Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Muốn rửa cái nhục gia đình, Thừa đi Hà Nội, bàn với trạng sư Rô-măng.

Thừa hỏi Rô-măng làm thế nào để vừa bỏ tù được xừ Tuynh, vừa bắt được báo Chuyện Đời đền danh giá. Rô-măng cho là về phía hắn, hắn không thấy khó khăn, miễn là Thừa cung cấp cho hắn đủ tài liệu bằng khoa học. Tức là hai giấy chứng nhận của bác sĩ. Một giấy cam đoan là Rô-da-lin còn tân, để kiện báo Chuyện Đời vu cáo, bắt cơ quan ngôn luận dại dột ấy phải bồi thường ít ra là một trăm đồng, vì đã làm mất danh dự một thiên kim tiểu thư vị thành đinh. Một giấy ghi thật là Rô-da-lin bị hiếp dâm, nhưng muốn cho xừ Tuynh nặng tội, thì cần nói thêm là con bé mắc bệnh tình, phải điều trị ít ra là ba tháng, để đưa thằng khốn nạn vào nằm trong nhà đá.

– Như vậy – Rô-măng nói – ông phải nhờ hai bác sĩ, mỗi bác sĩ cho ông một giấy.

Rô-măng giảng lý:

– Đành rằng đã là bác sĩ, thì có quyền nói dối. Nhưng vì bác sĩ là người Pháp, ít ra họ cũng cần phải giữ kẽ người trên đối với ông là An Nam. Vả lại, nói là cô em mắc bệnh tình, dễ hơn là chứng nhận rằng cô em còn trinh. Cho nên, về việc này, ông không nên hà tiện tiền đối với một người có bằng tốt nghiệp vì thuộc lòng các cơ thể người ốm, lại lắm kinh nghiệm trong nghề. Nói với người sinh sống bằng khoa học để họ phản lại khoa học, thì phải khéo léo lắm mới được.

Nhưng vì Thừa có bác sĩ Pi-ca là thầy thuốc của gia đình, như trạng sư Rô-măng, nên một mình quan tiến sĩ Pháp vui lòng cho Rô-da-lin cả hai thứ chứng nhận. Một giấy viết rằng thiếu nữ còn nguyên màng trinh, đề ngày tháng đúng hôm báo Chuyện Đời xuất bản. Một giấy viết rằng thiếu nữ bị hãm hiếp một cách thô bạo đến nỗi mang trọng bệnh, đề ngày tháng sau một tuần lễ.

Cố nhiên bác sĩ không lấy tiền về hai giấy chứng nhận, nhưng lại phàn nàn rằng thiếu hóa đơn của hiệu bào chế bán thuốc chữa bệnh cho Rô-da-lin, thì sợ tòa cho là bệnh bịa. Cho nên Thừa phải đưa ba trăm bạc, để bác sĩ giao cho ít hóa đơn bịa.

Thừa đem hai giấy chứng nhận của Pi-ca đến Rô-măng. Trạng sư xui Thừa phát đơn kiện xừ Tuynh ở Vĩnh Yên. Hắn nói:

– Việc xảy ra ở Vĩnh Yên, thì nhờ tòa Vĩnh Yên xét là đúng luật. Tòa Vĩnh Yên mà xử, thì ông muốn bỏ tù nó mấy năm cũng được. Bởi vì tòa ấy là tòa Nam án, quyền xử thuộc về quan công sứ, mà phạm nhân thì không được thuê thầy cãi.

Còn việc kiện báo Chuyện Đời, ý kiến Rô-măng như sau:

– Bởi vì đây là giấy chứng nhận giả, cho nên ta phải nắm đàng chuôi. Tôi khuyên ông hãy viết thư cho tòa báo, bắt nó cải chính đã. Nó mà nghe ông, thì là tốt nhất, nhưng tôi chắc chắn là nó không cải chính đâu. Tôi chỉ cốt tóm được thư trả lời của nó, thế nào cũng có một vài câu, một vài chữ viết hớ. Tôi tóm lấy câu, lấy chữ ấy để xoay, thì mấy thầy cãi cũng không gỡ nổi cho nó. Chơi bọn cầm bút phải có mánh khóe mới được.

Thừa nghe lời khuyên của trạng sư. Hắn viết cho báo Chuyện Đời một bức thư:

Cau Rong, le 7 Juillet 1931 Monsieur le Rédacteur en Chef du Journal hebdomadaire Chuyện Đời Hanoi[91]

Tôi với ông vốn không quen biết nhau, nên không thù hằn gì nhau. Vậy mà trong báo Chuyện Đời số 16, xuất bản ngày 19 tháng 6 trước, tôi thấy một bài tiểu thuyết đề là Nhọ.

