không biết.

Cô Lễ cũng run như cầy sấy.

Nghi là người tùy phái nói dối, học sinh xộc vào các buồng. Quả nhiên là như họ vào chùa Bà Đanh. Tiếng kính tủ vỡ, kêu loảng xoảng. Tiếng báo xé, kêu xoàn xoạt. Rồi họ lên gác. Họ vào nhà trong.

Họ gặp cô Lễ. Họ cũng hỏi những câu như đã hỏi người tùy phái, và cô cũng trả lời là không biết. Trong khi ấy, ở gác ngoài, người thì quật ghế xuống bàn cho gãy chân, người thì leo ra mái hiên, tháo cái dây thép buộc biển tên báo, rồi quẳng xuống đường.

Ở hè phố, người xem đứng lố nhố. Có tiếng diễn thuyết:

– Các ngài có tán thành chúng tôi phá nhà báo Chấn Hưng không? Từ ngày tờ báo này xuất bản, nó làm hại cơ man nào là người. Con trai thì bỏ học hành, lừa thầy, phản bạn, nói dối cha mẹ, đút sách vào bụng để đi nằm tiệm, nằm săm. Con gái thì nứt mắt ra đã biết chim trai. Người lớn có khuyên bảo, thì viện nữ quyền, tự do, để cãi lại. Rồi bỏ nhà theo nhân tình, không theo được, thì tự tử. Rồi nhân tình nó bỏ, cũng tự tử. Biết bao nhiêu tấn thảm kịch xảy ra trong gia đình vì tội của báo Chấn Hưng? Chấn Hưng gì chúng nó? Chúng nó là lũ giặc trong làng báo. Chúng nó làm loạn xã hội. Chúng tôi nhiều lần đã lấy lời lẽ ôn tồn viết thư khuyên bảo chúng nó, nhưng chúng nó không nghe. Cho nên chúng tôi phải phá tòa báo!

Dưới đường, tiếng hét to:

– Đánh bỏ mẹ chúng nó đi!

– Phúc bảy mươi đời nhà chúng nó, không thằng nào ở tòa soạn cả. Không biết chúng nó ở cái tổ quỷ nào.

– Tổ quỷ của chúng nó trên Yên Phụ ấy!

Người dưới đường đùng đùng vào tòa báo. Người tháo cánh cửa vứt ra sân, người dùng dao băm nát mặt bàn, người cậy đá ở đường ném vỡ bóng đèn điện.

Cô Lễ mặt cắt không được hột máu.

Đập phá chán tay, mọi người kéo nhau về.

Đợi cho yên yên, cô Lễ vội vàng thu xếp quần áo và đồ đạc. Cô lo cho anh Thừa không khéo thì bị đánh ở đường rồi. Cô phải tản cư ngay để tránh nạn. Cô chắc thể nào học sinh cũng đến tòa báo lần nữa, vì lần này họ chưa gặp ai.

Cô xách va li xuống nhà. Cô định dặn người tùy phái đi tìm chồng và các ông trong tòa soạn, để báo cho biết tin dữ dội, cùng nhắn cho anh biết là cô về Hàng Đào. Nhưng người tùy phái đã chuồn mất từ bao giờ.

* * *