Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Từ ngày thấy anh Xi vỡ hoang, lại làm nhà ngoài đất của đồn điền, Ma-ri căm lắm. Hắn tưởng buộc nổi chân anh trong phạm vi thế lực của hắn, để hắn đày đọa cho anh khổ nhục. Nhưng bây giờ anh rộng cẳng rồi. Anh lại không nợ nần, không nhờ vả gì ông hàn và bà hàn nữa.

Ma-ri lại lo rằng hắn không có quyền, thì anh Xi sẽ khỏi vòng cong đuôi, bướng bỉnh với hắn. Và có thể anh xui người khác bướng bỉnh.

Hắn mở địa đồ đồn điền để xem. Đúng là anh Xi không đụng đến đất của hắn thật. Vậy làm thế nào cho anh lại là người dưới, để anh phải sợ hắn. Lại cho anh ruộng để cấy như cũ chăng? Chẳng bao giờ anh nhận nữa. Anh đã có đất mới, và làm xong nhà rồi. Vả làm thế thì chả hóa ra ông bà hàn cần anh lắm à? Anh sẽ lên câu. Cho anh vay tiền để bắt anh nợ chăng? Nhưng ngộ anh không muốn liên lụy, vì anh đã dứt khoát thì sao? Tính anh này chẳng khái là gì? Ma-ri rất bực tức.

Hắn đem việc bực tức này lên tỉnh, than thở với lão Tây chánh sở Địa chính. Để an ủi người đẹp, mà lại hay cả giận, lỡ ốm mất thì uổng công nhào nặn của Tạo hóa, tên này gật đầu, mỉm cười, lấy cái bút chì đỏ, đặt trên tờ địa đồ, vạch thật nhanh một khoanh rộng ra ngoài địa phận đồn điền Cẩu Rồng.

Ma-ri không hiểu nó làm gì. Hắn hỏi, thì nó giảng:

– Thế là tôi thay mặt nhà nước, nhận đồn điền của bà là rộng đến đấy.

Ma-ri mừng, rú lên, khen:

– Nhạy quá nhỉ!

Ma-ri cảm ơn tên Địa chính.

Nhưng anh Xi thấy mảnh đất mà hai vợ chồng anh đã hao tổn bao nhiêu công lao trong bao nhiêu ngày tháng, chỉ nháy mắt, vì một nhát bút chì, mà biến thành ra của Ma-ri, thì anh không chịu.

Anh đưa đơn kiện đến tòa sứ là Ma-ri cướp ruộng. Công sứ Mát-xi-li mà Thừa vẫn khen là biết thương dân, đã xét đơn của anh. Nó gọi anh đến bàn giấy và hỏi anh. Anh kể tỉ mỉ tại sao anh trả ruộng và anh vỡ hoang thế nào. Anh trỏ cho nó thấy một nửa mặt anh còn sưng vù lên, chưa khỏi, vì trèo lên cây để chặt cành, anh bị cả một đàn ong xúm lại đốt. Anh cũng giơ cho nó xem, hai ngón chân bị cuốc bập vào suýt đứt, cái đêm không trăng, anh đi làm rễ cây, trông không rõ, đã giáng chệch lưỡi sắt thật mạnh vào chân anh.

Tên công sứ cáu với Ma-ri lắm. Nó hứa với anh Xi:

– Cứ về mà tiếp tục làm ăn, cụ lớn sẽ xét.

Cụ lớn Chính phủ bảo hộ có xét thật. Nhưng cụ lớn xét bằng cách tư ra sở Địa chính, nhờ sở này điều tra xem chỗ đất mà người nông dân nghèo vỡ hoang này là đất công hay đất đồn điền của Ma-ri.

Cố nhiên là suýt nữa anh Xi mang thêm tội chiếm đất của đồn điền Cẩu Rồng, còn dám vu tiếng xấu cho bà chủ đồn điền ấy.

Biết là anh Xi ức lắm, Thừa lấy tình cũ, đến an ủi anh. Hắn nói rằng nhất định không bắt anh chia thóc, mà còn nộp thuế nhà nước hộ anh trong ba năm. Anh Xi hỏi:

– Thế còn ngoài ba năm thì sao?

Thừa tặc lưỡi, lấy giọng xuê xoa, đáp:

– Ba năm, rồi còn khối cái thay đổi, cần gì phải nói trước? Biết ngày ấy chú có còn ở đấy, hay có vốn thì lại về quê nhà?

Anh Xi không rõ luật lệ hiện hành, là đất mới vỡ thì được miễn thuế trong ba năm. Thấy Thừa ăn nói nhã nhặn và có bụng tử tế, anh được hả dạ.

Anh Xi bị bắt với bốn mươi hai người buôn thuốc phiện lậu đêm trước, thì tinh sương hôm sau, chị Xi đến gặp Thừa:

– Thưa quan, nhà em làm sao lại gặp hạn thế ạ?