Ông có ý ám chỉ đến tôi. Vậy tôi yêu cầu ông cải chính ngay vào trong số báo tới. Nếu không, vì danh dự con gái tôi, tôi bắt buộc phải đưa ông đến pháp luật.

Việc này tôi đã quyết định. Xin ông chớ trách tôi là làm quá đối với người làm nghề cũ của tôi.

Albert Thừa Concessionnaire à Cẩu Rồng Vĩnh Yên

(*[91] Cẩu Rồng, ngày 7 tháng 7-1931. Ông chủ bút tuần báo Chuyện Đời Hà Nội)

Năm hôm sau, Thừa tiếp bức thư trả lời:

Hanoi, le 12 Juillet 1931 Monsieur Albert Thừa Concessionnaire à Cẩu Rồng[92]

Vĩnh Yên

Xin phúc đáp bức thư ông dọa kiện tôi.

Trước hết, tôi xin nói ngay rằng ông đã nghĩ rất đúng. Tôi với ông không quen biết nhau, thì không thù hằn gì nhau. Cho nên cố nhiên là bài Nhọ không có ý nói ông. Song, nếu ông cứ cho là tôi ám chỉ ông mà muốn tội cải chính, thì tôi cũng xin vâng.

Chứ mà ông đưa tôi đến pháp luật, thì tôi sợ quá, sợ quá!

Vậy muốn khỏi cải chính lầm, tôi cần biết bốn điều về gia đình ông như sau:

– Tên bà hàn nhà là gì? Bà có ngủ với người quản lý hay không?

– Quý tiểu thư tên là gì? Bao nhiêu tuổi? Có đẹp không? Cô có ngủ với người quản lý hay không?

– Quý phu nhân và lệnh ái có ghen nhau và đánh nhau không?

– Còn ông, thưa ông An-be, ông có điên hay không?

Nếu thật quý phu nhân cùng quý tiểu thư đều đã ngủ với người quản lý, rồi ghen nhau, hai người đánh nhau tán loạn, đến nỗi ông đâm ra loạn óc, thì quả là bài báo Nhọ ám chỉ ông. Song, nếu gia đình ông không có những việc đúng như thế, thì xin ông nhường cho người chồng, người bố khác kiện tôi. Bởi vì chính người ấy mới bị tôi ám chỉ. Còn như nếu ông cứ muốn tôi cải chính, thì tôi cũng xin vâng. Nhưng thú thật là tôi bất lực. Vậy nhờ ông chỉ giáo cho tôi nên viết như thế nào để độc giả tin rằng những việc dâm dật khốn nạn trong bài Nhọ quả là xảy ra ở gia đình ông thật.

Tôi mong thư ông trả lời để cải chính ngay, làm cho ông vừa lòng.

Nay kính thư

Xì Đạt

(*[92] Hà Nội, ngày 12 tháng 7, 1931 – Ông An-be Thừa chủ đồn điền ở Cẩu Rồng)

Đọc xong thư, Thừa tức nổ ruột:

– Tiên sư những thằng viết văn!

Hắn bảo Ma-ri:

– Chúng nó đểu không chê được!

Vợ chồng lại bàn với nhau. Rồi Thừa đi Hà Nội để vấn kế quân sư.

Rô-măng nghĩ một lát, rồi lắc đầu:

– Khó làm ăn quá! Trêu vào tụi chúng nó, lắm lúc chúng nó làm mình phát điên lên, mà cứ phải chịu. Không ngờ những quân bất trị xoay lại mình, bắt mình làm thằng hề khôi hài cho chúng nó cười!

Rô-măng khuyên Thừa đừng giở giói với báo Chuyện Đời nữa. Chỉ nên quật xừ Tuynh một chùy cho chết mất ngáp thôi.

Nhưng đơn kiện xừ Tuynh đưa đến tòa án Vĩnh Yên, trát nã bên bị, phát đi đến nửa tháng rồi, mà không sao tìm ra xừ ở đâu.

Đến hôm con Rô-da-lin nghe đích xác là cha mẹ kiện chú đội, thì nó khóc lóc thảm thiết. Nó nói rằng nó không nỡ hại chú. Ra tòa, nó sẽ khai đúng sự thật, là chú không cưỡng ép nó, và nó không mắc bệnh tình bao giờ.

Thừa lại đâm bổ đi Hà Nội.

Rô-măng thất vọng về con bé không ăn lời người trên.

Pi-ca lo lắng là người trên mà nói lại không ăn với lời con bé.

