Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Anh Thừa nực cười cho cái óc phán đoán của mấy ông cầm bút vẫn tự cao tự đại là sáng suốt và thạo đời. Thì ra không còn cái giống gì lờ mờ và ngốc nghếch hơn cái giống văn sĩ. Anh tin rằng người kính anh, phục anh, như ông bạn quý hóa này, không phải đã hết. Đất Hà Nội còn dễ kiếm ăn.

Ông Hoài Tân Tử hỏi:

– Bác không dạy học, cũng không làm báo à?

Anh Thừa vốn tính khoác lác, nên không phải nghĩ lâu câu chững chạc để trả lời người dễ bịp. Anh mỉm cười, lắc đầu:

– Phạm Quỳnh có mời tôi làm chủ bút phần Hán văn ở báo Nam Phong thay Nguyễn Bá Trác, nhưng tôi không nhận.

Ông Hoài Tân Tử nắm chặt cánh tay anh, rung thật mạnh:

– Bác không làm báo Nam Phong là chí phải. Tiết tháo như bọn mình, đói thì đói, chứ bao giờ thèm làm báo ăn trợ cấp của chính phủ! Tôi cũng nghe ông Trác sắp lai kinh làm quan.

Vừa nói câu dài ấy, văn nhân vừa hắt hơi hai lần, mỗi lần bốn cái liền, ông lấy mù-soa lau nước mắt và nước mũi, rồi tiếp:

– Tôi thôi báo Thực Nghiệp rồi.

– Thế à? Tại sao?

– Tôi cáu với cử Huyền cho đăng bài nói xấu bác. Tôi cãi nhau với nó kịch liệt một trận, rồi nhất định ra khỏi tòa soạn. Ông Bùi Huy Tín giữ mãi, nhưng tôi không ở.

Anh Thừa cảm động:

– Ra thế đấy. Bây giờ tôi mới biết.

Ông Hoài Tân Tử lại vừa hắt hơi vừa nói:

– Bác cho nó ăn, nhưng nó có ơn gì đâu! Con người ấy còn cảm tình với ai nữa!

Anh Thừa thở dài. Thấy ông bạn hổn hển, anh ái ngại:

– Bác ốm mà cũng đi đêm à? Đã uống thuốc gì chưa?

– Bệnh tôi chả thuốc nào chữa được. Bác đừng cho tôi thuốc mà phí. Tôi đi thế này, chỉ lát nữa lại khỏi như thường thôi.

Đường đến Yên Phụ. Người phu xe già gò lưng, cố lôi cái xe nặng lên dốc cao. Thấy vậy, anh Thừa nhảy xuống đất, thì ông Hoài Tân Tử như choàng dậy, túm lấy áo anh:

– Bác đi đâu?

– Tôi xuống bớt cho xe nhẹ.

Xe đến mặt đê. Anh Thừa lại lên ngồi trên đệm. Bánh sắt nghiến trên đường đá kêu ken két. Hai người yên lặng. Bỗng anh Thừa sực nghĩ đến người bạn của ông Hoài Tân Tử, mà lỡ ra cũng là người quen của anh, thì lôi thôi lắm, anh hỏi:

– Người bạn của bác tên gì?

Ba tiếng đáp lẫn trong tràng hắt hơi:

– Tên là Sáu.

Anh Thừa yên tâm, hỏi thêm:

– Đương sốt thì bác đến đây có phiền người ta hay không? Sao không về nhà bác để nói chuyện?

Ông Hoài Tân Tử không trả lời. Miệng ông bận ngáp. Anh Thừa cầm tay ông bạn để xem mạch:

– Bác buồn ngủ à?

Vẫn không có tiếng đáp.

Một lát, bỗng ông nhà văn giậm mạnh chân xuống sàn xe như kiểu lính tẩy chợt bắt gặp nhân tình:

– Thôi! Quá mất đến mươi nhà rồi!

Người phu suýt tuột đôi càng, bây giờ đặt xe xuống, ông Tình muôn thuở trả tiền, rồi cùng anh Thừa quay trở lại.

Đến một căn nhà có gác, ông gõ cửa. Cửa mở. Có tiếng hỏi:

– Ông Tử đấy à! Tưởng ông không đến?

Anh Thừa theo ánh sáng của chiếc que diêm, trèo lên thang.

Anh nhận thấy gác này cũng nhỏ như gác anh ở, và cũng chỉ trải chiếu trên sàn, chứ không có giường phản. Anh đã rõ mặt người mở cửa, có lẽ là anh Sáu. Không phải người quen. Nhưng anh băn khoăn, không hiểu ông trí thức đến cái gác tối um này làm gì.

Một que diêm thứ hai bật lên. Anh đã thấy ông bạn nằm co quắp trên chiếc chiếu trải tận góc tường, đầu gối trên chiếc cặp bẹt. Anh theo đến ngồi ở đó. Lúc ấy, anh Sáu xuống nhà, để mặc khách ở thầm với nhau.