Thừa vờ ngạc nhiên, trợn tròn đôi mắt:

– Tôi cũng không biết. May cho tôi, lúc ấy tôi không có đây, không thì cũng phải bắt nốt.

Chị Xi ngồi phệt xuống đất, khóc:

– Nhờ quan có quen thuộc ai trên tỉnh, quan nói hộ nhà em, kẻo nhà neo người, em thì sắp nằm bếp. Oan nhà em lắm, quan ạ.

Thừa an ủi:

– Được rồi, thím cứ yên tâm, chú ấy không làm gì, thì thím đừng lo mà yếu người.

Chị Xi sụt sịt ra cổng, Ma-ri nhìn theo, rồi lườm chồng.

Về việc này, các báo hàng ngày đều đăng ở trang nhất, là Một vụ bắt bớ quan trọng. Những người phóng viên viết tin đều nghĩ đến bài dài hay ngắn, để làm nhiều hay ít văn chương hơn là cần đúng sự thật. Họ làm như chính lúc ấy họ cũng ở đấy, nên tả cả từ cảnh yên lặng của ban đêm, đến tiếng kêu, tiếng thét, tiếng khóc, tiếng chân người chạy, người đuổi. Rồi cuối bài, họ chế giễu nét mặt gân guốc nhưng tiu nghỉu của những người bị xích tay, và ca ngợi nét mặt rắn rỏi và cương quyết của những nhà chức trách. Tức là thằng lính sen đầm hạng nhì nghiện rượu, và mười người gọi là cút-lít gầy gò.

Và trước khi chấm dứt bài tường thuật tỉ mỉ vụ bắt bớ quan trọng, nhà phóng viên không quên hẹn hò độc giả đón tin thêm ở số báo hôm sau.

Từ hôm có bài báo đăng, thân nhân những người bị bắt về hội kín đến Cẩu Rồng tấp nập, để hỏi thăm tin. Nhưng Thừa lánh mặt, nói dối là đi vắng.

Vì họ là những người ở Hà Nội, ở Hải Phòng, và ở các tỉnh khác, vì họ là những tay buôn bán thạo, quen biết rộng, cho nên người nào cũng tìm được bạn, hoặc lần một dây bạn, để tới những nơi đáng tới.

Những nơi đáng tới là quan chánh án, quan dự thẩm, quan tham lục sự ở tòa án, quan tham đầu tòa ở tòa sứ, hoặc cụ sếp nhất, sếp nhì chưa đầy ba mươi tuổi, làm nghề coi đề lao. Ấy là chưa kể bọn thông phán, thừa phái dinh tuần phủ, bọn thư ký, ký lục, hoặc loong-toong tòa sứ, tòa án, sở cẩm, cũng phải tiếp những khách của họ đến, nhờ đưa tới những nơi có thế lực cao hơn, như quan chánh án, quan dự thẩm, quan tham lục sự, và quan tham đầu tòa.

Mấy quan này được người đến nhờ việc, cũng không từ chối mà không đơm đó ngọn tre. Các quan đòi những món tiền, hoặc nhận những món tiền, rồi cũng nghe ngóng để cho một vài tin tức, làm người mất tiền nuôi được chút hy vọng.

Sự thực, vì vụ này là vụ án chính trị lớn, theo báo cáo của thằng cảnh sát trưởng Gôn tự khoe công, nên công sứ Vĩnh Yên giao việc dự thẩm cho phó sứ. Nếu có đăng đường, thì chánh án Việt Nam cũng chỉ ngồi làm bù nhìn. Tha ai hay xử ai bao nhiêu năm, cụ lớn chánh án chỉ dùng cái mồm nói hộ cái quyết định của tên chủ tỉnh người Pháp.

Nhưng vụ hội kín này không phải đăng đường. Những người bị giam nếm cơm trộn vôi và cá mắm thối nửa tháng ở đề lao, thì đều được tha cả.

Công sứ Mát-xi-li giận Thừa lắm. Nó gọi tên lừa pháp luật lên tòa, đập bàn và trừng mắt:

– Ông muốn gì nữa? Ông giàu cũng giàu rồi, danh giá cũng danh giá rồi, tại sao ông dám vu những người đến mua thuốc phiện lậu và đánh bạc ở nhà ông là Việt Nam Quốc dân đảng? Để ông ra làm quan nữa à? Cứ những thủ đoạn gian trá của ông, liệu ông làm quan rồi có như thằng tri huyện Lung không? Ông thật là vô nhân đạo, là khốn nạn!

Thừa đứng cắm mặt.

– Tội vu khống, tội lừa nhà nước của ông đáng bị bỏ tù. Nhưng tôi thương ông có một vợ với năm đứa con nhỏ.

Một lát, tên công sứ hỏi:

– Ông đã biển lận được của chúng nó bao nhiêu tiền?