Hai quan Đại Pháp đều khuyên Thừa nên khôn ngoan mà rút đơn ra. Để tránh tiếng thua kiện. Và để khỏi bị xừ Tuynh quật lại về tội vu khống.

Thừa càng cáu. Mất ăn mất ngủ đến một tuần lễ.

* * *

May thay cho ông bà hàn An-be, có một người tự nhiên đến giơ lưng để chịu đòn cho ông bà trút được cơn thịnh nộ.

Trong những ngày dư luận đương ồn về con Rô-da-lin, thì một hôm, hai Điều xun xoe lên nhà trên, báo cho quan ông quan bà một việc gỡ nổi danh dự gia đình.

Lão già khoanh tay trước ngực, rồi ngồi xổm xuống đất, nói tiếng nhỏ tiếng to:

– Trình ông lớn bà lớn, chúng con có một tin mừng cho cô Dô-ta-linh. Ông lớn bà lớn cho phép con bẩm.

Thừa gật đầu.

– Trình ông lớn bà lớn, ông phó tổng Hạ ấy ạ.

Ma-ri sực nhớ ra:

– À, ông ta còn nợ nhà này hai trăm bạc từ ngày ông ta đánh xóc đĩa ở đây. Món ấy quá hạn đã lâu lắm rồi, mà tôi quên khuấy đi mất. Sao ông không đòi hộ tôi?

Thừa nói:

– Phó tổng Hạ cũng có chân trong hội Khai Trí Tiến Đức đấy. Chính là nhờ món nợ này, tôi mới ép nổi hắn ta làm đơn xin vào hội. Chứ những như cụ tuần, chỉ giảng phải trái, thì đời nào Khai Trí Tiến Đức có thêm được hội viên? Thì ra hắn ta sợ mình hơn sợ cụ tuần.

Ma-ri bĩu môi:

– Phỉ thui cái hội Khai Tổ Tôm Điếm nhà ông!

Hai Điều tủm tỉm:

– Thưa ông ta có nợ nhà ta thật. Nhưng khoan hãy đòi ạ. Bây giờ công việc nó đi như thế này. Trình ông lớn bà lớn, ông phó Hạ đấy ạ, ông ta có một cậu con giai thiệt ngoan ngoãn, thiệt chăm chỉ, thiệt đứng đắn, học lớp nhất ở trường huyện, vừa đậu bằng xép-ca[93]. Ông ta nhờ con đánh tiếng, xin ông lớn bà lớn cho cậu con giai được hầu hạ cô Dô-ta-linh nhà ta ạ. (*[93] Xéc-ti-phi-ca. Tiểu học Pháp-Việt.)

Thừa cau mặt:

– Hầu hạ là thế nào?

– Thưa là rước cô Dô-ta-linh về làm vợ cả ạ.

Bất đồ Ma-ri sồn sồn lên:

– À, cái thằng phó Hạ nó láo! Nó hỗn! Đũa mốc dám chòi mâm son à?

Nhưng Thừa can:

– Hãy bình tĩnh để nghe ông ấy nói đầu đuôi xem sao đã nào.

Hai Điều như được lại hồn:

– Trình ông lớn bà lớn, cậu ta mười bốn tuổi, thiệt thông minh, thiệt nết na. Ông phó tổng đã cưới cho cậu ta hai vợ, nhưng toàn đánh xuống làm lẽ thôi, bởi vì chưa ai xứng đáng làm cả.

Thừa lại cau mặt. Hai Điều giảng:

– Trình ông lớn bà lớn, nguyên do là tục nhà quê, gia đình danh giá nào cũng lấy vợ cho con như thế ạ. Khi người ta chưa tìm được chỗ môn đăng hộ đối, thì người ta lấy vợ cho con, là chỉ để lấy người làm, cho là hàng thứ, như là vợ lẽ cô hầu thôi. Một con bé ông ta cưới cho cậu ấy đã bốn năm nay, cái năm cậu ấy mới học lớp tư. Cậu ấy còn trẻ con, thích chơi nghịch, nên cần có bạn đánh đinh, đánh đáo cho đỡ buồn. Nhưng nhà người ta là nhà làm ăn, công việc bề bộn cả năm, nên năm ngoái, ông phó tổng lại phải cưới cho cậu ta một người vợ nữa, là con nhà Liêm. Con bé mười tám tuổi, chân tay khỏe mạnh, việc thổ mộc thạo lắm. Vì hai vợ cậu ấy là con nhà thường dân, cho nên ông bà phó chưa nhận đứa nào là nàng dâu cả. Ý là còn chờ một người con nhà danh giá kia. Bây giờ ông ta nhờ con xin ông lớn bà lớn cô Dô-ta-linh cho cậu con giai ấy đấy ạ.