Anh Thừa hỏi khẽ:

– Người vừa rồi là Sáu à?

Ông Hoài Tân Tử không trả lời, chỉ hắt hơi.

Một lát, có ánh sáng từ dưới nhà lên. Anh Sáu nhô khỏi thang, hai tay bung chiếc khay đèn thuốc phiện.

Anh Thừa sực được trả lời tất cả những câu anh tự hỏi, ông Tình muôn thuở sốt thế nào, và đến đây để làm gì.

Anh Sáu tiêm xong một điếu thì lấy cái đầu lọc tẩu giúi vào bàn tay ông Hoài Tân Tử mấy cái để đánh thức, ông này vẫn nằm nhắm mắt, quên cả xã giao thông thường là mời lơi anh Thừa một tiếng, ông hút bốn điếu liền, mới mở choàng mắt ra, ngồi nhổm dậy:

– Ấy! Chưa có nước à?

Anh Sáu đáp:

– Đương đun.

Vừa lúc ấy, có tiếng chân lên gác nhanh thoăn thoắt. Một người đàn bà, tay cầm ấm giỏ, tay cầm đĩa chén, vừa bò đến gần khay đèn, vừa hỏi bằng giọng chế nhạo:

– Tưởng ông Tử chừa rồi?

Ông Hoài Tân Tử lúc này đã tỉnh như sáo, tươi như hoa đôi mắt đã tinh thần như thường. Ông mỉm cười đáp:

– Có nghiện đâu mà phải chừa? Hút chơi hút bời đấy mà! Bắt được tôi nghiện cũng khó.

Anh Thừa thấy người đàn bà nhìn anh. Anh đoán đây là chị Sáu. Chị ta mặt trái xoan, tóc rẽ bệch, hai mắt thâm quầng. Rõ ràng là người hay thức đêm.

Sực ông Hoài Tân Tử rũ ra cười, nhìn anh Thừa:

– Quên, tôi chưa giới thiệu. Đây là anh chị Sáu.

Rồi giới thiệu khách với chủ nhà:

– Đây là ông Trần Đức Thừa.

Hai bên mỉm cười để làm quen nhau. Chị Sáu lại nhìn anh Thừa, rồi gật đầu:

– Ồ, ông Trần Đức Thừa, tôi nhớ ra rồi. Thế thì tôi có quen bà ấy.

Không biết câu nói vô tình hay hữu ý, nhưng anh Thừa như có kiến bò khắp mình. Cái bà ấy mà chị Sáu quen là ai? Là mẹ Mão? Là mẹ Pôn? Hay là Múi? Anh đánh trống lảng, hỏi đùa ông Hoài Tân Tử:

– Bác khỏi sốt rồi chứ?

Ông Hoài Tân Tử đáp rất tự nhiên:

– Khỏi rồi. Bây giờ ta có thể nói chuyện lâu. Tôi cần biết bác ở phố nào. Chúng ta còn phải gặp nhau nhiều.

Anh Thừa làm như đùa để lảng:

– Thế bác ở đâu? Bác nói trước.

Chị Sáu cười:

– Hình như hai anh cùng muốn giấu chỗ ở của mình. Chắc là sang hơn cái gác này thì phải. Thôi, cần gì biết nhà nhau. Muốn gặp nhau thì hai anh cứ hẹn nhau đến đây.

Anh Thừa gật đầu:

– Phải. Thế là tiện nhất.

Anh Sáu thấy mình hết nhiệm vụ với khách, hỏi:

– Ông còn cần gì tôi nữa không?

– Đã có chị ấy. Anh cứ đi mà ngủ.

Anh Sáu xuống thang. Anh Thừa nhìn theo. Anh hiểu đây không phải nhà bạn ông Hoài Tân Tử, mà là một tiệm lậu thuốc phiện, vợ chồng anh Sáu kiếm ăn bằng nghề làm bồi tiêm. Và rất có thể là người chồng để cho người vợ kiêm cả nghề làm đĩ với khách nữa. Anh đã thấy ở Hà Nội có nhiều tiệm lậu thuốc phiện kiêm cả nhà thổ lậu, và sòng bạc lậu. Có lần anh vào tiệm nhà vợ chồng Ăng-toan, một biệt thự ba tầng, trên đường Quần Ngựa, ở đấy có sáu bàn đèn. Khách đến chơi, cả tây lẫn ta, toàn là tai to mặt lớn. Vợ Ăng-toan mới độ bốn mươi tuổi, nhưng suốt ngày phải nằm và phải đấm lưng, nên nghỉ việc bồi tiêm. Nó nuôi một lũ con em choai choai chanh cốm để tiếp khách.

Ông Hoài Tân Tử ngồi xếp bằng tròn, nhìn chị Sáu thuốc, rồi gật gù:

– Phải, những người tiết tháo như bọn mình, có đời nào chịu làm báo với ông Vĩnh, ông Quỳnh, bác nhỉ.