Thừa không dám giấu:

– Trình cụ lớn, kém hai trăm đầy vạn hai.

Mát-xi-li cười khẩy:

– Không lẽ tôi bắt ông trả chúng nó bằng thuốc phiện lậu. Song, vì tiền ấy không phải là của ông, nên ông không có phép giữ riêng cho ông.

Thừa cúi đầu:

– Dạ.

– Nếu ông muốn tìm cách tiến thân, được phẩm hàm, mề đay, kim khánh, thì ông thiếu gì cách, mà phải vu oan giá họa cho đồng bào ông. Ở xã hội này, thiếu gì cuộc từ thiện mà người hảo tâm đáng được trọng thưởng? Vậy ông phải bỏ một vạn vào việc nghĩa, còn chỗ lẻ, tôi cho ông.

– Dạ, lạy cụ lớn, chúng con xin vâng.

– Ông có biết nước Pháp có thành phố tên là Sa-vi-nhông không?

Thừa ngớ ngẩn. Tên thực dân giảng:

– Là một thành phố bị tàn phá trong chiến tranh vừa rồi. Thành phố Sa-vi-nhông được thành phố Hải Phòng nhận làm con nuôi, xây dựng lại hộ. Hải Phòng đã bỏ ra rất lắm tiền. Những người có công giúp Sa-vi-nhông đều được thưởng xứng đáng. Tôi là người quê quán ở Sa-vi-nhông. Ông là người tỉnh Hải Dương, gần Hải Phòng. Vậy ông phải lấy danh nghĩa là người gần thành phố mẹ nuôi của Sa-vi-nhông, giúp cho Sa-vi-nhông món tiền mà ông đã ăn cắp. Nghe chưa?

Thừa như bị ăn cắp lại. Hắn điếng người.

– Dạ. Chúng con xin vui lòng.

– Được, hôm ông lên nộp tiền, tôi cho ông một đạo tưởng lục.

Thoát nạn, Thừa sung sướng quá.

* * *

Vì là vụ Việt Nam Quốc dân đảng, nên anh Xi và bọn buôn lậu bị giam ở gian chính trị phạm. Gian này nhốt chung cả người chưa thành án lẫn người thành án rồi. Trong số những người thành án rồi, anh Xi nhận ra một người hao hao giống một người anh đã gặp ở đâu mà không nghĩ ra. Chỉ có gầy, đen, và già hơn thôi. Mỗi lần đi lấy cơm, gặp người ấy, anh lại nhìn và cố nhớ ra xem là ai. Anh thấy người ấy cũng nhìn anh luôn.

Một lần, hai người đứng gần nhau, người ấy hỏi anh:

– Anh bị bắt về tội gì?

– Tôi không biết. Tôi bị lây với những người buôn thuốc phiện lậu có cờ hiệu màu đỏ vàng.

Người ấy nghĩ ngợi:

– Sao buôn thuốc phiện lậu lại có cờ đỏ vàng?

– Tôi không biết. Tôi cũng chẳng hiểu cờ đỏ vàng là cờ gì?

– Lá cờ Việt Nam Quốc dân đảng.

– Việt Nam Quốc dân đảng Nguyễn Thái Học nổi loạn ở Yên Bái, Lâm Thao, Phụ Dực ấy à?

– Phải, thế anh là Việt Nam Quốc dân đảng à?

– Không.

Lần sau, anh Xi hỏi lại người ấy:

– Anh bị bắt về tội gì?

– Tôi treo cờ đỏ và rải truyền đơn.

– Cờ đỏ à?

– Cờ đỏ có hình búa liềm, là cờ cộng sản. Anh có nghe thấy hai tiếng cộng sản không?

Anh Xi nhìn người ấy, vẻ sợ hãi:

– Có. Cộng sản hay treo cờ và rải truyền đơn.

– Anh có hiểu búa liềm là thế nào không?

– Thấy các ông ấy bảo là những thứ để giết người, búa đập vào đầu, liềm móc vào cổ.

Người ấy cười:

– Không phải. Búa là đồ dùng của thợ thuyền. Liềm là đồ dùng của dân cày. Đảng cộng sản bênh quyền lợi cho thợ thuyền và dân cày.

Anh Xi ngớ ngẩn:

– Bênh sao nổi? Các ông ấy giàu lắm, nên mạnh cánh lắm. Các ông ấy quen cả quan ta lẫn quan Tây. Có tiền, các ông ấy vào đâu cũng lọt, bảo ai cái gì cũng nghe.

– Anh cũng buôn lậu à?

– Không. Tôi làm ruộng.

– Thế thì chắc anh bị nhiều cái uất ức lắm.

Anh Xi gật đầu:

– Nhiều lắm. Nhưng đành chịu thôi, vì nghèo khổ lắm. Chả kêu ai bênh được.

– Đã có Đảng cộng sản bênh các anh.