Chị Sáu hỏi:

– Tại sao hở anh?

– Tại báo của các ông ấy có trợ cấp của chính phủ. Ông Vĩnh xơi năm trăm, ông Quỳnh xơi sáu trăm một tháng. Nhà ngôn luận như vậy là bị khóa miệng rồi. Hết gọi là làm nghề tự do.

Chị Sáu chia đầu dọc tẩu vào ông Hoài Tân Tử. Nhưng ông này bây giờ nhã nhặn rồi, giơ lại phía anh Thừa:

– Mời bác. Tôi nghỉ một tí. Ở Hà Nội mà chưa thưởng thức tài tiêm thuốc của chị Sáu là chưa biết Hà Nội.

Chị Sáu mỉm cười, hỏi:

– Tại sao chính phủ còn phải trợ cấp cho báo nhỉ?

– Thật là câu hỏi đàn bà! Để chính phủ cần gì thì báo các ông ấy viết, chứ tại sao. Thế chị không nhớ hồi bên Tây mới đánh nhau, chính phủ bắt đầu mộ lính chào mào, thì ngày nào báo Trung Bắc chả đăng thư và in ảnh của lính mộ bên Tây gửi về, khoe rằng sung sướng à? Mẹ kiếp! Lăn vào bom đạn, ăn đói, mặc rét, làm việc mửa mật, phải đánh, phải chửi như chó suốt ngày mà sung sướng!

Rồi ông nhìn anh Thừa:

– Bác có nhớ cái bài ở báo Đông Dương tạp chí số một, ra đời hồi tháng 5 năm 1913, sau ngày ông Đề Thám bị giết không? Nguyễn Văn Vĩnh viết bài chửi ông Đề Thám là vô ơn bạc nghĩa với chính phủ, chỉ đáng bỏ rọ trôi sông. Tôi đọc mà lộn cả tiết, muốn xé tờ báo ra!

Anh Thừa hút xong, cố nhiên phải gật đầu:

– Thế thì bác giống tôi. Tôi cũng không chịu được bài báo ấy.

Chị Sáu hỏi:

– Báo Nam Phong đứng đắn đấy chứ? Anh Tử nhỉ?

Ông Hoài Tân Tử trợn mắt:

– Càng đứng đắn mới càng nguy hiểm. Làm ra đứng đắn để nhốt dần óc quốc dân vào nhà tù lúc nào không biết. Giả đạo đức!

Chị Sáu cười:

– Cũng như thuốc phiện này chứ gì!

Anh Thừa sực nhớ đến thủ đoạn của anh dùng để đưa cô Lễ vào tròng. Anh khôn ngoan kém gì ông chủ bút báo Nam Phong. Anh không muốn để chị Sáu chiếm hết thì giờ, anh hỏi nhà văn sĩ:

– Thế nào, bác định bàn gì với tôi?

– Cũng là chuyện làm báo thôi. Chỉ có làm báo, người An-nam mình mới không cần có Pháp tịch cũng được ngang quyền với người Tây. Người có thẻ nhà báo được mời dự các hội nghị quan trọng, được đến bất cứ chỗ nào, được đi xe lửa hạng nhì. Tòa báo được dùng điện tự do, dù truyền cho cả nhà in để chạy máy suốt đêm, cũng không mất tiền. Tôi cố tâm tìm bác, vì tôi định mời bác chuyến này ra làm báo với tôi. Quyền ngôn luận là quyền thứ tư, sau ba quyền lập pháp, hành chính và tư pháp, hẳn bác đã biết.

Anh Thừa không biết, nhưng im lặng để làm như biết hơn người biết.

Ông Hoài Tân Tử tiếp:

– Trong đời tôi, tôi nhìn trước nhìn sau, ở giới trí thức mình, chỉ thấy có mỗi mình bác đáng gọi là tri kỷ. Bác tính, cuốn Tình muôn thuở của tôi, sở dĩ ế, chỉ vì tôi bị chúng nó viết bài bình phẩm chẳng ra làm sao. Bác lạ gì thói cạnh tranh trong văn chương, là dìm nhân tài, là tâng bốc người cùng cánh. Nếu tôi cho chúng nó chè chén, hoặc đút lót chúng nó tí chút, chắc là chúng nó đội tôi lên tận mây xanh như một văn hào, một thi bá. Chỉ vì tôi quá ỷ vào tài của tôi, nên tôi suýt bị chúng nó vùi xuống đất đen. May nhờ có bác là người biết chân giá trị của thơ tôi, bác giúp tôi, làm cho quyển sách tiêu thụ có vài ngày đã hết sạch. Nếu ở nước Nam này không có bác, thì tên tuổi tôi còn gì! Tôi hàm ơn bác.

Anh Thừa thấy chị Sáu nhìn anh, thì càng hãnh diện. Anh ái ngại cho ông nhà thơ thật thà.